Kundalini yoga là gì? Lợi ích và những khuyến cáo khi luyện tập
Kundalini yoga là loại hình yoga tập trung vào sức khỏe tinh thần với mục đích đánh thức trí tuệ và nguồn năng lượng từ bên trong mỗi người.
Ở Việt Nam, kundalini yoga là loại hình yoga còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, số người lựa chọn tập loại hình yoga này đang tăng rất nhanh theo từng ngày. Kundalini yoga là gì và tại sao nhiều người lại muốn thử? Hãy cùng LEEP.APP xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu hơn về loại hình yoga “mới lạ” này nhé.
Kundalini yoga là gì?
Kundalini yoga là loại hình yoga nhận được sự quan tâm rất lớn từ những người yêu yoga nói riêng và cộng đồng nói chung. Dù loại hình yoga này đã rất phổ biến ở nhiều nơi thế giới nhưng nguồn gốc chính xác vẫn chưa được xác định. Theo nhiều nghiên cứu, khái niệm về năng lượng kundalini đã có từ nhiều thế kỷ trước và đã được đề cập trong các văn bản từ thời Vệ Đà (khoảng 1.500 – 600 Trước Công nguyên).
Kundalini yoga “gắn liền” với tên tuổi của Yogi Bhajan, một giáo viên dạy yoga đến từ Pakistan. Và ông cũng là người đã đưa bộ môn này đến với các nước phương Tây vào những năm 1960.
Kundalini là một từ trong tiếng Phạn có nghĩa là “vòng tròn” hoặc một con rắn cuộn tròn. Bởi trong quá trình tập luyện, kundalini yoga sẽ khơi dậy nguồn năng lượng hoặc sức mạnh đang ngủ yên ở gốc cột sống theo dạng một con rắn cuộn tròn trong cơ thể. Khi nguồn năng lượng này được đánh thức, cơ thể sẽ được cân bằng và đem đến sự hỗ trợ rất lớn cho sức khỏe tinh thần.
Kundalini là một loại hình yoga thiên về nhận thức, giúp bồi đắp tinh thần, niềm tin về bản thân và cuộc sống. Loại hình này sẽ tập trung vào việc thiền định, niệm chú, các bài tập thở và thực hành các tư thế lặp đi lặp lại nhằm kích hoạt năng lượng kundalini hay shakti – một năng lượng tâm linh nằm ở đáy cột sống. Khi năng lượng này được đánh thức, nhận thức về bản thân sẽ được nâng cao, đồng thời bạn cũng sẽ vượt qua được bản ngã của chính mình và giác ngộ tâm linh.
Kundalini yoga khác gì so với các loại yoga khác?
Nếu so với các hình thức yoga khác thì kundalini yoga là loại hình yoga thiêng về tâm linh
Dù trong quá trình tập vẫn sẽ có các bài tập thể chất nhưng đó không phải là trọng tâm chính. Điều này khác với hatha hay vinyasa yoga, những loại hình chủ yếu xoay quanh các tư thế.
Kundalini yoga cũng sẽ chính xác và lặp đi lặp lại hơn. Nếu các loại hình yoga khác chỉ đi theo hơi thở thì kundalini yoga lại kết hợp cả thiền, niệm chú, động tác và các bài tập thở. Cụ thể, kundalini yoga sẽ bao gồm 6 phần chính:
- Niệm chú ở đầu buổi học
- Thực hiện các bài tập thở pranayama hoặc các động tác để kéo giãn cột sống
- Kriya là một chuỗi các tư thế, cách thở và thần chú được tích hợp với nhau theo một cách cụ thể. Khi bạn tập trung và thực hiện một kriya cụ thể, năng lượng trong cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách di chuyển chính xác.
- Thư giãn giúp cơ thể và tâm trí tiếp thu các động tác kriya
- Thiền để trau dồi nhận thức
- Niệm chú ở cuối mỗi buổi học
Lợi ích của kundalini yoga
Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh loại hình kundalini có thể mang đến nhiều lợi ích về sức khỏe:
Giảm căng thẳng và lo lắng
Giống như các hình thức yoga khác, kundalini cũng có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Trong một nghiên cứu nhỏ năm 2017, một số học viên tập kundalini yoga đã cảm thấy bớt căng thẳng ngay tức thì. Thậm chí, hiệu quả này còn cảm nhận rõ rệt hơn sau 3 tháng.
Một nghiên cứu năm 2018 đã kết luận rằng chỉ cần tập kundalini 8 tuần là đã có thể làm giảm mức độ lo lắng. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng kundalini là một phương pháp giúp hỗ trợ điều trị rối loạn lo lắng rất hiệu quả.
