Nhộng tằm: Dùng sai, hậu quả khôn lường!
Từ một món ngon bổ dưỡng, nếu dùng sai cách, nhộng tằm có thể biến hoá thành chất độc gây hại cho sức khoẻ. Bạn có chắc mình đang sử dụng đúng món ngon này?
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn biết cách chọn lựa và bảo quản nhộng tằm đúng cách. Đừng bỏ lỡ nhé!
Nhộng tằm là gì?
Trong vòng đời của con tằm dâu, nhộng tằm là giai đoạn thứ 3 trong 4 giai đoạn: trứng – sâu tằm – nhộng tằm – ngài. Nhộng tằm có đầy đủ các phần chính của tằm trưởng thành, nhưng chưa đủ các phần phụ. Nhộng tằm chỉ sống nhờ dưỡng chất dự trữ chứ không ăn uống gì.
Trong y học cổ truyền, nhộng tằm được xem là một vị thuốc giúp nhuận tràng. Nhộng tằm cũng là vị thuốc bổ được xếp ngang hàng với sâm nhung. Trong đời sống, người ta sử dụng nhộng tằm như một món ăn ngon miệng lại vừa bổ sung dưỡng chất cho cơ thể.
Lợi ích của nhộng tằm
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy hàm lượng protein và axít amin từ nhộng tằm cao hơn đáng kể so với đậu nành. Theo các chuyên gia dinh dưỡng của Get A Healthy Life, tằm còn được sử dụng rộng rãi và được khoa học ưa chuộng vì chứa nhiều axít béo không no. Các axit béo không bão hòa này đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm mức lipid của cơ thể – tăng cân và thậm chí là béo phì.
Trong một nghiên cứu lâm sàng khi cho chuột ăn tằm, người ta nhận thấy sức mạnh cơ xương tăng lên. Chính vì vậy, nhộng tằm đang bắt đầu trở thành món ăn phổ biến đối với những người tập thể hình và những người đang cố gắng tăng sức mạnh, khối lượng cơ và năng lượng của họ.
Ngoài ra, người ta đã phát hiện ra rằng protein trong tằm kết hợp với tập thể dục có rất nhiều lợi ích.
- Chúng giúp sản xuất chất chống oxy hóa, giảm các cytokine gây viêm và MDA.
- Khi tiêu thụ, tằm và tập thể dục cũng được biết là giúp cải thiện sự trao đổi chất, có thể là giải pháp để giảm thiểu béo phì.
- Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng ăn tằm giúp giảm thiểu cholesterol trong máu, ngăn ngừa xơ gan và giảm tích tụ chất béo.
- Tiêu thụ tằm và thêm nó vào chế độ ăn uống của một người có thể giúp giảm cân.
Không chỉ được sử dụng làm thức ăn, nhộng tằm cũng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế. Chúng được dùng làm chỉ khâu và được sử dụng rộng rãi trong kỹ thuật sinh học và các thủ tục phẫu thuật như phát triển dây thần kinh, mạch máu hoặc xương mới. Chúng cũng có thể được sử dụng để làm bọt biển, lưới y tế và mô tái sinh.
Theo các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Thông, Trung Quốc, họ hiện đang nghiên cứu việc sử dụng các vật liệu phủ và tơ tằm được sử dụng để sửa chữa dây thần kinh ngoại biên. Ngoài việc được sử dụng để tái tạo mô, sợi tơ tằm cũng có thể được sử dụng để giải phóng các loại thuốc khác nhau như thuốc kháng khuẩn, thuốc chống đông máu, và thậm chí cả thuốc chống viêm.
Trong y học cổ truyền của Việt Nam, nhộng tằm được sử dụng để điều trị bệnh.
- Bổ thận, trị liệt dương, tiểu nhiều: Sử dụng 50-100gr/ ngày chia làm 2-3 bữa. Có thể cho nhộng vào cháo chim sẻ, chim cút hoặc rang với lá hẹ, mộc nhĩ để ăn kèm với cơm.
- Bồi bổ cho người lớn tuổi, thận khí suy yếu: Chuẩn bị 200gr nhộng rửa sạch, sau đó cho nhộng vào nồi, thêm nước mắm vừa miệng. Nấu nhộng cho đến khi khô, thêm dầu ăn, 10gr hoa hẹ đã rửa sạch vào xào nhanh. Sau đó lấy ra ăn ngay.
Sai lầm cần tránh khi ăn nhộng tằm
Vì chứa nhiều protein nên nhộng tằm nếu không được bảo quản đúng cách sẽ rất dễ bị phân huỷ. Nghiêm trọng hơn, chúng có thể trở thành chất độc gây hại cho cơ thể. Vì vậy, bạn nên lưu ý những điều sau khi ăn món này nhé!
- Lưu ý màu sắc: Nhộng đã chết và phân huỷ thường có màu vàng nhạt và bị thâm đen. Bạn cũng có thể nhận thấy các đốt trên thân nhộng bị rời rạc, không dính vào nhau. Lúc này, protein trong nhộng tằm đã bị phân huỷ và có thể trở thành chất độc nếu lỡ ăn phải.
- Những con to chưa chắc tốt: Vì chúng có thể đã được ngâm tẩm hoá chất để to, căng tròn và trông bắt mắt hơn. Khi ăn những con này, bạn rất dễ bị ngộ độc do hoá chất ngâm tẩm.
- Không ăn nhộng để lâu ngày: Nhộng để qua đêm trong thời tiết nóng hoặc quá 1 tuần trong thời tiết lạnh đều có thể bị phân huỷ. Bạn không nên ăn đâu nhé!
- Không ăn nhộng sống: Nhộng tằm còn sống có thể chứa chất độc hại. Khi mua nhộng về, tốt nhất bạn nên chế biến ngay và bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 0-5 độ C. Khi chế biến nhộng, bạn không cần sơ chế trước vì tránh nhộng bị biến chất.
- Không ăn quá nhiều: Nhộng tằm giàu dinh dưỡng nhưng nếu ăn quá nhiều, cơ thể có thể bị “bội thực” dưỡng chất và không hấp thụ được hết, gây dư thừa, thậm chí có thể dị ứng. Đặc biệt với trẻ em hoặc người bị bệnh gút, bạn không nên cho ăn quá nhiều nhộng tằm vì có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.
Tóm lại, nhộng tằm là món ăn bổ dưỡng, nhất là đối với người già yếu, thiếu chất. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Dù nhộng tằm có là món yêu thích, bạn cũng chỉ nên ăn từ 2-3 lần/ tuần và phải cẩn thận trong quá trình bảo quản và chế biến để tránh bị ngộ độc.
Nguồn tham khảo
Future of Food: Why We Should All Be Eating Silkworms https://everythingsilkworms.com.au/why-we-should-all-be-eating-silkworms/ Ngày truy cập: 26/12/2020