Khám phá những bài thuốc quý từ hoa thiên lý
Hoa thiên lý xào là món ăn quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, nếu chỉ dùng bông thiên lý để chế biến món ăn, bạn đã bỏ qua một vị thuốc quý tự nhiên rồi đấy!
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về những lợi ích sức khoẻ, các bài thuốc và món ăn mà bạn có thể chế biến từ bông thiên lý. Tham khảo ngay nhé!
Thông tin tổng quan về cây thiên lý
Cây thiên lý còn có tên gọi khác là cây hoa lý, dạ lài hương, là một loại cây dây leo, thuộc họ Thiên lý Asclepiadaceae. Tên khoa học của loại cây này là Telosma cordata (Burm.f.) Merr. Cả lá và thân cây đều có màu xanh lục, nhưng khi cây già đi, cây nho chuyển sang màu nâu. Các lá màu xanh lục có hình trái tim và nhọn ở đầu, nhẵn dài với các đường gân nổi rõ.
Hoa thiên lý thường nở thành chùm, tạo ra hình sao với năm cánh mở rộng, có màu xanh lục hoặc ngả vàng, cuống hoa có lông măng. Cây thường ra hoa vào khoảng đầu tháng 5 đến tháng 10, kết quả khoảng tháng 10 đến tháng 12. Hoa thiên lý thường toả hương nồng đậm vào buổi đêm. Có lẽ đây cũng chính là nguồn gốc của cái tên “Dạ lài hương” của nó. Hoa thiên lý được tiêu thụ và sử dụng trong các món ăn từ các nước như Philippines, Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ.
Cách chế biến đơn giản nhất là xào hoa với dầu hào hoặc dùng để làm một số món súp. Trong ẩm thực Thái Lan, người ta sử dụng loại hoa này để chế biến chung với bún xào nấm, nêm dầu hào và nước tương nhạt.
Cây thiên lý còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như cây hoa lý, dạ lài hương
Công dụng của cây thiên lý
Theo đông y, loại cây này có vị ngọt, tính bình nên thường được dùng trong các bài thuốc có tác dụng giải nhiệt, làm mát gan, tiêu độc, an thần, hoặc dùng để bồi bổ cho những người thường xuyên mệt mỏi.
Xét về giá trị dinh dưỡng, cây thiên lý cũng góp phần bổ sung rất nhiều vitamin và khoáng chất như C, B1, B2, PP và tiền vitamin A (caroten), canxi, phốt pho, sắt, kẽm. Hàm lượng chất xơ chiếm khoảng 3%, đạm khoảng 2,8%.
Không chỉ bông thiên lý, các bộ phận khác nhau của loài cây này đều mang lại nhiều công dụng. Trong lá và rễ cây thiên lý có chất kháng sinh tự nhiên. Nhờ vậy, chúng có tác dụng sát trùng, diệt vi khuẩn và kích thích lên da non. Lá cây thiên lý cũng có một lượng nhỏ chất ankaloid, có tác dụng giảm đau. Ngoài ra, người ta cũng dùng lá cây để chữa mụn nhọt, lở loét hoặc điều trị bệnh trĩ ngoại.
Chứa một lượng lớn chất xơ và diệp lục, bông thiên lý sẽ giúp quá trình trao đổi chất của cơ thể diễn ra nhịp nhàng hơn. Nhờ đó, cơ thể sẽ chuyển hoá chất béo tốt hơn. Hơn nữa, hàm lượng calorie mà bông thiên lý mang lại cũng khá thấp nhưng lại dễ khiến bạn dễ cảm thấy no hơn. Vì vậy, những người muốn giảm cân có thể cân nhắc bổ sung bông thiên lý cho thực đơn hằng ngày của mình.
Những món ăn bài thuốc chữa bệnh
Bông thiên lý nếu chế biến đúng cách, đầy đủ thành phần nguyên liệu thì không chỉ có thể làm thực phẩm mà còn có tác dụng chữa bệnh. Bạn đã biết được bài thuốc nào sau đây chưa? Nếu chưa, ghi ngay vào sổ tay nhé!
