Tư thế chiến binh và những bí mật không phải ai cũng biết

Tư thế chiến binh và những bí mật không phải ai cũng biết

Tư thế chiến binh là tư thế phổ biến nhất trong các bài tập yoga. Đây là tư thế đơn giản nhưng có thể xây dựng sức mạnh, sự tự tin và nhận thức cơ thể vô cùng hiệu quả.

Nếu bạn theo đuổi loại hình vinyasa hoặc ashtanga yoga thì có lẽ tư thế chiến binh không phải là điều gì đó quá xa lạ. Tên tiếng Phạn của động tác này là Virabhadrasana với tư thế hiên ngang chẳng khác nào các chàng chiến binh trong truyền thuyết. Thực tế, đằng sau tư thế này là một câu chuyện đầy ý nghĩa với những lợi ích vô cùng to lớn. Nếu tò mò, bạn hãy cùng LEEP.APP xem tiếp những chia sẻ dưới đây nhé.

Câu chuyện đằng sau tư thế chiến binh

Tư thế chiến binh bao gồm 3 tư thế, trong đó tư thế chiến binh 2 là quen thuộc nhất. Tư thế Chiến binh 1 cũng phổ biến, nhất là trong Ashtanga yoga. Tư thế chiến binh 3 là tư thế cân bằng với cơ thể có hình dáng chữ T.

Trong tiếng Phạn, tư thế chiến binh có tên là Virabhadrasana và đây cũng là tên của một truyền thuyết bắt nguồn từ Hindu. Trong truyền thuyết, Dakssha – một vị linh mục quyền năng tổ chức một buổi lễ tế thần linh nhưng ông ta không mời đứa con gái út của mình là Sati và cả chồng cô, Shiva. Sati phát hiện ra điều này, với lòng đầy tức giận, cô và cha đã có một trận cãi vã khốc liệt.

tư thế chiến binh

Trong tiếng Phạn, tư thế chiến binh có tên là Virabhadrasana và đây cũng là tên của một truyền thuyết bắt nguồn từ Hindu

Sau trận cãi vã, Sati cảm thấy vô cùng tổn thương bởi những lời lăng mạ từ chính người cha của mình. Cô đã tự thiêu để phá hủy cơ thể mà người cha ban tặng. Shiva, chồng của Sati vô cùng đau đớn, Ngài đã dứt một lọn tóc và vứt xuống đất một cách giận dữ. Lọn tóc này khi chạm vào mặt đất đã biến thành một Chiến binh mạnh mẽ tên là Virabhadra. Shiva đã phái Virabhadra đến buổi lễ tế để giết Daksha và tiêu diệt tất cả các vị khách có mặt.

Trong truyền thuyết, Virabhadrasana là những tư thế thể hiện những hành động mà Virabhadra làm. Ở tư thế chiến binh 1, Virabhadra đến buổi lễ tế với hai thanh kiếm trong tay – đây là tư thế vươn hai cánh tay lên cao, mạnh mẽ và tự tin, sẵn sàng cho trận chiến.

Trong  tư thế số 2, Virabhadra tập trung vào mục tiêu của mình là Daksha. Do đó, khi tập, bạn sẽ mở rộng người và giữ một ánh nhìn đầy mạnh mẽ. Ở tư thế số 3, Virabhadra tìm thấy Daksha và tiêu diệt ông ta bằng hai thanh kiếm của mình. Trong tư thế này, cơ thể sẽ quyết đoán và đầy sức mạnh với 2 tay giơ thẳng về phía trước.

Lợi ích to lớn của tư thế chiến binh

Tư thế chiến binh thể hiện hành động mà Virabhadra – 1 chiến binh mạnh mẽ đã thực hiện. Chính vì vậy, tập luyện thường xuyên các tư thế này là cách để khơi dậy sự phấn khích cũng như sức mạnh tiềm tàng ẩn sâu bên trong cơ thể:

Tư thế chiến binh 1

Thể chất: Đây là động tác có tác dụng tăng cường sức mạnh cho bàn chân, gân kheo, cơ tứ đầu, cơ mông, cơ bụng và mở lồng ngực nếu bạn thực hiện tư thế với lực nâng của phần trên cơ thể.

Tinh thần: Tư thế chiến binh 1 có thể dạy bạn cách nhận thức về cơ thể và tăng sự kết nối giữa cơ thể và tâm trí. Bởi động tác xoay phần trong của bàn chân sau, kết hợp với động tác gập hông đòi hỏi người tập phải có một nhận thức tuyệt vời về vị trí của cơ thể trong không gian.

