8 lợi ích của thiền chánh niệm khiến nhiều người ngỡ ngàng

8 lợi ích của thiền chánh niệm khiến nhiều người ngỡ ngàng

Học thiền chánh niệm không mất nhiều thời gian nhưng tác dụng mà thiền chánh niệm mang lại cho sức khỏe và tinh thần là vô cùng lớn.

Bắt nguồn từ hoạt động Phật giáo phương Đông, thiền chánh niệm đang lan truyền mạnh mẽ và được đón nhận nồng nhiệt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh cuộc sống hối hả, bộn bề như hiện nay, thiền chánh niệm được xem là phương thuốc thần kỳ giúp chữa lành tinh thần vừa đơn giản vừa hiệu quả dành cho tất cả mọi người. Hãy cùng LEEP.APP xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về tác dụng của ngồi thiền chánh niệm nhé.

Thiền chánh niệm là gì?

Rất nhiều người chia sẻ rằng, sau khi thực hành thiền chánh niệm, tâm trí họ tràn ngập những ý nghĩ tốt đẹp. Thiền chánh niệm đã làm điều đó như thế nào? Để trả lời được câu hỏi này, trước hết, bạn cần hiểu chánh niệm là gì.

Chánh niệm là sự thức tỉnh, chú tâm vào những điều đang xảy ra trong cuộc sống hiện tại thay vì để tâm trí tràn ngập những suy nghĩ không mong muốn. Điều này sẽ dẫn dắt bạn tự nhìn nhận quan điểm của mình, sống hòa hợp với thế giới xung quanh cũng như ý thức sâu sắc về tính chất toàn vẹn của mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, ý niệm này còn khiến những suy nghĩ tiêu cực không có không gian để phát triển. Bạn sẽ có thể gác bỏ những lo toan, muộn phiền trong cuộc sống. Khi sự lo lắng ngừng tích tụ, tâm trí bạn sẽ trở nên bình tĩnh và thoải mái hơn.

Thiền chánh niệm là một bài tập rèn luyện tinh thần bằng cách tập trung tâm trí vào các yếu tố như cảm xúc, cảm giác và suy nghĩ ở thời điểm hiện tại. Đây cũng có thể được xem là một quá trình tự soi xét bản thân và hành động có ý thức để giúp bạn sống có mục đích rõ ràng trong thời khắc hiện tại.

8 lợi ích của thiền chánh niệm khiến nhiều người ngỡ ngàng

Bạn có biết mỗi ngày chúng ta đang lãng phí quá nhiều thời gian và năng lượng cho những suy nghĩ mông lung, rối rắm? Một nghiên cứu của Đại học Harvard cho biết, một người trưởng thành mất khoảng 47% thời gian mỗi ngày lang thang trong tâm trí của chính mình.

Bạn hoàn toàn có thể học cách kiểm soát ý thức cũng như tiềm thức của mình thông qua thiền chánh niệm. Hoạt động này giúp bạn tận dụng tối đa sức mạnh của tâm trí, từ đó nâng cao sức khỏe tinh thần:

  1. Cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp bạn ngủ ngon và sâu hơn
  2. Hỗ trợ giảm cân nếu bạn đang phải vật lộn với những biến động về cân nặng
  3. Giảm căng thẳng – một điều phổ biến trong xã hội có nhịp độ nhanh như hiện nay
  4. Giảm cảm giác cô đơn ở người lớn tuổi
  5. Nâng cao khả năng tập trung, chú ý, tăng trí nhớ, giúp tinh thần minh mẫn và tỉnh táo hơn
  6. Kiểm soát các cơn đau mãn tính, cải thiện đáng kể tình trạng đau đớn để bạn dễ dàng thực hiện các hoạt động hàng ngày
  7. Ngăn ngừa tái phát trầm cảm bằng cách giúp người bệnh thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực và những rối loạn chức năng đi kèm
  8. Tăng lượng chất xám trong não – bộ phận tham gia vào việc điều chỉnh cảm xúc, trí nhớ và quá trình học tập.

