Khoai mỡ: thực phẩm bình dân mang công dụng “đẳng cấp”

Khoai mỡ: thực phẩm bình dân mang công dụng “đẳng cấp”

Khoai mỡ là loại thực phẩm phổ biến tại Việt Nam, nhất là ở vùng Nam Bộ. Đây là loại thực vật có năng suất cao và sản lượng tốt. Tại nhiều vùng, loại khoai này được xem như một loại lương thực chính chỉ sau lúa gạo và bắp ngô. Ngoài việc là nguyên liệu chính cho những món ăn thơm ngon độc đáo, chúng còn mang rất nhiều công dụng như một vị thuốc bổ đối với sức khỏe.

Tại sao thực phẩm này có nhiều công dụng được ưa chuộng đến thế? Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu về loại khoai ngon – bổ – rẻ này cùng bài viết dưới đây.

Khoai mỡ là gì?

Khoai mỡ là gì?

Khoai mỡ thân leo mềm, củ lớn và có năng suất cao

Khoai mỡ (water yam) có tên khoa học là Dioscorea alata, thuộc chi củ nâu. Cây của chúng có dạng dây leo với thân mềm và mặt lá to, cho năng suất cao và củ lớn. Đây là loại cây trồng lấy củ, chúng còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như khoai mỡ, khoai tím, khoai bướu hay khoai vạc. Giống thực vật này sinh trưởng tốt ở những vùng có khí hậu nhiệt đới. Chúng được trồng nhiều tại các khu vực như Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Phillipines và châu Phi.

Khoai mỡ là loại khoai phổ biến và đã được người dân sử dụng từ lâu đời. Chúng có vị ngọt, bùi và mùi thơm đặc biệt, có thể chế biến thành nhiều món ăn kể cả món mặn và món ngọt. Bên cạnh đó, loại khoai này chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe. Đây cũng là loại thực phẩm “quốc dân” có mặt trong rất nhiều món ăn của người Phillipines.

Ở nước ta, loại khoai này được canh tác nhiều tại những vùng nông thôn có thời tiết khô nóng và nguồn nước dồi dào như Cần Thơ, Đồng Tháp và các tỉnh miền tây nam bộ. Tại đây, chúng thường được trồng trên đất có tính màu mỡ và cho năng sất cao với khối lượng một củ chùm có thể đến 5kg. Khoai mỡ thường có hai loại là khoai ruột trắng và khoai ruột tím, tuy nhiên khoai ruột tím có hình dạng dài nhỏ, thịt khoai dẻo bùi hơn lại được thị trường ưa chuộng hơn.

Thành phần dinh dưỡng trong khoai mỡ

Loại khoai này là nguồn cung cấp những dưỡng chất quan trọng cho cơ thể. Theo nghiên cứu, trong 100g khoai mỡ có chứa các thành phần dinh dưỡng như sau:

  • Lượng calorie: 135
  • Carbohydrate: 31.8g
  • Protein: 2.3g
  • Chất béo: 0.1g
  • Chất xơ: 1.5g
  • Vitamin C: 6000 µg
  • Vitamin A: 80 µg
  • Thiamin: 150µg
  • Riboflavin: 40 µg
  • Niacin: 500 µg

Ngoài ra, loại thực phẩm này rất giàu các hợp chất từ thực vật phytochemical và chất chống oxy hóa như anthocyanin. Chính chất này là nguyên nhân giúp khoai có màu tím. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng anthocyanin có thể giúp làm giảm huyết áp và làm giảm thiểu tình trạng viêm. Bên cạnh đó, hợp chất từ thực vật này có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại ung thư và bệnh tiểu đường típ 2.

Loại khoai này cũng rất giàu vitamin C, giúp giữ cho các tế bào luôn khỏe mạnh, giúp cơ thể tang hấp thụ sắt và bảo vệ DNA khỏi nguy cơ bị hư hại, tổn thương do các quá trình trong hoạt động sống.

Những lợi ích của khoai mỡ đối với sức khỏe

Thành phần dinh dưỡng trong khoai mỡ

Khoai mỡ là món ăn phổ biến với người Việt Nam

Giúp tăng cường chức năng của não bộ

Khoai mỡ có chứa một hợp chất độc đáo được gọi là diosgenin, được phát hiện có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của tế bào thần kinh và tăng cường chức năng não. Những thí nghiệm trên động vật đã chỉ ra rằng chất diosgenin giúp cải thiện trí nhớ và khả năng học tập. Tuy nhiên, những nghiên cứu về khả năng hỗ trợ não bộ của loại thực phẩm này vẫn đang được tiến hành để đem đến bằng chứng đầy đủ về cách chúng hỗ trợ sức khỏe não bộ.

