Măng tây có 5 tác dụng tốt cho sức khỏe bạn hãy cập nhật ngay
Măng tây là một nguồn cung cấp chất xơ dồi dào và rất quan trọng với quá trình tiêu hóa. Loại thực phẩm này đang dần phổ biến với người dân Việt Nam nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nó.
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ các thành phần dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe và cách chế biến măng tây nhé.
Thông tin tổng quan về măng tây
Măng tây là một thành viên của họ hoa loa kèn. Loại rau phổ biến này có nhiều màu sắc khác nhau, bao gồm xanh, trắng và tím. Cây măng tây được sử dụng trong nhiều món ăn trên khắp thế giới như mì ống, súp và các món xào.
Nó được biết đến như một loại rau mùa xuân và chủ yếu được trồng ở California, Michigan và Washington. Nhập khẩu từ Trung Quốc, Peru, Đức nên bạn có thể ăn quanh năm. Tính thời vụ làm cho cây măng tây đắt hơn các loại rau khác. Dù chỉ đơn giản là hấp, nướng, quay hay được kết hợp vào một công thức thì măng tây đều có hương vị tươi trong món ăn.
Thành phần dinh dưỡng
Cây măng tây có hàm lượng calo thấp nhưng chứa hàm lượng chất dinh dưỡng đáng chú ý. Trên thực tế, 90g măng tây nấu chín chứa:
- Lượng calo: 20
- Chất đạm: 2.2g
- Chất béo: 0.2g
- Chất xơ: 1.8g
- Vitamin C: 12% khẩu phần hàng ngày (RDI)
- Vitamin A: 18% RDI
- Vitamin K: 57% RDI
- Folate: 34% RDI
- Kali: 6% RDI
- Phốt pho: 5% RDI
- Vitamin E: 7% RDI
Loại rau này cũng chứa một lượng nhỏ các vi chất dinh dưỡng khác như sắt, kẽm và riboflavin.
Đây là một nguồn cung cấp tuyệt vời của vitamin K – một chất dinh dưỡng thiết yếu liên quan đến quá trình đông máu và sức khỏe xương khớp.
Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều folate – một chất dinh dưỡng cần thiết phục vụ cho thai kỳ khỏe mạnh và nhiều quá trình quan trọng trong cơ thể như sự phát triển tế bào và hình thành DNA.
Tác dụng của măng tây
Một số chất dinh dưỡng và hợp chất trong măng tây được cho rằng rất có lợi cho sức khỏe như giảm huyết áp cao, thúc đẩy sự khỏe mạnh của thai kỳ và phòng tránh một số bệnh.
Là nguồn giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp bảo vệ tế bào khỏi các gốc tự do và sự stress oxy hóa.
Quá trình stress oxy hóa là một nhân tố góp phần vào quá trình lão hóa, viêm mãn tính và nhiều bệnh tật khác như ung thư.
Măng tây, giống như các loại rau xanh khác, có nhiều chất chống oxy hóa. Chúng bao gồm vitamin E, vitamin C và glutathione, cũng như các flavonoid và polyphenol khác nhau.
Những chất này đã được phát hiện có tác dụng hạ huyết áp, chống viêm, kháng vi-rút và chống ung thư trong một số nghiên cứu trên người, ống nghiệm và động vật.
Bên cạnh đó, măng tây tím có chứa sắc tố mạnh được gọi là anthocyanin – chất giúp rau có màu sắc rực rỡ và có tác dụng chống oxy hóa trong cơ thể.
Trên thực tế, việc tăng lượng anthocyanin được chứng minh làm giảm huyết áp đồng thời hạn chế nguy cơ đau tim và bệnh tim.
Có thể cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Chất xơ cần thiết cho sức khỏe của hệ tiêu hóa. Chỉ cần nửa bát măng tây chứa 1.8g chất xơ, tương đương 7% nhu cầu hàng ngày của bạn.
Các nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều trái cây và rau giàu chất xơ có thể giúp giảm nguy cơ huyết áp cao, bệnh tim và tiểu đường.
Loại rau này đặc biệt chứa nhiều chất xơ không hòa tan, giúp bổ sung lượng chất xơ trong phân và hỗ trợ quá trình chuyển hóa chất thải.
Nó cũng chứa một lượng nhỏ chất xơ hòa tan – Chất này hòa tan trong nước và tạo thành chất giống gel trong đường tiêu hóa. Chất xơ hòa tan nuôi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Điều này có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ thống miễn dịch và sản xuất các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin B12 và K2.
Hỗ trợ thai kỳ khỏe mạnh
Cây măng tây là loại thực phẩm giàu folate (hay vitamin B9). Nửa bát măng tây cung cấp 34% nhu cầu folate hàng ngày cho người lớn và 22% nhu cầu hàng ngày cho phụ nữ mang thai.
Folate là chất dinh dưỡng thiết yếu giúp hình thành các tế bào hồng cầu và sản xuất DNA để đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu của thai kỳ.
Bổ sung folate đầy đủ từ các nguồn như măng tây, rau lá xanh và trái cây có thể giúp phòng chống tình trạng khuyết tật ống thần kinh như nứt đốt sống.
Giúp hạ huyết áp
Huyết áp cao là một nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim và đột quỵ. Nghiên cứu cho thấy việc tăng lượng kali và giảm lượng muối ăn là cách hiệu quả để kiểm soát huyết áp cao. Kali làm giảm huyết áp theo 2 cách: làm giãn thành mạch máu và bài tiết muối dư thừa qua nước tiểu.
Măng tây là một nguồn có hàm lượng kali dồi dào, cung cấp 6% nhu cầu hàng ngày.
Có thể hỗ trợ quá trình giảm cân
Măng tây chứa một số đặc tính giúp bạn có thể giảm cân. Nó chứa rất ít calo, nửa bát chỉ với 20 calo. Điều này cho thấy bạn có thể ăn nhiều măng tây mà không hấp thụ nhiều calo.
Bên cạnh đó, nó chứa 94% nước. Nghiên cứu cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm ít calorie, nhiều nước có tác dụng cho quá trình giảm cân. Nó cũng chứa nhiều chất xơ. Điều này có liên quan trực tiếp đến việc giảm trọng lượng cơ thể của bạn.
Hướng dẫn cách chế biến đúng cách
Măng tây rất ngon, bổ dưỡng và cũng có thể dễ dàng kết hợp vào chế độ ăn uống. Nó có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau bao gồm luộc, nướng, hấp, xào và áp chảo. Bạn cũng có thể mua măng tây đóng hộp và có thể ăn liền.
2 Món ăn phổ biến nhất được chế biến là măng tây xào thịt bò và súp măng tây.
Súp măng tây thơm ngon bổ dưỡng giúp bạn đổi vị khi cần thiết
Măng tây cuộn thịt bò nướng, món ăn hấp dẫn giàu dinh dưỡng cho bạn và gia đình
Nguồn tham khảo
Asparagus Nutrition Facts and Health Benefits https://www.verywellfit.com/asparagus-nutrition-facts-calories-and-their-health-benefits-4118017 Ngày truy cập: 12/1/2020
7 Reasons Why You Should Eat More Asparagus https://www.healthline.com/nutrition/asparagus-benefits#TOC_TITLE_HDR_4 Ngày truy cập: 12/1/2020