Tư thế con bọ cạp (Vrischikasana) trong yoga – Động tác thách thức sự kiên nhẫn của yogi
Dù được xem là một trong những động tác khó nhất nhưng lợi ích mà tư thế con bọ cạp trong yoga đem lại tuyệt vời đến mức bạn chỉ muốn chinh phục ngay lập tức.
Tư thế bọ cạp (Vrischikasana) thuộc loại hình rocket yoga, là tư thế nâng cao mà bạn có thể đặt mục tiêu để chinh phục khi cảm thấy bản thân đã có đủ sức mạnh ở vùng bụng và sự linh hoạt ở vai. Đây được xem là một trong những động tác khó nhất bởi tư thế này vừa là một động tác đảo ngược vừa là một động tác backbend khó. Bạn có tò mò về tư thế này? Đừng ngần ngại xem qua những chia sẻ dưới đây của LEEP.APP để hiểu hơn về lợi ích cũng như cách thực hiện nhé.
Lợi ích của tư thế con bọ cạp trong yoga
Dù được đánh giá là “khó nhằn” nhưng đi kèm với độ khó thì lợi ích của tư thế con bọ cạp trong yoga cũng khiến nhiều người phải ngỡ ngàng:
- Tăng sức mạnh cho vai, cánh tay, vùng lõi và lưng
- Cải thiện sự linh hoạt của cột sống
- Giãn cơ hông và cơ ngực
- Tăng độ linh hoạt, dẻo dai cho các khớp tay và chân
- Nâng cao tinh thần, giảm căng thẳng, giúp bạn thấy lạc quan, yêu đời
- Cải thiện vóc dáng, loại bỏ mỡ thừa.
Do đây là một tư thế yoga đảo ngược cực khó nên động tác này mang lại một nguồn năng lượng rất lớn cho thể chất và tinh thần. Nhiều người cho rằng các động tác yoga đảo ngược, trong đó có tư thế con bọ cạp giúp tăng lưu thông máu lên não, tuy nhiên, điều này sẽ cần được nghiên cứu thêm.
Hướng dẫn thực hiện động tác con bọ cạp
Con bọ cạp – Một trong những tư thế khó nhất trong yoga
Đây không phải là tư thế yoga phù hợp với người mới tập, thậm chí những người tập lâu năm cũng nên cẩn thận bởi tư thế này đòi hỏi một lực gập người đầy kỹ thuật. Nếu bạn đã thành thạo tư thế đừng bằng cẳng tay (Pincha Mayurasasa) và thường xuyên kết hợp các động tác backbend khi luyện tập thì bạn có thể bắt đầu khám phá tư thế con bọ cạp. Tuy nhiên, tốt hơn hết, bạn vẫn nên tập theo hướng dẫn của giáo viên dạy yoga chuyên nghiệp.
- Bắt đầu với tư thế đừng bằng cẳng tay trên thảm
- Khuyu gối và nâng đầu lên
- Ở tư thế đứng bằng cẳng tay, đẩy hông hướng qua vai. Để cơ thể tạo thành hình chữ C của một con bọ cạp, bạn cần di chuyển hông và xương chậu ra xa khỏi đỉnh đầu. Chuyển động này sẽ diễn ra một cách tự nhiên khi bạn bắt đầu uốn cong phần cột sống.
- Khi đã gập mình sâu, từ từ tách 2 đầu gối ra nhưng vẫn giữ 2 ngón chân cái chạm vào nhau
- Di chuyển chân hướng qua đầu tạo thành hình vòm trên đỉnh đầu
- Để thoát thế, hạ từng chân một xuống sàn một cách chậm rãi. Đưa người về tư thế em bé để thư giãn phần lưng.
Lưu ý khi thực hiện động tác con bọ cạp
Để tập tư thế này có hiệu quả và tránh nguy cơ gặp phải chấn thương, bạn cần chú ý những điều sau:
- Xây dựng sức mạnh cơ thể trước khi thử tư thế con bọ cạp trong yoga bằng cách tập luyện đều đặn các tư thế đảo ngược như tư thế trồng chuối bằng đầu, tư thế trồng chuối bằng tay (handstand) và tư thế trồng chuối bằng cẳng tay.
- Bạn cũng có thể thường xuyên tập luyện tư thế con cá heo chống đẩy để luyện tập phần vai và tăng sức mạnh cho vùng core
- Xây dựng sự linh hoạt của cột sống bằng cách thực hiện các động tác backbend yoga như tư thế con lạc đà, một tư thế uốn lưng giống như tư thế con bọ cạp
Dù đã tập yoga lâu năm nhưng khi thực hiện tư thế con bọ cạp bạn cũng nên cẩn thận. Tốt nhất, bạn vẫn nên tập theo hướng dẫn của giáo viên dạy yoga chuyên nghiệp khi thử tập tư thế này lần đầu.
Biến thể của tư thế con bọ cạp trong yoga
Thực hiện động tác con bọ cạp với sự hỗ trợ của tường
Người mới tập yoga không nên thử động tác này. Nếu cơ thể đã sẵn sàng, bạn có thể chinh phục tư thế từng bước một với các biến thể từ dễ đến khó như:
- Đứng gần tường để được hỗ trợ. Bạn có thể đặt tay cách tường khoảng 60cm. Sau đó, thực hiện động tác hướng dẫn ở trên và đặt bàn chân chạm vào tường. Lúc này tay bạn được đặt ở khá xa nên phần lưng sẽ được uốn cong nhiều. Trong quá trình tập, nếu thấy khó chịu, bạn hãy dừng lại.
- Nếu đầu ngón chân đã có thể chạm vào đầu khi thực hành tư thế con bọ cạp, bạn có thể thử biến thể khó hơn bằng cách đặt lòng bàn chân lên đỉnh đầu. Chỉ một chút thay đổi nhỏ này sẽ khiến phần lưng phải uốn nhiều hơn. Nếu bạn thường xuyên tập luyện tư thế bánh xe (Urdhva Dhanurasana) thì sẽ rất hữu ích khi thực hiện biến thể này.
Đây là tư thế khó, do đó, bạn chỉ nên thử khi đã chuẩn bị tốt và cần hết sức cẩn thận khi thực hiện. Không thực hiện tư thế này nếu có vấn đề về hông, lưng, bạn bị huyết áp cao, đang mang thai hoặc bị tăng nhãn áp.
Ngoài ra, trong quá trình tập, bạn cũng cần chú ý lắng nghe cơ thể. Nếu thấy khó chịu về thể chất hoặc có cảm giác tập luyện không hiệu quả, hãy nhẹ nhàng thoát thế.
Nguồn tham khảo
How to Do Scorpion Pose (Vrischikasana) in Yoga https://www.verywellfit.com/scorpion-pose-vrschikasana-3567113 Ngày truy cập: 24/1/2021