Giúp giảm các triệu chứng trong giai đoạn mãn kinh

Nồng độ hai hormone estrogen là estrone và estradiol trong máu thường giảm trong thời kỳ mãn kinh. Cải thiện mức độ estrogen trong cơ thể có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh. Trong một nghiên cứu phụ nữ thời kỳ mãn kinh cho thấy, khi học bổ sung thêm khoai mỡ vào chế độ ăn uống thay thế một phần cho loại tinh bột khác thì nồng độ hormone trong máu họ tăng lần lượt 26% và 27%. Tuy nhiên, một số nghiên cứu lại chỉ ra việc bổ sung thêm loại thực phẩm này vào chế độ ăn không cải thiện được tình trạng bốc hoả và đổ mồ hôi đêm. Do đó, bạn nên bổ sung loại thực phẩm này vào chế độ ăn nhưng vẫn cần bổ sung thêm các loại thực phẩm hỗ trợ khác.

Giúp hỗ trợ ngăn ngừa ung thư

Một nghiên cứu trên động vật cho thấy, chế độ ăn có bổ sung loại khoai này giúp làm giảm đáng kể sự phát triển của khối u ruột kết. Điều này có liên quan đến việc các chất chống oxy hóa có trong khoai mỡ có thể bảo vệ cơ thể ngăn ngừa được một số loại bệnh ung thư.

Giúp giảm tình trạng viêm mãn tính

Các chất chống oxy hoá trong khoai mỡ có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm mãn tính . Trong khi đó, viêm mãn tính có khả năng dẫn đến các bệnh khác nhau chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Do đó, việc tiêu thụ thêm khoai mỡ có thể giúp cơ thể ngăn ngừa những tình trạng bệnh này.

Giúp kiểm soát lượng đường trong máu

Việc tiêu thụ khoai mỡ rất có lợi cho sức khoẻ bởi lượng chất xơ dồi dào có trong chúng. Chất xơ là chất có thể đi qua ruột mà không tiêu hóa được. Do đó chúng giúp giảm cảm giác thèm ăn, cũng như cải thiện lượng đường trong máu bằng cách kiểm soát nồng độ insulin. Việc bổ sung loại thực phẩm này vào chế độ ăn giúp giảm cân và điều chỉnh đường huyết.

Cách bảo quản và một số món ăn hấp dẫn từ khoai mỡ

Cách bảo quản và một số món ăn hấp dẫn từ khoai mỡ

Khoai mỡ dễ bảo quản và có thể chế biến thành rất nhiều món ăn hấp dẫn

Loại thực phẩm này sau khi mua về cần được bỏ quản nơi râm mát và tiêu thụ lúc còn tươi mới để đảm bảo dưỡng chất không bị mất đi. Để bảo quản tốt nhất, bạn nên bọc chúng vào túi giấy hoặc túi nilon và cất vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản được lâu hơn.

Khoai mỡ có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn từ món ngọt đến món mặn như bánh khoai mỡ chiên, chè khoai hoặc kem, khoai mỡ hầm xương hoặc nấu tôm tươi,… Chúng rất phù hợp cho những bữa cơm gia đình và mang đậm đà bản sắc ẩm thực Việt Nam.

Nhìn chung, khoai mỡ là loại thực phẩm có thể thay thế lương thực chính là lúa gạo. Chúng là nguồn cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất dồi dào cho cơ thể. Đây cũng là thực phẩm mang đến nhiều chất chống oxy hoá giúp đề phòng và ngăn ngừa nhiều bệnh mãn tính nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch và ung thư.

Nguồn tham khảo

Water yam. http://agritrop.cirad.fr/559877/ Ngày truy cập 19/12/2020

7 Benefits of Purple Yam (Ube), and How It Differs from Taro. https://www.healthline.com/nutrition/ube-purple-yam Ngày truy cập 19/12/2020

11 Health and Nutrition Benefits of Yams. https://www.healthline.com/nutrition/yam-benefits#TOC_TITLE_HDR_8 Ngày truy cập 19/12/2020

EVALUATION OF SOME NUTRITIONAL PROPERTIES OF WATER – YAM (DIOSCOREA ALATA) CULTIVARS IN BAYELSA STATE, NIGERIA. http://www.eajournals.org/wp-content/uploads/Evaluation-of-Some-Nutritional-Properties-of-Water-%E2%80%93-Yam-Dioscorea-Alata-Cultivars-in-Bayelsa-State-Nigeria.pdf Ngày truy cập 19/12/2020