- Thanh nhiệt cơ thể: Để mát gan, giải nhiệt mùa nóng, bạn có thể dùng 50g hoa thiên lý nấu canh ăn hằng ngày.
- Phòng tránh mẩn ngứa: Dùng khoảng 30g hoa thiên lý băm nhỏ để nấu cháo có thể phòng tránh rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt ở trẻ em.
- An thần: Dùng 30g hoa thiên lý, 10g hoa nhài, 5g tim sen sắc cùng 1 lít nước để uống liên tục trong một tuần có thể giúp bạn giảm mệt mỏi, an thần và ngon giấc hơn.
- Đau nhức xương khớp: Xào 50g thiên lý với 50g thịt heo nạc có tác dụng giảm các triệu chứng đau nhức ở người già, người lao động nặng.
- Bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng: Mỗi tuần 3 bữa bạn có thể dùng 50g hoa thiên lý, 50g tôm nõn để xào hoặc nấu canh. Món này có thể giúp cơ thể bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt có tác dụng khôi phục sinh lực cho nam giới.
- Chữa tiểu buốt: 10 – 20g rễ thiên lý sắc lấy nước uống liên tục trong 5 ngày, mỗi ngày 2-3 lần
- Chữa mụn nhọt: Lấy lá thiên lý giã nhỏ đắp vào chỗ mụn nhọt mỗi ngày một lần, trong vòng 2-3 ngày vết mụn nhọt sẽ biến mất.
- Trị giun kim: Sắc 30g bông thiên lý, 20g rau sam 20g, 25g lá đinh lăng lấy nước uống liên tiếp trong 3 ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần.
- Mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt: Hoa thiên lý, bạch cúc, mỗi thứ lấy 10g kết hợp 12g ngải cứu, 8g rau má, 8g lá đinh lăng, mỗi vị 8g sắc lấy nước uống liên tục trong 5 ngày, mỗi ngày chia làm 3 lần.
- Điều trị mất ngủ: Nấu canh bông thiên lý với thịt nạc hoặc với cá diếc, ăn ngày một lần trong 1 tuần liền. Bạn nên ăn vào buổi tối để có giấc ngủ ngon hơn.
- Chữa bệnh trĩ ngoại, sa dạ con: Giã nát lá, thêm muối với nước cất rồi trộn đều, sau đó lọc trong vải mỏng để lất nước. Dùng bông thấm hỗn hợp nước đắp vào búi trĩ đã vệ sinh với nước muối sinh lý. Băng kín để giữ bông thuốc không bị rơi ra trong khoảng 2 tiếng. Làm liên tục trong 3-4 ngày, mỗi ngày 1-2 lần.
Công thức chế biến những món ăn ngon miệng, dễ làm
1. Bông thiên lý xào tỏi
Nguyên liệu
- 0,5-1kg hoa thiên lý
- 5 tép tỏi
Cách làm
- Phi thơm tỏi đã băm nhuyễn, sau đó cho hoa đã được ngâm muối và rửa bằng nước lạnh vào xào. Để bông thiên lý nhanh chín và vẫn giữ màu xanh đẹp mắt, bạn có thể chần sơ qua với nước sôi trước khi xào.
- Nêm nếm gia vị vừa ăn, sau đó đảo nhanh tay và thêm hành vào rồi tắt bếp.
- Dọn bông thiên lý xào tỏi ra dĩa, thêm hạt tiêu là bạn đã có một món ăn ngon lành rồi đấy.
