Quá chán nản khi tập yoga: Làm sao để cải thiện?
Chỉ với một vài thay đổi nhỏ trong quá trình tập luyện là bạn đã có thể thoát khỏi sự chán nản và có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê yoga.
Nếu tập yoga trong một thời gian dài, chắc chắn sẽ có đôi lúc bạn cảm thấy chán nản và không muốn tập. Tình trạng này sẽ càng diễn ra thường xuyên nếu bạn chỉ tập một chuỗi các động tác quen thuộc hoặc chỉ tham gia một loại hình yoga duy nhất.
Khi cảm thấy chán nản, tâm trí của bạn sẽ dễ dàng “bay” đi nơi khác, sự tập trung sẽ giảm sút. Lúc này, bạn chợt nhận ra rằng yoga vốn là bộ môn đã từng mang đến cho mình niềm vui, sự dẻo dai và sức mạnh đang dần trở nên vô vị.
Làm thế nào để thay đổi suy nghĩ này và có thêm động lực để tập yoga? LEEP.APP sẽ bật mí cho bạn một vài bí quyết hữu ích thông qua những chia sẻ dưới đây. Sự lặp lại là nền tảng quan trọng trong việc tập yoga.
Khi tập lặp đi lặp lại một động tác, bạn sẽ tiếp cận sâu hơn và nhìn thấy những sự thay đổi to lớn về thể chất và tinh thần ở cơ thể. Tuy nhiên, sự lặp lại đôi lúc sẽ dẫn đến sự nhàm chán và bạn cần mở ra cho mình những cách tiếp cận khác.
Điều này sẽ giúp bạn có thêm động lực và thoát khỏi lối mòn trong quá trình tập luyện. Bạn sẽ tập yoga với sự đam mê, nhiệt huyết chứ không phải sự chán nản, mệt mỏi vì cứ mãi lặp đi lặp lại một bài tập quen thuộc. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn thay đổi thói quen tập yoga để xua tan cảm giác chán nản khi tập.
Chuyển hướng sự chú ý vào bộ phận khác trong cơ thể
Cơ thể con người có hơn bảy ngàn bộ phận. Nếu cảm thấy chán nản vì cứ tập đi tập lại một tư thế thì rất có thể đó là do bạn cứ mãi tập trung vào một bộ phận hoặc phần nhỏ cơ thể trong khi tập.
Ví dụ, nếu bình thường khi tập tư thế cái cây, bạn sẽ tập trung đôi chân. Để thấy thú vị hơn, người tập có thể chuyển hướng sự tập trung lên các ngón tay. Ở tư thế cây cầu, bạn thường chú ý đến chân hoặc vai, vậy hãy thử đổi sang đầu và cổ.
Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng thực tế, việc đặt nhận thức vào một bộ phận cơ thể khác trong khi thực hiện các tư thế quen thuộc sẽ giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ cũ. Đồng thời, bạn sẽ thấu hiểu cơ thể mình theo một cách hoàn toàn mới.
Khi tập tư thế cái cây, bạn có thể chuyển sự chú ý lên các ngón tay thay vì chân để thấy thú vị hơn
Dành thời gian luyện tập các bài tập thở Pranayama
Nếu đã thực hành asana (tư thế) một thời gian và cảm thấy như bị mắc kẹt trong một lối mòn, có lẽ đã đến lúc bạn thực hiện bước tiếp theo trên con đường yoga: đó là tập các bài tập thở pranayama.
Pranayama có nghĩa là “mở rộng hơi thở” hay “kiểm soát hơi thở”. Đây là cách để bạn làm chủ cơ thể và kiểm soát tâm trí lang thang. Hơi thở là một phần quan trọng của yoga. Dù vậy, pranayama lại thường bị bỏ qua trong các lớp học.
Tập các bài tập thở pranayama thường xuyên sẽ giúp người tập đi sâu vào yoga. Từ đó, việc luyện tập của bạn sẽ có những bước đột phá hoàn toàn mới. Không những vậy, các bài tập này còn cho phép bạn truy cập vào tiềm thức và xóa các ký ức cũ.
Đồng thời, bộ môn này cũnng dạy bạn cách tập trung suy nghĩ để có thể thực hiện các bài tập thiền hiệu quả. Tốt nhất, người tập nên học kỹ thuật pranayama từ một giáo viên dạy yoga chuyên nghiệp.
