Tập yoga hàng ngày có thật sự tốt cho sức khỏe của bạn?
Hiệu quả của việc tập yoga sẽ sớm được nhận thấy nếu bạn tập luyện kiên trì và tập trung vào mỗi giờ tập. Chính vì vậy, nếu bạn sắp xếp được công việc, bạn hoàn toàn có thể tập yoga hàng ngày để cơ thể khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái.
Yoga là bộ môn có thể đem đến cho cơ thể rất nhiều lợi ích sức khỏe. Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, số lượng người tập yoga đang gia tăng một cách nhanh chóng.
Bạn mới làm quen với yoga và đang có ý định tập yoga mỗi ngày để sớm đạt được hiệu quả? Bạn băn khoăn không biết có nên tập yoga hàng ngày không? Đừng lo lắng, tất cả những gì bạn thắc mắc đều là những câu hỏi mà các tín đồ yoga thường phân vân. Hãy cùng LEEP.APP xem tiếp những chia sẻ dưới đây để tìm ra lời giải đáp nhé.
Có nên tập yoga hàng ngày không?
Nếu sắp xếp được thời gian, bạn hoàn toàn có thể tập yoga hàng ngày. Thậm chí, tập yoga hàng ngày còn là liều thuốc vàng cho sức khỏe và tinh thần. Nó không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn có thể ngăn ngừa bệnh tật. Cụ thể, tập yoga hàng ngày sẽ giúp:
- Tăng tính linh hoạt cho cơ thể
- Cải thiện sự dẻo dai
- Thư giãn tinh thần, nâng cao tâm trạng
- Tăng năng lượng cho cơ thể
Mặc dù tập yoga mỗi ngày có thể đem đến cho cơ thể nhiều lợi ích nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn ép cơ thể tập quá sức. Nhiều người lúc mới tập thường rất phấn khích, muốn đạt hiệu quả thật nhanh nên gấp gáp luyện tập hoặc tập các bài tập quá nặng. Hậu quả là họ bị mất ngủ, tâm trạng hay bồn chồn, cáu gắt.
Bạn cần hiểu rằng yoga là bộ môn không được vội vàng mà cần sự chậm rãi, thận trọng trong từng động tác. Không phải cứ tập thật nhiều, tập gấp đôi người khác thì sẽ đạt hiệu quả nhanh.
Bạn cũng không thể tập yoga theo ý thích nhất thời hay theo ý muốn của người khác. Thay vào đó, bạn cần tập đều đặn, hàng ngày, đúng quy trình và tuân thủ nguyên tắc để đạt được hiệu quả như mong muốn.
Mỗi ngày nên tập yoga khoảng bao lâu?
Bạn có thể bắt đầu thói quen tập yoga hàng ngày với khoảng tối thiểu 15 phút tập luyện vào buổi sáng hoặc chiều, trong đó có phần khởi động trước khi tập yoga và thư giãn sau bài tập.
Nếu chỉ mới làm quen với yoga, bạn có thể tập ít hơn để duy trì sự phấn khích và sẵn sàng cho việc tập luyện vào ngày hôm sau. Tuy nhiên, khi tập yoga bạn cũng không cần phải quá cứng nhắc trong vấn đề này vì thời gian tập của mỗi người là khác nhau.
Do đó, bạn hãy luyện tập với một tâm trạng bình thản, đừng quá đặt nặng vào việc nên tập trong bao lâu thì mới nhanh có hiệu quả. Bạn cũng nên nhớ tập yoga là quá trình theo đuổi lâu dài chứ không phải chỉ tập 1 – 2 tháng thì sẽ đạt hiệu quả ngay lập tức.
Chính vì vậy, nếu không có thời gian hoặc nghĩ việc tập yoga hàng ngày khiến mình không có nhiều động lực, bạn có thể lựa chọn tập 2 – 3 buổi mỗi tuần hoặc mỗi tuần tập 1 buổi. Điều này vẫn đảm bảo yoga vẫn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nói chung, việc lên lịch tập sẽ tùy thuộc vào bạn, không theo một tiêu chuẩn nào cả, miễn sao bạn duy trì việc tập luyện yoga một cách bền bỉ, kiên trì.
Các tư thế yoga bạn có thể tập mỗi ngày
Nếu tập yoga hàng ngày, bạn nên chọn các tư thế có thể tập trung vào việc cải thiện sự linh hoạt thay vì tăng cường cơ bắp:
1. Tư thế đứng gập người về phía trước
Tư thế đứng gập người về phía trước có tác động lên toàn bộ cơ thể, từ lòng bàn chân đến chân, lưng, cổ, đến tận da đầu. Khi thực hiện tư thế này, toàn bộ các cơ và các mô liên kết trên cơ thể sẽ được kéo giãn và massage.
Cách thực hiện
- Đứng thẳng, 2 tay thả lỏng. Hít vào
- Thở ra, nhẹ gập người về phía trước.
- Giữ cho đầu gối mềm mại, linh hoạt để giữ mông hướng thẳng lên trên.
- 2 tay chạm xuống sàn, cạnh chân. Bàn chân đặt cách nhau một chút và song song với nhau.
- Cố gắng ép ngực vào chân và cảm nhận sức căng từ hông.
- Đầu cúi xuống, giữ tư thế từ 15 – 30 giây.
2. Tư thế xoay lưng vặn mình
Tư thế xoay lưng vặn mình có tác dụng giải phóng căng thẳng ở lưng, kéo giãn cột sống, tăng sự sự linh hoạt và khả năng di chuyển của cơ thể. Khi tập, bạn cần tập chậm rãi, từ từ để tăng kết nối với cơ thể, tránh hấp tấp, vội vàng sẽ khiến cơ thể dễ bị chấn thương khi tập yoga.
Cách thực hiện
- Ngồi trên sàn nhà, lưng thẳng, 2 chân bắt chéo. 2 tay đặt cạnh hông
- Hít thật sâu, thẳng lưng. Thở ra xoay vặn thân trên ra sau hết mức có thể sang trái. Tay phải đặt lên sàn, tay trái đặt trên đùi phải
- Đảm bảo mông luôn chạm sàn
- Tư từ hít vào thở ra nhịp nhàng, giữ tư thế lưng thẳng trong 30 – 60 giây, đầu nhìn thẳng qua vai
- Trở về tư thế ban đầu và lặp lại với bên đối diện.
3. Tư thế con mèo/con bò
Tư thế con mèo/con bò có tác dụng mang lại sự linh hoạt, giảm căng thẳng, đau nhức cho cột sống. Không những vậy, tư thế này còn có tác dụng mát xa cơ quan tiêu hóa và cải thiện việc lưu thông máu.
- Quỳ, gối đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay song song với nhau, khoảng cách rộng bằng vai
- Nhấc lưng và mông lên, hai cánh tay song song với hai chân, vuông góc với mặt sàn.
- Hít vào, giữ toàn thân thẳng, đẩy bụng xuống dưới sàn, đầu ngẩng lên vào tư thế con mèo
- Thở ra, nâng bụng và cột sống lên phía trên trần nhà. Đầu cúi xuống vào tư thế con bò.
- Lặp đi lặp lại từ 10 đến 20 lần.
4. Tư thế xác chết
Bạn nên kết thúc buổi tập của mình bằng tư thế xác chết. Tư thế này sẽ giúp tăng sự tập trung vào tâm trí và cơ thể. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng tư thế này rất là quan trọng vì nó có thể giúp cơ thể phục hồi sau khi tập luyện.
- Nằm ngửa, không kê thêm gối hay đệm
- Nhắm mắt, đặt 2 chân cách nhau 1 khoảng nhưng vẫn đảm bảo bạn cảm thấy thoải mái nhất
- Cánh tay đặt dọc theo cơ thể, lòng bàn tay hướng lên trên
- Đặt sự chú ý của bạn đến toàn bộ các bộ phận trên cơ thể bạn, bắt đầu từ ngón chân lên trên, cho đến đỉnh đầu.
- Thở chậm và sâu, đặt cơ thể vào trạng thái thư giãn sâu.
Tập yoga hàng ngày có thể đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, tuy nhiên, nếu không có thời gian, bạn có thể tập yoga 2 – 3 lần/tuần. Bạn có thể đăng ký tham gia lớp tập yoga tại các câu lạc bộ, hoặc nếu không có thời gian, bạn có thể mời giáo viên dạy riêng thông qua ứng dụng của LEEP.APP.
Nguồn tham khảo
Can You Do Yoga Every Day? https://yogarove.com/can-i-do-yoga-every-day/ Ngày truy cập: 23/3/2020