Không chỉ có ngồi, tư thế thiền còn có 4 kiểu nữa: Tìm hiểu ngay!

Không chỉ có ngồi, tư thế thiền còn có 4 kiểu nữa: Tìm hiểu ngay!

Nếu bạn nghĩ rằng ngồi là tư thế thiền duy nhất thì hãy quên ngay đi bởi bạn vẫn thể tập thiền trong khi ngồi trên ghế, đứng và thậm chí là nằm.

Thiền là hình thức rèn luyện sức khỏe đang dần trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người bởi những lợi ích đối với sức khỏe. Thiền không chỉ có ngồi thiền mà bạn còn có thể thực hiện ở cả tư thế đứng và nằm. Tập thiền rất đơn giản, bạn không cần chuẩn bị bất cứ thứ gì. Do đó, bộ môn này có thể được tập mọi lúc, mọi nơi.

Dù bạn là người mới làm quen với thiền hay là người đã tập lâu năm thì khi tập, điều quan trọng nhất vẫn là bạn phải linh hoạt, sửa đổi từ những điều cơ bản để tạo ra một phương pháp tập luyện phù hợp nhất với nhu cầu của bản thân.

4 tư thế thiền phổ biến

Dưới đây là 4 tư thế thiền phổ biến mà LEEP.APP đã sưu tầm. Tùy vào điều kiện và hoàn cảnh cụ thể mà bạn hãy sử dụng tư thế phù hợp nhé:

1. Ngồi thiền trên ghế

Tư thế thiền này thường được sử dụng ở nơi làm việc hoặc khi đi du lịch. Đối với dân văn phòng, đây là cách luyện tập tuyệt vời để bạn “refresh” lại năng lượng cho cơ thể vào giờ nghỉ để chuẩn bị cho những giờ làm việc tiếp theo.

thiền trên ghế

Cách thực hiện

  • Bạn có thể bắt đầu bằng cách ngồi thẳng lưng trên ghế, đặt chân trên sàn sao cho chân tạo thành một góc 90 độ với đầu gối
  • Đầu và cổ thẳng hàng với cột sống, tay đặt trên đầu gối hoặc đặt trong lòng
  • Bạn có thể đặt thêm một chiếc gối ở phía sau lưng hoặc dưới hông để hỗ trợ

2. Tập thiền ở tư thế đứng

tư thế thiền đứng

Nếu bạn yêu thích sự linh hoạt khi thiền, hãy thử ngay tư thế đứng nhé!

Cách thực hiện

  • Bắt đầu bằng cách đứng thẳng, hai bàn chân rộng bằng vai
  • Di chuyển bàn chân để gót chân hơi quay vào trong và các ngón chân cách xa nhau một chút
  • Gập nhẹ đầu gối và hít thở đều
  • Để thư giãn hơn, bạn có thể đặt tay lên bụng hoặc vươn 2 tay qua đầu để cảm nhận hơi thở di chuyển khắp cơ thể

3. Tập thiền ở tư thế quỳ

Thiền trong tư thế quỳ cũng là một điều khá thú vị mà bạn có thể thử. Ưu điểm khi tập thiền trong tư thế này là bạn có thể dễ dàng giữ lưng thẳng.

tư thế thiền

Cách thực hiện

  • Ngồi trên sàn trong tư thế quỳ, ống chân đặt thẳng
  • Bạn có thể đặt một tấm đệm giữa mông và gót chân để giúp đầu gối bớt căng thẳng và cảm thấy thư giãn

4. Tập thiền trong tư thế nằm

tư thế nằm

Khi thiền trong tư thế nằm, bạn có thể dễ dàng thư giãn bởi ở tư thế này, cơ thể sẽ được hỗ trợ hoàn toàn. Để bắt đầu, bạn hãy nằm ngửa với hai cánh tay mở rộng đặt dọc theo cơ thể. Bàn chân cách nhau một khoảng bằng hông và các ngón chân có thể hướng sang một bên.

Nếu thấy không thoải mái, bạn có thể đặt thêm một chiếc gối ở phần lưng dưới hoặc bên dưới đầu gối để hỗ trợ. Bạn cũng có thể gập đầu gối và đặt bàn chân lên trên mặt đất.

Để tránh tập thiền sai cách, lựa chọn tư thế phù hợp là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể thực hiện một cách linh hoạt. Hãy bắt đầu ở tư thế mà bạn cảm thấy thoải mái nhất. Ngoài ra, việc duy trì một tư thế cụ thể cũng giúp bạn có thêm quyết tâm để đạt được mục tiêu luyện tập.

7 nguyên tắc cần nhớ khi tập thiền trong tư thế ngồi thiền

Khi tập thiền trong tư thế ngồi, có 7 nguyên tắc bạn cần nhớ để căn chỉnh cơ thể chính xác. Trong quá trình tập, bạn vẫn có thể sửa đổi linh hoạt cho phù hợp nhất với bản thân:

1. Điều chỉnh tư thế ngồi

Tùy thuộc vào độ linh hoạt của hông mà bạn có thể ngồi theo tư thế hoa sen hoặc bán hoa sen. Bạn cũng có thể ngồi xếp bằng trên đệm thiền, gối hoặc ghế để tạo cảm giác thoải mái nhất nhằm dễ dàng tập trung vào việc thiền định.

