“Bỏ túi” ngay 10 công dụng của cây sả với sức khỏe và sắc đẹp

“Bỏ túi” ngay 10 công dụng của cây sả với sức khỏe và sắc đẹp

Cây sả là một loại gia vị rất quen thuộc đối với người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung. Ngoài công dụng là thành phần trong những món ăn ngon với hương vị độc đáo, chúng còn là một loại thực vật có nhiều công dụng tốt đối với sức khỏe và sắc đẹp. Loại thực phẩm này hiện nay được chế biến và sử dụng dưới nhiều cách, đem đến những lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe, hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa bệnh như ung thư, huyết áp, giảm lượng cholesterol nhờ những dược tính của mình.

Vì sao cây sả lại có nhiều tác dụng tuyệt vời đến thế. Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu loại thực phẩm “thần thánh” này qua bài viết dưới đây nhé.

Cây sả là gì?

Cây sả là gì?

Sả là loại thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam 

Cây sả hay còn gọi là cỏ chanh là một loại thực vật thường mọc ở những vùng khí hậu nhiệt đới. Chúng có thân cao, cứng và mọc thành từng cụm nhiều cây vào một gốc. Một cây sả thường có phần gốc cây có màu hồng nhạt, phần lõi và trắng và phần lá xanh xòe rộng. Trên thân của lõi sả thường có phấn trắng và người ta thường dùng phần lõi này để chế biến nhằm gia tăng hương vị cho các món ăn.

Sả có mùi hương rất đặc trưng nồng, mạnh, độc đáo nhờ hàm lượng tinh dầu lớn chứa trong chúng. Mùi sả cây là mùi hương tươi và mạnh như cam chanh. Do đó, chúng là gia vị phổ biến không thể thiếu trong một số nền ẩm thực như Thái Lan và Việt Nam trong các món súp, xào với hải sản và thịt. Ngoài ra, nó thường được dùng như một loại trà và thảo dược ở châu Phi và Ấn Độ. Bên cạnh đó, tinh dầu sả còn được dùng để điều chế một số thuốc đuổi côn trùng từ thiên nhiên. Sả cũng được sử dụng trong liệu pháp hương thơm để làm trong lành không khí, giảm căng thẳng và nâng cao tinh thần. Chúng là một phương thuốc dân gian để ngủ ngon, giảm đau và tăng cường miễn dịch. Hiện nay, Ấn Độ là thị trường cung cấp sả hàng đầu thế giới với sản lượng mỗi năm lên đến hơn 1000 tấn sả thành phẩm.

Thành phần dinh dưỡng trong cây sả

Thành phần dinh dưỡng trong cây sả

Sả tươi cung cấp nhiều khoáng chất cho cơ thể nhưng lại chứa rất ít calo

Theo thông tin từ USDA, một muỗng canh sả tươi (~13g) chỉ cung cấp khoảng 5 calorie. Hầu hết lượng calo trong chúng đến từ carbohydrate và protein.

Bên cạnh đó, chúng cung cấp một lượng lớn khoáng chất bao gồm canxi (3 mg), kali (34 mg), mangan (0,2 mg), magiê (2,9 mg) và sắt (0,4 mg). Sả cũng cung cấp một số loại vitamin với một lượng rất nhỏ bao gồm vitamin A, vitamin C, folate và niacin. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sả sẽ không cung cấp lượng vitamin đáng kể so với nhu cầu vitamin mà cơ thể cần mỗi ngày.

Lợi ích sức khoẻ từ cây sả

Lợi ích sức khoẻ từ cây sả

Cây sả được xem là một vị thuốc trong những phương pháp chữa bệnh dân gian

Cải thiện tình trạng bệnh tim và tiểu đường

Trong y học cổ truyền, sả đã được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đườngbệnh tim. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2007 đã cho thấy tác động tích cực của củ sả với tình trạng tiểu đường và tim mạch trên những nghiên cứu với động vật. Sau 42 ngày sử dụng và bổ sung củ sả vào chế độ ăn uống mỗi ngày một lần, chuột thí nghiệm đã có thể cải thiện mức đường huyết, cải thiện mức cholesterol và giảm mức chất béo trung tính. Những kết quả này là tín hiệu khả quan thể hiện khả năng điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tiểu đường và bệnh tim. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm để đánh giá hiệu quả của củ sả đối với bệnh tim mạch và tiểu đường trên người.

Ngăn ngừa ung thư

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiêu thụ sả thường xuyên hơn có thể giúp ngăn chặn các tế bào ung thư. Hầu hết các loại thực phẩm từ thực vật đều chứa các hợp chất mạnh như hợp chất từ thực vật phytochemical và chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư bằng cách ngăn chặn sự hình thành các gốc tự do. Theo một nghiên cứu được công bố trên “Tạp chí Hóa học Nông nghiệp và Thực phẩm”, sả chứa nhiều chất chống oxy hóa chẳng hạn như axít caffeic, axít chlorogenic và isoorientin có thể ngăn chặn các gốc tự do gây hại.

Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Dược phẩm Châu Âu vào tháng 8 năm 2012, một loại flavonoid đặc biệt gọi là luteolin có khả năng làm chậm sự phát triển và đẩy nhanh quá trình chết của một số loại tế bào ung thư. Ngoài ra, theo Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering, tinh dầu trong sả có thể làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư trong ung thư gan, ung thư vú và bệnh bạch cầu nói riêng.

Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn vì nghiên cứu này chỉ được thực hiện bằng cách sử dụng các tế bào hồng cầu trong phòng thí nghiệm.

Ngăn ngừa bệnh sốt rét

Củ sả phát triển tốt ở vùng khí hậu nhiệt đới và nóng ẩm. Sả lại là loài thực vật có thể giúp chống lại nhiễm trùng. Những vùng đất nóng ẩm là nơi thường xuyên xảy ra tình trạng bệnh dịch sốt rét. Bệnh sốt rét do một loại ký sinh trùng gây ra và do muỗi truyền sang người. Nếu không được điều trị, nó có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng hoặc tử vong. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học thực vật quốc tế “Planta Medica” cho thấy rằng các loại tinh dầu có trong sả có khả năng ngăn chặn bệnh sốt rét từ 62 đến 87%. Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định những tác dụng trên đối với cơ thể người. Nếu những nghiên cứu này thành công sẽ là tín hiệu đáng mừng trong việc cứu trợ người dân ở những khu vực xa xôi trên thế giới không có điều kiện để điều trị bệnh sốt rét theo phương pháp hiện đại.

Hỗ trợ cải thiện tiêu hoá

Sả là thực phẩm được biết đến với khả năng điều trị chứng khó tiêu, đau bụng, cảm lạnh, co thắt ruột và tiêu chảy. Nó cũng có thể giúp làm giảm và ngăn ngừa sự hình thành khí trong ruột. Do đó, bạn có thể phơi khô sả và dùng như trà để cải thiện tình trạng tiêu hoá cũng như giúp tăng cường chức năng hệ tiêu hoá.

Giúp thải độc tố trong cơ thể

Sả là thực phẩm rất tuyệt vời để dùng như sản phẩm detox thanh lọc cơ thể vì nó có đặc tính loại bỏ các chất độc hại và axit uric. Bên cạnh đó, sả có chức năng giúp lợi tiểu do đó rất có lợi cho các cơ quan tiêu hóa trong trường hợp tiêu thụ nhiều chất dầu mỡ hoặc khó tiêu.

Cải thiện đau bụng kinh ở phụ nữ và chuột rút

Sả không phải là thực phẩm có chức năng như thuốc giảm đau giúp giảm hay ngăn ngừa tình trạng đau bụng kinh, nhưng nó sẽ giúp bạn thư giãn và giảm bớt sự đau đớn nhờ khả năng thư giãn cơ. Các loại tinh dầu có trong cây hoạt động như một chất làm giãn cơ nhẹ, có tác dụng khi sử dụng và thoa lên da. Do đó, sả có thể giúp làm dịu tình trạng chuột rút, co thắt và buồn nôn. Khi cọ xát vào da, nó có thể có tác dụng làm ấm, có thể hỗ trợ các cơ bị đau.

Hỗ trợ giảm huyết áp

Sả có thể làm giảm huyết áp hiệu quả bằng cách kích thích lưu thông máu. Ngoài ra, việc tiêu thụ sả như một loại trà đã được chứng minh có khả năng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp.

Hỗ trợ chống viêm

Sả được biết đến với công dụng làm giảm nhiều chứng viêm và các vấn đề khó chịu liên quan đến việc đau nhức do sưng viêm gây ra. Do đó, việc tiêu thụ sả có thể giúp giảm các tình trạng và bệnh lý như đau răng, đau cơ và đau khớp.

Cải thiện sức khỏe làn da

Các chất chống oxy hoá và flavonoid chứa trong sả giúp phục hồi làn da của bạn. Bên cạnh đó, trong loại thực phẩm này còn chứa rất nhiều vitamin A giúp làn da có được vẻ trẻ trung và tươi mới hơn. Hơn nữa, một số nghiên cứu về da liễu cho rằng sả có khả năng giúp giảm mụn nhọt và mụn trứng cá.

Khử mùi và làm sạch không khí

Sả có mùi đặc trưng là thơm ngọt và nồng, do đó chúng có thể sử dụng như sản phẩm giúp khử mùi hôi và làm sạch không khí hoàn hảo. Bên cạnh đó, tinh dầu sả là tinh dầu vô cùng phổ biến trong điều chế nến thơm và dầu xông phòng (đối với lò đốt dầu). Một số nhà cung cấp tinh dầu đã đề xuất việc nên dùng tinh dầu sả để khử mùi trong nhà vệ sinh của bạn, để loại bỏ những mùi không mong muốn, hoặc dùng chúng như một sản phẩm khử mùi và làm mát không khí trong ô tô của bạn.