Gần đây, trường Đại học Harvard, Mỹ còn đề xuất các biện pháp như yoga, thiền và thở để đối phó với COVID-19.

Thực hành ngồi thiền chánh niệm như thế nào?

thiền chánh niệm

Bạn có thể tập thiền chánh niệm ở bất cứ nơi nào từ phòng khách, phòng ngủ cho đến tập thiền ngoài trời

Để thực hành thiền chánh niệm, bạn có thực hiện theo các bước đơn giản sau:

1. Chọn địa điểm

Bạn có thể tập ở bất cứ nơi nào, trên chiếc sofa ngoài phòng khách hay tập thiền ngoài trời trên một băng ghế ở công viên miễn là nơi đó yên tĩnh và bạn có thể tách khỏi những hoạt động thường ngày. Sau khi chọn được một vị trí ưng ý, hãy chọn cho mình một tư thế thoải mái như ngồi, nằm, đứng, đi bộ…

Ngồi là tư thế được sử dụng nhiều nhất. Bạn có thể chọn cho mình một vị trí ngồi thoải mái, vững chắc và không bị gò bó. Nếu ngồi trên đệm, trên sàn, hãy bắt chéo chân thoải mái, còn nếu ngồi trên ghế thì tốt nhất nên để chân chạm đất. Bạn cũng có thể nằm nhưng cần đảm bảo sẽ không “trôi vào cõi mộng mơ” khi thiền.

2. Chú ý tư thế thiền chánh niệm

  • Dù bạn đứng hay ngồi thì hãy cố gắng giữ phần lưng thẳng. Tuy nhiên, đừng gồng cứng cơ thể vì cột sống tự nhiên đã có độ cong. Vai và đầu có thể tựa thoải mái trên đỉnh các đốt sống.
  • Đặt tay song song với thân trên, bàn tay có thể đặt lên chân. Đừng hướng người về phía trước quá nhiều vì như vậy lưng bạn sẽ bị gù, nếu quá đưa người về phía sau thì cơ thể bạn bị cứng.
  • Bạn có thể đưa nhẹ cằm về phía trước và hướng ánh mắt nhìn xuống. Mắt có thể nhằm hờ hoặc nhắm hoàn toàn.

3. Bắt đầu tập thiền

Ngồi thiền trong vài phút, thư giãn và tập trung vào các giác quan trong cơ thể hoặc hơi thở. Có thể phải mất một lúc bạn mới tịnh tâm và thoát khỏi những điều đang diễn ra trong cuộc sống. Điều này hoàn toàn bình thường và bạn cứ để tâm trí “tự do nhảy múa” trước khi ổn định.

Sau khi tâm trí đã ổn định, hãy mang nhận thức vào hơi thở, cảm nhận từng hơi thở chảy vào và ra trong cơ thể, lấp đầy phổi, sau đó thoát ra qua cổ họng và miệng. Mỗi khi thở, hãy ghi nhớ rằng bạn đang “hít vào” và “thở ra”. Bắt đầu thở từng hơi dài và sâu, hít thở sâu sẽ giúp ổn định và thư giãn tâm trí cũng như cơ thể.

Trong quá trình tập, sự chú ý có thể rời khỏi hơi thở và đi lang thang đến những nơi khác. Bạn không cần phải chặn dòng suy nghĩ này hay phán xét bản thân. Cứ để cho suy nghĩ đi lang thang một lúc rồi từ từ chuyển sự chú ý quay trở lại với hơi thở.

Sau khoảng thời gian từ 3 – 5 phút (nếu thoải mái, bạn có thể thiền lâu hơn), hãy nhẹ nhàng nâng tầm mắt lên, dành một chút thời gian để chú ý đến tất cả những âm thanh khác xung quanh. Chú ý cách cơ thể cảm nhận, suy nghĩ và cảm xúc. Ngồi yên một lúc và quyết định xem thời gian còn lại trong ngày bạn sẽ làm gì.

