Có nên dùng thực phẩm biến đổi gen?
Các nhà lai tạo biến đổi các giống cây có tế bào biến đổi gen (hay GMO) với mục đích cây trồng khỏe mạnh, bổ dưỡng hoặc có hương vị ngon hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan ngại về mức an toàn, lợi ích và tác hại của thực phẩm biến đổi gen.
Hãy cùng LEEP.APP thảo luận về mặt tích cực và tiêu cực của thực phẩm biến đổi gen trong bài viết dưới đây nhé.
Thực phẩm biến đổi gen là gì?
GMO là tên viết tắt tiếng Anh của sinh vật biến đổi gen, chỉ bất kỳ sinh vật nào có DNA được biến đổi bằng công nghệ.
Trong ngành công nghiệp thực phẩm, cây trồng được biến đổi gen vì nhiều lý do khác nhau như cải thiện tốc độ tăng trưởng, hàm lượng dinh dưỡng, sức chịu đựng, khả năng kháng sâu bệnh và dễ canh tác.
Rất có thể bạn đã ăn thực phẩm biến đổi gen mà không nhận ra. Vào năm 2018, khoảng 92% ngô và 94% đậu nành được trồng ở Mỹ được trồng từ hạt đã được biến đổi gen.
Quá trình tạo ra cây chứa GMO rất phức tạp nhưng nó tuân theo các bước cơ bản dưới đây:
- Các nhà nghiên cứu xác định gen trong cây tạo ra những đặc điểm cụ thể, ví dụ như khả năng chống lại côn trùng.
- Họ tạo bản sao của các gen kháng côn trùng trong phòng thí nghiệm.
- Các nhà khoa học sẽ thêm các bản sao vào DNA của các cây khác.
- Những tế bào đã biến đổi này được sử dụng để trồng những cây mới có đặc tính chống côn trùng. Điều này phải được đánh giá và thử nghiệm trước khi bán cho nông dân.
Mặt tích cực của GMO
Thực phẩm biến đổi gen có thể có ít thuốc trừ sâu hơn
Nhiều thực phẩm được biến đổi gen để ít bị côn trùng hoặc sâu bệnh tấn công. Ví dụ, ngô Bt là thực phẩm biến đổi gen từ Bacillus thuringiensis – một loại vi khuẩn có trong đất. Gen này khiến ngô sinh ra một loại protein có tác dụng tiêu diệt nhiều loại sâu bọ và côn trùng, bảo vệ cây trồng khỏi hư hại.
Theo tiến sĩ Megan L.Norris – một nhà nghiên cứu y sinh tại Trung tâm Y tế Tây Nam UT, thay vì phải phun thuốc trừ sâu phức tạp, các loại cây trồng được sử dụng một loại “thuốc trừ sâu bẩm sinh”.
Điều này có nghĩa là người nông dân không cần sử dụng nhiều thuốc trừ sâu trên các loại thực phẩm biến đổi gen như ngô Bt. Một nghiên cứu 2020 cho thấy nông dân trồng cây GMO đã giảm sử dụng 775,4 triệu kg thuốc trừ sâu (tương đương 8,3%) từ năm 1996 đến năm 2018. Việc sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cho người dùng và ít gây hại cho môi trường hơn.
Thực phẩm biến đổi gen thường rẻ hơn
Cây trồng được lai tạo để phát triển khỏe mạnh hơn. Điều này giúp người nông dân có thể sản xuất cùng một lượng lương thực nhưng sử dụng ít đất, ít nước và ít thuốc trừ sâu hơn cây trồng bình thường. Do vậy các nhà trồng trọt hay sản xuất có thể tính giá thực phẩm biến đổi gen thấp hơn.
GMO có thể nhiều chất dinh dưỡng hơn
Một số cây trồng được lai tạo với mục đích cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn như vitamin hoặc khoáng chất. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một loại ngô châu Phi có chứa:
- Lượng folate gấp 2 lần so với cây trồng thông thường
- Lượng vitamin C gấp 6 lần
- Beta-carotene gấp 169 lần
Mặt tiêu cực của GMO
Thực phẩm biến đổi gen có thể mang lại nhiều lợi ích về chi phí và thành phần dinh dưỡng nhưng một số chuyên gia lo ngại rằng chúng gây ra rủi ro về sức khỏe.
Gây dị ứng
Bởi vì thực phẩm biến đổi gen có chứa DNA khác, DNA mới có thể gây dị ứng ở những người bình thường không bị dị ứng với thực phẩm.