Tư thế chiến binh 1

Cảm xúc: Tập động tác chiến binh 1 là cách tuyệt vời để phát triển tình yêu thường và lòng dũng cảm. Tư thế này giúp bạn đứng thật mạnh, thật chắc: một chân ra sau, một chân về phía trước, hông hướng về phía trước và nâng ngực lên. Chính sự vững chãi, mạnh mẽ này sẽ giúp bạn cảm nhận được sức mạnh bên trong và lòng dũng cảm, cho phép bạn mở lòng với bản thân và những người khác.

Trong quá trình tập, động tác chiến binh 1 có thể đem đến cho bạn sự mạnh mẽ. Bạn sẽ có cảm giác như mình đang làm chủ không gian và cảm thấy bản thân trở nên vĩ đại hơn, to lớn hơn và tự hào hơn.

Tư thế chiến binh 2

Thể chất: Giống như động tác chiến binh 1, tư thế chiến binh 2 cũng rất tốt cho chân, cơ mông, hông, cơ cốt lõi, ngực, vai và cánh tay. Đây là một tư thế có tác dụng toàn thân, nếu bạn thực hiện đúng cách, tư thế này có thể tác động đến mọi cơ quan trong cơ thể. Ngoài ra, tư thế này cũng có tác dụng phát triển sức bền.

Tinh thần: Tư thế này có tác dụng làm tan biến những căng thẳng trong khi vẫn giữ được sự vững chãi và ổn định. Chẳng hạn, bạn có thể nhận thấy sự căng của cổ và vai trong tư thế này và cố gắng giải phóng trong khi chân vẫn đặt mạnh mẽ trên thảm.

Tư thế chiến binh 2

Cảm xúc: Đây là tư thế mang đến cho bạn cảm giác yên bình. Chính vì vậy, tư thế này xuất hiện trong hầu hết các bài tập yoga. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải dành nhiều thời gian cho tư thế này, bất kể bạn lựa chọn tập loại hình yoga nào.

Tuy nhiên, đôi lúc, sự quen thuộc có thể khiến bạn cảm thấy chán nản hoặc không muốn tập. Nếu những cảm xúc này nảy sinh, bạn hãy nghĩ xem nên dùng tư thế này như thế nào trong cuộc sống để phát triển sự bình yên? Hãy dùng tư thếnày như một tấm gương soi để bạn có thể tìm thấy sự thoải mái và tĩnh lặng trong tâm trí.

Tư thế thế chiến binh 3

Thể chất: Động tác chiến binh 3 mang đến sự cân bằng và ổn định. Nếu mới tập, có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi giữ thăng bằng với 1 chân. Tuy nhiên, nếu kiên trì, tư thế này sẽ là một bài tập tuyệt vời cho cơ bụng.

Tinh thần: Tư thế này có thể khiến bạn muốn thoát thế nhanh bởi nó khá là thách thức về mặt thể chất. Để khắc phục, bạn có thể đưa tâm trí của mình đến một nơi khác để cố gắng giảm bớt sự khó chịu về thể chất mà bạn cảm thấy.

Trong quá trình tập, bạn sẽ được rèn luyện trí óc để có thể luôn tập trung trong các tình huống khó khăn, đồng thời giúp tâm trí thư giãn và giải phóng căng thẳng. Tư thế này có thể giúp loại bỏ sự phản kháng của tinh thần đối với những gì mình không thích và khó chịu.

Tư thế chiến binh 3

Cảm xúc: Tư thế chiến binh 3 có thể mang đến cho bạn t cảm xúc muốn trốn chạy mãnh liệt. Không những vậy, tư thế này còn có thể khiến bạn cảm thấy vượt quá khả năng và muốn bỏ cuộc. Tuy nhiên, đây là cơ hội để rèn luyện cảm xúc, giúp bạn luôn sẵn sàng đối mặt với áp lực và thử thách trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, động tác chiến binh 3 còn dạy chúng ta cách giữ thăng bằng trong cảm xúc, cách xử lý những điều chúng ta cảm nhận mà không cần phải phản ứng với từng điều nhỏ nhặt.

Ngoài ra, còn có tư thế chiến binh ngược, bạn có thể tham khảo thêm bài viết Mách bạn cách đơn giản để thực hiện tư thế chiến binh ngược.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về động tác chiến binh. Nếu bạn muốn, hãy tập thử tư thế này nhé.

Nguồn tham khảo

The Physical, Mental, and Emotional Benefits of the Warrior Poses https://www.doyou.com/the-physical-mental-and-emotional-benefits-of-the-warrior-poses/ Ngày truy cập: 28/9/2020