Rong biển và những món ngon khó chối từ

Rong biển và những món ngon khó chối từ

Rong biển là một loại thực phẩm quen thuộc trong nhiều bữa ăn của người châu Á, nhất là tại Nhật Bản. Nguồn dinh dưỡng mà loại thực phẩm tuyệt vời này mang lại sẽ khiến bạn không thể chối từ.

Sau đây là những thông tin quan trọng về rong biển mà LEEP.APP muốn gửi đến bạn.

Thành phần dinh dưỡng của rong biển

Mỗi loại rong biển sẽ có một lượng chất dinh dưỡng riêng nhất định. Chỉ cần rắc một ít rong biển khô lên thức ăn không chỉ làm tăng thêm hương vị mà còn giúp bạn tăng cường lượng vitamin và khoáng chất vào cơ thể.

Thông thường 1 muỗng canh tảo xoắn khô (khoảng 7g) sẽ có thông tin dinh dưỡng như sau:

  • Lượng calorie: 20
  • Chất đạm: 4g
  • Carb: 1,7g
  • Chất béo: 0,5g
  • Chất xơ: 0,3g
  • Sắt: 11% RDI
  • Riboflavin: 15% RDI
  • Thiamin: 11% RDI
  • Mangan: 7% RDI
  • Đồng: 21% RDI

(RDI là lượng dinh dưỡng được khuyến nghị bổ sung hàng ngày)

Ngoài ra, rong biển cũng chứa một lượng nhỏ vitamin A, C, E và K, cùng với folate, kẽm, natri, canxi và magiê.

Thành phần dinh dưỡng của rong biển

Trong rong biển chứa rất nhiều dưỡng chất quan trọng

Các loại rong biển phổ biến hiện nay

Rong biển có rất nhiều loại, sau đây LEEP.APP sẽ điểm danh một số loại rong biển phổ biến với người tiêu dùng hiện nay:

  • Wakame: là loại rong biển phổ biến nhất ở Nhật Bản, thường được dùng để nấu súp, canh,…
  • Arame: có hàm lượng dinh dưỡng tương tự như wakame, loại rong biển này còn có thể hỗ trợ hạ huyết áp cho người dùng. Loại này thường dùng để nấu canh hoặc xào với rau củ và thịt.
  • Hijiki: có màu nâu, sợi ngắn, nhỏ, hijiki thường được sản xuất dưới dạng khô, khi sử dụng ngâm trong nước cho nở mềm rồi mang đi nấu.
  • Tảo xoắn spirulina: spirulina đã được chứng minh có khả năng tăng cường hệ miễn dịch, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư và có tác dụng hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Loại tảo này thường được điều chế thành dạng bột và dược phẩm.
  • Kombu: kombu nổi tiếng là loại chứa lượng canxi cao nhất trong tất cả các loại rong biển. Đặc biệt không có mùi tanh đặc trưng nên có thể kết hợp kombu trong nhiều món ăn khác nhau.

rong biển kombu

Rong biển kombu

  • Nori: Tảo nori có màu xanh đen, mùi tanh đặc trưng và có vị hơi lợ. Nori được dùng nhiều nhất trong chế biến món ăn vặt và để làm cơm cuộn. Ngoài ra, đây là loại rong biển chứa nhiều khoáng chất như sắt, kẽm, canxi, protein và các loại vitamin A, B1.
  • Kanten: Đây là loại rong biển ít phổ biến, không có mùi vị đậm đà như các loại khác nhưng chứa nhiều chất xơ, vitamin D và hầu như không chứa calorie. Kanten có thể giúp giảm huyết áp và giảm cân hiệu quả.
  • Ogonori: Rong ogonori có màu xanh hoặc nâu, dạng sợi dài, nhỏ, vị thanh mát và giòn. Ăn rong biển này có tác dụng thanh lọc gan. Ogonori thích hợp nhất để làm món salad.
  • Rong nho: Rong nho đã quá phổ biến ở Việt Nam. Nổi tiếng là có hàm lượng dinh dưỡng cao, tuy nhiên loại rong này khá khó ăn với nhiều người vì có mùi hơi tanh.

rong nho

Rong nho là loại rong biển phổ biến ở Việt Nam

6 tác dụng của rong biển đối với sức khỏe

Giàu iốt hỗ trợ chức năng tuyến giáp

Tuyến giáp có nhiệm vụ tiết ra hormone giúp cơ thể kiểm soát sự tăng trưởng, sản xuất năng lượng, sản xuất và sửa chữa các tế bào bị tổn thương. Iốt chính là nguồn dưỡng chất để tuyến giáp tạo ra hormone. Khi cơ thể bạn thiếu iốt, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, cân nặng thay đổi, cổ bị sưng,…Đó là do tuyến giáp không còn đủ khả năng sản xuất hormone cho cơ thể.

Thế nên lượng iốt được khuyến nghị mỗi ngày là 150mcg. Trong rong biển có lượng iốt dồi dào. Hàm lượng iốt này khác nhau tùy vào từng loại và nơi trồng. Trên thực tế, một lá rong khô có thể chứa đến 11% lượng iốt cần thiết của một ngày.

Cung cấp chất chống oxy hóa cho cơ thể

Chất chống oxy hóa có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do. Các gốc tự do được cho là nguyên nhân cơ bản của một số bệnh nguy hiểm hiện nay như ung thư, bệnh tim, tiểu đường,…

Ngoài việc chứa các vitamin A, C và E chống oxy hóa, rong biển còn chứa  nhiều hợp chất thực vật có lợi khác như flavonoid và carotenoid. Những chất này đã được chứng minh là có khả năng bảo vệ các tế bào của cơ thể bạn khỏi tác hại của các gốc tự do. Trong đó, carotenoid được tìm thấy nhiều trong các loại tảo nâu, chẳng hạn như wakame, và nó có khả năng chống oxy hóa cao gấp 13,5 lần so với vitamin.

Giàu chất xơ hỗ trợ tiêu hóa

Vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò to lớn đối với sức khỏe của chúng ta. Sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột có thể dẫn đến nhiều nguy cơ sức khỏe..

Trong khi đó, rong biển là một nguồn chất xơ tuyệt vời, có tác dụng cải thiện sức khỏe đường ruột. Chất xơ chiếm khoảng 25–75% trọng lượng rong khô. Hàm lượng này cao hơn hàm lượng chất xơ của hầu hết các loại trái cây và rau quả.

Rong biển hỗ trợ quá trình giảm cân của bạn

Rong biển chứa nhiều chất xơ và không chứa calorie nên có thể giúp bạn giảm cân bằng cách trì hoãn cơn đói. Chất xơ cũng có thể làm chậm quá trình rỗng của dạ dày. Điều này giúp bạn cảm thấy no lâu hơn.

Ngoài ra thực phẩm này cũng được coi là có tác dụng chống béo phì. Đặc biệt, một số nghiên cứu trên động vật cho thấy rằng chất fucoxanthin trong thực phẩm này có thể giúp giảm mỡ trong cơ thể.

Rong biển hỗ trợ quá trình giảm cân của bạn

Các món ăn từ rong biển có thể giúp bạn giảm cân

Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Các yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh liên quan tim mạch bao gồm cholesterol cao, huyết áp cao, hút thuốc và không hoạt động thể chất hoặc thừa cân. Rong biển có thể giúp giảm lượng cholesterol trong máu của bạn.

Ngoài ra, bệnh tim cũng có thể được gây ra bởi quá trình đông máu. Rong biển có chứa carbohydrate gọi là fucans, có thể giúp ngăn máu đông lại. Trên thực tế, một nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra rằng fucan chiết xuất từ ​​loại thực phẩm này có thể ngăn ngừa đông máu hiệu quả.

Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2

Một nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy, fucoxanthin có trong rong biển có khả năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Ngoài ra, một chất khác có mặt trong thực phẩm này tên là alginate đã ngăn chặn lượng đường trong máu tăng đột biến ở động vật sau khi chúng được cho ăn một bữa ăn nhiều đường. Người ta cho rằng alginate có thể làm giảm sự hấp thụ đường vào máu. Đồng thời, một số nghiên cứu trên động vật khác đã báo cáo việc kiểm soát lượng đường trong máu được cải thiện khi các chất chiết xuất từ ​​rong biển được thêm vào chế độ ăn uống.

Một số món ăn chế biến từ rong biển

Chỉ từ nguyên liệu này, bạn có thể chế biến rất nhiều món ngon. Sau đây LEEP.APP sẽ mách bạn một số món đơn giản được chế biến từ rong biển.

Canh rong biển

Hai nguyên liệu chính của món ăn này là rong biển và thịt bò. Rong khô bạn nên ngâm cho nở mềm và cắt khúc vừa ăn. Làm nóng nồi và cho thịt bò vào xào săn lại, sau đó đổ nước vào nấu đến khi sôi thì cho rong đã cắt vào, nêm nếm vừa ăn với khẩu vị của bạn.

Đây là món ăn dễ nấu mà cần ít thời gian để chuẩn bị. Bạn cũng có thể áp dụng món này vào thực đơn giảm cân của mình.

món canh

Món canh rong biển vừa đơn giản lại dễ thực hiện

Rong biển cháy tỏi

Trong món ăn này bạn dùng rong khô và xé sợi nhỏ. Bắt chảo dầu lên bếp, khi dầu nóng thêm tỏi vào phi thơm, sau đó cho rong biển đã chuẩn bị vào và đảo đều. Đảo món ăn trên lửa nhỏ đến khi rong biển bám đều dầu thì tắt bếp. Khi thành phẩm vẫn còn đang nóng bạn cho muối tôm vào trộn đều để món ăn ngấm gia vị. Bạn đợi món ăn nguội hẳn và cất vào hộp kín để ăn dần.

món cháy tỏi

Đây là món ăn vặt thơm ngon, bổ dưỡng

Cơm cuộn rong biển

Với món cơm cuộn rong biển bạn có thể trổ tài biến tấu với nhiều nguyên liệu khác nhau như thịt bò, cá ngừ, trứng, tôm, xúc xích, củ cải,…và bất cứ món ăn nào bạn thích.

Đầu tiên bạn cần sơ chế và làm chín các nguyên liệu. Trải một miếng nori ra thớt sau đó dàn đều cơm trên bề mặt. Xếp lần lượt các nguyên liệu bạn đã chuẩn bị vào giữa sau đó cuộn chặt và đều tay. Cuối cùng là cắt thành từng khoanh vừa ăn.

Salad rong biển

Khi làm món salad bạn nên chọn rong wakame khô hoặc rong ogonori. Nếu dùng rong khô bạn nên ngâm nước cho nở mềm sau đó cắt miếng vừa ăn. Chuẩn bị  hỗn hợp sốt salad làm gừng, giấm, nước tương và dầu mè. Trộn hỗn hợp trên với rong đã chuẩn bị và nên bảo quản thành phẩm trong tủ lạnh trước khi ăn để tăng thêm hương vị.

Một số lưu ý khi sử dụng rong biển

Mặc dù đây là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng không có nghĩa là nạp nhiều vào cơ thể sẽ tốt. Ăn rong biển quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thừa iốt và cũng gây ảnh hưởng nhất định đến tuyến giáp.

Ngoài ra thực phẩm này có thể khiến cơ thể tích tụ nhiều khoáng chất. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ sức khỏe vì cơ thể chứa một lượng lớn kim loại nặng.

Rong biển là thực phẩm dễ biến tấu trong nhiều món ăn, hàm lượng dinh dưỡng lại cao, rất phù hợp để bạn bổ sung vào thực đơn giảm cân của mình. Tuy nhiên vẫn không nên tiêu thụ lượng rong biển quá nhiều so với mức độ quy định hàng ngày. Ngoài ra để cơ thể khỏe mạnh hơn bạn hãy chăm chỉ tập luyện mỗi ngày thay vì chỉ chú trọng bổ sung những thực phẩm dinh dưỡng.

Nguồn tham khảo 

7 Surprising Health Benefits of Eating Seaweed https://www.healthline.com/nutrition/benefits-of-seaweed Ngày truy cập 22/02/2021