Resistance training là gì mà nhiều người tập đến thế?
Resistance training là một hình thức luyện tập giúp cải thiện sức mạnh và sức bền của cơ bắp. Các bài tập này còn được gọi là các bài tập luyện đối kháng.
Trong quá trình thực hiện các bài tập resistance training, bạn sẽ di chuyển tay chân để chống lại sức cản của cơ thể, trọng lực, lực từ dây đàn hồi, tạ đòn hoặc tạ tay. Một số loại máy cũng có thể được sử dụng trong các buổi tập resistance training.
Resistance training là gì?
Bất kỳ bài tập nào mà bạn cần đẩy, kéo hoặc thực hiện các động tác chống lại lực cản bên ngoài đều có thể được gọi là resistance training (bài tập kháng lực). Vậy resistance là gì?
Resistance, hay còn gọi là lực cản, là bất kỳ ngoại lực nào làm cho chuyển động của bạn trở nên khó khăn hơn.
Ở dạng đơn giản nhất, lực cản có thể được tạo ra khi bạn di chuyển cơ thể theo hướng chống lại lực hút trái đất , như khi thực hiện bài tập hít đất hoặc plank. Không những vậy, chúng cũng được tạo ra khi bạn sử dụng các loại tạ có trọng lượng nặng và thực hiện các bài tập như biceps curl, incline chest press và deadlift.
Bạn cũng có thể bổ sung thêm các bài tập kháng lực vào chế độ luyện tập hiện tại của mình bằng cách sử dụng máy nâng tạ trong phòng tập hoặc kết hợp thêm cái dụng cụ như tạ đòn, băng cản lực và tạ ấm.
>>> Xem thêm: Strength training và 7 sai lầm không đáng có
Lợi ích của các bài tập resistance training
Resistance training mang lại rất nhiều lợi ích, có thể kể đến như:
- Cải thiện thể chất tổng thể
- Tăng khả năng kiểm soát các chuyển động của cơ thể
- Tăng tốc độ đi bộ
- Giảm mỡ bụng
- Tăng cường chức năng của não
Khi bị mỡ bụng, bạn có thể xem xét tập các bài resistance training vì sẽ giúp đốt cháy nhiều calorie một cách hiệu quả
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, resistance training mang lại nhiều lợi ích cho những người mắc bệnh mạn tính hoặc chấn thương. Ví dụ, các bài tập luyện đối kháng này giúp ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường type 2, bệnh tim mạch, đồng thời giảm đau lưng, đau do viêm khớp hoặc đau cơ xơ hóa. Khi thực hiện các hoạt động hằng ngày, cơ bắp của những người tập resistance training thường hoạt động dễ dàng và hiệu quả hơn.
Những thắc mắc thường gặp liên quan đến resistance training
Một số hiểu lầm về resistance training có thể ngăn bạn bắt đầu luyện tập theo chế độ này. Các câu hỏi sau đây sẽ giúp bạn làm rõ những hiểm lầm về resistance training nhé.
Nâng tạ có giúp bạn “đô con” hơn không?
Các bài tập resistance training có thể giúp cơ bắp săn chắc và đẹp hơn. Tuy nhiên, để trở nên “đô con”, bạn cần thực hiện các bài nâng tạ cực nặng, ví dụ như cử tạ hoặc thể hình.
Hình thức resistance training ảnh hưởng thế nào đến cân nặng của bạn?
Tập tạ có thể khiến bạn tăng cân nhẹ. Lúc này, cơ bắp của bạn tuy dày đặt hơn mỡ nhưng lại săn chắc và chiếm ít diện tích hơn. Vì vậy, bạn có thể tăng cân đôi chút nhưng kích thước cơ thể lại được thu nhỏ đi đáng kể.
Ngoài ra, cơ bắp giúp bạn duy trì sự trao đổi chất lành mạnh hơn so với mỡ thừa nhờ vào khả năng đốt cháy nhiều calorie hơn. Việc tập luyện đối kháng bằng resistance training sẽ giúp bạn đốt cháy calorie trong suốt cả ngày. Điều này có thể giúp bạn giảm cân lâu dài và hiệu quả hơn.
Tôi có thể tập resistance training mỗi ngày không?
Bạn có thể tập nâng tạ mỗi ngày, nhưng không nên làm vậy với các cơ bắp của mình. Các cơ cần thời gian phục hồi giữa các buổi tập để phát triển và ngăn ngừa chấn thương. Theo đó, bạn nên tập luân phiên các vùng khác nhau trên cơ thể. Bạn có thể dành một ngày tập phần thân trên, một ngày tập phần thân dưới.
