Tư thế cái cây: Đơn giản nhưng lợi ích to lớn

Tư thế cái cây: Đơn giản nhưng lợi ích to lớn

Tư thế cái cây nhìn có vẻ đơn giản và cơ bản nhưng thực tế, không dễ thực hiện được tư thế này bởi nó mang đến sự thách thức rất lớn về khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. 

Nếu kêu một yogi kể tên một vài tư thế yoga đầu tiên mà họ nghĩ đến, chắc chắn tư thế cái cây sẽ xuất hiện trong top 5. Điều đó nói lên rằng đây là một trong những tư thế cơ bản và là tư thế đầu tiên mà bạn sẽ học khi bắt đầu cuộc hành trình yoga.

Mặc dù nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực tế, tư thế yoga này mang đến sự thách thức vô cùng lớn cho hông, mắt cá chân, bàn chân và khả năng thăng bằng của cơ thể.

Hiệu quả thực hiện tư thế này cũng có thể thay đổi hàng ngày, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, từ cảm xúc, tâm trạng, thời gian ngủ cho đến các hoạt động xảy ra ngay trước khi luyện tập. Dù bạn đã tập yoga bao lâu thì việc tập tư thế cái cây thường xuyên vẫn có thể mang lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời cho cơ thể.

5 lợi ích tuyệt vời của tư thế cái cây

Đúng như tên gọi, tư thế cái cây (Vrksasana hay Tree Pose) có hình dáng giống như một cái cây. Đây là tư thế yoga cơ bản giúp cải thiện khả năng thăng bằng gần gũi với thiên nhiên, có tác dụng tạo sự cân bằng, vững chắc và hàng loạt các lợi ích khác:

1. Thư giãn và xoa dịu cơ thể

Chỉ cần tập tư thế cái cây trong một vài nhịp thở là đã có thể giúp tâm trí bĩnh tĩnh trở lại dù bạn có đang cảm thấy lo lắng hay căng thẳng đến như thế nào đi nữa. Tư thế yoga này giúp tạo ra sự bình yên trong tâm trí và trong cơ thể.

Không những vậy, tập tư thế này thường xuyên còn giúp bạn sống chậm lại, điều này đặc biệt hữu ích trong thời đại ngày nay, khi mà cuộc sống trở nên quá nhanh với nhiều áp lực và lo toan.

Ngoài ra, việc tập tư thế cái cây thường xuyên vào sáng sớm còn giúp tăng cường khả năng tập trung để bạn có một ngày làm việc, học tập thật tuyệt vời và hiệu quả.

lợi ích tư thế cái cây

Tư thế cái cây có thể giúp thư giãn và xoa dịu cơ thể

2. Tăng cường sức mạnh cho cơ thể

Tư thế cái cây có thể tạo cho cơ thể sự chuẩn bị để đạt được sự cân bằng tốt nhất. Đặc biệt, tư thế này có thể hoạt động như một tư thế chuyển tiếp giúp bạn dễ dàng di chuyển từ tư thế sang tư thế với sức mạnh và sự tập trung tốt nhất.

Việc đứng trên một chân trong tư thế yoga này còn giúp tăng sức mạnh cho mắt cá chân và bàn chân – một điều rất quan trọng đối với người chạy bộ. Ngoài ra, động tác này còn giúp tăng cường sức mạnh lòng bàn chân, từ đó giúp hỗ trợ điều trị các chứng bệnh, chẳng hạn như viêm mạc gan bàn chân.

Không những vậy, việc giữ thăng bằng trên một chân còn giúp tăng cường sức mạnh do bạn buộc phải sử dụng cơ bắp đùi nhiều hơn. Điều này có thể rất hữu ích đối với những người đang phải vật lộn với chứng đau lưng tái phát.

3. Cải thiện tư thế, sự cân bằng và sự tự tin

Tư thế cái cây là một bài tập tuyệt vời cho sức khỏe vùng chậu và khớp cùng chậu, từ đó, giúp cải thiện tư thế và sức khỏe cột sống, phòng ngừa vẹo cột sống, còng lưng. Thực hiện tư thế này sẽ giúp cột sống của bạn trở nên linh hoạt, cơ thể dẻo dai hơn.

