Tìm hiểu về yoga: lợi ích, nguồn gốc, triết lý và tư thế tập luyện
Bạn nghe nói rất nhiều về yoga và đang có ý định tập thử nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu? Cùng tìm hiểu kiến thức cơ bản cho việc tập luyện yoga và lợi ích mang lại cho sức khoẻ và tâm trí nhé!
Yoga là bộ môn thể thao gì?
Yoga là gì? Đây là chuỗi các động tác luyện tập giúp kết nối cơ thể, tâm trí, tinh thần thông qua việc kiểm soát các tư thế, hơi thở và thiền định. Đây là bộ môn thể thao cổ xưa có nguồn gốc từ Ấn Độ từ khoảng 5.000 năm trước.
Luyện tập yoga thường xuyên giúp bạn tạo nền tảng xây dựng các thói quen tốt, chẳng hạn như kỷ luật, tự giác và không phụ thuộc. Yoga cũng là cách giúp bạn đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất để sống một cuộc sống khỏe mạnh và trọn vẹn hơn.
Ở Việt Nam, mặc dù chỉ mới du nhập trong thời gian gần đây nhưng yoga hiện đang nhận được rất nhiều lời đánh giá tích cực về những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh yoga thật sự có thể giúp kiểm soát căng thẳng, giảm trầm cảm, lo lắng, cải thiện tâm trạng và giúp ngủ ngon hơn.
Không những vậy, yoga còn được chứng minh là có khả năng tăng cường sự linh hoạt, cải thiện khả năng cân bằng, phối hợp của cơ thể. Ngoài ra, nó còn giúp giảm đau và tăng cường sức mạnh. Mời bạn cùng tìm hiểu chi tiết về lợi ích của Yoga:
Lợi ích của yoga đối với sức khỏe khi luyện tập thường xuyên
Xã hội ngày càng văn minh, hiện đại, nhịp sống của chúng ta cũng ngày một nhanh hơn, điều này khiến tâm trí và hệ thần kinh bị kích thích liên tục. Yoga sẽ cung cấp không gian để làm chậm tâm trí và giúp chúng ta khôi phục cảm giác cân bằng.
Tập yoga giúp tăng độ dẻo dai, sự linh hoạt của cơ thể
Trong năm 2016, tạp chí Yoga và Hiệp hội Yoga đã tiến hành một nghiên cứu ở Mỹ và nhận thấy rằng 36,7 triệu người đang tập yoga, tăng 50% so với năm 2012. Mặc dù vẫn chưa lý giải chính xác được nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ này, nhưng theo các chuyên gia, điều này có thể là do những lợi ích của yoga đối với sức khỏe:
- Tăng cường tuần hoàn máu của cơ thể
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Giúp cơ thể đào thải độc tố
- Chống lão hóa
- Bảo vệ và giúp cột sống chắc khỏe
- Tăng cường sức khỏe xương khớp
- Hỗ trợ giảm cân toàn thân
Không chỉ có lợi cho thể chất, tập yoga thường xuyên sẽ giúp bạn giảm stress, cải thiện giấc ngủ, tăng khả năng tập trung của tâm trí thông qua các bài tập thở, thiền định. Yoga mang đến nhiều lợi ích như thế nhưng bạn có biết, loại hình này lại bắt nguồn từ việc luyện tập khắc nghiệt có nguồn gốc từ Ấn Độ.