Một số cách khác để thực hành thiền chánh niệm

thiền chánh niệm

Ít ai biết rằng nấu ăn là thời điểm lý tưởng để thực hành thiền chánh niệm

Ngoài việc dành thời gian để ngồi thiền, bạn có thể thực hành thiền chánh niệm trong bất cứ hoạt nào trong ngày, chẳng hạn như trong khi:

1.Nấu ăn

Nấu ăn là khoảng thời gian mà bạn ít khi bị làm phiền và bạn luôn có sự tập trung cao độ. Sự kết hợp giữa hoạt động thể chất và thời gian ở một mình sẽ khiến cho thời gian nấu ăn trở thành thời điểm lý tưởng để thiền. Bạn có thể thực hành thiền chánh niệm bằng cách lắng nghe âm thanh của chảo hoặc tập trung cảm nhận sự tươi ngon của các nguyên liệu.

2. Đánh răng

Bạn không thể bắt đầu một ngày mà không đánh răng. Vì vậy, hãy tận dụng cơ hội này để thực hành thiền. Bạn có thể chú tâm đánh răng bằng cách nếm vị kem đánh răng, cảm nhận những chiếc lông của bàn chải và cảm nhận sự di chuyển của tay.

3. Lái xe

Bạn cũng có thể thiền trong khi lái xe đi làm. Hãy tắt radio hoặc chuyển sang các kênh có nhạc nhẹ nhàng, chú ý đến cảm giác khi ở trong xe, cách cơ thể thích nghi với ghế ngồi, theo dõi suy nghĩ cũng như cảm xúc mà đang trải qua khi lái xe.

4. Ăn chánh niệm

Phương pháp này có thể giúp bạn giảm cân bằng cách ăn chậm lại và tận hưởng món ăn. Bạn có thể luyện tập với một miếng táo hoặc bất kỳ loại trái cây khác bạn thích theo các bước sau:

  • Cầm quả táo và nhìn nó, sau đó quan sát hình dáng, cấu trúc hoặc bất kỳ điều gì khác.
  • Cảm nhận quả táo trên tay và để xa môi bạn
  • Đưa lại gần mặt và ngửi. Chú ý đến phản ứng của cơ thể như chảy nước bọt hay tăng ham muốn được nếm thử
  • Cắn một miếng, chú ý đến vị và cảm giác xem liệu nó có ngon khi nhai không.

Một số câu hỏi thường gặp khi tập thiền chánh niệm

Dưới đây là lời giải đáp cho một số câu hỏi thường gặp khi tập thiền chánh niệm:

1. Tôi nên tập thiền chánh niệm trong bao lâu?

Khoảng thời gian bạn dành cho thiền chánh niệm sẽ khác nhau ở mỗi người. Một số người cảm thấy thoải mái khi thiền trong 20 phút trong khi những người khác có thể muốn thiền trong một giờ. Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào bạn, nếu mới tập, bạn có thể tập khoảng 10 phút và tăng dần thời gian.

2. Thời điểm tốt nhất tập thiền chánh niệm là khi nào?

Thời gian tốt nhất để thiền là vào buổi sáng vì đây là cách giúp bạn khởi đầu ngày mới thật sảng khoái. Tuy nhiên, nếu không có thời gian, bạn vẫn có thể tập vào những thời điểm khác trong ngày.

Thực hành chánh niệm hàng ngày tưởng chừng như rất đơn giản nhưng thực tế lại không hề dễ như bạn tưởng bởi những bộn bề, lo toan của cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, nếu duy trì tập luyện đều đặn, bạn sẽ thấy thiền chánh niệm mang đến vô vàn những lợi ích cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Nguồn tham khảo

Mindfulness Meditation – Choose to be in Present to Change Your Life for Better https://parenting.firstcry.com/articles/mindfulness-meditation-choose-to-be-in-present-to-change-your-life-for-better/ Ngày truy cập: 21/12/2020