Bài tập thở pranayama có an toàn cho mẹ bầu?
Pranayama là kỹ thuật thở trong yoga có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai muốn tập bài tập này, bạn sẽ có một vài lưu ý cần nhớ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Bạn là một người tập yoga lâu năm, trong thời gian mang thai, bạn vẫn muốn duy trì việc luyện tập, đặc biệt là tập các bài tập thở pranayama nhưng không biết liệu điều này có an toàn không?
Bạn chưa biết gì nhiều về yoga nhưng nghe nói bài tập thở pranayama rất tốt nên muốn tập thử để tăng cường sức khỏe trong thai kỳ? Nếu bạn đang rơi vào một trong hai tình huống trên và chưa biết xử lý thế nào, xem ngay những chia sẻ dưới đây của LEEP.APP để hiểu thêm về tác dụng của bài tập thở pranayama đối với sức khỏe bà bầu nhé.
Ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và tránh căng thẳng là những bí quyết vàng để có một thai kỳ khỏe mạnh. Thực tế, vấn đề ăn uống và tập thể dục có thể giải quyết dễ dàng nếu bạn lên kế hoạch một cách hợp lý.
Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, bận rộn như hiện nay, việc giảm thiểu căng thẳng là điều rất khó thực hiện. Để khắc phục, phần lớn các chuyên gia sản khoa đều khuyên bà bầu nên tập yoga, đặc biệt các kỹ thuật thở pranayama.
Tại sao bà bầu nên tập bài tập thở pranayama trong thai kỳ?
Hơi thở là cầu nối giữa cơ thể và tâm trí, trong yoga, hơi thở chính là nền tảng của các động tác mà bạn thực hiện. Pranayama là 1 từ tiếng Phạn đề cập đến việc hít thở trong yoga.
“Prana” có nghĩa “thở” và “yama” có nghĩa là “kiểm soát”. Khi kết hợp, pranayama có nghĩa là kiểm soát hơi thở. Pranayama gồm những kỹ thuật, bài tập nhằm thiết lập cho mọi người một thói quen thở đúng – thở chậm và sâu.
Các bài tập thở pranayama sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ oxy cho tất cả các bộ phận trong cơ thể. Điều này rất quan trọng trong thai kỳ. Bởi đây là thời điểm mà mà sự sống của bé cưng hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhận oxy từ bạn.
Ngoài ra, sự cân bằng giữa việc hít vào và thở ra còn rất tốt với phổi và việc thanh lọc máu. Luyện tập các bài tập thở prananyama càng thường xuyên trong thai kỳ, cơ thể của mẹ sẽ càng khỏe mạnh để có thể nuôi dưỡng thai nhi một cách tốt nhất.
Dù bài tập thở pranayama trong thai kỳ rất được khuyến khích nhưng bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ
Mặc dù tập các bài tập thở pranayama trong thai kỳ rất được khuyến khích nhưng tốt nhất, bạn vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ. Chỉ khi nhận được sự đồng ý từ bác sĩ, bạn mới nên thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên dạy yoga chuyên nghiệp.
5 lợi ích của bài tập thở pranayama đối với sức khỏe bà bầu
Bà bầu tập các bài tập thở pranayama thường xuyên sẽ nhận được những lợi ích sau:
- Tăng lưu lượng oxy trong cơ thể, đồng thời loại bỏ carbon dioxide, giúp giải độc các cơ quan nội tạng.
- Thúc đẩy cơ thể giải phóng các hormone tích cực, từ đó hạn chế những suy nghĩ tiêu cực và đưa tâm trí trở về trạng thái bình yên.
- Nâng cao ý thức về việc kiểm soát hơi thở cho người mẹ. Điều này đã được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ sinh thường.
- Tăng lưu thông máu trên khắp cơ thể mẹ.
- Tăng cường loại bỏ độc tố từ cả mẹ và con.
