Rau nhút loại rau dân dã giúp thanh nhiệt, mát gan
Rau nhút là loại thực vật quen thuộc với người Việt Nam đặc biệt là những khu vực có nhiều ao hồ, sông nước. Chúng là loại rau rất đặc biệt có bông xốp bao quanh thân và nổi trên mặt nước. Loại thực phẩm này được sử dụng phổ biến và rộng rãi trong nhiều món ăn gia đình như một món rau ăn sống hoặc để nấu canh. Theo Đông y, rau nhút là một loại thực phẩm có khả năng hỗ trợ giúp thanh nhiệt giải độc, làm mát gan và giúp an thần.
Loại rau dân dã đồng quê này có gì đặc biệt? Hãy cùng LEEP. APP tìm hiểu về những lợi ích mà rau nhút mang đến qua bài viết dưới đây nhé.
Rau nhút là gì?
Đây là loại thực vật thuỷ sinh rất phổ biến ở vùng sông nước Việt Nam
Rau nhút còn được biết đến với tên gọi là rau rút, có tên khoa học là Neptunia oleracea. Chúng là một loại cây họ đậu thủy sinh lâu năm với nhiều loài khác nhau. Do thuộc họ Đậu (Fabaceae) nên loài cây này có khả năng cố định đạm đặc biệt như nhiều loài thực vật tương tự cùng thuộc họ.
Chúng có đặc điểm tương tự như cây Trinh nữ hay còn được gọi là cây mắc cỡ vì chúng sẽ cụp lá chét lại khi có vật thể lạ chạm vào lá. Chiều cao của cây rau nhút có thể phát triển tới khoảng 16cm với thân và lá xòe rộng tới 1.5m. Loại cây này có nguồn gốc từ Mexico, Trung Mỹ và các phần phía bắc của Nam Mỹ. Bên cạnh đó, chúng cũng phát triển ở khu vực nhiệt đới của châu Á và chúng được trồng như một loại rau mọc trên nước với sản lượng cao và đem lại thu nhập cho người dân.
Rau nhút là thực vật thân thảo mọc nổi trên nước. Quanh thân của chúng có các mô khí xốp (phần trắng bao quanh thân có dạng xốp chứa khí giúp cây có thể nổi trên mặt nước) sinh ra trên các đoạn thân cây như một cái “phao” nổi trên mặt nước. Tuy nhiên, loại rau nhút mọc trên cạn lại không có cơ chế hình thành “phao” xốp trắng như loài thủy sinh.
Loại cây này nhìn chung có thể mọc cao tới 15cm và phần thân đoạn lan rộng trên mặt nước với chiều dài đến 150cm. Các đoạn thân của loại rau này mọc thành các cành che phủ bằng các lá kép hình lông chim nhỏ. Các đoạn cành lá chính có khoảng 40 lá chét nhỏ mọc thành các cặp đối diện nhau. Loại thực vật này cũng có hoa nhỏ màu vàng ánh lục và chúng mọc thành hoa hình cầu mịn mượt như lông tơ và chúng nở vào mùa hè. Quả của loại thực vật này là các quả dẹp dài từ 2,5-5cm.
Rau nhút là món rau dân dã có hương vị đặc biệt và phần thân ăn rất giòn. Loại rau này đặc biệt chứa nhiều protein hơn hẳn so với các loại rau xanh khác như rau muống, rau mồng tơi… Bên cạnh đó, loại rau này có tính hàn vị ngọt và thanh nhiệt, có thể an thần chống mất ngủ, tiêu viêm và lợi tiểu. Ở những vùng sông nước, loại rau này có thể ăn sống và dùng với những món mắm đặc trưng. Chúng cũng có thể được nấu với khoai sọ hoặc cua, dùng trong những bữa cơm gia đình.
Loại thực vật này cũng là thức ăn cho một số loại động vật khác như cá, rùa, ngỗng hoặc vịt cùng sống trong vùng nước. Tại một số quốc gia như Úc, các loại cây nổi trên mặt nước ao hồ thường tạo ra các thảm thực vật dày và bị coi là thực vật thủy sinh gây hại. Bởi các loại cây thủy sinh này có thể phát triển mạnh làm tắc dòng chảy và thải ra nito làm giảm chất lượng nước khiến các loài cá bị kém phát triển cũng như kìm hãm phát triển hoặc việc chúng phát triển quá mạnh cạnh tranh sinh tồn với số loài thực vật bản địa ở những vùng sông hồ.
