5 lợi ích sức khỏe của tư thế đứa trẻ làm ai cũng bất ngờ

5 lợi ích sức khỏe của tư thế đứa trẻ làm ai cũng bất ngờ

Nếu bạn đang tìm kiếm một tư thế vừa giúp thư giãn đầu óc, vừa tác động đến thể chất, vừa ngăn ngừa và hạn chế các cơn đau lưng mãn tính thì tư thế đứa trẻ chính là giải pháp hoàn hảo dành cho bạn.

Yoga là bộ môn xuất hiện từ hơn 5 thiên niên kỷ trước ở lưu vực sông Ấn. Ngày nay, bộ môn này vẫn là sự lựa chọn hàng đầu được nhiều người nghĩ đến khi có nhu cầu rèn luyện sức khỏe.

Trong yoga, có rất nhiều tư thế và mỗi tư thế sẽ tác động khác nhau lên cơ thể. Với tư thế đứa trẻ hạnh phúc, cơ thể bạn sẽ được thư giãn, phục hồi, đồng thời hệ tiêu hóa của được mát xa và nâng cao hoạt động.

Tư thế đứa trẻ – Một trong những tư thế yoga quan trọng

Tư thế đứa trẻ (child’s pose), hay còn gọi là tư thế em bé, có tên tiếng Phạn là ananda balasana. Đây là một trong những tư thế cơ bản đóng vai trò quan trọng trong chuỗi  Asanas. 

Cụ thể, tư thế em bé vừa có tác dụng nghỉ ngơi, chuyển đổi giữa các tư thế, vừa giúp thư giãn cơ thể, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ làm việc bận rộn. Chính vì vậy, đa phần, động tác này thường được thực hiện vào cuối buổi tập hoặc bất cứ khi nào bạn cần nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe.

Tốt nhất, bạn nên tập tư thế đứa trẻ sau khi ăn khoảng 4 – 5 tiếng để đảm bảo thức ăn đã được tiêu hóa hết và cơ thể có đủ năng lượng để luyện tập. Ngoài ra, tư thế đứa trẻ là tư thế mà bạn có thể giữ trong thời gian dài mà không cần đạo cụ.

Do là một tư thế đơn giản, thường tập vào cuối buổi nên tư thế này thường ít được chú ý và hay bị bỏ qua. Nếu bạn cũng là một trong số đó, hãy thay đổi thói quen này ngay hôm nay bởi 5 lý do tuyệt vời sau.

5 lợi ích tuyệt vời của tư thế đứa trẻ khiến ai cũng bất ngờ

Tư thế đứa trẻ là tư thế thứ 20 trong hệ thống 26 tư thế bikram yoga. Trong các buổi tập, tư thế này thường được thực hiện vào đầu hoặc cuối buổi để khởi động, làm nóng và thư giãn cơ thể:

1. Làm dịu tinh thần cực kỳ hiệu quả

Khi thực hiện tư thế đứa trẻ, đầu của bạn (cụ thể là điểm ngay giữa 2 lông mày) sẽ được đặt trên thảm tập. Điều này có tác dụng làm dịu não bộ tức thì.

Không những vậy, việc gập mình với đôi mắt hướng về cơ thể còn là một tín hiệu để thông báo với não rằng cơ thể đang trong trạng thái an toàn, chính vì vậy, tâm trí của bạn sẽ không cần phải lo lắng hay bận tâm.  

2. Tốt cho hệ tiêu hóa

Tư thế em bé được thực hiện với 2 đầu gối được đặt gần nhau, bụng nằm trên đùi. Đây là cách tuyệt vời để xoa bóp các cơ quan nội tạng, giúp củng cố và cải thiện chức năng, đồng thời ngăn ngừa tình trạng đầy hơi, khó tiêu. Khi thực hiện, hãy hít thật sâu, chậm và thở ra.

3. Kéo giãn vùng lưng dưới

Đau lưng là tình trạng rất phổ biến mà hầu hết chúng ta đều gặp phải trong cuộc sống hiện nay. Đặc biệt, nếu bạn là dân công sở, mỗi ngày phải làm ngồi làm việc hàng giờ hoặc nếu bạn làm những công việc phải đứng, ngồi cả ngày thì nguy cơ thì gặp phải tình trạng này là rất cao.  

Nguyên nhân dẫn đến điều này là do chúng ta có xu hướng “đổ” trọng lượng của bản thân lên lưng hoặc do thói quen đứng, ngồi không đúng. Tư thế đứa trẻ sẽ tác động, điều chỉnh vùng lưng, xương sống, đồng thời giúp thư giãn và tăng cường sự dẻo dai.   