>>> Xem thêm: 10 dấu hiệu cho thấy bạn nên học yoga ngay hôm nay
10 lý do khiến bộ môn yoga phù hợp cho tất cả mọi người
Nguồn gốc của yoga
Theo cuốn yoga sutra của nhà hiền triết Patanjali, yoga được định nghĩa là “khả năng chấm dứt việc suy nghĩ lang mang của tâm trí”. Trong quyển sách này, yoga được chia thành 8 con đường luyện tập khác nhau:
- Yamas – Tiết chế
- Niyamas – Quy tắc ứng xử
- Asana – Tư thế
- Pranayama – Kiểm soát hơi thở
- Pratyahara – Làm chủ cảm xúc
- Dharana – Tập trung
- Dhyani – Thiền định
- Samadhi – Trạng thái phúc lạc
Ngày nay, Asana yoga được chú trọng nhiều nhất trong 8 nhánh yoga trên. Asana yoga được phát triển vào đầu thế kỷ 20 bởi Sri Tirumalai Krishnamacharya. Sau đó, ba học trò nổi tiếng nhất của ông đã phát triển thêm các phong cách yoga đặc biệt khác. Mỗi phong cách đều có những đặc điểm và lợi ích khác nhau.
Nhìn chung, yoga là bộ môn có lịch sử lâu đời và trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển. Thế nhưng, dù ở giai đoạn nào mục tiêu chính của yoga vẫn là giúp người tập tăng cường sức mạnh từ thể chất đến tinh thần.
Các loại hình triết lý yoga
Yoga có nhiều loại và bài tập khác nhau, mỗi loại sẽ mang những đặc trưng riêng. Do đó, bạn cần tìm hiểu kỹ về các loại yoga để có thể đưa ra một lựa chọn phù hợp.
- Hatha yoga: Các bài tập hatha yoga rất phù hợp với người mới bắt đầu tập vì các động tác di chuyển chậm hơn so với những loại hình khác.
- Vinyasa, ashtanga và power yoga: Những loại hình yoga này sẽ có mức độ “thử thách” cao hơn so với Hatha yoga. Tuy nhiên, độ khó sẽ phụ thuộc vào giáo viên hướng dẫn của bạn.
- Iyengar yoga: Gồm các động tác được thực hiện chậm rãi, với nhiều chi tiết. Loại hình này tập trung vào chi tiết của từng tư thế, sự điều chỉnh cơ thể và có sử dụng các dụng cụ yoga hỗ trợ.
- Bikram hay hot yoga: Gồm hai kỹ thuật thở và 26 tư thế lặp lại theo thứ tự trong 90 phút, kết hợp với môi trường tập luyện ở nhiệt độ cao khoảng từ 35 – 40 độ C. Tuy nhiên một số người nhạy cảm với nhiệt độ hoặc đang gặp phải một số vấn đề về sức khỏe có thể thấy hot yoga không thoải mái.
- Kundalini yoga: Thường được sử dụng như một loại yoga chữa bệnh. Loại hình yoga này có sự kết hợp giữa thiền, tụng kinh và các yếu tố tâm linh.
- Viniyoga: Loại hình yoga này tập trung vào quá trình hít thở và thiền định. Viniyoga phù hợp với những người bị giới hạn trong việc vận động, những người muốn luyện tập từ trong ra ngoài, những người muốn trải nghiệm cảm giác thư giãn, muốn nhận thức rõ hơn về cơ thể và tư thế.
- Jivanmukti: Là một chuỗi các động tác kết hợp thiền, đồng cảm, tụng kinh và lắng nghe. Jivanmukti phù hợp với những người muốn kết hợp yếu tố tâm linh và giáo lý cổ xưa của yoga vào trong quá trình luyện tập.
- Yin: Một chuỗi các động tác chủ yếu ở tư thế nằm và ngồi, mỗi tư thế được giữ yên từ 3 – 5 phút. Loại hình yoga này phù hợp với những người bị đau mạn tính, căng cơ hoặc trầm cảm. Yin yoga có tác dụng giải phóng căng thẳng, tái tạo, trẻ hóa phạm vi hoạt động của các cơ và mô liên kết.
- Restorative: Gồm các tư thế rất nhẹ nhàng được giữ yên trong 10 phút cùng với sự hỗ trợ của các dụng cụ tập yoga như chăn, đệm và dây đai. Tương tự như yin yoga, loại hình yoga này có tác dụng làm dịu hệ thần kinh, phù hợp với những người bị đau mạn tính, trầm cảm.