Cải thiện chức năng nhận thức
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2017 đã chia ngẫu nhiên 87 người bị suy giảm nhận thức nhẹ thành hai nhóm. Một nhóm tập kundalini yoga, trong khi nhóm còn lại được tập luyện tăng cường trí nhớ trong 12 tuần.
Sau một thời gian, cả 2 nhóm đều có sự cải thiện đáng kể về trí nhớ. Tuy nhiên, chỉ có nhóm tập kundalini mới có những cải thiện ngắn hạn và dài hạn ở các kỹ năng như lý luận, giải quyết vấn đề, sự linh hoạt trong nhận thức và nhiều kỹ năng khác. Ngoài việc cải thiện về nhận thức, nhóm tập kundalini yoga cũng có ít triệu chứng trầm cảm hơn.
Tăng nhận thức bản thân
Một nghiên cứu được thực hiện năm 2017 cho thấy kundalini có thể giúp bạn nhận thức về sự tích cực của cơ thể và tăng khả năng chấp nhận bản thân. Những lợi ích này đã được quan sát thấy ở 9 phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng chán ăn tâm thần. Theo các nhà nghiên cứu, kundalini yoga có thể giúp điều trị chứng rối loạn ăn uống bằng cách cải thiện nhận thức và niềm tin vào bản thân.
Giác ngộ tinh thần
Nhiều người tin rằng khi năng lượng kundalini thức tỉnh, bạn sẽ dễ dàng kết nối hơn với tinh thần. Ngoài ra, kundalini yoga còn được cho là có thể mang lại một số lợi ích dù vẫn chưa được khoa học chứng minh:
- Tăng sự đồng cảm
- Tăng khả năng sáng tạo
- Cải thiện sức hút
- Tăng năng lượng
Các tư thế kundalini yoga đơn giản cho người mới luyện tập
Tư thế hoa sen – lotus pose hay padmasana:
Tư thế hoa sen là tư thế ngồi cơ bản nhất trong các lớp yoga. Khi thực hiện, bạn sẽ phải mở rộng vòng hông cho nên bạn có thể bạn sẽ cảm thấy khó khăn nếu bị căng cơ ở vị trí này. Hãy di chuyển chậm và tránh thực hiện tư thế hoa sen nếu bạn đang gặp vấn đề ở vùng hông.
Hướng dẫn tư thế hoa sen:
- Giữ lưng thẳng, đầu, cổ thẳng và mắt hướng về phía trước.
- 2 tay đặt lên 2 bên đầu gối. Ngón tay phải chạm vào ngón tay cái.
- Mắt bạn nhắm lại và bắt đầu tập trung hít thở thật sâu.
Tư thế hoa sen
Tư thế rắn hổ mang – Cobra pose hay Bhujangasana
Tư thế này sẽ kích thích năng lượng kundalini của bạn giúp làm giảm căng thẳng mệt mỏi, các cơn đau thần kinh toạ và cải thiện cột sống.
Hướng dẫn tư thế rẳn hổ mang:
- Nằm sấp trên thảm yoga, hai chân duỗi thẳng ra phía sau. Chống hai tay và nâng phần cơ thể trước lên.
- Luôn giữ các ngón tay duỗi thẳng về phía trước và hai khuỷu tay song song nhau.
- Duỗi thẳng tay, nâng ngực và bụng. Hạ vai thấp và đưa ra sau.
- Giữ tư thế trong vòng 30 giây và hít thở sâu.
Tư thế rắn hổ mang
Kundalini yoga phù hợp với ai?
Kundalini yoga phù hợp và có ích với tất cả mọi người. Tuy nhiên, do tập trung vào ý thức và tinh thần nên các động tác kundalini yoga hầu như đều chậm rãi và ở trạng thái tĩnh. Do đó, với những ai muốn rèn luyện sự kiên trì và tính kỷ luật thì đây là bộ môn phù hợp. Còn với những ai thích sự sôi động, mạnh mẽ thì kundalini không phải là một lựa chọn tốt.
Dù kundalini được đánh giá là an toàn và phù hợp với mọi người nhưng bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tập nếu bạn:
- Có vấn đề về việc hít thở
- Đau khớp
- Chấn thương
- Có vấn đề về thăng bằng
- Đang mang thai.
Ngoài ra, trước khi tham gia lớp kundalini yoga, bạn cần biết về câu thần chú mantra phổ biến, Kriyas, bài tập thở pranayama, mặc đồ trắng và thiền.
Nguồn tham khảo
What Is Kundalini Yoga and What Are the Benefits? https://www.healthline.com/health/kundalini-yoga Ngày truy cập: 20/8/2020
What Is Kundalini Yoga and What Are the Benefits? https://www.healthline.com/health/kundalini-yoga Ngày truy cập: 02/04/2021