Bí quyết giúp mẹ bầu tập bài thở pranayama có hiệu quả
Bài tập thở pranayama có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe cho phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, để nhanh có kết quả, bạn nên thử một số bí quyết sau:
Tập luyện dưới sự hướng dẫn của giáo viên dạy yoga chuyên nghiệp
Hiện nay, trên internet có rất nhiều thông tin và video hướng dẫn cách tập bài tập thở pranayama. Tuy nhiên, những video này không thể thay thế sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên, đặc biệt là khi bạn đang mang thai.
Bởi tập luyện trực tiếp với giáo viên sẽ giúp bạn chắc chắn rằng mình đang tập đúng và sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất. Ngoài ra, khi tập với giáo viên, họ còn hướng dẫn bạn chi tiết cách thực hiện, chỉ cho bạn những bài tập tốt và những bài tập nên tránh trong thai kỳ.
Lắng nghe cơ thể
Mỗi ngày, cơ thể bạn sẽ có một trạng thái khác nhau, đặc biệt trong thời gian mang thai. Lúc này, bạn sẽ cảm nhận được điều này rất rõ rệt. Chính vì vậy, việc lắng nghe cơ thể là hết sức quan trọng.
Nếu thấy mệt mỏi và chóng mặt, tốt nhất mẹ nên tránh tập. Vì nếu không, việc tập luyện có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn và em bé. Ngoài ra, trong quá trình tập, một số kỹ thuật thở còn có thể gây ra một số phản ứng trong cơ thể. Do đó, nếu thấy khó chịu, bạn nên dừng lại ngay lập tức.
Lựa chọn không gian phù hợp
Để có thể nhận được những lợi ích tốt nhất từ pranayama, điều quan trọng nhất là bạn phải chọn được một không gian tập luyện sạch sẽ, thoáng đãng, không bị hầm, bí. Tránh tập ở những nơi bừa bộn hoặc những
Thời gian tập luyện và việc ăn uống
Bạn nên ăn trước khi tập khoảng 3 – 4 tiếng. Ngoài ra, thời điểm lý tưởng nhất để tập bài tập thở pranayama trong thai kỳ chính là sáng sớm. Vì lúc này cả cơ thể và tâm trí của bạn sẽ rất sảng khoái và hưng phấn. Không những vậy, đây còn là thời điểm mà môi trường sạch sẽ và thoáng đãng nhất.
Sáng sớm là thời điểm tốt nhất để tập các bài tập thở pranayama trong yoga
Sử dụng dụng cụ hỗ trợ khi thực hiện các tư thế
Trong quá trình tập luyện, bạn nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ để tránh tình trạng cơ thể bị căng thẳng quá mức. Ngoài ra, bạn nên tập các tư thế theo đúng hướng dẫn của giáo viên để tránh bị đau nhức và chấn thương nhé.
Một số lưu ý bà bầu cần nhớ khi tập bài tập thở pranayama
- Tránh tập bài tập thở kapalabharati pranayama (hơi thở của lửa) trong khi mang thai vì bài tập này có tác động đến bụng, sẽ không tốt cho em bé.
- Bạn nên tránh nín thở trong thời gian dài vì điều này có thể gây căng thẳng và tạo áp lực lên cơ thể của mẹ.
- Tránh tập pranayama hoặc bất kỳ bài tập thể dục nào khác sau bữa ăn.
- Tránh tập bài tập suryanaadi và bhastrika bởi những bài tập này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, không tốt cho thai kỳ.
- Hạn chế tập các bài tập thở pranayama trong ba tháng đầu thai kỳ.
Mỗi phụ nữ sẽ có những đặc điểm khác nhau, không những vậy, mỗi lần mang thai cũng sẽ khác nhau. Vì vậy, trước khi tập pranayama và yoga bầu, bạn phải hỏi ý kiến bác sĩ sản khoa xem các bài tập này có an toàn hay không. Hoặc các bạn có thể thông qua ứng dụng LEEP.APP tìm cho mình huấn luyện viên yoga thích hợp để nhận được sự chỉ dẫn và tư vấn tận tình khi luyện tập phương pháp thở pranayama cũng như những bài tập yoga cho bà bầu.
Nguồn tham khảo
Is Pranayama Safe During Pregnancy? https://www.momjunction.com/articles/pranayama-safe-pregnancy_0074131/ Ngày truy cập: 5/5/2020