Nếu muốn món ăn hấp dẫn hơn, bạn có thể thêm thịt bò vào món bông thiên lý xào
2. Thiên lý xào lòng gà
Chuẩn bị
- Lòng gà: 2 bộ
- Bông thiên lý: 3 lạng
- nửa củ tỏi
- Gia vị
Cách làm
- Làm nóng chảo cho mỡ và tỏi vào phi cho dậy mùi thơm, rồi cho lòng gà đã rửa sạch bằng nước muối và ướp gia vị vào xào chín
- Tiếp tục cho bông thiên lý vào xào nhanh rồi nêm nếm cho vừa ăn rồi tắt bếp
3. Canh cua nấu hoa thiên lý, mùng tơi
Nguyên liệu
- 2 lạng cua xay sẵn
- 1 lít rưỡi nước
- Hoa thiên lý, mùng tơi
Cách làm
- Cho cua vào nước lạnh đã chuẩn bị sẵn, bóp cho tan rồi lọc lấy phần nước, bỏ cái
- Nấu sôi hỗn hợp nước cua. Để thịt cua không bám đáy nồi và đóng thành miếng lớn, bạn nên dùng muỗng khuấy đều cho đến khi thịt cua bắt đầu nổi lên.
- Khi nước đã sôi đều, thịt cua dồn sang một bên thì tiếp tục cho thiên lý và mùng tơi vào nấu và nêm nếm cho vừa miệng.
- Đợi nước sôi thêm một lần nữa thì tắt bếp và dọn món canh ra tô.
4. Canh tôm hoa thiên lý
Nguyên liệu
- Thiên lý: 2 lạng
- Tôm thẻ: 1 lạng
- Thịt nạc: 1 lạng
- Dầu ăn
- Hành lá
- Gia vị
Cách làm
- Tôm rửa sạch, lột vỏ bỏ phần chỉ lưng sau đó đập dập trộn với thịt heo đã sơ chế và cắt lát mỏng. Ướp thêm 1 muỗng nước mắm, 1 muỗng đường, 1/2 muỗng tiêu, 1/2 muỗng hạt nêm, đầu hành đập dập và để trong khoảng 10 phút cho thấm gia vị.
- Phi hành trên chảo nóng cho thơm rồi cho tôm thịt đã ướp vào xào. Khi tôm thịt vừa chín thì tắt bếp.
- Nấu sôi khoảng 1 lít nước, sau đó cho tôm thịt vừa xào vào nấu. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
- Cho hoa thiên lý vào, nước vừa sôi thì tắt bếp ngay. Tránh không nấu hoa quá lâu vì sẽ khiến hoa bị mềm, mất chất dinh dưỡng và không ngon.
5. Canh ngao thiên lý
Nguyên liệu
- Ngao: 1kg
- Thiên lý: 5 lạng
- Dầu ăn, hành khô, hạt tiêu, nước mắm
Cách làm
- Ngao rửa sạch, sau đó mang luộc. Khi ngao mở miệng, lọc bỏ phần nước cất riêng.
- Thịt ngao rửa sạch, thêm nước mắm, hạt tiêu, hành khô băm để ướp trong 30 phút cho thấm gia vị.
- Phi thơm hành, cho ngao vào xào cho thịt săn lại, đổ phần nước luộc ngao vào đun sôi
- Tiếp tục cho thiên lý vào, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Lưu ý khi dùng lá và bông thiên lý chế biến món ăn, nhất là các bài thuốc chữa bệnh, bạn không nên kết hợp với những thực phẩm nhiều sắt như gan, rau muống… Sắt trong những thực phẩm này có thể đẩy kẽm ra ngoài. Bạn cũng tránh không nấu hoa quá mềm vì sẽ giảm chất dinh dưỡng, dẫn đến giảm tác dụng điều trị bệnh.
Mặc dù bông thiên lý có nhiều công dụng tốt cho sức khoẻ, nhưng bạn không nên quá lạm dụng. Với những người bình thường, không có vấn đề sức khoẻ chỉ nên ăn các món có hoa thiên lý khoảng 2 lần/tuần. Bạn cũng không nên tự ý sử dụng bông thiên lý để điều trị. Để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn.