Mẹ sau sinh mổ bao lâu thì tập yoga là an toàn để giảm mỡ?
Sau sinh mổ bao lâu thì tập yoga là chủ đề giành được rất nhiều sự quan tâm của phái đẹp. Với trường hợp sinh mổ, bạn sẽ cần nhiều thời gian hồi phục hơn so với sinh thường. Tuy nhiên, mẹ chỉ cần nắm rõ những quy tắc tập luyện dưới đây là đã có thể tự tin lấy lại vóc dáng mơ ước rồi đấy!
Mang thai là giai đoạn mà cơ thể người phụ nữ phải trải qua những sự thay đổi to lớn về thể chất. Do đó, sau khi sinh xong, để vóc dáng trở về ban đầu, bạn sẽ phải mất thời gian và công sức rất lớn.
Các bài tập yoga nhẹ nhàng sau sinh chính là giải pháp tuyệt vời để các sản phụ cải thiện sức khỏe và nhan sắc. Thế nhưng, khi nào là thời điểm thích hợp để bắt đầu tập yoga sau sinh mổ? Hãy cùng LEEP.APP theo dõi tiếp những chia sẻ dưới đây để tìm ra câu trả lời nhé.
Mẹ cần lưu ý gì khi tập yoga sau sinh?
Tập yoga sau sinh mổ có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cho mẹ. Tuy nhiên, ngoài việc đợi vết mổ hồi phục đủ để tập luyện, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Để việc tập yoga có hiệu quả, bạn cần tập đều đặn.
- Trước khi tập, bạn cần thực hiện các bài tập khởi động để làm ấm cơ thể.
- Không tập quá sức vì có thể ảnh hưởng đến vết mổ và các cơ bị tổn thương.
- Thực hiện từng chút một, không cần vội vàng, kiên nhẫn với cơ thể nếu thời gian đầu chưa tập được nhiều.
- Cường độ tập tăng dần theo khả năng chịu đựng của cơ thể.
Cần hết sức thận trọng khi quyết định thời gian tập yoga sau sinh mổ
Sau sinh mổ có nên tập yoga không?
Sau sinh mổ, bạn vẫn có thể tập yoga. Tuy nhiên, việc này mẹ không nên thực hiện vội vàng. Thay vào đó, bạn nên chờ cho đến khi mức độ phục hồi của cơ thể đủ để đảm bảo an toàn cho mỗi bài tập yoga sau sinh.
Do sau khi sinh, vết mổ sẽ cần thời gian để lành lại. Nếu bạn tập yoga khi vết mổ chưa lành, các động tác này có thể ảnh hưởng tới vết thương, gây đau nhức, khó chịu, thậm chí dẫn đến những biến chứng không mong muốn.
Sau sinh mổ bao lâu thì tập yoga được cũng là câu hỏi mà rất nhiều mẹ thắc mắc. Thông thường, phụ nữ sinh thường chỉ cần nghỉ ngơi khoảng 4 – 8 tuần là đã có thể hồi phục và bắt đầu tập yoga lại. Tuy nhiên, phụ nữ sinh mổ sẽ tốn nhiều thời gian để hồi phục hơn.
Vì thế, nếu sinh mổ và muốn tập yoga trở lại, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về thời gian thích hợp để có thể bắt đầu tập yoga sau sinh. Bác sĩ sẽ đánh giá khả năng hồi phục của cơ thể và đưa ra hướng dẫn cần thiết.
Thông thường, khoảng thời gian phụ nữ sinh mổ cần nghỉ ngơi để vết mổ lành lại và ổn định là khoảng 4 tháng. Tuy nhiên, tùy theo thể trạng từng người mà thời gian hồi phục có thể khác nhau. Do đó, việc quan trọng nhất vẫn là bạn nên lắng nghe cơ thể mình và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Khoảng thời gian phụ nữ sinh mổ cần nghỉ ngơi để vết mổ lành lại và ổn định là khoảng 4 tháng
5 tư thế yoga rất tốt cho mẹ sau sinh
Tập yoga sau sinh mổ là cách lý tưởng để tăng cường sức khỏe và tái tạo năng lượng cho cơ thể. Lúc mới bắt đầu tập yoga sau sinh, bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu. Do đó, phái đẹp nên tránh tập quá sức để không gây ảnh hưởng đến vết mổ đang lành.
Bắt đầu với các bài tập thở nhịp nhàng đơn giản như bài tập thở pranayama và các động tác yoga cơ bản trong vài tuần đầu tiên trước khi bắt đầu thực hiện các tư thế dưới đây nhé.
1. Tư thế cây cầu
Tư thế cây cầu sẽ làm săn chắc các cơ quan ở vùng bụng và vùng xương chậu của mẹ. Ngoài ra, nó cũng có tác dụng cải thiện chức năng cơ quan sinh sản nữ.
Cách thực hiện
- Bắt đầu trong tư thế nằm ngửa, 2 đầu gối gập lại, 2 bàn chân cách nhau một khoảng, duỗi tay xuôi theo 2 bên cơ thể.
- Hít sâu, nâng hông lên, bạn có thể đan 2 bàn tay lại với nhau, đặt dưới lưng hoặc duỗi thẳng tay.
2. Tư thế rắn hổ mang
Tư thế rắn hổ mang có khả năng săn chắc cơ bắp ở vai, bụng và ngực của mẹ. Thực hành tư thế này sẽ làm giảm độ cứng của lưng dưới, tăng cường sức mạnh cánh tay và vai.
Cách thực hiện
- Nằm sấp trên thảm. Duỗi 2 chân ra sau sao cho mũi bàn chân chạm sàn. Hai tay thả lỏng, đặt xuôi theo cơ thể, khuỷu tay sát cơ thể
- Chống 2 tay lên thảm, 2 tay đặt ngay dưới ngực. Dùng lực ấn đùi và hông sát sàn. Sau đó, sử dụng lực từ bàn tay từ từ nâng phần thân trên lên.