9 tư thế yoga cơ bản cho người mới bắt đầu
Dưới đây là một số tư thế yoga cơ bản mà bạn có thể thử khi bắt đầu làm quen với bộ môn này:
1. Tư thế chó úp mặt
Cách thực hiện:
- Quỳ xuống bằng 2 tay và chân
- Duỗi thẳng cánh tay và thả lỏng phần lưng giữa hai bả vai
- Kéo dài tay và nâng cao hông để tạo thành hình chữ “V”ngược
- Nếu thấy cột sống bắt đầu cong khi duỗi thẳng chân, hãy gập đầu gối để giữ cho cột sống được kéo căng
- Giữ yên trong 5 nhịp thở. Trở về tư thế cũ. Lặp lại động tác này 10 – 15 lần.
2. Tư thế rắn hổ mang
Cách thực hiện:
- Nằm sấp, khép 2 chân, mu bàn chân úp xuống sàn nhà. Khép 2 khuỷu tay và úp bàn tay xuống thảm, ngón cái đặt gần nách. Trán chạm nhẹ xuống sàn và thả lỏng vai
- Khi hít vào, dồn trọng lượng cơ thể lên 2 lòng bàn tay, chống bàn tay xuống sàn nhà, uốn cong lưng, nâng ngực và hướng đầu ra phía sau, nhìn lên trần nhà. Sau khi đã nâng tối đa, nín thở trong 8 giây
- Khi thở ra, chậm rãi hạ thân trước và đầu xuống sàn nhà.
3. Tư thế chiến binh 1
Cách thực hiện:
- Bước chân phải về phía trước, khụy gối phải một góc vông. Chân trái đưa ra sau
- Thân người hướng về phía cánh tay phải. Nghiêng chân trái theo một góc 45 độ về phía trước
- Thở ra, chắp 2 bàn tay lại với nhau, từ từ đưa lên cao qua đầu và uốn cong thân người đưa đầu về phía sau giống như việc tạo thành một hình vòng cung
- Hít thở sâu, duy trì tư thế từ 15 – 20 giây, nhẹ nhàng quay trở về tư thế ban đầu sau đó đổi bên và thực hiện tương tự
- Thực hiện mỗi bên 15 lần.
4. Tư thế chiến binh 2
Cách thực hiện:
- 2 chân dang rộng hơn vai, hít thở rồi đưa hai tay sang ngang bằng với vai, thở ra
- Bắt đầu xoay chân phải 90 độ ra ngoài, chân trái xoay vào trong thêm khoảng 30 độ rồi quay đầu theo hướng chỉ của các ngón tay phải
- Khụy gối chân phải sao cho chân trái gập 90 độ rồi giữ nguyên nửa thân trên, tiếp tục giữ nguyên tư thế này và thở nhẹ trong vòng 5 – 10 giây
- Nhẹ nhàng, từ tốn nâng 2 tay cao qua đầu đồng thời duỗi thẳng chân phải. Thư giãn, rồi tiếp tục đưa thân người xuống, khụy gối phải, tay dang ngang. Thực hiện thêm 2 lần từ bước 2 và 3
- Giữ nguyên tư thế này trong 10 – 15 giây
- Đổi bên, làm tương tự và thực hiện động tác này 30 lần.
5. Tư thế cái cây
Cách thực hiện:
- Đứng thẳng, thả lỏng cánh tay
- Hơi điều chỉnh đầu gối, đặt bàn chân phải lên đùi trái bạn
- Chân trái của bạn đứng thẳng. Điều chỉnh cả cơ thể để tìm kiếm sự cân bằng
- Hít vào, nhẹ nhàng nâng 2 cánh tay lên trên đầu hoặc chắp tay lại trước ngực
- Nhìn thẳng vào một điểm ở trước và giữ. Điều này sẽ giúp bạn duy trì sự cân bằng
- Giữ thẳng lưng. Cơ thể thả lỏng thoải mái. Hít thở sâu, mỗi khi bạn thở ra sẽ cảm thấy thư giãn nhiều hơn
- Nhẹ nhàng đưa tay xuống 2 bên, thả chân phải xuống
- Quay trở lại vị trí ban đầu. Lặp lại tư thế với chân trái.