Những món ăn ngon và hấp dẫn với cây sả

Những món ăn ngon hấp dẫn từ cây sả

Sả là gia vị đắc lực trong những món ăn truyền thống đậm vị Á Đông

Sườn chiên sả ớt

Khi lựa chọn sườn bạn nên chọn sườn non để món ăn thơm ngon và hấp dẫn hơn. Sau khi mua về, các bạn cần rửa sạch với nước muối và một ít giấm pha loãng. Bạn nên rửa kỹ để máu đọng trên thịt ra hết và rửa cho đến khi nước trong là được. Sả, ớt, tỏi sau khi rửa sạch bạn cần băm nhuyễn. Sau đó, bạn ướp thịt với muối, bột nêm (hoặc bột ngọt), tiêu, một ít đường và hỗn hợp sả ớt nói trên trong khoảng 30 phút. Đổ dầu lên chảo đợi dầu sôi, sau đó xếp thịt vào chảo và chiên đến khi chín vàng hai mặt rồi xếp ra đĩa dung kèm cơm nóng.

Đây là món ăn rất “đưa cơm” phù hợp cho những bữa ăn gia đình mỗi ngày. Củ sả băm được ướp thấm trong thịt ngoài đem đến hương vị độc đáo giúp khử mùi thịt, còn cung cấp thêm sả giúp ấm bụng và cải thiện tiêu hóa.

Nước detox chanh gừng sả

Đầu tiên, sả bạn cần bỏ phần lá xanh và rửa sạch sau đó cắt khúc ngắn từ 7 – 10cm và đập dập. Gừng rửa sạch và giữ nguyên vỏ, cắt thành miếng 1cm và đập dập. Tiếp theo, bạn đặt một nồi nước khoảng 2500ml và thêm 500g đường và nấu sôi lăn tăn cho tan hết đường. Bạn nên dùng đường phèn để nước có  vị ngọt dịu và thanh nhẹ.

Đến khi nước đường sôi, bạn thả sả vào và nấu trong 5 phút, sau đó thả gừng và 1 chút muối vào đun thêm 1 phút và tắt bếp. Đến khi hỗn hợp nước nguội, bạn lọc nước qua rây để bỏ phần sả gừng cho trong nước. Bạn cần đợi đến khi nước sả gừng nguội hẳn bạn mới nên vắt chanh vào (vắt chanh vào khi nước còn nóng sẽ gây đắng) và khuấy đều, thêm đá vào và thưởng thức hoặc bạn có thể chia vào những chai nhỏ và để vào ngăn mát tủ lạnh dùng dần. Loại nước này là thức uống thải độc, thanh nhiệt rất phù hợp để dùng trong những mùa hè nóng bức để nâng cao sức đề kháng và bảo vệ sức khỏe.

Nghêu hấp sả

Nghêu tươi sau khi mua về cần ngâm trong nước vo gạo hoặc nước có giã ớt trong vòng ít nhất là 3-4 tiếng để chúng nhả sạch chất bẩn. Sả cắt bỏ phần lá xanh, rửa sạch và cắt khúc ngắn 7-10cm và đập dập. Tiếp theo, bạn xếp sả xuống đáy nồi và để nghêu lên trên, nên thêm một chút muối và bột nêm, tỏi ớt và lá chanh theo khẩu vị và thêm khoảng 100ml nước vào sau đó đập nắp vung và bật bếp để lửa vừa. Đến khi nước sôi đều, bạn quan sát thấy tất cả nghêu đã mở miệng thì tắt bếp và sắp ra đĩa dùng với muối tiêu chanh. Dùng củ sả trong chế biến sẽ giúp khử mùi của hải sản và giúp ấm bụng, tránh đau bụng khi sử dụng hải sản.

Nhìn chung, cây sả là một loại thực vật có dược tính cao giúp phòng ngừa và điều trị một số triệu chứng bệnh cho sức khỏe. Bạn nên tham khảo và bổ sung loại gia vị này vào bữa ăn trong gia đình để bổ sung đầy đủ chất và nâng cao sức đề kháng, hệ miễn dịch.

Nguồn tham khảo

Lemongrass. https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-719/lemongrass Ngày truy cập: 07/01/2020

What Are the Health Benefits of Lemongrass? https://healthyeating.sfgate.com/health-benefits-lemongrass-8750.html Ngày truy cập: 07/01/2020

10 Unexpected Benefits of Lemongrass You Need To Know https://www.lifehack.org/articles/lifestyle/10-unexpected-benefits-lemongrass-you-need-know.html Ngày truy cập: 07/01/2020

What is Lemongrass and How Do You Use It? https://www.onegreenplanet.org/vegan-food/what-is-lemongrass/ Ngày truy cập: 07/01/2020