Một ví dụ là cây đậu tương GMO được lai tạo từ DNA của một loại hạt Brazil không an toàn với những người bị dị ứng và đã không thể được công bố rộng rãi.
Tuy nhiên, loại thực phẩm này trải qua quá trình kiểm nghiệm chất gây dị ứng mới được đưa vào nuôi trồng.
Có thể làm tăng khả năng kháng thuốc kháng sinh
Khi các nhà khoa học thêm DNA mới vào tế bào thực vật, họ thường sẽ thêm một gen bổ sung khiến các tế bào biến đổi có thể kháng lại thuốc kháng sinh. Sau đó, họ có thể sử dụng thuốc kháng sinh để loại bỏ bất kỳ tế bào thực vật nào không tiếp nhận thành công với DNA mới.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra những gen kháng thuốc kháng sinh này có thể không biến mất khi bạn tiêu hóa thực phẩm biến đổi gen. Nó có thể được thải ra ngoài qua phân.
Một số chuyên gia quan ngại rằng những gen này có thể được các vi khuẩn có hại trong đường ruột của bạn hấp thụ. Điều này có thể khiến bạn mắc các bệnh nghiêm trọng như nhiễm trùng tụ cầu. Điều này có nghĩa là các phương pháp điều trị bằng kháng sinh thông thường không có tác dụng gì với những siêu vi khuẩn này.
Tuy nhiên, không phải tất cả các chuyên gia đều đồng ý về quan điểm này. Một số nhà hoa học cho rằng biến đổi gen như này rất khó xảy ra và rất ít rủi ro với con người.
Ung thư
Một số nhà nghiên cứu tin rằng ăn thực phẩm biến đổi gen có thể kích thích sự phát triển của căn bệnh ung thư. Họ tranh luận rằng do bệnh này do đột biến DNA nên việc đưa gen mới vào cơ thể sẽ rất nguy hiểm.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cho rằng không có bằng chứng cho điều này. Tuy nhiên, họ lưu ý rằng không có bằng chứng về tác hại không có nghĩa là chúng an toàn. Cần nhiều nghiên cứu hơn để đi đến kết luận.
Làm thế nào để nhận biết thực phẩm đột biến gen?
Tại Hoa Kỳ, không có bất cứ quy định nào bắt buộc phải dán mã thực phẩm đột biến gen. Điều này là do thực phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về mức độ an toàn giống như áp dụng cho tất cả các sản phẩm mà FDA quản lý.
FDA xác định rằng thực phẩm đột biến gen nên được dán nhãn nếu nó khác biệt về mặt vật chất so với những thực phẩm thông thường. Ví dụ:
- Dầu hạt cải GMO có nhiều axít lauric hơn dầu hạt cải thông thường sẽ được dán nhãn “dầu hạt cải laurate”
- Dầu đậu nành GMO có nhiều axít oleic hơn dầu đậu nành không biến đổi gen phải được dán nhãn “dầu đậu nành có hàm lượng oleic cao”
- Dầu đậu nành GMO có hàm lượng axít stearidonic cao không phải từ tự nhiên phải được dán nhãn “dầu đậu nành stearidonic”
Tiêu chuẩn Công bố thực phẩm đã qua biến đổi sinh học tại Hoa Kỳ đã có hiệu lực vào ngày 1/1/2020. Theo đó, tất cả các thực phẩm biến đổi gen được dán nhãn là “đã qua biến đổi sinh học”.
Tìm thực phẩm không đột biến gen như thế nào?
Khi các quy định mới chưa có hiệu lực, không có một cách cụ thể nào có thể xác định được thực phẩm có chứa GMO hay không.
Hầu hết các cây trồng lai tạo trở thành thành phần trong các loại thực phẩm khác, bao gồm:
- Tinh bột ngô trong súp và nước sốt
- Xi rô ngô được sử dụng để làm chất tạo ngọt
- Dầu ngô, dầu hạt cải và dầu đậu nành trong mayonnaise, nước sốt và bánh mì
- Đường có nguồn gốc từ củ cải đường
Nguồn tham khảo
What are the pros and cons of GMO foods? https://www.medicalnewstoday.com/articles/324576 Ngày truy cập: 26/2/2021
GMOs: Pros and Cons, Backed by Evidence https://www.healthline.com/nutrition/gmo-pros-and-cons#cons Ngày truy cập: 26/2/2021
Evidence-based pros and cons of GMO foods https://www.insider.com/gmo-pros-and-consNgày truy cập: 26/2/2021