“Nhận diện và xử lý” 6 vấn đề khiến bạn tập gym không hiệu quả
Tập gym không hiệu quả là một điều không ai mong muốn. Vì vậy, nhận biết sớm và tìm ra hướng giải quyết là một việc làm cần thiết.
Trong quá trình theo đuổi bộ môn thể hình, sẽ có những lúc bạn nhận ra việc tập gym không hiệu quả của bản thân. Hiện tượng này có thể đến từ những biểu hiện tâm lý như chán nản, hết động lực tập luyện hoặc do chế độ tập bất hợp lý, lối sinh hoạt không lành mạnh. LEEP.APP mách bạn những dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận diện và khắc phục để bạn có thể luyện tập hiệu quả trở lại.
Không còn hứng thú khi tập
Bạn từng là một người trông ngóng từng buổi tập gym. Thế nhưng, giờ đây, mỗi lần nghĩ đến việc đi tập chỉ làm bạn phát chán. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang tập gym không hiệu quả.
Vấn đề có thể đến từ nhiều lý do, chẳng hạn như các mối quan hệ trong phòng tập, việc tập không tiến triển như mục tiêu của bạn đặt ra hoặc đơn giản là không còn động lực.
Khi việc tập trở thành gánh nặng có nghĩa là bạn đang tập gym không hiệu quả
Cách duy nhất để bạn vượt qua các vấn đề trên hoặc bất cứ vấn đề nào khác liên quan đến thể hình, là ngồi lại với một chuyên gia (huấn luyện viên cá nhân hoặc một người tập cùng mà bạn nghĩ họ vững chuyên môn) để tìm ra vấn đề và cách khắc phục.
Nếu không thể tìm ra hoặc không thể giải quyết những vấn đề khiến bạn chán nản phòng gym, cách tốt nhất là bạn nên tìm một bộ môn hoặc hoạt động thể thao khác để thay thế như aerobic, yoga. Điều này sẽ giúp người tập “F5” bản thân cũng như làm phong phú, đa dạng trải nghiệm tập luyện của mình.
Thường xuyên bị đau hoặc chấn thương
Một dấu hiệu rõ ràng nhất của việc luyện tập không hiệu quả là sự xuất hiện của chấn thương hoặc những cơn đau. Khác với những cơn đau do các cơ bị “xé” ra để hình thành các vùng cơ to và đẹp hơn, những cơn đau do chấn thương sẽ khiến việc tập luyện của bạn bị gián đoạn.
Điều này chắc hẳn phần nào làm người tập cảm thấy khó chịu, thậm chí có khả năng còn ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của bạn. Phòng tránh các chấn thương khi tập gym là việc hoàn toàn khả thi, chỉ cần bạn tập đúng kỹ thuật và cường độ.
Các biểu hiện bất thường của cơ thể rất đáng lo ngại
Nguyên nhân của những cơn đau và chấn thương này có thể đến từ việc luyện tập quá độ, một hệ quả của chứng nghiện tập gym. Các thói quen sinh hoạt không lành mạnh như bỏ bữa ăn, thức khuya hoặc tâm lý tiêu cực cũng khiến bạn có những buổi tập gym không hiệu quả.
Dậm chân tại chỗ
Ở những tháng tập đầu tiên, bạn sẽ thấy từng buổi tập đều có hiệu quả. Tuy nhiên, khi duy trì việc tập luyện hơn một năm, bạn sẽ trải qua cảm giác tập ròng rã hàng tháng mà không thu được kết quả khả quan hơn.
Đó không hẳn là dấu hiệu của việc luyện tập không hiệu quả, chỉ là cơ thể bạn muốn nhiều hơn những gì mình đang tập. Khi chúng ta tập gym được một thời gian, bạn sẽ trải qua thời kỳ “giậm chân tại chỗ”. Bởi lúc này tim và hệ tuần hoàn đã thích ứng với những áp lực mà bạn tạo ra trong quá trình tập.
