Thực hư về tác dụng “thần kỳ” của tỏi đen

Thực hư về tác dụng “thần kỳ” của tỏi đen

Bạn nghe nhiều người ca tụng về tác dụng thần kỳ của tỏi đen nhưng chưa hiểu đó là gì? Trước hết hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu tỏi đen là gì nhé.

Tỏi đen là một sản phẩm lên men từ củ tỏi tươi, không chỉ được xem là một loại thực phẩm mà còn được nhiều người ca tụng là một dược phẩm ngăn ngừa được nhiều loại bệnh khác nhau. Vậy tỏi đen có những tác dụng gì, có khó ăn không và phải dùng như thế nào mới tốt cho sức khỏe?

Tỏi đen là gì?

Tỏi đen là sản phẩm từ củ tỏi đã qua chế biến, không hề có sẵn trong tự nhiên. Để có được tỏi đen, người ta phải nung nóng toàn bộ củ tỏi với nhiệt độ khác nhau trong suốt vài tuần, từ đó tạo nên phản ứng Maillard (phản ứng của amino axít với đường) khiến cho tép tỏi chuyển từ màu trắng thành màu đen. Thành phẩm sẽ có vị chua chua, ngọt ngọt như vị trái cây sấy, tỏi mềm và dễ ăn hơn.

tỏi đen là gì

Tỏi đen là thành phẩm đã lên men từ củ tỏi tươi

Tác dụng đối với sức khỏe

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng giá trị dinh dưỡng có trong tỏi đen cao hơn rất nhiều lần so với tỏi trắng. Bằng chứng là bên trong loại thực phẩm này có hàm lượng đường tăng khoảng 13 lần, fructose tăng 52 lần, sallyllcystein tăng 6 lần so với tỏi tươi. Ngoài ra, vitamin B2 được tạo ra trong tỏi đen cũng là loại tự nhiên không giống với loại vitamin B2 được tổng hợp từ các chất hóa học. Loại vitamin B2 này chứa axít flavin mononucleotide và axít flavin dinucleotide, chất xúc tác thiết yếu trong quá trình trao đổi protein, hỗ trợ duy trì sự khỏe đẹp của làn da.

Tuy chứa ít allicin hơn tỏi thường (hợp chất mang lại cho tỏi thường một số lợi ích về sức khỏe) nhưng tỏi đen lại có nhiều chất chống ung thư S-Allylcysteine (SAC), SAC sẽ giúp cơ thể hấp thụ tối ưu allicin. Đồng thời, loại tỏi này vẫn giàu axít amin và chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe của chúng ta.

Tỏi đen có thể giúp giảm viêm trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và ngăn ngừa các bệnh về nhận thức như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson với chất chống oxy hóa của mình. Một số nghiên cứu chứng minh rằng tỏi đen có thể cải thiện sức khỏe của gan, giảm các dấu hiệu tổn thương gan và giảm chất béo tích tụ trong gan.

Cách dùng tỏi đen

Theo các chuyên gia, mỗi ngày chúng ta có thể dùng từ một đến ba củ tỏi đen tương đương với 3g – 5g. Khi ăn nên nhai kỹ để các thành phần phát huy công dụng, không nên dùng quá liều lượng có thể gây phản tác dụng.

Tuy loại tỏi này có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng vẫn có nhiều trường hợp không nên dùng tỏi đen, như phụ nữ mang thai, người có thể nhiệt, nóng sốt,… thì không được ăn nhiều tỏi. Bên cạnh đó những người dùng thuốc chống đông máu, người đang bị tiêu chảy, người mắc bệnh về mắt, thận, đau dạ dày, người bị huyết áp thấp… cũng không nên sử dụng nhiều.

Ngoài cách ăn trực tiếp thì chúng ta cũng có thể ngâm tỏi với rượu, tốt nhất là rượu nếp nguyên chất không cồn, mỗi ngày uống ít nhất 1 lần, mỗi lần khoảng 50ml. Tỏi đen còn được ngâm với mật ong, hai nguyên liệu đầy dinh dưỡng này khi kết hợp với nhau không chỉ có tác dụng phòng ngừa, chữa bệnh mà còn giúp làm đẹp da, rất tốt cho cơ địa của phụ nữ.

cách dùng tỏi đen

Tỏi đen tốt nhất là nên ăn riêng, không nên dùng chung với các loại gia vị vì có thể tạo ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Cách làm tỏi đen

Khi làm tỏi đen nên chọn những củ to, tươi và tròn đều, không bị dập. Dùng tỏi cô đơn để làm tỏi đen là tốt nhất vì dễ chế biến, dễ bóc vỏ khi ăn và quan trọng là tỏi cô đơn chứa nhiều dưỡng chất. Vẫn có thể dùng tỏi tép thông thường để chế biến nếu không tìm được tỏi cô đơn.

Nên làm sạch tỏi trước khi ủ tỏi, nếu tỏi bị ẩm thì phải phơi cho khô, sau đó bóc lớp vỏ bẩn và cắt cuống. Có thể dùng bia để lên men tỏi hoặc bỏ qua bước này mà vẫn cho ra được tỏi đen thành phẩm, nếu dùng bia để lên men cho tỏi thì nên ngâm tỏi đã làm sạch với bia 30 phút, cứ mỗi 5 phút thì đảo tỏi một lần để tỏi ngấm đều.

Chúng ta có thể ủ tỏi bằng một trong những cách phổ biến sau đây:

  • Ủ tỏi bằng nồi cơm điện: Cho tỏi vào nồi cơm điện, nếu tỏi không được lên men bằng bia thì đặt giá đỡ bánh vào nồi sau đó xếp tỏi lên trên tránh cho tỏi tiếp xúc với đáy nồi. Cuối cùng bật chế độ warm và để liên tục 2 tuần không rút điện. Nếu muốn kiểm tra thì phải xem nhanh, không được mở nắp quá 5 phút 1 lần, tỏi đen tỏa mùi thì đã hoàn thành.
  • Ủ tỏi bằng máy chuyên dụng: Xếp tỏi đã ngâm với bia vào khay, rồi cho vào máy làm tỏi, chọn chế độ làm tỏi đen, sau khi quá trình ủ tỏi kết thúc thì máy sẽ tự động chuyển qua chế độ chờ.
  • Ủ tỏi bằng nồi áp suất: Cách thực hiện cũng giống như làm với nồi cơm điện. Nồi áp suất có nguồn điện ổn định hơn sẽ cho ra thành phẩm ngon hơn và đảm bảo dưỡng chất.

cách làm tỏi đen

Bạn có thể tự làm tỏi đen tại nhà bằng nhiều cách khác nhau

Có một số lưu ý khi chế biến và bảo quản để tỏi được ngọt dẻo, không bị ướt:

  • Khi lên men tỏi bằng bia chỉ nên ngâm 30 phút và đảo đều sau mỗi 5 phút, phải để tỏi cho thật ráo thì mới bọc giấy và đem đi ủ.
  • Đảm bảo nguồn điện luôn ổn định trong quá trình ủ.
  • Nồi ủ phải được làm sạch trước khi chế biến tỏi, trong quá trình ủ nên để nồi ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào.
  • Sau khi ủ nếu tỏi bị ướt thì có thể phơi tỏi trong bóng râm hoặc hong khô bằng quạt cho đến khi khô ráo thì mới sử dụng.
  • Cho tỏi  vào hũ đựng thực phẩm và đậy kín, có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc bảo quản trong tủ lạnh, nên tránh ánh sáng hoặc hơi lạnh tiếp xúc trực tiếp vào tỏi.
  •  Nên dùng hết trong vòng 7 ngày sau khi ủ.

Tỏi đen chứa một nguồn dưỡng chất dồi dào đối với sức khỏe. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu ý cách sử dụng để phát huy hết công dụng mà loại tỏi này mang đến cho cơ thể.

 Nguồn tham khảo

Health Benefits of Black Garlic https://www.webmd.com/diet/health-benefits-black-garlic Ngày truy cập 10/02/2021