Tư thế cái cây: Đơn giản nhưng lợi ích to lớn

Tư thế cái cây giúp cải thiện tư thế

Ngoài ra, tư thế cái cây có tác dụng tăng cường sự tự tin. Việc đứng thẳng với một tư thế tốt và giữ thăng bằng cho toàn bộ cơ thể trên một chân có thể giúp mở rộng vai, trái tim và đem đến cho bạn cảm giác tích cực.

4. Kéo căng cơ thể

Tư thế cái cây còn có tác dụng giúp giảm đau thần kinh tọa và đau nhức xương khớp, lưng, cột sống nếu bạn duy trì việc luyện tập thường xuyên, đều đặn. Việc nâng chân, mở rộng hông, kéo căng đùi trong và háng là cách tuyệt vời để kéo căng toàn bộ cơ thể.

5. Cho bạn cơ hội để hít thở sâu

Việc đặt bàn tay chụm lại nhau ở vị trí trái tim có thể tạo điều kiện thuận lợi để bạn kết hợp một số bài tập thở pranayama trong quá trình thực hiện. Điều này có thể đem đến cho bạn sự thư giãn và tiếp thêm năng lượng để bạn có một ngày làm việc hiệu quả.

Bật mí các bước cơ bản để thực hiện tư thế cái cây

Để thực hiện tư thế cái cây “đúng chuẩn”, bạn hãy làm theo các bước sau:

  • Đứng ở tư thế trái núi với 2 chân chụm vào nhau, hai bàn tay thả lỏng để dọc theo cơ thể
  • Dồn trọng lượng cơ thể lên chân trái, gập cong chân phải lại, bàn chân phải đặt lên phần đùi trong của chân trái
  • Hai lòng bàn tay úp vào nhau, đặt trước ngực ở tư thế cầu nguyện hoặc nhẹ nhàng nâng 2 cánh tay lên trên đầu và chắp tay lại trước ngực
  • Nhìn thẳng vào một điểm ở phía trước để dễ dàng giữ thăng bằng
  • Giữ thẳng lưng và duy trì tư thế từ 30 giây đến 1 phút
  • Hạ chân xuống, lặp lại tư thế và đổi chân.

Mẹ cùng con thực hiện tư thế cái cây

Bạn phải đảm bảo bàn chân được đặt lên đùi chứ không phải đặt lên đầu gối

Một vài lưu ý khi tập tư thế cái cây cho người mới

Khi tập tư thế cái cây, bạn phải đảm bảo bàn chân được đặt lên đùi chứ không phải đặt lên đầu gối vì nếu đặt lên đầu gối, áp lực sẽ đặt lên đầu gối.

Nếu mới tập, bạn có thể gặp khó khăn khi đặt bàn chân lên đùi, lúc này bạn có thể đặt phía dưới đầu gối hoặc bạn có thể dựa vào tường để dễ thực hiện hơn.

Trước khi tập tư thế yoga này, bạn có thể tập tư thế trái núi thường xuyên để tạo sự chuẩn bị cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh tập tư thế này nếu đang gặp phải các bệnh lý như huyết áp cao hoặc huyết áp thấp, viêm khớp, đau nửa đầu, chóng mặt, mất ngủ.

Trên đây là một số thông tin cơ bản và hữu ích về tư thế cái cây mà bạn nên tìm hiểu trước khi bắt đầu luyện tập. Mặc dù tư thế này nhìn khá là đơn giản nhưng bạn cũng cần tập đúng và thường xuyên dưới sự hướng dẫn của giáo viên dạy yoga chuyên nghiệp để đạt được kết quả tốt nhất nhé.

Nguồn tham khảo

The Holistic Benefits Of Tree Pose https://www.doyou.com/the-holistic-benefits-of-tree-pose/ Ngày truy cập: 10/6/2020


Chủ đề: