Băng dán cơ: Dụng cụ hỗ trợ tập luyện dân thể thao cần quan tâm

Băng dán cơ: Dụng cụ hỗ trợ tập luyện dân thể thao cần quan tâm

Cải thiện hoạt động cơ bắp là điều các vận động viên và gymer luôn cần và băng dán cơ có thể đáp ứng. Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu về loại băng này!

Nếu bạn xem những trận đấu thể thao (đặc biệt là bóng chuyền hoặc đua xe đạp), chắc hẳn sẽ không ít lần bắt gặp các vận động viên dán những miếng băng dính dọc theo vai, đầu gối, lưng hoặc bụng. Đấy là băng dán cơ, một dụng cụ giúp hỗ trợ vận động, giảm đau, chống sưng và cải thiện thành tích thể thao. Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu về công cụ hỗ trợ này!

Băng dán cơ là gì?

Kinesio tape, hay còn gọi là băng dán cơ, là loại băng được tổng hợp từ sợi bông và nylon, được thiết kế mô phỏng độ đàn hồi của da nhằm hỗ trợ người dùng đạt được phạm vi chuyển động mong muốn.

Các thành phần dược tính trong băng dán cơ cũng được thiết kế chống nước. Vì vậy, chúng có thể duy trì trong 3 đến 5 ngày dù bạn có tập ra mồ hôi hay tắm. Khi dán vào cơ thể, chúng sẽ hơi rút lại và nâng phần da lên một chút. Cơ chế này sẽ tạo ra một khoảng cách rất nhỏ giữa da người dùng và phần cơ bên dưới.

các loại băng dán cơ

Băng dán giúp người tập vận động dễ dàng hơn

Tùy vào công dụng và mục đích, băng dán cơ có thể có nhiều hình dạng khác nhau. Có thể kể đến như:

  • Băng chữ Y (giúp bao quanh vùng cơ cần cải thiện vận động)
  • Băng chữ I (giảm đau, giảm chấn thương và chỉnh hình)
  • Băng chữ X (hỗ trợ các cơ thay đổi hình dạng trong quá trình vận động như cơ thoi)
  • Băng hình quạt (dùng cho những phần cơ bị sưng, phù nề)
  • Băng hình vòng (cũng dùng để chữa sưng nhưng sẽ tập trung vào phần cơ bên trong vòng)

Công dụng của băng dán cơ các tín đồ thể thao không nên bỏ qua

Hỗ trợ điều trị chấn thương

Các bác sĩ thường dùng băng dán cơ như một phần trong chương trình điều trị cho các loại hình chấn thương. Theo Hiệp hội Vật lý Trị liệu Hoa Kỳ, băng này phát huy tác dụng tối ưu nhất khi đi kèm với các bài tập trị liệu khác.

Hỗ trợ các vùng cơ chưa đủ khỏe

Băng dán cơ cũng có thể đóng vai trò như một công cụ tăng cường vận động các vùng cơ thể như cơ bắp hoặc khớp để đáp ứng nhu cầu vận động của người tập. Không như các loại băng thông thường, băng dán cơ không làm cản trở chuyển động mà còn giúp các cơ cử động thoải mái hơn. Các nghiên cứu còn chỉ ra rằng, loại băng này còn có thể dùng trên những phần cơ đã mỏi trong quá trình tập luyện để việc cử động được thoải mái hơn. Thêm vào đó, khi sử dụng băng dán cơ, bạn cũng có thể hạn chế chấn thương trong quá trình tập luyện.

Điều chỉnh cơ bắp

Loại băng này còn có công dụng kích thích vận động ở các vùng cơ bất hoạt quá lâu hoặc các cơ hoạt động sai tư thế trong quá trình sinh hoạt. Ví dụ, bạn có thể chỉnh tư thế các đốt sống cổ hoặc điều chỉnh tư thế đi. Các chuyên gia y tế cho rằng, cảm giác khác lạ trên da khi dán băng chính là nguyên nhân cho những sự thay đổi này, làm cho người dùng chú ý hơn đến sự hoạt động của cơ thể.

Hỗ trợ điều trị sẹo

Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng băng dán cơ có thể giúp cải thiện vùng da sẹo hậu phẫu hoặc chấn thương khi tập gym. Tuy nhiên, bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi tiến hành phương pháp này.

Các bước sử dụng băng

  1. Vệ sinh vùng da được dán: Nhờn và các cặn mỹ phẩm có thể làm giảm độ bám của băng.
  2. Triệt lông: Lông tơ, mềm không nhất thiết phải triệt, nhưng lớp lông quá dày sẽ làm băng không dính vào da và giảm tác dụng.
  3. Cắt bo tròn các góc băng. Những góc tròn này sẽ hạn chế bong tróc do băng cọ xát vào quần áo.
  4. Dán miếng băng vào vùng được chỉ định. Các bác sĩ hoặc những người có chuyên môn sẽ cho bạn biết độ căng nào là phù hợp với bạn. Tuy nhiên, bạn không nên căng phần băng dán cơ ở các mép, vì như vậy băng sẽ dễ bong tróc hơn. Tốt nhất nên chừa một đoạn khoảng 5cm để cố định.
  5. Miết phần băng: Sau khi đã dán, miết phần băng bằng cả ngón tay cái để chắc chắn hơn.
  6. Xoa bóp: Khi miếng băng đã cố định, xoa bóp phần được dán băng trong vài phút. Nhiệt độ sẽ kích hoạt phần keo và tăng độ bám.

sử dụng băng dán cơ

Nên có nhân viên y tế hướng dẫn hoặc băng giúp khi lần đầu sử dụng

Các bước tháo băng

  1. Thoa dầu ô liu hoặc lotion để làm lỏng miếng băng.
  2. Tách dần miếng băng ra khỏi cơ thể, không dùng những động tác mạnh có thể gay tổn thương da.
  3. Khi gần tới phần mép, ấn vào da để tách rời khỏi miếng băng. Lưu ý rằng bạn nên kéo miếng băng thuận chiều thay vì lột ra khỏi da.
  4. Nếu da bị đỏ, ngứa hoặc thương tổn, ngưng sử dụng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những ai không nên dùng băng dán cơ?

Không sử dụng băng dán cơ vào những vết thương hở là điều chắc chắn. Tuy nhiên, băng dán cơ còn chống chỉ định với những bệnh nhân ung thư, tiểu đường và da nhạy cảm hoặc thiếu độ đàn hồi.

Ngoài băng dán cơ, phương pháp tập luyện và chế độ dinh dưỡng cũng là những yếu tố bổ trợ để bạn đạt được hình thể mong muốn một cách nhanh chóng nhất.

Nguồn tham khảo

What is kinesiology tape? https://www.healthline.com/health/kinesiology-tape Ngày truy cập: 7/3/2020

Kinesiology taping https://www.physio-pedia.com/Kinesiology_Taping Ngày truy cập: 7/3/2020