Vitamin F là gì? Tổng hợp những thông tin cần biết về Vitamin F
Đã bao giờ bạn nghe tới cụm từ “vitamin F”? Bạn có từng thắc mắc loại vitamin này có tác dụng như thế nào, mức độ quan trọng có tương tự như những loại vitamin A, B, C… hay không?
Sau đây là những thông tin tổng quan về vitamin F. Đừng bỏ lỡ nội dung bên dưới nhé, những thông tin cần biết về vitamin F sẽ được tổng hợp một cách chi tiết nhất.
Chức năng của vitamin F là gì?
Đầu tiên, hãy cùng tìm hiểu khái niệm Vitamin F là gì? Đây là tên gọi chung của 2 loại chất béo thiết yếu bao gồm: axit alpha-linolenic (ALA) và axit linoleic (LA). Nhóm 2 loại chất béo này được phát hiện vào những năm 1920, khi các nhà khoa học nghiên cứu ra rằng, chế độ ăn không có chất béo gây ra nhiều tác dụng phụ trên chuột. Bởi cơ thể không thể tự sản sinh ra được các chất béo này nên chúng ta cần bổ sung qua chế độ ăn hàng ngày.
Theo đó, vitamin F đảm nhận những chức năng vô cùng quan trọng trong cơ thể bao gồm:
- Cung cấp nguồn calorie quan trọng: Về bản chất, vitamin F là chất béo nên chúng cung cấp khoảng 9 calorie cho mỗi gram được tiêu thụ trong khẩu phần ăn.
- Xây dựng nên cấu trúc tế bào: Nhóm vitamin ALA, LA và một số chất béo khác giúp tạo nên cấu trúc và tính linh hoạt cho tất cả các tế bào có trong cơ thể chúng ta. Đây cũng là thành phần chính tạo nên lớp màng ngoài tế bào.
- Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển: ALA có vai trò vô cùng quan trọng để giúp não bộ và thể lực tăng trưởng bình thường.
- Có khả năng chuyển đổi thành chất béo khác: Thật kỳ diệu bởi cơ thể chúng ta có thể chuyển đổi vitamin F thành các chất béo khác cần thiết cho sức khỏe.
- Tạo ra các hợp chất tín hiệu: Nhóm hai loại chất béo này còn được sử dụng để tạo nên các chất tín hiệu giúp điều chỉnh huyết áp, phản ứng của hệ miễn dịch, đông máu và một số chức năng chính khác của cơ thể.
Có thể nhận thấy, thiếu hụt vitamin F cũng rất nguy hiểm bởi các triệu chứng gây ra như da khô, tóc rụng, trẻ kém phát triển, da bị lở loét và bong vẩy, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực về thị giác và não bộ. May mắn là những trường hợp thiếu vitamin F thường xảy ra với tỷ lệ rất thấp. Tuy nhiên chúng ta cũng không được phép chủ quan và hãy xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, khoa học.
Vì cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp loại vitamin này nên cần bổ sung qua thực phẩm
Vai trò của vitamin F đối với sức khỏe
Theo những nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, vitamin F mang tới những lợi ích đặc biệt cho sức khỏe con người. Để hiểu rõ hơn về lợi ích của nhóm 2 nhóm chất béo này, chúng ta hãy đi vào phân tích chi tiết từng loại.
Lợi ích của ALA đối với sức khỏe
ALA là chất béo chính nằm trong nhóm omega-3 với rất nhiều lợi ích quan trọng cho sức khỏe. Quá trình chuyển hóa trong cơ thể đã biến ALA thành các axit béo omega-3 bao gồm EPA và DHA. Bộ 3 axit béo ALA, EPA và DHA mang đến vô vàn lợi ích cho sức khỏe như:
- Giảm viêm: Giảm viêm ở khớp, đường tiêu hóa, phổi và não bộ bằng cách tăng hàm lượng chất béo omega-3 trong thực đơn hàng ngày.
- Cải thiện sức khỏe tim: Dù chưa có một phát ngôn chính thức về tác dụng của ALA giúp giảm bớt nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Tuy nhiên, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng cứ tăng 1 gram ALA trong thực đơn hàng ngày có thể giảm 10% nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch.
- Hỗ trợ tăng trưởng và phát triển: ALA đặc biệt cần thiết với phụ nữ mang thai bởi chúng giúp hỗ trợ thai nhi tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh. Cũng theo đó mẹ bầu được khuyến nghị nên sử dụng 1.4 gam ALA mỗi ngày.
- Hỗ trợ sức khỏe tâm thần: Bổ sung ALA thường xuyên sẽ giúp cải thiện tình trạng lo âu và các triệu chứng của bệnh trầm cảm.
Lợi ích của LA đối với sức khỏe
LA mang tới nhiều lợi ích sức khỏe chỉ khi được sử dụng ở mức độ vừa phải. LA là chất béo chính có trong omega-6 và được chuyển hóa thành các chất béo khác trong cơ thể. Cùng điểm qua những lợi ích của LA mang đối với sức khỏe:
- Tốt cho sức khỏe tim mạch: LA giúp giảm 21% nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh lý tim mạch. Điều này đã được chứng minh trong một nghiên cứu trên 300.000 người trưởng thành và sử dụng LA thay cho những chất béo bão hòa.
- Giảm nguy cơ tiểu đường típ 2: Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, hơn 200.000 người sử dụng LA hàng ngày thay thế cho chất béo bão hòa khác có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 giảm 14% so với những người bình thường.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Khi sử dụng LA thay thế chất béo bão hòa, chúng có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu.
Bạn có thể bổ sung vitamin F từ thực phẩm chức năng tuy nhiên bổ sung từ nguồn thực phẩm dinh dưỡng vẫn sẽ tốt hơn
Những thực phẩm giàu vitamin F
Mặc dù vitamin F có lợi ích vô cùng to lớn đối với sức khỏe, tuy nhiên nhóm chất béo này phát huy tác dụng khi sử dụng ở một liều lượng phù hợp. Theo đó, chúng ta cần duy trì sự cân bằng LA và ALA trong chế độ ăn hàng ngày. Hầu hết các loại thực phẩm đều chứa 2 loại chất béo trên, tuy nhiên, một số loại thực phẩm quen thuộc giàu vitamin F không thể bỏ qua bao gồm thịt, cá, trứng, sữa từ các loài động vật ăn cỏ. Cụ thể:
Một số thực phẩm giàu lượng LA bao gồm:
- Dầu đậu nành: có tới 7g LA trong mỗi muỗng canh (15ml)
- Dầu ô liu: có tới 10g LA trong mỗi muỗng canh (15ml)
- Dầu ngô (bắp): có tới 7g LA trong mỗi muỗng canh (15ml)
Một số thực phẩm giàu ALA bao gồm
- Dầu hạt lanh: có tới 7g ALA trong mỗi muỗng canh (15ml)
- Hạt lanh: có tới 6,5g ALA trong mỗi 28g
- Hạt chia: có tới 5g ALA trong mỗi 28g
Hạt lanh và dầu hạt lanh
Hy vọng những chia sẻ trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vitamin F. Từ đó, xây dựng cho mình một chế độ ăn uống đầy đủ và khoa học. Ngoài ra để duy trì thể lực và cơ thể khỏe mạnh hơn bạn nên thiết lập chế độ tập luyện điều độ và khoa học nữa nhé.
Nguồn tham khảo
What Is Vitamin F? Uses, Benefits, and Food List https://www.healthline.com/nutrition/vitamin-f Ngày truy cập 06/05/2021