Cải ngồng và những thông tin về dinh dưỡng cùng cách chế biến
Cải ngồng là loại rau quen thuộc trong bữa ăn của người Việt Nam nhưng ít ai biết hết những công dụng hữu ích của chúng với sức khỏe.
Trong bài viết này, LEEP.APP sẽ cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin liên quan đến giá trị dinh dưỡng, lợi ích sức khỏe và cách chọn lựa, chế biến loại rau này. Cùng theo dõi nội dung bên dưới nhé!
Những thông tin bạn cần biết về cải ngồng
Rau cải ngồng là thực vật thân thảo, có hoa, thuộc chi Brassica, ăn có vị ngọt, tính mát. Đây là loại rau lá xanh có thân mảnh, thông thường dài từ 15-20cm với lá hình bầu dục và các chồi hoa màu vàng. Thân cây nhẵn, có màu xanh lục nhạt, có mùi giống với mù tạt xanh nhưng lại có vị ngọt xen lẫn đắng nhẹ.
Rau cải ngồng có lá, thân màu xanh nhạt và hoa vàng
Giá trị dinh dưỡng có trong cải ngồng
Trong một chén cải ngồng (khoảng 85g) sẽ có lượng chất dinh dưỡng như sau:
- Calorie: 20
- Carbohydrate: 3g
- Natri: 20mg
- Protein: 2g
Ngoài ra, loại cài này còn là nguồn cung cấp canxi, sắt, vitamin A, C dồi dào cùng những chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho sức khỏe chúng ta. Bên cạnh đó, cải ngồng cũng rất giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa và chứa nhiều khoáng chất cần thiết như axit folic và kali.
Lợi ích của rau cải ngồng với sức khỏe
Cải ngồng được chuyên gia dinh dưỡng đánh giá là loại rau có nhiều công dụng hữu ích với sức khỏe:
- Vitamin C giúp nâng cao đề kháng, tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh và giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.
- Ngoài ra, vitamin C giúp sản sinh ra collagen để tái tạo da, giúp da mau lành vết thương khi gặp vấn đề, đem lại làn da tươi trẻ, nhẵn bóng cho bạn.
- Vitamin B6 cũng hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch và giúp bạn ổn định lượng đường trong máu, tránh được các bệnh liên quan như tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch.
- Vitamin A có trong cải ngồng có tác dụng cải thiện sức khỏe thị giác, ngăn ngừa các vấn đề về mắt như tăng nhãn áp, chứng quáng gà hay đục thủy tinh thể ở người cao tuổi.
- Chất xơ giúp duy trì sức khỏe hệ tiêu hóa, hạn chế chứng táo bón hay đầy hơi, khó tiêu. Ngoài ra, cải ngồng còn giúp bạn cảm thấy nhanh no, bớt đi cảm giác thèm ăn đồ ngọt, tinh bột, hỗ trợ tốt cho quá trình giảm cân.
- Canxi giúp tăng cường sức khỏe xương, giúp xương chắc khỏe, các cơ khớp dẻo dai hơn.
Món cải ngồng luộc chấm xì dầu kèm trứng luộc là một trong những món ăn dân dã của người Việt
Hướng dẫn cách chọn lựa và chế biến rau cải ngồng
Tại Việt Nam, loại cải này rất dễ trồng nên bạn có thể dễ dàng tìm mua tại các khu chợ hay siêu thị thực phẩm. Khi chọn rau, bạn cần lưu ý chọn những cây có màu xanh sáng, không có dấu hiệu úa vàng hay hư hỏng, chọn loại còn nhỏ, non sẽ có vị ngọt hơn, ít bị đắng, ăn ngon hơn.
Cách sơ chế cũng rất đơn giản, chỉ cần thực hiện bỏ đi những lá sâu, lá úa (nếu có) và cắt bỏ phần gốc rau rồi đem rửa sạch. Sau đó, bạn có thể luộc, chần hoặc xào để ăn trực tiếp hoặc kết hợp với các nguyên liệu khác để tạo nên những món ăn tròn vị hơn.
Nếu muốn thay đổi cách chế biến, tạo nên một món ăn độc đáo cho gia đình mình, bạn có thể thử món salad cải ngồng với các loại nước sốt. Cải ngồng sẽ phù hợp nhất với các loại thực phẩm như nấm, thịt heo, thịt vịt, thịt bò cùng các loại gia vị như tỏi, gừng. Do vậy, bạn nên cân nhắc khi chọn lựa nguyên liệu để có được sự kết hợp hoàn hảo nhất.
Món cải ngồng xào tỏi
Để cải ngồng luôn giữ được hương vị nguyên vẹn, bạn cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 3-4 ngày. Nếu muốn bảo quản lâu hơn, bạn có thể chần qua và để ngăn đá trong 8-12 tháng. Tuy nhiên, cách bảo quản này không được khuyến khích bởi rau cải khi được rã đông sẽ không đảm bảo được hương vị ngon nhất. Cải ngồng được bán quanh năm nên bạn không nên tích trữ mà nên mua cải tươi để chế biến. Như vậy, món ăn sẽ hoàn hảo hơn, màu sắc cũng bắt mắt hơn rất nhiều.
Giải đáp những thắc mắc thường gặp
Tuy cải ngồng là loại rau quen thuộc nhưng nhiều bạn vẫn có những thắc mắc xung quanh thực phẩm này. Sau đây chính là những câu hỏi phổ biến nhất:
Hoa cải ngồng có ăn được không?
Mọi bộ phận của cải ngồng đều có thể ăn được từ phần lá, thân cây hay hoa vàng. Tuy nhiên, tất cả các loại rau thuộc họ cải đều có vị đắng hơn khi ra hoa nên nếu bạn không muốn rau bị đắng nhiều, bạn nên tránh để cải bị già, có hoa và thân cao mới thu hoạch.
Cải ngồng và cải ngọt có khác nhau không?
Thực tế, cải ngọt là một loại rau cải khác thường hay bị nhầm lẫn với cải ngồng. Cải ngọt có xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ. Đặc điểm của loại cải này là lá tròn ở đỉnh và hẹp dần về phía gốc, tán lá phẳng. Cải ngọt có chiều cao trung bình 20-40cm. Vị của cải ngọt thanh nhẹ, cải già sẽ cay và nồng. Hoa cải ngọt cũng có màu vàng và ăn được. Cải ngọt là một trong những loại cải phổ biến nhất ở Việt Nam có thể chế biến thành các món xào, nấu canh, luộc…
Cải ngọt là loại cải phổ biến ở Việt Nam
Cải ngồng được trồng quanh năm nhưng chủ yếu phát triển tốt, có hương vị ngon nhất vào mùa lạnh. Loại rau này giàu dinh dưỡng lại dễ ăn, đem lại trải nghiệm tốt cho vị giác nên hãy thường xuyên kết hợp cải ngồng với các loại thực phẩm khác trong bữa ăn hàng ngày của gia đình để các thành viên được cung cấp thêm nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể.
Nguồn tham khảo
Choy Sum https://www.eatthismuch.com/food/nutrition/choy-sum,139515/ Ngày truy cập 21/02/2021