Tín đồ thể thao cần lưu ý gì khi tập luyện mùa nắng nóng?
Khi tập luyện mùa nắng nóng, thì việc đảm bảo sức khỏe là điều hoàn toàn cần thiết. Cùng LEEP.APP tìm hiểu về các bệnh liên quan đến thời tiết và cách phòng ngừa để có những buổi tập an toàn và hiệu quả nhất có thể nhé!
Tập luyện mùa nắng nóng sẽ khiến cơ thể bạn phải chịu thêm áp lực. Nếu bạn không cẩn thận khi tập luyện trong những ngày nhiệt độ cao như hiện tại, thì nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe càng cao, vì bản thân các bài tập và thời tiết nóng ẩm đều có thể khiến bạn tăng thân nhiệt.
Để làm mát cơ thể, các mạch máu và tim sẽ tăng cường tuần hoàn máu tới vị trí dưới da, đồng nghĩa với việc ít máu tới các cơ bắp và tăng nhịp tim. Nếu độ ẩm cao, cơ thể bạn sẽ càng khó chịu do đổ mồ hôi không thể khô nhanh và điều đó càng khiến thân nhiệt bạn cao hơn.
Những bệnh liên quan đến thân nhiệt
Trong điều kiện bình thường, cơ thể rất dễ điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp xúc với nhiệt độ và độ ẩm cao trong một thời gian dài mà không có biện pháp phòng ngừa và uống không đủ nước thì hệ thống điều hòa của cơ thể chắc chắn không đủ để giữ bạn tỉnh táo.
Tránh tập vào những ngày, khung giờ quá oi bức
Tuy bước đầu không nghiêm trọng nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ dẫn đến những hệ quả khó lường. Các bệnh thường gặp có thể kể đến như:
Chuột rút do nhiệt (Heat cramp): Là một dạng co rút cơ gây cảm giác rất đau khi đang tập luyện hoặc sinh hoạt. Vùng cơ bị ảnh hưởng chạm vào sẽ rất cứng và tê, nhiệt độ cơ thể có thể bình thường hoặc nóng hơn.
Xỉu do nhiệt (heat syncope): Là hiệu tượng bất tỉnh do nhiệt độ quá nóng, cộng với việc đứng quá lâu hoặc đứng lên đột ngột sau khi ngồi trong thời gian dài. Nếu có liên quan đến việc tập thể thao, thường người bị sẽ rơi vào trạng thái bất tỉnh ngay khi vừa mới tập xong, đặc biệt khi dừng đột ngột sau khi chạy trong một khoảng thời gian dài.
Lả nhiệt (heat exhaustion): Khi mắc chứng lả nhiệt, thân nhiệt sẽ tăng lên đến 40 độ. Kèm theo đó, bạn sẽ bị chóng mặt, buồn nôn, đau đầu, ngất, lạnh da và có thể dẫn đến sốc nhiệt nếu không điều trị kịp thời.
Sốc nhiệt (heatstroke): Là một dấu hiệu có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, xảy ra khi nhiệt độ cơ thể trên 40 độ, da có thể khô do thiếu mồ hôi hoặc mất đi độ ẩm. Tiếp đó, các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, rối loạn nhịp tim, bất tỉnh, nôn và hoa mắt sẽ xuất hiện. Nếu không có các biện pháp y tế kịp thời, bệnh nhân có thể bị tổn thương não, nội tạng hoặc tệ nhất là tử vong.
Để có thể nhận biết và xử lý kịp thời các bệnh lý trên, hãy chú ý tới các dấu hiệu như: tê chân tay, co rút cơ, chóng mặt, nhức đầu, run tay, huyết áp thấp, tăng nhịp tim, thấy ảo giác.
Ngừng ngay việc tập khi cảm thấy cơ thể có những dấu hiệu bất thường
Bất cứ khi nào gặp phải một hoặc nhiều hơn một các dấu hiệu trên, việc bạn cần làm là ngừng ngay việc tập luyện và hạ nhiệt bằng cách uống nước, đứng ở nơi râm mát và nếu được, nên có một người ở cùng bạn để đề phòng trường hợp khẩn cấp. Bạn cũng có thể cởi bớt quần áo nếu mặc nhiều lớp, lau người bằng khăn ẩm và chườm đá quanh cổ và dưới cánh tay. Nếu đã thực hiện các biện pháp trên trong 20 phút mà không có tiến triển, hãy gọi ngay xe cấp cứu để được hỗ trợ ý tế.
Vậy làm thế nào để phòng tránh các bệnh khi tập luyện mùa nắng nóng?
Khi bạn muốn tập gym hoặc thể thao nói chung trong tiết trời nóng bức như hiện tại, bạn cần thực hiện những điều sau đây để giữ gìn sức khỏe và để việc buổi tập được diễn ra thuận lợi nhất có thể:
- Theo dõi nhiệt độ, thời tiết: Chú ý xem dự báo thời tiết thường xuyên, đặc biệt là trong khung giờ tập của bạn. Biết trước tình hình thời tiết là một bước quan trọng để bạn chuẩn bị thật tốt những biện pháp phòng tránh các vấn đề sức khỏe do nhiệt.
- Nắm được tình hình sức khỏe bản thân: Nếu bạn có các bệnh lý như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập. Nếu bạn thừa cân hoặc là người mới bắt đầu tập luyện thể thao, hãy đặc biệt chú ý khi vận động trong thời tiết oi bức, vì sức đề kháng của bạn kém hơn so với những người đã tập được một thời gian. Một việc chung mà dù “ma cũ” hay “ma mới” đều cần làm đó là giảm cường độ tập xuống trong một vài buổi tập và từ từ tăng độ khó dần lên. Nếu có thể, hãy chia nhỏ buổi tập của bạn ra làm nhiều phần và chèn thêm nhiều khoảng nghỉ giữa mỗi bài tập.
- Uống nhiều nước: Mất nước chính là nguyên nhân chính của các bệnh về thời tiết và khi tập, cơ thể càng mất nước nhiều hơn. Vì vậy, hãy tập thói quen uống nước thường xuyên, kể cả khi không khát. Đặc biệt, tránh xa những loại đồ uống có cồn vì đây là tác nhân khiến bạn càng mất nhiều nước hơn.
Uống nhiều nước nhưng chia thành nhiều ngụm nhỏ là một phương pháp chống nóng hiệu quả
- Trang bị đầy đủ và hợp lý: Khi đi tập, bạn nên mặc những trang phục rộng rãi, thoáng mát và thấm hút mồ hôi tốt, tránh mặc những trang phục tối màu vì sẽ hấp thu nhiệt. Một chiếc nón sáng màu, viên uống chống nắng hay kem chống nắng cũng là những “trợ thủ đắc lực” để bạn chống lại thời tiết oi bức.
Các bệnh do thời tiết đều có thể phòng ngừa một cách đơn giản và chỉ cần bạn chú ý đến bản thân và môi trường một chút, thì chẳng có lý do gì để trì hoãn việc tập luyện do thời tiết cả.
Nguồn tham khảo
Heat and exercise: Keeping cool in hot weather https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/fitness/in-depth/exercise/ Ngày truy cập: 14/5/2020