4. Mở rộng hông

Cũng giống như vùng lưng dưới, việc ngồi hoặc đứng trong thời gian dài có thể thắt chặt các cơ quan trong và xung quanh hông.

Khi thực hiện tư thế đứa trẻ, hai đầu gối của bạn sẽ mở rộng để bụng có thể thư giãn giữa hai đầu gối, điều này sẽ tạo điều kiện để kéo giãn và mở rộng vùng hông. Đồng thời, tập tư thế này thường xuyên, bạn còn tránh được các cơn đau hông, cũng như cải thiện và duy trì sức khỏe của hông trong suốt cuộc đời.

5. Giúp bạn nhớ rằng nghỉ ngơi là một điều cực kỳ quan trọng trong cuộc sống

Trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn thúc đẩy bản thân làm việc hơn mức bình thường để có thể đạt được những mục tiêu. Nhiều lúc, điều này sẽ khiến bạn quên mất nghỉ ngơi cũng là một phần thiết yếu của cuộc sống.

Giúp bạn nhớ rằng nghỉ ngơi là một điều cực kỳ quan trọng trong cuộc sống

Tư thế đứa trẻ giúp bạn nhớ rằng nghỉ ngơi là một điều cực kỳ quan trọng trong cuộc sống

Trong yoga, nhiều người ép buộc, thúc đẩy bản thân thực hiện các tư thế yoga nâng cao mà lại quên rằng các tư thế nghỉ ngơi, yoga thiền định cũng là một phần quan trọng của cuộc sống.

Chính vì vậy, hãy dành 5 – 10 phút mỗi ngày tập tư thế đứa trẻ để có thể giải tỏa năng lượng tiêu cực, là một trong những tư thế yoga tốt cho vai cũng như nạp thêm năng lượng cho những ngày làm việc sắp đến.

Làm thế nào để thực hiện tư thế đứa trẻ?

Tư thế đứa trẻ khá là đơn giản và dễ làm quen. Tuy nhiên, ở những buổi tập đầu bạn nên dành thời gian nghiên cứu kỹ động tác trước khi bắt đầu thực hành.

Làm thế nào để thực hiện tư thế đứa trẻ?

Cách thực hiện

  • Bước 1: Khởi động bằng tư thế ngồi quỳ gối xuống sàn và ngồi lên gót chân. Khi đã cảm thấy thoải mái, mở rộng đầu gối và hông. Hít thở đều.
  • Bước 2: Gập người về trước giữa hai đùi. Thở ra. Chú ý đầu và ngón chân chạm sàn, gáy thư giãn.
  • Bước 3: Từ từ mở rộng hông và thư giãn giữa hai đùi.
  • Bước 4: Đưa hai tay duỗi thẳng về phía trước, hai lòng bàn tay úp xuống hoặc bạn cũng có thể duỗi thẳng tay về phía sau, dọc theo lưng, hai lòng bàn tay mở hướng lên.
  • Bước 5: Thả lỏng vai. Cảm nhận được sức nặng của vai, bụng thư giãn trên đùi.
  • Bước 6: Giữ tư thế trong khoảng từ 30 giây đến 1 phút hoặc lâu hơn tùy theo khả năng của bạn.
  • Bước 7: Thư giãn, hít thở đều và nâng người lên từ từ để về lại tư thế chuẩn bị.

Bí quyết tập tư thế đứa trẻ cho người mới bắt đầu

Nếu bạn là người mới tập yoga và cảm thấy khó khăn khi để đầu chạm sàn, bạn có thể dùng gối hoặc một cái chăn mỏng gấp lại để cảm thấy thoải mái hơn. Còn nếu gặp khó khăn trong việc gập người ngồi trên chân thì  bạn có thể đặt hai đầu gối rộng hơn chiều rộng của hai bắp đùi rồi đặt vật kê giữa hai đầu gối để có thể đặt phần thân lên.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý là tư thế này không phù hợp với người bị cao huyết áp, bị chấn thương đầu gối, mắt cá chân, những người đang bị tiêu chảy. Do đó, nếu bạn thuộc một trong những trường hợp trên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập nhé.

Nguồn tham khảo

5 Health Benefits Of Child’s Pose https://www.doyou.com/5-health-benefits-of-childs-pose/ Ngày truy cập: 11/5/2020