10 vấn đề sức khỏe hay bị nhầm lẫn bạn cần cẩn thận

10 vấn đề sức khỏe hay bị nhầm lẫn bạn cần cẩn thận

Nhiều vấn đề sức khỏe có các triệu chứng tương tự nhau. Nếu chỉ dựa vào các dấu hiệu bên ngoài để chẩn đoán, việc nhầm lẫn là khó tránh khỏi.

Nhiều người ít có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ. Thay vào đó, họ thường dựa vào triệu chứng bệnh để tự mua thuốc về sử dụng. Thế nhưng, có những triệu chứng bệnh giống nhau đến nỗi bác sĩ cũng dễ bị nhầm lẫn. Những chia sẻ dưới đây của LEEP.APP sẽ giúp bạn trang bị thêm một số kiến thức về một số bệnh có triệu chứng tương tự nhau mà bạn cần cẩn thận nhận ra và sớm đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Bệnh Lyme và bệnh cúm

Lyme là bệnh do xoắn khuẩn Borrelia burgdorferi gây ra và các triệu chứng thường xuất hiện sau khi bị bọ ve cắn. Triệu chứng điển hình nhất là xuất hiện nốt ban có vòng tròn đỏ bao quanh vết cắn. Tuy nhiên, có những trường hợp không xuất hiện dấu hiệu này mà có các triệu chứng tương tự như cúm, chẳng hạn như đau nhức cơ thể, sốt và mệt mỏi.

Việc xét nghiệm máu trong trường hợp này thường không có ý nghĩa bởi cơ thể vẫn chưa phát triển các kháng thể báo hiệu bệnh cho đến sau 2 tuần. Vì vậy, nếu nghi ngờ bị bệnh Lyme, bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh dùng một lần để ngăn ngừa những ảnh hưởng lâu dài của bệnh.

2. Viêm gan và dị ứng

Viêm gan có thể “âm thầm” hủy hoại lá gan của bạn trong nhiều năm mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Không những vậy, các triệu chứng phổ biến nhất khi gan có vấn đề như đau dạ dày, ngứa và mệt mỏi lại rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, chẳng hạn như dị ứng. Do đó, nếu có các triệu chứng kể trên, bạn cần chú ý đến màu sắc của mắt và lưỡi. Nếu nhận thấy chúng chuyển sang màu vàng, bạn nên đi khám ngay.

3. Các bệnh về tuyến giáp và huyết áp cao

Các bệnh về tuyến giáp và huyết áp cao

Do triệu chứng của các bệnh tuyến giáp rất giống với bệnh huyết áp cao nên bạn cần đi khám để xác định chính xác tình trạng bệnh

Tuyến giáp là một bộ phận rất quan trọng của cơ thể, có chức năng kiểm soát và điều hòa nhiều loại hormone. Khi tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp), bạn có thể gặp các triệu chứng như tăng cân, nhạy cảm với nhiệt độ và mệt mỏi – những triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với trầm cảm.

Khi tuyến giáp hoạt động quá mạnh (cường giáp), bạn có thể bị giảm cân, khó chịu và nhịp tim nhanh. Những triệu chứng này lại rất giống với bệnh huyết áp cao. Chính vì vậy, nếu gặp các triệu chứng trên và loại trừ khả năng bị huyết áp cao, bạn cần đi khám để kiểm tra hormone tuyến giáp.

4. Thuyên tắc phổi và chứng hoảng loạn

Thuyên tắc phổi (thuyên tắc mạch phổi) là tình trạng rất nguy hiểm, xảy ra khi một cục máu đông chặn động mạch phổi, gây đau ngực dữ dội, khó thở, lo lắng và ngất xỉu. Các triệu chứng này khá giống với dấu hiệu của chứng hoảng loạn, viêm phổi hoặc đau tim nên theo một nghiên cứu 33,5% trường hợp mắc bệnh này bị chẩn đoán sai.

