Tư thế sấm sét – Đơn giản nhưng hiệu quả không ngờ

Tư thế sấm sét – Đơn giản nhưng hiệu quả không ngờ

Tư thế sấm sét là một trong những tư thế yoga cơ bản thường được sử dụng cho mục đích ngồi thiền. Dù nhìn có vẻ đơn giản nhưng thực tế, tư thế này có thể mang đến cho cơ thể rất nhiều lợi ích tuyệt vời.

Tư thế sấm sét là tư thế quỳ có tên tiếng Phạn là Vajrasana, trong đó Vajra có nghĩa là kim cương hoặc tia sét, còn asana tất nhiên có nghĩa là tư thế. Mặc dù tên gọi nghe có vẻ “sấm sét” nhưng chắc hẳn ai trong chúng ta, dù chưa tập yoga bao giờ thì chắc hẳn cũng không quá xa lạ với tư thế này. Hãy cùng LEEP.APP khám phá tư thế đặc biệt này thông qua những chia sẻ dưới đây nhé.

Lợi ích của tư thế sấm sét

Vajrasana là một tư thế ngồi ổn định, vững chắc, khó bị lung lay. Đây là một tư thế thường được sử dụng để tập thiền. Tuy nhiên, rất nhiều yogi chia sẻ rằng ngồi ở tư thế này khá khó bởi họ phải  chiến thắng cơn đau ở chân và sự bất ổn trong tâm trí để làm chủ tư thế và bước vào trạng thái thiền định. Thế nhưng, dù vậy, tư thế này vẫn có thể mang đến cho cơ thể rất nhiều lợi ích tuyệt vời cả về sức khỏe thể chẫn lẫn tinh thần:

Tốt cho hệ tiêu hóa theo nhiều cách

Khi thực hiện tư thế sấm sét, lưu lượng máu lưu thông đến chân và đùi bị cản trở, nhờ đó lưu lượng máu đến dạ dày tăng lên, giúp cải thiện nhu động ruột và giảm táo bón. Không những vậy, tư thế này còn giúp bạn thoát khỏi tình trạng đầy hơi, khó tiêu ợ chua. Đặc biệt, nó sẽ giúp cơ thể hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

Giảm đau thắt lưng

Tư thế Vajrasana giúp tăng cường sức mạnh của cơ lưng dưới, giúp giảm đau và khó chịu. Ngoài ra, tư thế này còn giúp hỗ trợ điều trị đau thần kinh tọa.

Giảm đau

Động tác Vajrasana có thể giúp tăng tính linh hoạt cho cơ đùi, cơ bàn chân cũng như các cơ xung quanh hông, đầu gối và mắt cá chân. Ngoài ra, tư thế sấm sét cũng giúp giảm đau gót chân do gai xương và đau do bệnh gút.

Tăng cường cơ sàn chậu

Tập luyện động tác Vajrasana có thể làm tăng lưu thông máu đến xương chậu và tăng cường cơ sàn chậu. Do đó, tư thế này rất hữu ích đối với những phụ nữ mắc chứng tiểu không kiểm soát. Bên cạnh đó, tư thế sấm sét còn có tác dụng xoa dịu cơn đau đẻ và đau bụng kinh.

Bình tĩnh tâm trí

Thực hành tư thế Vajrasana có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện sự tập trung, từ đó, bạn sẽ ngủ ngon và sâu hơn. Đồng thời ngăn chặn trầm cảm và lo lắng.

Điều trị huyết áp cao

Tư thế sấm sét có thể giúp giảm căng thẳng, điều hòa huyết áp và bảo vệ bạn khỏi các nguy cơ về tim mạch.

Giảm cân

Tư thế sấm sét giúp tăng khả năng tiêu hóa, giảm mỡ bụng. Chính vì vậy, nhiều nghiên cứu đã chứng minh tư thế này có thể mang lại hiệu quả trong việc giảm BMI (chỉ số khối cơ thể) và béo phì.

Cách thực hiện động tác sấm sét

Hầu hết các tư thế yoga đều được khuyên nên thực hiện khi bụng đói, tuy nhiên tư thế sấm sét là một ngoại lệ. Bạn có thể thực hiện tư thế này sau bữa ăn, thậm chí thực hiện ở thời điểm này còn hiệu quả hơn gấp nhiều lần bởi nó thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra bên trong cơ thể. Để thực hiện tư thế sấm sét, bạn hãy:

1. Quỳ trên thảm tập yoga. Ngồi trên đầu gối với bàn chân thư giãn. Bạn cần lưu ý quỳ sao cho lòng bàn chân không chạm đất.

2. Bắt chéo 2 ngón chân cái để tạo điểm tựa giúp bạn có một vị trí ngồi thoải mái.

3. Đặt tay phía trên đầu gối và thư giãn. Cánh tay nên được thả lỏng thay vì kéo căng. Bạn có thể úp hoặc ngửa lòng bàn tay tùy theo cảm giác của bản thân. Hoặc nếu thích, bạn cũng có thể chắp 2 tay trước ngực trong tư thế cầu nguyện.

4. Duỗi thẳng cột sống sao cho lưng vuông góc với sàn, kéo vai ra sau và siết chặt cơ thể. Sau đó, thở ra và hóp bụng vào.

5. Giữ thẳng đầu, mắt hướng về phía trước

6. Tập trung vào hơi thở. Hít thở sâu và từ từ. Khi hít vào và thở ra, lồng ngực sẽ mở ra và xẹp xuống. Tiếp tục giữ lưng thẳng chứ không cúi người về phía trước.