6. Tư thế ngồi gập trước
Cách thực hiện:
- Ngồi thẳng lưng, chân duỗi thẳng trước. Các ngón chân thả lỏng
- Hít vào và nâng 2 tay lên qua đầu, kéo giãn cánh tay
- Thở ra và gập người về phía trước. Cảm nhận phần gập là hông bạn. Cằm cố gắng chạm chân
- Kéo căng cánh tay ra xa nhất có thể
- Hít vào, sau đó ngẩng đầu một chút, kéo giãn cột sống
- Thở ra và cố gắng gập sao cho rốn của bạn chạm chân
- Lặp lại mấy lần, sau đó giữ đầu bạn đặt lên chân
- Hít vào và trở lại tư thế ngồi, tay vươn cao qua đầu
- Thở ra và hạ tay xuống.
7. Tư thế cây cầu
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa
- 2 tay bạn đặt xuôi cạnh hông đùi
- Gập đầu gối và dùng tay nắm lấy cổ chân. Bạn cũng có thể không cần nắm cổ chân mà đan tay vào nhau đặt thẳng tay xuống thảm
- Khoảng cách giữa 2 bàn chân nên rộng bằng vai
- Hít sâu, nâng lưng lên. Cảm nhận sự căng của lưng và cổ
- Giữ tư thế này khoảng 30 giây hoặc lâu hơn, thở đều và chậm
- Từ từ nằm xuống, thở chậm và sâu, thư giãn
- Lặp lại động tác 3 – 5 lần.
8. Tư thế nằm xoay cột sống
Cách thực hiện:
- Nằm ngửa
- Hai đầu gối co lại trước ngực
- Dang 2 tay ra để tạo thành hình chữ T, lòng bàn tay ngửa
- Di chuyển 2 đầu gối về phía bên phải
- Xoay mặt ngược hướng với đầu gối
- Giữ yên tư thế trong 5 nhịp thở, đổi bên.
9. Tư thế con bò
Cách thực hiện:
- Bắt đầu với tư thế 2 tay và 2 đầu gối chạm sàn, giống tư thế 1 cái bàn, 2 chân mở rộng bằng vai, 2 tay đặt song song vuông góc với sàn
- Đảm bảo đầu gối, bàn chân và cổ tay nằm trên một đường thẳng
- Đầu bạn ở vị trí thoải mái, hơi nhìn lên trên
- Hít vào, đẩy mông lên cao, lưng võng xuống hết mức có thể, mở ngực, đầu ngẩng cao hướng lên trần nhà
- Giữ tư thế trong vài giây, sau đó thở ra và trở về tư thế ban đầu
- Thực hiện tư thế lặp lại 5 – 6 lần.
Hơi thở trong yoga cho người mới
Yoga tập trung mạnh vào hơi thở, đây chính điều mà các nghiên cứu cho rằng yoga sẽ mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe. Trong tiếng Phạn các bài tập kiểm soát hơi thở được gọi là “pranayama”. “Prana” có nghĩa là năng lượng, khí, sức mạnh và “ayama” mang ý nghĩa mở rộng. Dưới đây là một số bài tập pranayama cơ bản dành cho người mới bắt đầu tập yoga:
- Ujjayi pranayama: Ujjayi pranayama thường được sử dụng trong Ashtanga yoga và Vinyasa. Một âm thanh như tiếng vỗ về của đại dương được tạo ra nhờ kỹ thuật hô hấp co thắt thanh quản epiglottis. Âm thanh này có tác dụng định tâm trong quá trình luyện tập yoga:
- Nadi Shodhanam pranayama: Kỹ thuật này giúp cân bằng hệ thống thần kinh giao cảm để nuôi dưỡng một trạng thái yên tĩnh, ổn định, giúp bạn cảm thấy an tâm. Đồng thời, động tác này còn giúp cân bằng và điều chỉnh năng lượng của cơ thể.
- Viloma pranayama: Kỹ thuật này có tác dụng xoa dịu não, hệ thần kinh và thường được thực hiện vào đầu hoặc cuối buổi tập.
Kỹ thuật thiền định cơ bản cần nắm trước khi bắt đầu các bài yoga
Thiền là một phần không thể thiếu trong yoga. Thực tế, luyện tập yoga về thể chất là để chuẩn bị cơ thể và tâm trí cho quá trình thiền định.
Dưới đây kỹ thuật thiền định cơ bản mà bạn có thể thực hiện tại nhà:
- Tìm 1 vị trí tĩnh lặng, thoải mái.
- Đặt hẹn giờ cho khoảng thời gian bạn muốn thiền định (khoảng 5 – 10 phút).
- Nhắm mắt lại.
- Lắng nghe âm thanh ở xung quanh, từ khi chúng bắt đầu cho đến lúc tắt dần.
- Bạn có thể nhận thấy nhiệt độ của bản thân hay những gì đang chạm vào làn da.
- Tập trung nhận thức từ phần đầu và di chuyển xuống bàn chân. Những phần nào của cơ thể bạn khó cảm nhận? Những phần nào của cơ thể bạn dễ dàng cảm thấy hơn?
- Hãy nâng cao cảm nhận về hơi thở. Chú ý luồng khí mát mẻ khi bạn hít vào và không khí ấm áp khi bạn thở ra.
- Bắt đầu đếm hơi thở: 1 là hít vào, 2 là thở ra.
Dụng cụ tập yoga
Yoga không đòi hỏi quá nhiều dụng cụ. Dụng cụ đầu tiên và quan trọng nhất là sự sẵn sàng của bạn. Ngoài ra, bạn sẽ cần thêm:
- Thảm tập yoga: Nên chọn những loại thảm có độ bám tốt, chống trơn trượt khi tập. Không nên chà giặt nhiều, chỉ nên dùng khăn thấm nước ấm với giấm để lau. Thảm yoga sau khi sử dụng không nên cuộn lại ngay mà nên mang phơi khô để không thấm mồ hôi, tránh bị mốc, ẩm.
- Đạo cụ và các thiết bị khác: Ngoài thảm tập yoga được khuyến khích mang theo, đa phần các lớp yoga đều sẽ cung cấp tất cả các thiết bị và đạo cụ khác mà bạn cần, chẳng hạn như gối tập, gạch tập…
Thảm tập là vật dụng không thể thiếu với người tập yoga
Nếu bạn không đến lớp học mà mời giáo viên hướng dẫn yoga tại nhà, bạn có thể tìm mua vài thứ cơ bản như thảm tập yoga, bóng tập yoga hoặc dùng những thứ có sẵn trong nhà để thay thế.
Chọn lựa trang phục phù hợp khi tập yoga
Bạn cần chọn những bộ quần áo tập yoga thoải mái để không gây vướng víu, khó khăn khi tập. Bạn có thể chọn quần bó, quần ống lửng hoặc quần short. Với áo, bạn có thể chọn chiếc áo thoải mái với độ che phủ thích hợp và không hở hang quá nhiều để không phải liên tục chỉnh sửa lại áo trong suốt buổi tập.
Kiểu áo tanktop hoặc áo thun với chất liệu vải cotton co giãn tốt sẽ là lựa chọn lý tưởng cho cả phái nam lẫn nữ. Bạn không nên chọn những thiết kế với đường viền cổ áo quá chật để tránh không thoải mái khi thực hiện động tác lộn ngược.
