Tất tần tật những điều cần biết về yoga nâng cao
Chinh phục những động tác yoga khó tại các lớp yoga nâng cao là mơ ước của rất nhiều người. Thế nhưng, để thực hiện được, ngoài chuẩn bị về thể chất, bạn cũng cần tìm hiểu kỹ về yoga nâng cao trước khi bắt đầu tập luyện.
Sau thời gian dài tập luyện các tư thế yoga cơ bản, bạn cảm thấy mình đã thuần thục hết các tư thế và muốn tham gia một lớp yoga nâng cao? Bạn băn khoăn không biết tập yoga nâng cao sẽ như thế nào?
Có khó hơn so với việc tập yoga cơ bản hay không? Nếu đang đau đầu vì điều này, hãy xem tiếp những chia sẻ dưới đây của LEEP để hiểu thêm về yoga nâng cao nhé.
Yoga nâng cao có thực sự như những gì bạn nghĩ?
Khi nhắc đến yoga nâng cao, bạn sẽ nghĩ đến điều gì? Bạn có thể thực hiện các tư thế phức tạp hay bạn đã có đủ kỹ năng và kinh nghiệm để thực hiện 1 tư thế nào đó mà trước đây bạn chưa làm được?
Thực tế, các yếu tố về thể chất không làm cho bạn tập yoga giỏi hơn. Một số người có thể tập được tư thế trồng chuối trong ngày đầu tiên đến lớp. Trong khi đó, những người khác phải tập luyện trong nhiều năm, thậm chí không bao giờ thực hiện được.
Nếu đã thực hiện thành thạo tất cả các tư thế, bạn hoàn toàn có thể nằm ngửa và thở sâu thay vì cố gắng thực hiện các động tác. Người tập cần hiểu rằng yoga chỉ là cuộc hành trình khám phá chính bản thân, giúp giải tỏa căng thẳng, xây dựng sức mạnh, sự linh hoạt để tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tật.
Yoga không có sự cạnh tranh và cũng không có khái niệm các cấp. Chính vì vậy, yoga nâng cao chỉ là sự thực hành bên trong (luyện tâm, kỷ luật…), sự đưa triết lý vào bài tập thực tế, dễ hiểu, dễ làm, thực hành lối sống đơn giản, giảm thiểu các sự lệ thuộc….
Quá trình tập yoga nâng cao cũng không phải vài tháng hay vài năm, mà là cả đời, không phải có bằng này bằng nọ, cũng không phải là những tư thế khó mà việc thực hiện như thế nào trong mỗi tư thế mới là điều quyết định.
Các tư thế yoga nâng cao
Tập yoga trong thời gian dài có nghĩa là bạn phải liên tục tinh chỉnh các tư thế, ngay cả những tư thế cơ bản nhất. Là một người tập yoga có kinh nghiệm, bạn có thể tham gia bất kỳ lớp học yoga nào.
Dù vậy, điều quan trọng lúc này không phải là bạn học để biết mà bạn phải học cách điều chỉnh cơ thể ở cấp độ cao hơn và chú ý đến từng chi tiết nhỏ. Khi luyện tập trong thời gian dài, cơ thể sẽ trở nên mạnh mẽ và linh hoạt hơn, bạn sẽ thấy các tư thế cũng ngày một khó khăn hơn.
Người tập sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi khám phá ra rằng cơ thể có thể làm được những việc mà mình không bao giờ nghĩ là có thể. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng quá đặt nặng kết quả.
Bạn đừng dùng những kết quả này hoặc sự đánh giá của người khác để tự đánh giá bản thân mình. Tư thế yoga nâng cao sẽ bao gồm các tư thế chống uốn cong lưng nhiều, (chẳng hạn như tư thế bánh xe, tư thế đứng bằng cẳng tay), tư thế cân bằng cánh tay, thường được kết hợp theo những cách phức tạp, tư thế đứng thăng bằng…
Nếu bạn băn khoăn tập yoga cơ bản bao lâu mới có thể trải nghiệm các bài tập yoga nâng cao thì câu trả lời sẽ phụ thuộc vào thời gian, tần suất và khả năng linh hoạt của cơ thể bạn.
Có thể tập yoga nâng cao tại nhà không?
Sau thời gian tập yoga cơ bản, bạn có thể lựa chọn tập các bài tập yoga chuyên sâu tại nhà. Thậm chí, bạn còn có thể thấy rằng tập tại nhà sẽ giúp bạn thoải mái hơn khi thực hiện những tư thế khó.
Bởi khi tập ở lớp, sẽ có lúc bạn cảm thấy tư thế của mình chưa hoàn hảo nhưng giáo viên lại không cho thực hiện lại mà lại yêu cầu chuyển sang tư thế khác.
Bạn nên mời một giáo viên dạy yoga riêng để đảm bảo thực hiện đúng các tư thế yoga nâng cao và không gặp phải chấn thương
Tuy nhiên, bạn chỉ nên tự tập yoga tại nhà khi đã thật sự nhuần nhuyễn các động tác và hiểu nhiều về yoga. Còn nếu không, bạn vẫn nên mời một giáo viên dạy yoga riêng để đảm bảo thực hiện đúng các tư thế và không gặp phải chấn thương.