Thành phần dinh dưỡng có trong rau nhút
Loại rau này có hàm lượng dinh dưỡng cao với nhiều vitamin và khoáng chất
Theo dữ liệu dinh dưỡng của Emirates Journal of Food and Agriculture, trong 100g rau nhút sống chứa hàm lượng dinh dưỡng như sau:
- Lượng calorie: 40
- Carbohydrate: 2g
- Protein: 6g
- Kali: ~3000mg
- Canxi: 381mg
- Magie: 186mg
- Phốt pho: 405mg
- Đồng: 2.97mg
- Kẽm: 10.53mg
Nhìn chung, phần ăn được của rau nhút bao gồm ngon rau, lá và thân non của chúng chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, cung cấp năng lượng nhưng lại chứa rất ít carbohydrate. Chúng là loại rau đặc biệt giàu protein và ít chất béo so với một số loại rau xanh ăn lá khác. Bên cạnh đó, hàm lượng kali có trong rau rất cao giúp chúng hoạt động như một thực phẩm tự nhiên hỗ trợ giảm tình trạng tăng huyết áp, đột quỵ, sỏi thận và loãng xương. Ngoài ra, loại thực phẩm này còn là nguồn cung cấp dồi dào các khoáng chất khác đặc biệt là natri, canxi và kẽm.
Rau nhút là một nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho cơ thể. Những loại vitamin chúng mang đến bao gồm vitamin A, vitamin C và niacin cần thiết cho quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng trong cơ thể con người để tạo ra năng lượng. Trong loại thực phẩm này cũng chứa nhiều beta-carotene, phốt pho và có nhiều chất xơ.
Cây rau nhút thường được thu hái và trồng để lấy chồi non và ăn sống, nấu chín hoặc xào. Loại thực vật này là một nguyên liệu rất phổ biến trong nền ẩm thực Thái Lan. Theo y học cổ truyền, người ta dùng nước ép của chúng để làm thuốc đắp ngoài chữa hoại tử mũi và vòm họng (phần trên của mũi), nhỏ vào tai để chữa đau tai.
Bên cạnh đó, chiết xuất từ cây rau nhút thường được dùng làm thuốc chữa bệnh vàng da, lở loét trên lưỡi, tiêu chảy ra máu và co giật động kinh. Loại thực vật nước này cũng đã được nghiên cứu và cho rằng chúng có đặc tính kháng khuẩn và chống ung thư.
Lợi ích sức khỏe của rau nhút
Rau nhút giàu chất chống oxy hoá bảo vệ cơ thể khỏi nhiều tình trạng bệnh
Giàu chất chống oxy hóa
Rau nhút chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, giúp ngăn chặn sự hình thành các phân tử gây hại cho cơ thể gọi là gốc tự do. Mặc dù lá của chúng là bộ phận chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất, một số chất chống oxy hóa khác cũng được tìm thấy trong thân và hạt của cây. Loại thực phẩm này có chứa một số hợp chất từ thực vật phytochemical và vitamin có đặc tính chống oxy hóa. Nó cũng chứa superoxide dismutase giúp chống lại bệnh nguy hiểm như ung thư và tim mạch. Những chất trên là những chất chống oxy hóa mạnh và được tìm thấy trong các tế bào của cơ thể bạn. Tuy nhiên, mức độ của nó giảm dần khi các tế bào trong cơ thể lão hóa dần theo thời gian và tuổi tác tăng cao.
Các nhà khoa học chưa kiểm tra xem liệu sự hấp thụ chất chống oxy hóa đáng kể có xảy ra từ hạt của loại thực vật này hay không. Tuy nhiên, các nghiên cứu về các loại thực vật khác cho thấy một số chất chống oxy hóa của chúng có thể được hấp thụ trong ruột. Bên cạnh đó, rau nhút không chỉ liên kết các chất độc do ký sinh trùng tiết ra khi chúng chết mà còn có thể giúp chống lại các chất độc thông qua hoạt động chống oxy hóa của nó.