Bạn sẽ không cần phải chuẩn bị giày vì đa phần các động tác yoga được thực hiện bằng chân trần. Bạn cũng có thể mang một đôi vớ yoga có đế ở phía dưới để giữ cho bàn chân không bị trượt.
Chọn lựa địa điểm tập yoga
Thông thường, các lớp học yoga ở các trung tâm, câu lạc bộ sẽ là sự lựa chọn được nhiều người nghĩ đến. Tuy nhiên, đây không phải là sự lựa chọn duy nhất. Bạn có thể chọn tập yoga ở những địa điểm sau:
Phòng tập gym
Ngày nay, phần lớn các phòng tập gym lớn đều cung cấp các lớp học yoga. Nếu đã là thành viên của một phòng gym nào đó, bạn có thể thường xuyên tham gia các lớp học mà không mất thêm chi phí.
Các giáo viên ở phòng tập này phần lớn là người có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, đôi lúc bạn cũng có thể gặp phải một số giáo viên hướng dẫn mới.
Phòng tập yoga
Nơi có các giảng viên hướng dẫn yoga có có trình độ cao, nhiều kinh nghiệm. Ở những phòng tập này thường sẽ có nhiều lớp học với các khung giờ khác nhau để bạn lựa chọn. Tuy nhiên, chi phí bỏ ra để tham gia các lớp học ở các phòng tập yoga thường khá đắt và một số người có thể cảm thấy e ngại vì điều này.
Nếu không có thời gian tham gia các lớp học, bạn có thể mời giáo viên hướng dẫn yoga kèm riêng tại nhà
Tại nhà
Nếu không có thời gian tham gia các lớp học theo khung giờ nhất định, bạn có thể mời giáo viên hướng dẫn yoga riêng kèm tại nhà. Lúc này, bạn có thể linh động sắp xếp thời gian và địa điểm luyện tập. Giáo viên hướng dẫn riêng cũng sẽ dựa vào tình trạng cơ thể bạn để đưa ra các bài tập yoga phù hợp nhất.
Ứng xử khi tham gia các lớp học yoga cho người mới
Tôn trọng và tuân thủ quy tắc lớp học
Cũng giống như các lớp học khác, khi đến với các lớp yoga, bạn cũng cần tuân thủ những quy tắc ứng xử cơ bản như tôn trọng giáo viên, tôn trọng bạn cùng tập và tôn trọng chính bạn. Ngoài ra, bạn cũng không nên đến trễ vì sẽ làm gián đoạn đến các bạn tập khác cũng như ảnh hưởng buổi học của bản thân. Nên tắt hoặc đặt chuông điện thoại ở trạng thái im lặng cho đến khi lớp học kết thúc.
Nên đến sớm hơn thời gian bắt đầu buổi học
Đến sớm hơn giờ học một chút để có thời gian chuẩn bị và tìm vị trí tập phù hợp trong lớp. Đặc biệt trong buổi học đầu tiên, bạn có thể phải điền vào một số giấy tờ cần thiết.
Các giáo viên dạy yoga thường cho khởi động bằng các bài tập thở cơ bản và các tư thế chậm
Đặt câu hỏi sau giờ học
Giáo viên hướng dẫn sẽ giải đáp những băn khoăn của bạn vào cuối buổi học. Đây là thời điểm tuyệt vời để bạn có thêm thông tin về các tư thế cụ thể hoặc chỉ đơn giản là để phát triển mối quan hệ với giáo viên.
Sau khi kết thúc buổi học, hãy dành thời gian đánh giá những điều bạn thích hoặc không thích và suy nghĩ xem liệu tốc độ và cách hướng dẫn của giáo viên như vậy có phù hợp với khả năng của bạn hay không. Dựa vào điều này, bạn có thể đưa ra quyết định có nên tiếp tục tập hay không.
Tự đề ra giới hạn bản thân khi bắt đầu tập yoga
Đây là điều rất quan trọng nhưng phần lớn những người mới tập yoga ít khi quan tâm. Mỗi người sẽ có một mức độ chịu đựng khác nhau, đối với người này những bài tập này có thể an toàn và hiệu quả nhưng với người khác thì lại không. Do đó, dù hầu hết các tư thế yoga đều an toàn nhưng bạn vẫn phải lắng nghe cơ thể và đặt ra giới hạn của mình.
Ví dụ, nếu bạn bị đau lưng, bạn có thể nhờ giáo viên hướng dẫn riêng điều chỉnh các bài tập phù hợp. Sau khi học xong, bạn chỉ nên tập các tư thế mà giáo viên đã dạy cho nhuần nhuyễn chứ không nên thử những động tác mới. Bởi nhiều tư thế yoga sẽ đòi hỏi sức mạnh và sự cân bằng đáng kể. Bạn sẽ cần phải có có thời gian để phát triển điều này.
Ngoài ra, nếu thấy mình học chậm, mất nhiều thời gian để làm được một tư thế đúng thì người tập cũng đừng mất kiên nhẫn hay xấu hổ. Vì bạn không phải là người duy nhất, cũng có rất nhiều người gặp phải vấn đề tương tự.
Chi phí để tập yoga
Chi phí bỏ ra để tập yoga cũng rất linh hoạt, tùy thuộc vào khả năng tài chính của bạn. Về quần áo, bạn có thể chọn mặc những bộ quần áo có sẵn mà bạn thấy thoải mái và có thể di chuyển dễ dàng để tiết kiệm chi phí.
Bạn có thể tự mua thảm tập yoga với giá từ 100.000 – 500.000 đồng/chiếc và tham gia các lớp học tại các câu lạc bộ, trung tâm, nhà văn hóa có giá từ 350.000 – 600.000 đồng/học viên/12 buổi. Nếu không có thời gian, bạn có thể mời hẳn một huấn luyện viên yogi chuyên nghiệp về hướng dẫn tại nhà hoặc bất cứ địa điểm nào phù hợp với bạn.
Một vài “bí ẩn” xung quanh bộ môn yoga
Có rất nhiều “giai thoại” xung quanh việc tập yoga. Nhưng phần lớn những lời đồn thổi này chỉ là chuyện hoang đường, không đúng với thực tế. Bạn không nên tin yoga là bộ môn chỉ dành cho bạn gái hay bạn cần phải có cơ thể linh hoạt, thân hình thon gọn thì mới có thể tập yoga.
Ngoài ra, yoga cũng không phải là một tôn giáo. Bộ môn luyện tập này cũng không “quá khó” hay “quá dễ”. Yoga cũng không dành riêng cho những người ăn chay. Yoga dành cho tất cả mọi người ở mọi cấp độ và yoga có thể phù hợp với mọi lối sống.
Trên đây là một số thông tin cơ bản mà người mới tập yoga nên biết. Nếu bạn là người bận rộn và đang có nhu cầu tìm kiếm một giáo viên hướng dẫn yoga tại nhà nhưng vẫn chưa tìm được người ưng ý, hãy thử tải ngay LEEP. APP – Ứng dụng kết nối huấn luyện viên thông minh chỉ trong một cú chạm.
Thật đơn giản đúng không? LEEP.APP hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ hiểu thêm về yoga và tìm được một giáo viên dạy yoga tại nhà ưng ý nhất nhé.
Nguồn tham khảo
How to Get Started With Yoga https://www.verywellfit.com/how-to-get-started-with-yoga-4165462 Ngày truy cập: 10/2/2019
The Most Common Yoga Injuries and How to Prevent Them https://www.bookyogaretreats.com/news/most-common-yoga-injuries Ngày truy cập: 10/2/2019
The 10 Most Important Yoga Poses for Beginners https://www.doyou.com/the-10-most-important-yoga-poses-for-beginners-25270/ Ngày truy cập: 10/2/2019