5. Bệnh Celiac và nhiễm trùng đường tiêu hóa

Hiểu một cách đơn giản, Celiac là tình trạng mà cơ thể không có khả năng tiêu hóa gluten. Gluten thường được tìm thấy trong lúa mì và một số loại ngũ cốc. Khoảng 83% những người mắc bệnh này bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác. Nguyên nhân là do các triệu chứng của bệnh sẽ khác nhau giữa người này với người khác. Ngoài ra, các triệu chứng của nó cũng khá giống các bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa như đau dạ dày, tiêu chảy, táo bón, đau đầu…

bệnh Celiac và nhiễm trùng đường tiêu hóa

Khoảng 83% những người mắc bệnh Celiac bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác

6. Lupus và các bệnh về thận, phổi

Lupus là một rối loạn miễn dịch của cơ thể và có nhiều dạng khác nhau. Các triệu chứng thường không điển hình và rất khác nhau giữa người này với người khác. Tuy nhiên, triệu chứng phổ biến nhất vẫn là vết phát ban hình con bướm trên má, một số người có thể không có dấu hiệu này. Các triệu chứng khác có thể gặp phải là mệt mỏi, đau khớp và các vấn đề về thận và phổi.

Đây là lý do tại sao các bác sĩ rất khó chẩn đoán được bệnh lupus lúc đầu. Thông thường, nó chỉ được phát hiện khi nhiều bệnh khác đã được loại trừ.

>>> Xem thêm: 19 thực phẩm hỗ trợ bạn đánh bại bệnh Lupus ban đỏ hệ thống

7. Đột quỵ và nhiễm độc rượu

Theo nhiều nghiên cứu, các bác sĩ thường bỏ qua hoặc xem nhẹ các dấu hiệu sớm của đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu lên não bị gián đoạn và tình trạng này thường hay bị chẩn đoán nhầm với chứng chóng mặt, đau nửa đầu hoặc nhiễm độc rượu. Nguyên nhân là do các triệu chứng của đột quỵ khá giống với các bệnh lý khác như các vấn đề về thị lực, khó nói, nhầm lẫn và trạng thái tinh thần bị thay đổi.

đột quỵ và nhiễm độc rượu

Đột quỵ thường hay bị chẩn đoán nhầm với chứng chóng mặt, đau nửa đầu hoặc nhiễm độc rượu

8. Ung thư và nhiều bệnh lý khác

Không ai muốn nghe mình bị chẩn đoán ung thư nhưng càng phát hiện sớm thì cơ hội phục hồi càng cao. Theo tạp chí Journal of Clinical Oncology, có đến 44% các trường hợp bác sĩ chẩn đoán sai một số loại ung thư. Nguyên nhân chủ yếu là do các công cụ chẩn đoán không đủ chính xác và các triệu chứng thường rất mơ hồ. Ung thư phổi có thể bị nhầm lẫn thành nhiễm trùng phổi, ung thư vú có thể bị nhầm lẫn thành viêm vú… Do đó, nếu bị chẩn đoán mắc ung thư, bạn nên đi khám thêm để đảm bảo kết quả chính xác.

9. Viêm ruột thừa và hội chứng ruột kích thích

Triệu chứng chính của chứng viêm ruột thừa thường là đau ở phần dưới bên phải của bụng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, triệu chứng này sẽ xuất hiện ở những vị trí khác nhau khiến việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Đôi khi nó có thể bị nhầm lẫn với hội chứng ruột kích thích nếu bạn bị nôn và buồn nôn.

Vỡ ruột thừa rất nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, nếu bị đau bụng, bạn tuyệt đối đừng lơ là dù vị trí ở đâu đi chăng nữa.

10. Suy tĩnh mạch và bệnh tim

Nếu mắt cá chân và bàn chân sưng lên, đó có thể là triệu chứng sớm của chứng suy tĩnh mạch. Đây là tình trạng máu không lưu thông đúng cách từ các tĩnh mạch ở chân và bàn chân lên đến tim. Nếu tình trạng này trở thành mãn tính, nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề khác.

Tuy nhiên, nhiều căn bệnh khác, chẳng hạn như bệnh tim, cũng có triệu chứng sưng chân. Chính vì vậy, tình trạng suy tĩnh mạch thường hay bị bỏ qua.

Trên đây là một số thông tin hữu ích về 10 vấn đề sức khỏe hay bị nhầm lẫn mà LEEP.APP muốn chia sẻ cùng bạn. Hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ có cái nhìn trực quan hơn về nhiều căn bệnh khác nhau và có thêm động lực để bảo vệ bản thân trước nguy cơ bệnh tật bằng những thói quen nhỏ nhất.

Nguồn tham khảo

12 Health Conditions That Can Disguise Themselves as Other Diseases https://brightside.me/inspiration-health/12-health-conditions-that-can-disguise-themselves-as-other-diseases-795713/ Nguồn tham khảo: 11/7/2020