- Tiếp tục dùng lực đẩy cơ thể lên cho đến khi cơ thể được kéo căng. Kéo vai ngược về sau và giữ hông thật chặt.
- Giữ nguyên tư thế trong vòng 15 – 30 giây, lặp lại nếu cần và tùy theo sức lực của bạn.
3. Tư thế chó cúi mặt
Tư thế chó cúi mặt giúp kéo giãn và tăng cường sức mạnh của lưng, cột sống, cơ bắp đùi và bắp chân. Đặc biệt, tư thế này còn có tác dụng trẻ hóa cơ thể, xoa dịu não và giúp giảm căng thẳng.
Cách thực hiện
- Bắt đầu ở tư thế bò, 2 tay mở rộng bằng vai, 2 chân mở rộng bằng hông, các ngón tay xòe rộng.
- Hít vào, từ từ nâng hông, duỗi thẳng tay và chân để tạo thành tư thế chữ V ngược.
- Ấn mạnh 2 tay xuống sàn và kéo dài cổ, mặt nên nhìn thấy rốn.
- Giữ tư thế trong vòng vài giây, sau đó gập chân về tư thế cái bàn.
4. Tư thế trái núi
Tư thế trái núi giúp mẹ tăng cường sức mạnh cơ thể, làm săn chắc cơ bắp và cải thiện lưu thông máu.
Cách thực hiện
- Đứng thẳng, bàn chân đặt vững chãi trên thảm, các ngón chân hướng về phía trước. Đặt chân đúng tư thế sẽ tạo cho cơ thể sự ổn định, từ đó, bạn sẽ dễ dàng giữ thăng bằng ở những tư thế yoga khác.
- Hít vào và kéo căng cột sống, hãy tưởng tượng như có 1 sợi dây để kéo đầu bạn thẳng lên
- Thả lỏng vai, hai tay duỗi thẳng theo 2 bên cơ thể
- Nhìn thẳng về phía trước
- Giữ tư thế trong 5 – 10 nhịp thở.
5. Tư thế cái cây
Tư thế cái cây giúp củng cố vùng xương chậu, cải thiện sự cân bằng cơ thể và có tác động tích cực lên toàn bộ cơ thể.
Cách thực hiện
- Bắt đầu với tư thế quả núi.
- Gập chân phải và đặt bàn chân ở phần đùi trong của chân trái, các ngón chân hướng xuống dưới.
- Chân trái đứng thẳng, bàn chân đặt ổn định trên thảm và phân bổ lực đều lên toàn bộ lòng bàn chân trái.
- Nhìn thẳng về phía trước, tập trung vào một điểm duy nhất để giữ thăng bằng.
- Khi đã có thể giữ thăng bằng, hãy chắp hai lòng bàn tay lại và giơ lên cao.
- Giữ tư thế khoảng 5 – 10 nhịp thở rồi đổi bên.
Sau khi tập những tư thế này 3 – 4 tuần, bạn có thể tiến tới các tư thế yoga phức tạp hơn như bài tập yoga chào mặt trời. Tuy nhiên, mẹ lưu ý là chỉ nên tập khi bạn cảm thấy thoải mái thôi nhé.
Lợi ích của việc tập yoga sau sinh mổ
Tập yoga vào thời điểm thích hợp sau sinh mổ sẽ rất tốt cho sức khỏe và nhan sắc của mẹ. Cụ thể, các bài tập yoga sau sinh mổ sẽ giúp:
- Phục hồi cơ thể và vóc dáng sau sinh, làm cho cơ bụng săn chắc, tăng cường sức mạnh phần lưng dưới và tăng sức chịu đựng cho cơ thể.
- Tăng cường lưu thông máu, tăng sự dẻo dai cho cơ thể, giải phóng năng lượng, ăn ngon miệng và hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn.
- Tăng cường sự tập trung, khả năng chú ý, xoa dịu tâm trí, cơ thể và tâm hồn, giúp tránh trầm cảm sau sinh.
- Tăng cường sức mạnh của xương và cột sống. Ngoài ra, khớp và các cơ bắp cũng trở nên linh hoạt hơn.
- Cải thiện chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, chẳng hạn như tim (giúp giảm huyết áp), phổi (giúp việt hô hấp dễ dàng hơn).
Lúc mới bắt đầu, bạn chỉ nên thực hiện các tư thế yoga đơn giản và các bài tập thở. Tránh kéo giãn và di chuyển cơ thể quá nhiều và đừng ép cơ thể thực hiện những động tác vượt quá khả năng, mẹ nhé.
Qua bài viết này, chắc hẳn phái đẹp đã tìm được lời giải đáp cho thắc mắc sau sinh mổ bao lâu thì tập yoga. Sinh mổ sẽ cần nhiều thời gian để hồi phục hơn so với sinh thường. Do đó, bạn cần hết sức thận trọng khi quyết định thời gian tập yoga sau sinh mổ.
Tốt nhất, bạn tránh mọi cử động nặng hoặc tập thể dục trong ít nhất sáu tuần sau khi sinh. Trong quá trình tập yoga sau sinh mổ, bạn cũng có thể cân nhắc đến việc mời một giáo viên dạy yoga riêng để đảm bảo việc tập luyện đạt hiệu quả tốt nhất và tránh tình trạng thực hiện sai tư thế làm ảnh hưởng đến quá trình hồi phục.
Nguồn tham khảo
Practicing Yoga After C Section – Best Positions & Precautions to Take https://parenting.firstcry.com/articles/practicing-yoga-after-c-section-best-positions-precautions-to-take/ Ngày truy cập: 15/3/2020