Tuy nhiên, nếu bạn tập nâng tạ với trọng lượng nặng, việc sử dụng nhiều lực cản có thể khiến các cơ bắp vận động nhiều hơn. Vì vậy, bạn đôi khi cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn bình thường. Trong trường hợp này, các nghiên cứu chỉ ra rằng, nghỉ ngơi 2 – 3 ngày giữa các buổi tập sẽ giúp cơ bắp phục hồi tốt hơn.
Bạn có cần bổ sung protein khi tập tạ không?
Đa số những người tập thể dục thể thao không cần bổ sung thêm protein để thu được hiệu quả luyện tập tối ưu nhất. Bạn có thể bổ sung đủ lượng protein cần thiết cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống lành mạnh mỗi ngày. Bạn chỉ nên sử dụng các sản phẩm bổ sung protein khi chế độ ăn không cung cấp đủ lượng protein cần thiết, đặc biệt nếu bạn ăn chay trường. Protein có nguồn gốc từ thực vật thường thiếu các axit amin cần thiết cho sự phát triển của cơ bắp.
Sản phẩm protein chỉ cần thiết khi chế độ ăn hằng ngày không cung cấp đủ protein
Việc bổ sung protein thông qua các sản phẩm khác cũng cần thiết đối với những vận động viên chuyên nghiệp, bởi nhu cầu protein của họ thường cao hơn người bình thường.
Hình thức luyện tập này tốt nhất là gì?
Không có hình thức nào tốt hơn hình thức nào. Thay vì tập cùng một hình thức, bạn nên kết hợp các hình thức với nhau để giúp đa dạng hóa chế độ tập của mình. Ví dụ như, bạn có thể tập nâng tạ vào một ngày và sử dụng các loại máy tập vào ngày tiếp theo.
Tôi có cần phải đến phòng tập để thực hiện các bài tập resistance training không?
Câu trả lời là không. Trên thực tế, một số hình thức tập luyện đối kháng sẽ gồm các bài tập chủ yếu sử dụng trọng lượng cơ thể để tạo ra lực cản, vì vậy bạn vẫn có thể thực hiện chúng ngay tại nhà. Ví dụ như, hít đất, lunge và squat là các bài tập sử dụng trọng lượng cơ thể là chủ yếu. Bạn không cần đến thiết bị để thực hiện các bài tập này và cũng không nhất thiết phải đến phòng tập.
Làm thể nào để bắt đầu tập resistance training?
Bạn có thể thực hiện chuỗi bài tập resistance ở phòng tập với các huấn luyện viên chuyên nghiệp hoặc tự xây dựng một chương trình tập riêng tại nhà. Tuy nhiên, dù chọn cách nào, bạn cũng cần thực hiện các bài tập này một cách chính xác và hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng đến tư thế cũng như sự liên kết giữa các cơ bắp.
Bạn nên bắt đầu từ từ để tránh tạo quá nhiều áp lực lên các cơ bắp và khiến chúng bị chấn thương. Nhiều bài tập bắt đầu với mức tạ từ 1 – 1,5 kg hoặc chỉ dùng trọng lượng cơ thể để tạo lực cản. Bạn sẽ bắt đầu nhận thấy những thay đổi và lợi ích của chuỗi bài tập này bằng cách tập đều đặn 2-4 buổi mỗi tuần với 15-20 phút mỗi buổi.
Trước khi thực hiện các bài tập resistance training, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để xem liệu các bài tập này có phù hợp với sức khỏe và thể lực của mình hay không.
Dưới đây là chương trình tập resistance training dành cho những người mới bắt đầu:
- Thứ Hai: Tập phần trên cơ thể (phần ngực, vai, lưng trên và cánh tay), 1-2 set, mỗi set 8-10 lần.
- Thứ Ba: Nghỉ ngơi.
- Thứ Tư: Tập 1-2 set, mỗi set 8-10 lần các bài tập thân dưới (phần chân, hông, mông và vùng core).
- Thứ Năm: Nghỉ ngơi
- Thứ Sáu: Lặp lại chuỗi bài tập ở phần trên cơ thể.
- Thứ Bảy: Nghỉ ngơi
- Chủ nhật: Lặp lại chuỗi bài tập ở phần dưới cơ thể.
Với hình thức resistance training, bạn sẽ luyện tập các cơ bắp một cách hiệu quả. Bạn cũng có thể thực hiện các sinh hoạt hằng ngày một cách dễ dàng hơn nhờ các bài tập này. Hơn nữa, tập luyện đối kháng còn giúp bạn cải thiện sự ổn định của các khớp và ngăn ngừa các chấn thương có thể xảy ra. Bạn nên lựa chọn các bài tập vừa sức để thu được kết quả tối ưu nhất.
Nguồn tham khảo
How to Start Resistance Training https://www.verywellfit.com/what-is-resistance-training-3496094 Ngày truy cập: 14/03/2021