7. Nhắm mắt lại và tập trung vào nội tâm của bạn.

8. Cố gắng giữ nguyên tư thế này trong 1-2 phút. Nếu ngồi thiền, hãy tiếp tục trong 5-10 phút hoặc lâu hơn khi cần.

động tác sấm sét

Một số lỗi thường gặp

Tư thế sấm sét khá đơn giản, bạn có thể thành thạo ngay từ lần tập đầu tiên và điều này có thể tạo động lực để bạnthử các tư thế khác. Thế nhưng, do tư thế quỳ gối này thường được sử dụng trong các chuỗi Yoga Hatha nên bạn hãy chắc chắn rằng mình không mắc phải những lỗi sau:

Cong lưng

Mặc dù cong lưng có thể đem đến cho bạn cảm giác thoải mái nhưng về lâu dài có thể gây đau cổ và lưng. Do đó, bạn cần giữ lưng thẳng trong suốt quá trình tập để đạt hiệu quả tốt nhất.

Cúi đầu

Đây là một lỗi khá phổ biến khiến cổ chịu nhiều áp lực. Thay vì cúi đầu, bạn hãy tập trung nhìn thẳng về phía trước để tránh gây căng thẳng cho cổ.

Gồng cơ thể quá nhiều

Khi thực hiện, bạn cần siết một số bộ phận của cơ thể như bụng, vai và lưng nhưng đừng vì vậy mà quá gồng cơ thể. Nếu thấy không thoải mái, hãy kết thúc tư thế và thư giãn cơ thể.

Kết thúc tư thế quá sớm

Một số tư thế yoga chỉ cần duy trì vài giây hoặc vài phút là đã có thể mang lại hiệu quả nhưng tư thế sấm sét cần được giữ lâu hơn. Bạn hãy cố gắng giữ tư thế trong ít nhất 30 giây. Nếu thiền, hãy giữ ít nhất 5 phút.

Một số lưu ý khi tập tư thế sấm sét

Mặc dù tư thế sấm sét cực kỳ an toàn nhưng khi tập, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:

  • Tránh tập tư thế này nếu bạn có vấn đề về đầu gối hoặc vừa trải qua phẫu thuật ở đầu gối gần đây.
  • Phụ nữ mang thai nên để đầu gối hơi xa nhau khi để tránh gây áp lực lên bụng.
  • Nếu bạn bị loét ruột, thoát vị hoặc bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến ruột già hoặc ruột non, bạn nên tập tư thế này dưới sự hướng dẫn của giáo viên dạy yoga.

Một số lưu ý khi tập tư thế sấm sét

Một biến thể khác của tư thế sấm sét đó là đưa hai tay ra sau lưng và chắp hai tay lại như khi cầu nguyện

Bí quyết tập tư thế sấm sét hữu ích dành cho bạn

Nếu bạn mới làm quen, rất có thể chân của bạn sẽ bị đau. Nếu gặp phải tình huống này, hãy thoát thế và duỗi thẳng chân về phía trước. Sau đó, nhẹ nhàng mát xa mắt cá chân, đầu gối và cơ bắp chân. Nếu luyện tập thường xuyên, theo thời gian, bạn sẽ có thể thoải mái ngồi trong tư thế này lên đến 30 phút

Bên cạnh đó, với những người mới tập, tốt nhất nên làm quen từ từ và dần dần để tăng cường sức mạnh của các cơ ở lưng dưới trước khi cố gắng đi sâu hơn vào tư thế hoặc tăng thời lượng tập luyện.

Một số biến thể nâng cao của tư thế sấm sét

Nếu bạn đã quen với động tác sấm sét, bạn có thể tập biến thể nâng cao hơn. Cụ thể, khi ngồi trong tư thế Vajrasana, bạn sẽ phải cúi người về phía sau và đặt cả cẳng tay cũng như khuỷu tay trên sàn. Sau đó, cong lưng  và cổ cho đến khi phần đầu chạm và đặt trên sàn hoặc được đỡ bằng một chiếc gối mỏng.

Tư thế này giúp tăng cường các cơ ở cổ, lưng và ngực, đồng thời nó cũng giúp mở rộng lồng ngực và giảm các vấn đề về phổi. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải nắm vững động tác Vajrasana trước khi bạn thử tư thế này. Và tốt nhất bạn nên tập biến thể này dưới sự hướng dẫn của một huấn luyện viên yoga.

Ngoài ra, bạn cũng có thể thử một biến thể khác đó là đưa hai tay ra sau lưng và chắp hai tay lại như khi cầu nguyện. Khi thực hiện tư thế nâng cao này, bạn hãy xoay vai và khuỷu tay chậm để tránh chấn thương.

Nguồn tham khảo

How To Do The Vajrasana And What Are Its Benefits https://www.stylecraze.com/articles/how-to-do-the-vajrasana-and-what-are-its-benefits/ Ngày truy cập: 13/10/2020

8 Health Benefits of Vajrasana! https://pharmeasy.in/blog/health-benefits-of-vajrasana/ Ngày truy cập: 13/10/2020

How to do Thunderbolt Pose (Vajrasana) in Yoga https://www.verywellfit.com/how-to-do-thunderbolt-pose-techniques-benefits-variations-4768520 Ngày truy cập: 13/10/2020


Chủ đề: