Khổ qua: thực phẩm kỳ diệu khiến tiểu đường tránh xa

Khổ qua: thực phẩm kỳ diệu khiến tiểu đường tránh xa

Khổ qua là một loại thực phẩm rất phổ biến trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chúng có vị đắng đặc trưng và được biết đến bởi những tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Loại thực phẩm này có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau và hấp dẫn thực khách bởi chính vị đắng độc đáo đấy. Đây cũng là “thần dược”  giúp ngăn ngừa và hỗ trợ cải thiện rất nhiều tình trạng bệnh lý trong đó có tiểu đường, giải độc gan, thanh nhiệt cơ thể và hạn chế ung thư.

Loại thực phẩm này thực sự có thể mang đến điều kỳ diệu cho sức khỏe? Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu về chúng qua bài viết dưới đây nhé.

Tìm hiểu về khổ qua

khổ qua là gì

Khổ qua là thực vật nhiệt đới rất phổ biến ở nước ta

Khổ qua là thực vật có tên khoa học là Momordica charantia. Chúng có nhiều tên gọi phổ biến khác như mướp đắng hay quả carilla. Loại thực vật này được trồng tại khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, chúng thuộc họ bầu bí và ngày nay chủ yếu có hai giống sau được trồng để làm thuốc chữa bệnh là M. charantia var. Charantia và M. charantia var. Muricata. Khổ qua là thực vật thân leo mọc bằng dây, lá có lông, hoa vàng. Quả dùng được khi còn màu xanh và vỏ sần sùi, vị đắng. Cây được trồng bằng hạt và hạt khi quả chín có màu đỏ.

Khổ qua có nguồn gốc từ châu Á, châu Phi và các vùng của Caribê. Chúng vốn được sử dụng từ rất lâu đời ở Trung Quốc, y học cổ truyền Ayurvedic Ấn Độ và Nhật Bản. Các ghi chép cho thấy công dụng chữa bệnh và ẩm thực của khổ qua bắt nguồn từ Ấn Độ, sau đó được đưa vào thực hành y học cổ truyền Trung Quốc vào khoảng thế kỷ XIV.

Người Trung Quốc cổ xưa đã biết được thực phẩm có vị đắng này có xu hướng làm sạch cơ thể và có khả năng tăng cường sức khỏe cho gan. Họ bắt đầu nấu và sử dụng khổ qua trong các công thức nấu ăn, cũng như ép chúng để tạo ra một loại thuốc bổ nhằm giúp điều trị các chứng như khó tiêu, đau bụng, vết thương ngoài da, ho mãn tính và nhiễm trùng đường hô hấp.

Khổ qua là trọng tâm của hơn 100 nghiên cứu lâm sàng, được biết đến nhiều nhất với tác dụng hạ đường huyết (khả năng giảm lượng đường trong máu) và nghiên cứu cho thấy nước ép, trái cây và bột khô của chúng đều có thể được sử dụng như tác dụng của insulin và điều trị bệnh tiểu đường.

Mặc dù các nhà nghiên cứu tuyên bố rằng cần phải có các nghiên cứu sâu hơn về chúng để có đánh giá chính xác nhất, nhưng theo một đánh giá năm 2004 được công bố trên Tạp chí Ethnopharmacology cho thấy khổ qua có một số lợi ích sức khỏe như: nâng cao miễn dịch, ngăn ngừa một số bệnh tự miễn, tiểu đường, điều trị một số bệnh ngoài da.

Có một số giống khổ qua nhưng hai loại phổ biến nhất là giống Trung Quốc và  giống Ấn Độ. Giống khổ qua Trung Quốc có hình dạng gần giống dưa chuột xanh nhạt với da sần sùi. Giống Ấn Độ có đầu thuôn hẹp và các đường gờ góc cạnh, sắc nét trên khắp bề mặt của nó. Sự khác biệt giữa các giống này chủ yếu là hình dạng quả và cả hai đều mang lại hương vị cũng như lợi ích sức khỏe giống nhau.

Thành phần dinh dưỡng trong khổ qua

thành phần dinh dưỡng trong khổ qua

Loại thực phẩm này chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất nhưng lại chứa ít calo

Theo thông tin từ cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia USDA, trong 100g thịt khổ qua tươi có chứa lượng dinh dưỡng bao gồm:

  • Lượng calorie: 17
  • Carbohydrate: 3.7g
  • Protein: 1g
  • Chất béo: 0.17g
  • Folate: 72µg
  • Niacin: 0.4mg
  • Riboflavin: 0.04mg
  • Thiamin: 0.04mg
  • Vitamin A: 417IU
  • Vitamin C: 84mg
  • Kali: 296mg
  • Canxi: 19mg
  • Magie: 17mg
  • Kẽm: 0.08mg
  • Beta-carotene: 190µg
  • Lutein-zeaxanthin: 170µg

Khổ qua chứa rất ít calo chỉ mang 17 calo trên 100g. Tuy nhiên, vỏ của nó là nguồn giàu chất dinh dưỡng thực vật như chất xơ, khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa. Chúng đặc biệt có chứa phytonutrient, polypeptide-P, một loại insulin thực vật được biết đến để làm giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, nó còn tạo ra chất hạ đường huyết được gọi là Charantin. Charantin làm tăng hấp thu glucose và tổng hợp glycogen bên trong các tế bào gan, cơ và mô mỡ. Kết hợp với nhau, những hợp chất này có thể được cho là nguyên nhân làm giảm lượng đường trong máu trong điều trị bệnh tiểu đường loại 2.

Lớp vỏ khổ qua tươi là một nguồn folate tuyệt vời, chúng chứa khoảng 72µg/100g (18% lượng cần thiết hằng ngày). Vitamin B9 khi được các bà mẹ bổ sung trong thời kỳ đầu mang thai sẽ giúp giảm tỷ lệ dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.

Khổ qua tươi là một nguồn cung cấp vitamin C tuyệt vời (100g thịt quả tươi cung cấp 84mg  vitamin C tương đương 140% lượng cần thiết hằng ngày). Vitamin C là một trong những chất chống oxy hóa tự nhiên mạnh mẽ, giúp loại bỏ các gốc tự do có hại khỏi cơ thể con người.

Hơn nữa, nó là một nguồn flavonoid có lợi cho sức khỏe như β-carotene, α-carotene, lutein và zea-xanthin. Nó cũng chứa một lượng vitamin A cao. Cùng với nhau, các hợp chất này giúp hoạt động như những chất bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do có nguồn gốc oxy và các loại oxy phản ứng (ROS) có vai trò trong quá trình lão hóa, ung thư và các quá trình bệnh tật khác nhau.

Khổ qua còn kích thích tiêu hóa, hỗ trợ trơn tru và nhu động của thức ăn qua ruột cho đến khi đào thải ra khỏi cơ thể. Do đó, nó giúp làm giảm các vấn đề khó tiêu và táo bón.

Hơn nữa, chúng có chứa một lượng nhỏ vitamin B phức hợp như niacin (vitamin B3), axit pantothenic (vitamin B5), pyridoxine (vitamin B6) và các khoáng chất như sắt, kẽm, kali, mangan và magiê. Các xét nghiệm ban đầu trong phòng thí nghiệm cho thấy một số hợp chất từ thực vật nhất định trong khổ qua có thể có hiệu quả trong việc điều trị nhiễm HIV.

Một số lợi ích sức khỏe từ khổ qua

lợi ích sức khoẻ từ khổ qua

Khổ qua đem đến nhiều lợi ích tuyệt vời cho súc khoẻ

Hỗ trợ giảm tình trạng đường huyết

Các phát hiện từ nghiên cứu trên người và động vật đã chứng minh tác dụng hạ đường huyết của chiết xuất khổ qua cô đặc. Chúng giúp giảm mức đường huyết và điều chỉnh việc sử dụng insulin của cơ thể. Theo nhiều cách, chiết xuất khổ qua hoạt động giống như insulin mà cơ thể sản xuất tự nhiên. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng momordica charantia có lợi trong việc bình thường hóa lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường.

Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Thực phẩm Nông nghiệp cho thấy rằng khổ qua được tiêu thụ ở cả dạng sống hoặc nước ép giúp giảm mức đường huyết và tiểu đường. Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác đã phát hiện ra rằng khả năng điều trị bệnh khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân. Chúng hoạt động chủ yếu bằng cách điều chỉnh các con đường truyền tín hiệu insulin trong cơ và tế bào mỡ (mô mỡ), giúp các tế bào hấp thụ nhiều glucose hơn từ máu khi cần thiết.

Khổ qua đã được chứng minh là nhắm mục tiêu vào các vị trí thụ thể insulin và kích thích các đường dẫn truyền xuống, khiến các nhà nghiên cứu kết luận rằng nó có thể đóng vai trò như một “chất điều hòa chuyển hóa glucose” có lợi.

Nghiên cứu khác đã xác định một hỗn hợp các thành phần hoạt động trong khổ qua có khả năng chống lại bệnh tiểu đường. Chúng bao gồm: saponin steroid (được gọi là charantin), peptit giống insulin và ancaloit, tập trung nhiều nhất trong quả của chúng.

Hỗ trợ ngăn ngừa nhiễm trùng

Nghiên cứu đã chứng minh rằng khổ qua có chứa một số dạng chất kháng khuẩn cũng như kháng virút. Những tác nhân này có khả năng làm giảm mức độ nhạy cảm với các bệnh nhiễm trùng như Helicobacter pylori (một loại vi khuẩn rất phổ biến có liên quan đến sự hình thành loét dạ dày khi chức năng miễn dịch thấp) cùng với virút bao gồm cả HIV.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã xác định trong khổ qua có chứa các chất tẩy giun sán, một nhóm các hợp chất chống ký sinh trùng giúp loại trừ giun ký sinh và các ký sinh trùng ra khỏi cơ thể.

Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư

Nghiên cứu cho thấy loại thực phẩm này có chứa một số hợp chất có đặc tính chống ung thư. Ví dụ, một nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy chiết xuất loại thực phẩm này có hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào ung thư dạ dày, ruột kết, phổi và vòm họng – khu vực nằm sau mũi ở phía sau cổ họng. Một nghiên cứu khác cũng có những phát hiện tương tự, báo cáo cho thấy rằng chiết xuất khổ qua có thể ngăn chặn sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư vú đồng thời thúc đẩy quá trình chết của tế bào ung thư.

Mặc dù kết quả nghiên cứu không nhất quán, một số nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của mướp đắng trong việc ngăn ngừa hoặc quản lý các loại ung thư: bệnh bạch cầu lympho, ung thư hạch, ung thư đường mật, ung thư hắc tố, ung thư vú, khối u da, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư biểu mô lưỡi và thanh quản, ung thư bàng quang và bệnh Hodgkin.

Cải thiện hệ tiêu hóa và sức khỏe gan

Nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ cho thấy chiết xuất từ khổ qua có thể giúp giảm rối loạn dạ dày và ruột, giảm sỏi thận, giúp ngăn ngừa bệnh gan và cải thiện chức năng gan, giúp điều trị giun ký sinh xâm nhập vào đường tiêu hóa, giảm các triệu chứng của bệnh viêm ruột (bao gồm cả viêm đại tràng) và cải thiện tổng thể sức khỏe tiêu hóa. Chúng có thể làm tăng mức độ glutathione peroxidase (GPx), superoxide dismutase (SOD) và catalase giúp cải thiện giải độc và ngăn ngừa tổn thương gan.

Cải thiện hệ tiêu hóa và sức khỏe gan

Khổ qua cũng có tác dụng nhuận tràng tự nhiên do đó giúp giảm táo bón. Bên cạnh đó, chúng có thể hỗ trợ giảm đau và loét dạ dày. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu phát hiện ra rằng chúng có thể giúp chống lại vi khuẩn Helicobacter pylori góp phần hình thành vết loét trong dạ dày dẫn đến ung thư.

Giúp điều trị viêm da và làm lành vết thương

Một số nghiên cứu đã xác định các hợp chất chống viêm trong khổ qua giúp điều trị các bệnh về da như bệnh chàm và bệnh vẩy nến. Do có đặc tính kháng khuẩn, chúng thường được sử dụng tại chỗ trên da để điều trị nhiễm trùng da sâu (áp xe) và vết thương mà không cần dùng đến kháng sinh như một phương thức chữa bệnh dân gian.

Hỗ trợ làm giảm cholesterol

Cholesterol trong máu quá cao có thể gây ra mảng bám chất béo tích tụ trong động mạch của bạn, buộc tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một số nghiên cứu trên động vật cho thấy khổ qua có thể làm giảm mức cholesterol để hỗ trợ sức khỏe tim mạch tổng thể. Một nghiên cứu trên chuột theo chế độ ăn nhiều cholesterol đã quan sát thấy rằng việc sử dụng chiết xuất từ loại thực vật này đã làm giảm đáng kể mức cholesterol toàn phần, cholesterol LDL xấu và chất béo trung tính. Tuy nhiên, nghiên cứu hiện tại về các đặc tính giảm cholesterol tiềm năng của chúng chủ yếu chỉ giới hạn ở các nghiên cứu trên động vật sử dụng liều lượng lớn chiết xuất từ khổ qua chứ chưa có những nghiên cứu thực tế trên người.

Ngăn ngừa béo phì

Chiết xuất từ ​​khổ qua đã cho thấy các hoạt động chống oxy hóa mạnh mẽ trong cả nghiên cứu trên người và động vật. Ngoài việc cân bằng các hormone liên quan đến bệnh tiểu đường, chúng còn có khả năng hoạt động như một chất điều trị để ngăn ngừa béo phì và các triệu chứng khác liên quan đến hội chứng chuyển hóa. Bên cạnh đó, loại thực phẩm này giúp ngăn ngừa tăng cân bằng cách tạo ra các quá trình chuyển hóa lipid và chất béo, kiểm soát sự thèm ăn.

>>> Xem thêm: Khổ qua tây: bí quyết tốt tóc đẹp da chỉ với một loại thực phẩm

Một số món ăn hấp dẫn từ khổ qua

Một số món ăn hấp dẫn từ khổ qua

Khổ qua có thể kết hợp cùng nhiều loại thực phẩm khác để tạo ra những món ăn bổ dưỡng

Khổ qua xào trứng

Khổ qua sau khi mua về rửa sạch, bổ đôi theo chiều dọc và nạo hết hạt bên trong sau đó thái xéo. Phi tỏi trong dầu sôi cho thơm, cho khổ qua vào xào sơ và cho một ít muối. Tiếp theo, đập trứng vào và đảo đều tay để trứng tơi, nêm nếm với muối, đường, bột nêm phù hợp với khẩu vị và bày ra đĩa cùng hành ngò trang trí. Món này có thể dùng với cơm nóng trong những bữa ăn của gia đình.

Canh khổ qua dồn thịt

Khổ qua sau khi mua về cần rửa sạch, bổ đôi theo chiều ngang, nạo bỏ ruột và chần sơ qua nước sôi cho bớt đắng. Mộc nhĩ ngâm nở xắt sợi. Quết thịt bằm cùng mộc nhĩ với muối, đường, bột nêm cho vừa ăn và để thấm đều gia vị trong vòng 20 phút. Sau đó, dồn hỗn hợp thịt bằm mộc nhĩ vào khổ qua đã cắt đôi. Bắc nồi nước sôi và hầm khổ qua dồn thịt đến khi chín mềm sau đó múc ra tô cùng với hành ngò, tiêu xay. Món này là một món ăn gia đình vô cùng hấp dẫn cung cấp đủ dinh dưỡng và thanh nhiệt cơ thể.

Nhìn chung, khổ qua là một loại thực phẩm phổ biến đem đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Chúng chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất cũng như các hợp chất từ thực vật phytochemical vô cùng quan trọng giúp ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, ung thư.

Nguồn tham khảo

Bitter Melon: the Medicinal Fruit for Diabetes, Cancer and More. https://draxe.com/nutrition/bitter-melon/ Ngày truy cập 24/01/2020

Bitter Gourd: Health Benefits, Nutrition, and Uses. https://www.webmd.com/diet/health-benefits-bitter-gourd#1 Ngày truy cập 24/01/2020

How does bitter melon affect blood sugar levels? https://www.medicalnewstoday.com/articles/317724#_noHeaderPrefixedContent Ngày truy cập 24/01/2020

6 Benefits of Bitter Melon (Bitter Gourd) and Its Extract. https://www.healthline.com/nutrition/bitter-melon Ngày truy cập 24/01/2020

Bitter gourd. https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/168393/nutrients Ngày truy cập 24/01/2020