2. Điều chỉnh cột sống

Dù bạn tập thiền ở tư thế nào thì cột sống cũng phải được giữ thẳng nhất có thể. Nếu bạn hay cúi người về phía trước hoặc hơi lắc lư về phía sau, hãy nhẹ nhàng nhắc nhở bản thân trở lại tư thế đúng.

Bạn hãy nâng cơ thể lên và kéo căng cột sống mỗi lần hít vào. Cảm nhận dòng năng lượng đi từ gốc cột sống ra ngoài qua đỉnh đầu. Hít sâu và thở ra nhẹ nhàng, đồng thời giữ thẳng cột sống, điều này sẽ giúp bạn luôn tỉnh táo.

3. Thả lỏng tay

Bạn có thể đặt tay lên đùi, lòng bàn tay úp xuống. Cách làm này sẽ giúp bạn tập trung và thư giãn. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt bàn tay phải lên trên bàn tay trái với các ngón tay cái chạm nhẹ rồi đặt lên đùi với lòng bàn tay hướng lên. Tư thế này đã được chứng minh là có thể tạo ra nhiều nhiệt và năng lượng hơn cho cơ thể.

tư thế ngồi thiền

4. Thả lỏng vai

Giữ vai thật thư giãn và thoải mái khi ngồi thiền. Điều này sẽ giúp mở rộng tim và tăng cường sức mạnh của lưng. Trong quá trình tập, hãy kiểm tra tư thế của bạn thường xuyên để đảm bảo cột sống luôn được giữ thẳng và phần vai không quá rũ xuống. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý đến chiều cao của 2 vai. Nếu có cảm giác 2 vai không đều, bạn cần điều chỉnh ngay.

5. Giữ cằm thoải mái

Giữ cằm tự nhiên và thả lỏng cơ mặt để đầu và cổ không bị gồng một cách gượng ép. Nếu bạn cố gắng ép cằm để kéo căng cột sống hoặc gồng cổ, cơ mặt, hơi thở sẽ dễ bị đứt quãng và khó thở sâu khi tập thiền.

6. Thư giãn quai hàm

Cố gắng giải phóng mọi căng thẳng ở quai hàm trước khi thiền. Bạn có thể làm điều này bằng cách ấn nhẹ lưỡi vào vòm miệng. Điều này sẽ tự động làm thư giãn quai hàm, giúp bạn nhận thức hơi thở rõ ràng hơn và làm chậm quá trình nuốt nước bọt. Bạn cũng có thể ngáp hoặc há to miệng trước khi thiền để kéo giãn cơ hàm và giải phóng căng thẳng.

7. Khép hờ mắt

Khi ngồi thiền, bạn chỉ nên khép hờ mắt, tránh nhắm mắt lại, giữ cho khuôn mặt, mắt và mí mắt được thư giãn. Bạn cũng có thể mở mắt trong khi ngồi thiền bằng cách nhìn vào một điểm trên sàn cách bạn vài bước chân. Giữ khuôn mặt thư giãn và tránh nheo mắt.

Trước khi thiền, bạn cần lựa chọn mình sẽ thiền mở mắt hay khép hờ mắt để tránh phải đổi qua đổi lại trong khi tập. Việc đổi lại nhiều lần có thể khiến bạn mất phương hướng và làm gián đoạn quá trình tập.

Một số lưu ý khi tập thiền mà bạn cần nhớ

Tập thiền sẽ phát huy tối đa hiệu quả nếu bạn ghi nhớ và làm theo một số lưu ý sau:

  • Bắt đầu với các bài tập ngắn hơn và tăng dần khi bạn cảm thấy thoải mái
  • Tập trung vào hơi thở di chuyển vào và ra trong cơ thể
  • Giữ hơi thở chậm, đều và mượt mà
  • Quan sát mọi suy nghĩ, cảm giác khi chúng nảy sinh và trôi qua
  • Nhẹ nhàng đưa tâm trí trở lại hiện tại và không chỉ trích nếu nó đi lang thang thang
  • Hãy ý thức về sự im lặng bên trong cơ thể
  • Nâng cao nhận thức với từng âm thanh xung quanh
  • Cảm nhận không khí hoặc quần áo chạm vào da và cảm nhận cơ thể chạm sàn.

Dù thế nào đi nữa, điều quan trọng là bạn phải yêu thương và dịu dàng với chính mình. Không có cách thiền nào là sai, để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn chỉ cần áp dụng phương pháp và tư thế phù hợp nhất với bản thân.

Nguồn tham khảo

Meditation Poses: In Your Desk Chair, on the Floor, and More https://www.healthline.com/health/mental-health/meditation-positions Ngày truy cập: 28/10/2020


Chủ đề: ,