Giảm cân gây rụng tóc: Làm thế nào khắc phục tình trạng này?

Giảm cân gây rụng tóc: Làm thế nào khắc phục tình trạng này?

Giảm cân gây rụng tóc là một trong những nỗi lo lắng khi bạn muốn điều chỉnh cân nặng. Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu nguyên nhân và cách khắc phục nhé!

Cả nam giới lẫn phụ nữ đều phải trải qua giai đoạn rụng tóc, đặc biệt khi chúng ta già đi. Nngoài yếu tố tự nhiên, một số ý kiến cho rằng giảm cân gây rụng tóc và làm tóc mỏng đi. Để hiểu được mối liên hệ giữa giảm cân và rụng tóc, trước hết bạn cần hiểu nguyên nhân khiến cho việc rụng tóc xảy ra. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến, hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu nhé!

Các nguyên nhân gây rụng tóc

Di truyền

Các nguyên nhân gây rụng tóc

Có thể bạn đã nghe qua về chứng hói đầu ở nam giới, nhưng bạn có biết rằng phụ nữ cũng gặp vấn tương tự? Hói đầu ở nữ vẫn diễn ra trong một số gia đình, nhưng cách thức khác với hói đầu ở nam. Tình trạng này xảy ra trên đỉnh đầu và lan rộng dần. Bạn có khả năng gặp phải chứng hói đầu của phụ nữ nếu gia đình có tiền sử mắc bệnh này.

Thay đổi nội tiết tố

Thay đổi nội tiết tố

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Insitute of Health), sự thay đổi nồng độ hormone và androgen khiến cho tóc ở vùng đầu mỏng đi và lông trên mặt trở nên thô hơn. Đặc biệt, những thay đổi này thể hiện rõ nhất trong thời kỳ mãn kinh. Theo thống kê, hai phần ba phụ nữ trải qua chứng rụng tóc sau mãn kinh.

Giảm cân gây rụng tóc có thể do thiếu hụt dinh dưỡng

Hàm lượng chất sắt thấp có thể là nguyên nhân dẫn đến rụng tóc. Và vấn đề này nghiêm trọng hơn ở những người ăn chay, hoặc có tiền sử thiếu máu. Một số phụ nữ sử dụng chất bổ sung sắt để cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào khẳng định hiệu quả của việc bổ sung sắt đối với vấn đề rụng tóc.

Theo một số chuyên gia, hàm lượng protein thấp cũng là một trong những nguyên nhân gây rụng tóc. Chế độ ăn kiêng ít calorie, nói chung, thường không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho phép cơ thể (bao gồm cả nang tóc) hoạt động bình thường.

Căng thẳng về thể chất lẫn cảm xúc

Căng thẳng về thể chất lẫn cảm xúc

Các chuyên gia sức khỏe của Harvard giải thích rằng, không có gì bất thường khi bị rụng tóc trong lúc đồng thời gặp phải căng thẳng hoặc lo lắng bất thường. Giảm cân không chủ ý cũng có thể xảy ra căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần.

Bệnh tuyến giáp

Tuyến giáp phải hoạt động quá mức (hay còn gọi là cường giáp) là nguyên nhân của việc rụng tóc. Trên thực tế, bất kỳ bệnh nhân tuyến giáp nào cũng bị rụng tóc. Bạn có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện các xét nghiệm thông thường để xem tuyết giáp có hoạt động tốt không.

>>> Xem thêm: Điều trị tuyến giáp cực hiệu quả với yoga: Bạn đã thử?

Giảm cân gây rụng tóc – sự thật hay chỉ là suy đoán?

Nếu bạn mới bắt đầu hành trình giảm cân, có lẽ bạn có thắc mắc về tác dụng phụ không chủ ý, chẳng hạn như rụng tóc. Nếu bạn đang trong hành trình này, có lẽ bạn đã nhận thấy tóc có hơi mỏng đi.

Thực chất, giảm cân không (hoặc chưa) có trong danh sách các nguyên nhân gây ra chứng rụng tóc. Nhưng điều đó không có nghĩa bạn không bị rụng tóc khi giảm cân. Việc ăn kiêng có thể tạo ra áp lực, căng thẳng, mệt mỏi cũng như thiếu hụt dinh dưỡng làm cho tóc rụng đi. Nhiều phụ nữ bị tăng cân khi có tuổi hoặc trong thời kỳ mãn kinh nên phải áp dụng chế độ ăn kiêng đảm bảo sức khỏe. Sự kết hợp của các yếu tố này có thể làm cho tóc trở nên mỏng hơn rất nhiều.

Dù thế nào đi chăng nữa, điều quan trọng là phải tìm hiểu sự thật về mối liên hệ giữa giảm cân và rụng tóc và loại trừ các nguyên nhân tiềm năng khác.

Rụng tóc liên quan đến chế độ ăn uống

Các nang tóc là một trong những cơ chế hoạt động trao đổi chất nhiều nhất trong cơ thể chúng ta. Nghiên cứu cho thấy sự phát triển của tóc có thể bị ảnh hưởng khi bạn giảm lượng calorie và/hoặc lượng protein, hoặc thiếu vi chất dinh dưỡng. Các liên kết này rất phức tạp, vì vậy nếu bạn bị rụng tóc, chế độ ăn uống có thể là nguyên nhân, nhưng các yếu tố khác cũng gây ra hậu quả tương tự. Để hiểu về rụng tóc, chúng ta cần có một sự hiểu biết cơ bản về bốn giai đoạn mọc tóc:

  • Giai đoạn Anagen: Trong giai đoạn này, tóc của bạn liên tục phát triển. Khoảng 80-90% tóc vẫn còn trong giai đoạn này trong 2-7 năm.
  • Giai đoạn Catagen: Trong giai đoạn chuyển tiếp này, chỉ kéo dài 10 ngày, các nang tóc của bạn co lại và tóc tách ra khỏi nguồn cung cấp máu, khiến tóc bạn ngừng phát triển.
  • Giai đoạn Telogen: Trong giai đoạn nghỉ ngơi kéo dài ba tháng này, 10-15% tóc của bạn đã tách ra khỏi nguồn cung cấp máu tiếp tục nằm trong nang tóc của bạn, với sự phát triển tóc mới bên dưới nó.
  • Giai đoạn Exogen: Trong giai đoạn rụng tóc này, mất 50 – 100 sợi mỗi ngày là điều bình thường vì một số tóc của bạn đã tách ra hoàn toàn khỏi các nang.

Rụng tóc sau khi giảm cân

Cơ thể bạn cần đủ lượng calorie và protein để nuôi dưỡng nang tóc. Theo một số chuyên gia, càng giảm cân, bạn càng có nhiều khả năng bị rụng tóc. Giảm và lấy lại cân nặng trong nhiều năm có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và tăng trưởng tóc của bạn. Một số người có thể bị rụng tóc trong vòng 3-6 tháng sau khi bắt đầu chế độ ăn kiêng (Ví dụ: keto). Thông thường, một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ đẩy lùi tình trạng rụng tóc trong vòng sáu tháng.

Nghiên cứu về chế độ ăn kiêng gây rụng tóc

Một dạng cấp tính của tình trạng rụng tóc kiểu telogen effluvium (TE – dạng rụng tóc tạm thời) là tác dụng phụ nổi bật của việc giảm cân đột ngột hoặc giảm lượng protein. Tình trạng này gây ra hiện tượng tóc mỏng hoặc rụng, xảy ra khi tóc của bạn sớm bước vào giai đoạn telogen. Ăn kiêng có thể gây căng thẳng về thể chất và tinh thần, do đó khiến tóc rụng nhiều hơn bình thường trong giai đoạn telogen.

Thiếu protein: Điều này có thể ảnh hưởng đến da, tóc và móng của bạn vì chúng được cấu tạo chủ yếu từ protein. Protein rất cần thiết cho sự phát triển của tóc, vì vậy việc thiếu protein lành mạnh trong chế độ ăn uống của bạn có thể khiến các sợi tóc bị gãy, khó phát triển trở lại.

Thiếu sắt: Đây là tình trạng thiếu dinh dưỡng phổ biến nhất trên toàn thế giới, một nguyên nhân nổi tiếng của rụng tóc. Hiện vẫn chưa rõ mức độ thiếu hụt dẫn đến rụng tóc và các nghiên cứu cũng chưa thuyết phục. Các yếu tố rủi ro bao gồm mất máu kinh nguyệt, kém hấp thu (ví dụ như bệnh celiac), sử dụng thuốc kháng sinh Histamin H2 và chế độ ăn chay.

Thiếu kẽm: Khoáng chất thiết yếu này rất quan trọng đối với sức khỏe của da và tóc, trong số các chức năng cơ thể quan trọng khác. Mặc dù loại thiếu hụt này khá hiếm gặp, các yếu tố nguy cơ bao gồm lão hóa, bệnh đường tiêu hóa, chán ăn, kém hấp thu, bệnh gan hoặc thận mãn tính, bệnh hồng cầu hình liềm, tiểu đường, ung thư, nghiện rượu và ăn chay.

Thiếu vitamin D: Vitamin D kích thích sự phát triển của các nang tóc mới, do đó các chuyên gia tin rằng sự thiếu hụt có thể gây rụng tóc hoặc mỏng tóc. Bằng chứng mạnh mẽ nhất đã cho thấy mối liên hệ giữa thiếu vitamin D và rụng tóc từng vùng (alopecia areta) – một tình trạng tự miễn dịch gây rụng tóc loang lỗ.

Nên làm gì khi rụng tóc?

Nên làm gì khi rụng tóc

Nếu nhận thấy tình trạng rụng tóc bất thường, hãy đi khám bác sĩ. Họ sẽ cho bạn biết nếu các vấn đề y tế liên quan là yếu tố tiềm ẩn dẫn đến sự thay đổi trên cơ thể, thể hiện qua tóc. Từ đó đưa ra lời khuyên tốt nhất cho bạn hoặc giới thiệu bạn đến một bác sĩ Da liễu để thực hiện các xét nghiệm bổ sung, nhằm tìm hiểu lý do tại sao bị rụng tóc và những gì có thể thực hiện để cải thiện tình trạng.

Mẹo chống rụng tóc

  • Tránh chế độ ăn kiêng hạn chế calorie quá nghiêm trọng.
  • Thêm nhiều loại protein lành mạnh vào chế độ ăn uống của bạn để giúp cải thiện việc sản xuất axít amin cần thiết để sản xuất keratin.
  • Ăn nhiều ngũ cốc, trái cây và rau quả.
  • Ngủ đủ giấc (khoảng 7 – 8 giờ một đêm).
  • Uống vitamin tổng hợp chất lượng cao cung cấp ít nhất 100% giá trị được đề nghị hàng ngày để giữ cho cơ thể bạn khỏe mạnh, tràn đầy sức sống và hạnh phúc.

>>> Xem thêm: 10 thực phẩm tăng cường keratin cho tóc và da

Một số phương pháp giúp cải thiện mỏng tóc

  • Minoxidil: Các sản phẩm như Rogaine (minoxidil) quảng cáo trên truyền hình hoặc tạp chí được sử dụng rộng rãi. Thuốc này đã được chứng minh là có hiệu quả qua nhiều thử nghiệm lâm sàng. Đây cũng là loại thuốc có sẵn trên thị trường, không cần kê đơn.
  • Spironolactone: Loại thuốc theo toa này tuy chưa được FDA chấp thuận nhưng đã được chứng minh là có hiệu quả điều trị chứng rụng tóc ở nữ theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology).

Ngoài ra còn có một số phương pháp khác được sử dụng nhằm cải thiện tình trạng này. Trước hết, cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ Da liễu để xác định phương pháp phù hợp nhất với bạn. Laser và cấy tóc là hai hình thức được nhiều phụ nữ sử dụng nhất. Nhưng những phương pháp này không thích hợp với tất cả mọi người và không phải lúc nào cũng hiệu quả.

Bổ sung thực phẩm, khắc phục tình trạng giảm cân gây rụng tóc

Bổ sung dinh dưỡng từ thực phẩm cũng là một trong những biện pháp giúp cải thiện tình trạng rụng tóc. Dưới đây là danh sách 10 thực phẩm được khuyến khích:

salad cá hồi

Salad cá hồi

Mặc dù cá hồi và cá ngừ rất giàu protein, axít béo, Omega-3 và vitamin D, nhưng không mang lại quá nhiều chất béo và calorie. Hãy thêm cá hồi hoặc cá ngừ vào món salad xanh tươi hoặc thưởng thức như món sushi.

Bên cạnh đó, cá hồi và cá ngừ đóng hộp có thể bảo quản được lâu và cũng được dùng trong rất nhiều công thức nấu ăn. Hay cá trích và cá mòi cũng là những lựa chọn giàu omega-3.

Rau có màu xanh đậm

Rau có màu xanh đậm

Salad củ cải Thụy Sĩ trộn với dầu ô liu

Rau bina, củ cải Thụy Sĩ và cải xoăn là nguồn cung cấp vitamin A, sắt, canxi và vitamin C tuyệt vời, đồng thời cũng chứa rất ít calorie. Sử dụng các loại rau xanh để làm salad trộn hoặc xào chung với một ít dầu ô liu hay tỏi để tạo ra những món ăn lành mạnh tốt cho sức khỏe.

Các loại hạt bóc vỏ

Các loại hạt bóc vỏ

Hạnh nhân, hồ đào và óc chó rất giàu protein thực vật, biotin, khoáng chất và vitamin E. Quả óc chó cũng là nguồn chứa axít béo, Omega-3 dồi dào. Quả óc chó được thêm vào thực đơn hàng ngày bằng cách ăn sống như một món ăn vặt, rắc thêm vào món salad cùng với hồ đào nướng.

Để thay đổi khẩu vị, bạn có thể rắc hạnh nhân cắt lát lên đậu hoặc các loại rau nấu chín khác để gia tăng hương vị cho món ăn.

Khoai lang

Khoai lang

Khoai lang chứa nhiều vitamin A, vitamin C, sắt cũng như canxi. Khoai lang đánh bông hoặc nướng sơ và rưới một ít si rô đường lên mặt là những món ăn kèm cung cấp canxi cho cơ thể.

Trứng

trứng

Trứng là thực phẩm cung cấp protein, biotin, vitamin A, E cộng với sắt và canxi cho cơ thể. Trứng mang lại nguồn axít béo và Omega-3 tốt nhất, được sử dụng trong các chế độ ăn đặc biệt.

Cây họ đậu

đậu lăng

Đậu lăng

Đậu khô, đậu lăng và đậu nành đều giàu protein, kẽm, sắt và biotin. Đậu có thể sử dụng làm topping cho món khoai tây trắng hoặc khoai lang nướng. Ngoài ra, súp đậu lăng còn là sự kết hợp hoàn hảo với món salad tươi.

Hàu

hàu

Hàu có hàm lượng kẽm rất cao, cộng với nguồn protein phong phú. Bạn có thể thưởng thức hàu sống được trình bày trên một nửa vỏ, hoặc làm món hầm cho bữa tối.

Sữa và sản phẩm từ sữa

sữa chua HY Lạp

Sữa chua Hy Lạp với mật ong và các loại hạt

Các sản phẩm từ sữa có nhiều protein, vitamin D và canxi. Hãy sử dụng sữa và phô mai ít béo hoặc không béo để cắt giảm lượng calorie hấp thu.

Bạn có thể có một bữa sáng ngon miệng hoặc món tráng miệng lành mạnh khi kết hợp sữa chua Hy Lạp với mật ong, quả mọng và các loại hạt. Bên cạnh đó, sữa làm từ hạnh nhân, đậu nành hoặc gạo cũng là một lựa chọn tốt.

Ớt chuông đỏ

ớt chuông đỏ

Trong ớt chuông đỏ có chứa nhiều vitamin A, vitamin C và rất ít calorie. Điểm thêm một vài trái ớt đỏ tươi trên món salad hoặc thêm vào món xào sẽ là lựa chọn đầy màu sắc cho bữa ăn của bạn.

Thịt nạc bò

thịt nạc bò

Thịt bò là nguồn cung cấp protein và kẽm dồi dào. Nhưng nó có thể chứa nhiều chất béo và calorie, nên bạn hãy chọn loại thịt bò thăn. Thịt bò ăn cỏ là lựa chọn tốt nhất để thu nạp axít béo. Có thể thêm vài lát bít tết mỏng vào salad hoặc thêm thịt nạc vào món xào.

Tóc khỏe mạnh phụ thuộc vào một số chất dinh dưỡng thiết yếu bao gồm protein, axít béo omega-3, sắt, kẽm, canxi, biotin và các loại vitamin A, C, E, D. Bạn có thể thêm các loại thực phẩm bên trên vào chế độ ăn uống hàng ngày để giúp tóc trở nên chắc khỏe hơn cũng như cải thiện chứng rụng tóc.

Nguồn tham khảo

The Connection Between Weight Loss and Hair Loss https://www.verywellfit.com/effects-of-weight-loss-on-hair-4114184 Ngày truy cập: 1/12/2020

10 Top Foods for Healthier Hair https://www.verywellfit.com/top-foods-for-healthy-hair-2507141 Ngày truy cập: 1/12/2020

How to Prevent Hair Loss When Losing Weight https://www.livestrong.com/article/327771-how-to-prevent-hair-loss-when-losing-weight/ Ngày truy cập: 1/12/2020


Chủ đề: ,