Các tư thế yoga nâng cao mà bạn có thể thử
Bạn có thể bắt đầu với những động tác khởi động và các tư thế chào mặt trời cơ bản. Sau đó, hãy bắt đầu thử các tư thế sau:
- Bài tập chào mặt trời B
- Bài tập chào mặt trăng
- Các tư thế đứng: tư chiến binh, tư thế cân bằng…
- Các động tác tăng sức mạnh hoặc tính linh hoạt cho cơ thể
- Tư thế lộn ngược
Những lưu ý khi tập Yoga nâng cao
Đối với những ai muốn thử sức với các bài tập Yoga nâng cao cần có một trình độ nhất định. Đồng thời, để nâng cao hiệu quả tập luyện, bạn cần lưu ý một số sau:
Tập trung vào việc hít thở
Nguyên tắc này có ảnh hưởng đến vai trò của Yoga trong việc cung cấp dưỡng khí cho cơ thể. Những phút xao lãng, suy nghĩ vẫn vơ có tưởng chừng không sao nhưng có thể khiến việc thở bị gián đoạn và không đủ để đốt cháy năng lượng trong từng động tác.
Trong trường hợp ngưng thở chỉ vài giây thì việc tập động tác khó sẽ không có đủ oxy để hỗ trợ, đốt cháy cho cơ thể khi thực hiện những động tác theo ý muốn. Hậu quả là sẽ làm cho tay chân trở nên cứng đơ, luống cuống hoặc thậm chí là bị ngã nếu như không duy trì được thăng bằng.
Hạn chế sử dụng quá nhiều sức lực
Dù là đối với các động tác cơ bản hay Yoga nâng cao cũng đều phải chú ý đến cảm nhận của cơ thể. Nếu thấy đau, bạn cần phải dừng lại đúng lúc để tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Nhất là đối với những bài tập khó cần phải có thời gian làm quen rồi hoàn thiện dần. Đôi khi những dấu hiệu đó bị bỏ qua do bạn chủ quan và chưa thật sự tinh tế để chú ý.
Không nên bỏ qua những bước tập cơ bản
Tất cả những tư thế yoga đều phải được tập luyện theo một trình tự nhất định để xây dựng vào tạo nền tảng vững chắc để người tập có đủ sức mạnh, linh hoạt hơn. Việc vội vàng thực hiện những động tác nâng cao không chỉ gây khó khăn khi giữ đúng tư thế mà còn có thể gây chấn thương.
Hãy nhớ rằng, Yoga nâng cao không dành cho tất cả mọi người mà chỉ dành cho những ai có đủ trình độ, kiến thức về lợi ích của yoga và thật sự hiểu rõ về cơ thể của chính mình.
Không ăn quá no trước khi tập
Lời khuyên cho bạn là chỉ nên ăn một lượng vừa phải trước giờ tập khoảng 2 giờ. Khi bụng quá no, cơ bắp sẽ không có đủ năng lượng để phục vụ cho những động tác Yoga vì nguồn cung cấp máu sẽ đổ dồn tới dạ dày để xử lý những chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn phải để bụng đói, mà bạn cần thức ăn để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Đặc biệt là cần cho quá trình tập luyện các bài tập Yoga nâng cao.
Duy trì động lực tập luyện
Cũng giống bất kỳ hoạt động nào khác, việc tập yoga trong thời gian dài có thể dẫn đến nhàm chán và khiến bạn không còn hào hứng tập luyện như trước. Bạn cũng có thể phải nghỉ tập do chấn thương, gia đình hoặc công việc. Điều này là hoàn toàn bình thường và đây không phải là lý do để nghĩ rằng bạn sẽ kết thúc việc tập yoga mãi mãi.
Nếu bạn cảm thấy việc tập yoga trở nên nhàm chán thì phải làm sao? Thử ngay một loại hình yoga mới và bạn có thể cảm nhận được sự khác biệt rất lớn.
Bạn cũng nên tự hỏi bản thân xem mình có đang gặp vấn đề gì với việc tập luyện không, chẳng hạn như hay có suy nghĩ tiêu cực và luôn muốn cạnh tranh với người kế bên? Hiểu rõ những điều này sẽ giúp cải thiện thái độ của bạn với với việc yoga.
Với những chia sẻ trên, LEEP.APP hi vọng bạn đã có một cái nhìn mới về yoga nâng cao. Nếu đang tìm kiếm một giáo viên dạy yoga chuyên nghiệp để truyền cảm hứng, tạo động lực, bạn đừng ngần ngại tải LEEP.APP về máy để được kết nối nhanh nhất với huấn luyện viên nhé.
>>>Có thể bạn quan tâm: 10 nguyên tắc an toàn khi tập yoga mà bạn cần thuộc nằm lòng
Nguồn tham khảo
An Overview of Advanced Yoga https://www.verywellfit.com/advanced-yoga-4014053 Ngày truy cập: 20/3/2020