Nếu bạn đã sẵn sàng cho bước tiếp theo trên con đường này, hãy tìm một khóa học pranayama ở các trung tâm hoặc một giáo viên dạy yoga có thể hướng dẫn các bài tập thở. Tình yêu của bạn dành cho yoga chắc chắn sẽ được tái sinh khi bạn nhận thức được ý nghĩa hoàn toàn mới của việc tập luyện.
Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khi tập các tư thế quen thuộc
Nếu tập yoga được một thời gian, chắc chắn bạn đã có thể thực hiện được các tư thế mà không còn cần đến sự hỗ trợ của các dụng cụ tập yoga như dây tập, gạch tập… Thế nhưng, tại sao ở thời điểm này, bạn không thử sử dụng lại các dụng cụ này với một tâm trí và trạng thái vô cùng khác.
Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ khi tập các tư thế quen thuộc có thể đem đến nhiều điều thú vị
Việc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ có thể giúp bạn sáng tạo ra những điều hoàn toàn mới. Qua đó, cơ thể có thể thực hiện các tư thế uyển chuyển, nhịp nhàng, đồng thời thoát sự nhàn chám và trải nghiệm những điều mới mẻ.
Chẳng hạn, bạn có thể thử tập với gạch tập yoga trong khi thực hiện chuỗi tư thế chào mặt trời hoặc ngồi lên chăn trong khi tập tư thế góc cố định. Chắc chắn với các dụng cụ này, người tập sẽ một lần nữa tìm thấy những điều thú vị trong những tư thế quen thuộc.
Thay đổi một loại hình yoga mới
Yoga là bộ môn có lịch sử phát triển hơn 5000 năm. Theo thời gian, bộ môn này hiện đã có rất nhiều loại và bài tập nhằm phục vụ cho nhiều mục đích.
Nếu bạn đã cảm thấy chán nản với loại hình yoga quen thuộc mà mình đã tập, hãy thử chuyển sang tập một loại hình khác để thử thách tâm trí và cơ thể. Ý tưởng hay nhất đó chính là chọn một loại hình yoga đối lập với loại hình mà bạn đã tập.
Nếu bạn đang tập vinyasa với sự chuyển động liên tục, hãy thử tập yin yoga để trải nghiệm cảm giác tĩnh lặng và ngược lại. Nếu đang tập ashtanga hoặc bikram yoga với các bài tập cứng nhắc, người tập có thể thử chuyển qua một thứ gì đó xa hơn một chút như yoga võng hoặc yoga cười. Điều quan trọng là bạn phải đặt bản thân vào hoàn cảnh mới và khám phá xem chúng ta có khả năng như thế nào.
Nếu đang tập ashtanga yoga với các bài tập cứng nhắc, bạn có thể thử chuyển qua yoga võng
Luyện tập yoga tại nhà với giáo viên dạy yoga riêng
Nếu các lớp học yoga đã trở nên quá quen thuộc và đã không còn hứng thú để tham gia thì đã đến lúc, bạn nên rời bỏ lớp học và luyện tập một mình.
Khi luyện tập một mình, bạn sẽ có thể đào sâu từng động tác yoga. Người tập sẽ có cơ hội lắng nghe cơ thể và tìm ra khao khát của nó trong từng khoảnh khắc. Dựa vào những điều cơ thể cần, bạn có tự chọn từng tư thế sao cho phù hợp nhất.
Không những vậy, việc tự tập luyện một mình tại nhà còn đem đến cho bạn cơ hội để phát triển sự kỷ luật, tự giác và tập trung. Nếu không biết bắt đầu từ đâu, bạn có thể thử mời một giáo viên dạy yoga riêng để được hướng dẫn.
Giáo viên sẽ hướng dẫn cho bạn những bài tập mới và tiếp thêm động lực để bạn duy trì việc luyện tập. Nếu chọn được giáo viên phù hợp, chắc chắn bạn sẽ dễ dàng thoát ra khỏi lối mòn khi tập bộ môn này.
Nguồn tham khảo
IS YOUR YOGA PRACTICE GETTING STALE? 4 WAYS TO CHANGE IT UP! https://www.yogabasics.com/connect/yoga-blog/is-your-yoga-practice-getting-stale-change-it-up/ Ngày truy cập: 15/5/2020