Để khắc phục, bạn cần gia tăng thời lượng, số buổi tập và cường độ tập. Dù vậy, bạn cũng không nên gia tăng tất cả cùng lúc. Thay vào đó, bạn hãy tgia ăng từng thứ một, tránh để cơ thể tập luyện quá độ.
Luôn cảm thấy mệt mỏi
Tập gym thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe khoắn và tràn đầy năng lượng hơn. Tuy nhiên, sau mỗi buổi tập, bạn vẫn cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi dù đã nghỉ ngơi và thư giãn đầy đủ. Đó là dấu hiệu cho thấy việc tập luyện của bạn có vấn đề, trong trường hợp này là tập luyện quá sức.
Chế độ tập bất hợp lý vốn không tốt cho sức khỏe. Hệ quả của thói quen tập luyện này là không mang lại hiệu quả trong những buổi tập gym sau đó. Do lúc này, cơ thể đã quá mệt mỏi.
Việc bạn cần làm khi gặp trường hợp này là sắp xếp giờ nghỉ ngơi hợp lý xen kẽ giữa các buổi tập. Nếu cảm thấy cần thiết, nghỉ hẳn một hoặc hai tuần để làm mới bản thân và cơ thể cũng là một giải pháp đáng cân nhắc.
Chỉ muốn tập cardio
Lên kế hoạch và thực hiện những bài tập tạ để tăng cơ là điều không hề đơn giản. Bạn cần đầu tư rất nhiều so với việc tập cardio. Vì vậy, sẽ có những ngày bạn tập tạ một cách hời hợt, thay vào đó chỉ muốn bước ngay lên máy chạy bộ để tập hàng giờ liền.
Điều này hoàn toàn bình thường nếu xảy ra vài ngày trong tháng. Tuy nhiên, nếu ngày nào bạn cũng “thèm chạy” như vậy, bạn nên cân nhắc chế độ tập luyện của bản thân.
“Thèm chạy” quá mức là một biểu hiện của việc tập gym kém hiệu quả
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là chương trình tập không đa dạng, gây cảm giác nhàm chán. Để giải quyết vấn đề, bạn nên bổ sung vào chương trình tập luyện của mình những bài tập đa dạng như isometric, calisthenic hoặc tabata để tạo cảm giác mới mẻ cho mỗi buổi tập.
Chỉ tập những “bài tủ”
Tập những bài mình thích hoặc những bài mình làm tốt nhất sẽ giúp bạn tự tin và phấn chấn hơn. Dù vậy, nếu không bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân, bạn khó thể tiến bộ được.
Đa dạng bài tập là một điều cần thiết để chống lại cảm giác chán nản
“Tập luyện xoay vòng” có thể là điều bạn nên cân nhắc để trải nghiệm những thứ mới mẻ. Với phương pháp này, bạn sẽ tập “bài tủ” như bình thường, gọi là bài cơ bản. Sau đó, bạn hãy chuyển sang tập các bài khác (có thể khó hơn hoặc dễ hơn) nhưng vẫn tác động lên cùng một nhóm cơ như bài cơ bản. Tất nhiên việc duy trì thói quen tập luyện là cần thiết đểbạn nhanh chóng vượt qua khó khăn và lấy lại phong độ.
Ví dụ, nếu bạn thích bài bench press (một dạng bài tập cơ ngực), hãy lấy đó làm bài cơ bản. Sau khi tập xong một hiệp bench press, bạn có thể tập tiếp các bài như hít đất, chest fly (trên máy hoặc với tạ tay).
Tùy vào khả năng, bạn có thể thực hiện nhiều dạng push up và “xoay tua” tầm 3 đến 4 bài tập khác nhau và quay lại bài tập cơ bản. Như vậy, bạn có thể tập trung vào phần ngực nhưng với nhiều bài tập khác nhau chứ không đơn thuần là đẩy tạ như trước nữa.
Nguồn tham khảo
10 signs your workout isn’t working https://www.livestrong.com/slideshow/1010914-10-signs-workout-isnt-working/?slide=1 Ngày truy cập: 19/5/2020