Ngăn ngừa tổn thương gan
Nếu bạn mắc một bệnh mãn tính chẳng hạn như bệnh Lyme và nhiễm ký sinh trùng, chúng có thể khiến gan và túi mật bị viêm và hoạt động không hiệu quả khiến cơ thể tích tụ độc tố và gây mệt mỏi cũng như phát sinh các bệnh lý.
Vi khuẩn lyme có thể ẩn trong gan. Ngoài ra, ký sinh trùng cũng có thể ẩn náu trong hệ thống gan/ống mật và gây ra các bệnh nguy hiểm cho cơ thể. Bởi những sinh vật này có thể làm tắc nghẽn hệ thống tiêu hóa và tạo ra chứng viêm. Nếu gan bị viêm và bị tổn thương, nó sẽ không hoạt động hiệu quả như bình thường.
Trong khi đó, cơ quan quan trọng này lại là nơi xử lý và tống chất độc vào mật để chúng theo hệ bài tiết ra khỏi cơ thể. Khi hệ thống này bị cản trở, chất độc sẽ tích tụ lại trong cơ thể mà không thể giải phóng ra ngoài. Đây là nguyên nhân dẫn đến cảm giác không khỏe, tình trạng buồn nôn, mệt mỏi, ngứa da hoặc một số triệu chứng khác.
Nghiên cứu sơ bộ cho thấy rằng rau nhút có thể giúp bảo vệ gan khỏi bị tổn thương khi gan bị tích quá nhiều chất độc bởi tính hàn, khả năng thanh nhiệt giải độc của loại thực phẩm này. Các nhà nghiên cứu cho rằng lợi ích này là do các chất chống oxy hóa có trong chúng đã hỗ trợ giảm tình trạng tích độ và hỗ trợ bảo vệ sức khỏe gan.
Trong một nghiên cứu khác, chiết xuất từ lá của rau nhút cho thấy chúng có thể giúp ngăn ngừa tổn thương gan ở động vật khi tiếp xúc với carbon tetrachloride – một hóa chất gây ảnh hưởng đến gan. Do đó, loại thực phẩm này có thể xem như một loại thuốc bảo vệ gan từ thiên nhiên.
Làm lành da
Theo một số phương thuốc y học cổ truyền, rau nhút và một số cây cùng họ có thể được sử dụng để cầm máu và điều trị các vấn đề về da. Ví dụ như trong một số thuốc dân gian có hướng dẫn làm một hỗn hợp từ loại thưc vật này và đắp lên vết thương để cầm máu và hỗ trợ chữa bệnh về da. Một số bài thuốc cũng cho thấy người ta dùng loại thực vật cùng họ của loại cây này là cây trinh nữ để bôi xung quanh vùng da bị nhiễm trùng có mủ chẳng hạn như mụn nhọt. Phương thuốc này được cho là giúp làm vỡ nhọt và giải phóng mủ cũng như giảm ngứa da.
Các nhà khoa học đang bắt đầu xác nhận các đặc tính chữa lành da của các thực vật này. Trong một nghiên cứu, các nhà điều tra đã thử nghiệm chiết xuất từ rễ cây trong một loại thuốc mỡ mà họ bôi lên vết cắt trên da. Để kiểm tra xem nó hoạt động tốt như thế nào, họ đã xem xét hàm lượng hydroxyproline – là một thành phần của collagen, giúp giữ cho da đàn hồi và trẻ trung – khi vết thương lành.
Đây là yếu tố quan trọng để chữa lành vết thương trên da. Các nhà khoa học đã ghi nhận lợi ích chữa lành da ấn tượng này là nhờ các phenol trong chiết xuất thực vật. Các khoáng chất trong lá của chúng cũng giúp tăng cường sức khỏe làn da. Chúng chứa sắt, kẽm, mangan và đồng là những khoáng chất này cần thiết cho sức khỏe làn da và sức khỏe miễn dịch, bao gồm cả việc chống lại nhiễm trùng da.
Kháng khuẩn và tiêu diệt các loại nấm có hại
Vi khuẩn là những sinh vật nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường và chỉ được xác định thong qua kính hiển vi. Chúng bao gồm vi khuẩn, virút và nấm (bao gồm nấm men và nấm mốc). Bình thường trên cơ thể chúng ta vẫn tồn tại những sinh vật nhỏ bé này, chúng tạo nên hệ vi sinh vật.
Tuy nhiên, chúng có thể bắt đầu gây hại cho cơ thể nếu vi khuẩn có hại nhiều hơn số lượng vi khuẩn có lợi và phá vỡ sự cân bằng trong cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy rau nhút có thể giúp bảo vệ khỏi một số vi khuẩn “xấu” gây nhiễm trùng và bệnh tật. Hoạt động kháng khuẩn của loại thực vật này được cho là do có nhiều hợp chất từ thực vật phytochemical như flavonoid, alcaloid, tannin và glycosid.
Một số món ăn hấp dẫn từ rau nhút
Loại rau này có thể kết hợp với nhiều nguyên liệu khác tạo thành món ăn dinh dưỡng
Rau nhút xào tỏi
Rau nhút sau khi mua về bỏ phần xốp trắng, nhặt phần ngọn non và rửa sạch, Sau đó, chần sơ rau trong nước sôi có chút muối, ngâm rau đã chần ngay vào trong nước lạnh để rau được xanh avf giòn. Tiếp theo, phi tỏi trong chảo dầu đến khi vàng thơm và cho rau nhút vào đảo đều (không nên xào quá lâu khiến rau nhũn và vàng), nêm nếm sau đó trút ra đĩa và dùng cùng cơm.
Rau nhút nấu khoai sọ xương hầm
Rau nhút bỏ phần xốp trắng, nhặt lấy phần ngọn non sau đó rửa sạch để ráo. Khoai sọ sau khi mua về gọt vỏ sạch sẽ (khi gọt khoai cần đeo găng tay để khỏi ngứa). Sau đó, rửa khoai lại với nước lần nữa cho sạch nhựa và cắt thành những miếng vừa ăn. Xương heo chặt thành từng khúc vừa ăn, rửa sạch và chần sơ để loại bỏ tạp chất.
Bắc nồi nước và hầm xương cùng một chút muối đến khi xương mềm thì thả khoai sọ vào nấu trong vòng 10 phút để khoai mềm. Khoai đã mềm thì thả rau nhút vào và nêm nếm tùy theo khẩu vị với muối, đường, bột nêm. Chờ đến khi nước canh sôi lên một lần nữa, rau nhút chin thì múc ra tô dùng với cơm nóng. Đây là một món ăn lạ miệng có hương vị độc đáo cho những bữa cơm gia đình.
Nhìn chung, rau nhút là loại rau dân dã sống trên mặt nước ở các vùng ao hồ. Chúng có hàm lượng protein cao và nhiều vitamin khoáng chất. Loại thực phẩm này có thể được sử dụng để chữa một số bệnh như mất ngủ, nóng gan và một số bệnh ngoài da. Do đó, bạn có thể bổ sung laoij thực phẩm này vào những bữa ăn trong gia đình để tăng cường dinh dưỡng cho cả nhà.
Nguồn tham khảo
Water Mimosa Facts, Care, Benefits, & Hardiness (Neptunia oleracea). https://pondinformer.com/water-mimosa-neptunia-oleracea/ Ngày truy cập 25/1/2021
High Income Generating, Edible Aquatic plant: Neptunia Oleracea/Water Mimosa. https://krishijagran.com/agriculture-world/high-income-generating-edible-aquatic-plant-neptunia-oleraceawater-mimosa/ Ngày truy cập 25/1/2021
Water mimosa. https://www.business.qld.gov.au/industries/farms-fishing-forestry/agriculture/land-management/health-pests-weeds-diseases/weeds-diseases/invasive-plants/restricted/water-mimosa Ngày truy cập 25/1/2021
Neptunia oleracea (water mimosa) as phytoremediation plant and the risk to human health: A review. https://www.researchgate.net/publication/270454162_Neptunia_oleracea_water_mimosa_as_phytoremediation_plant_and_the_risk_to_human_health_A_review Ngày truy cập 25/1/2021
Water mimosa. https://www.ejfa.me/index.php/journal/article/download/670/491 Ngày truy cập 25/1/2021