HGH hormone tăng trưởng giúp phát triển xương
HGH hormone tăng trưởng sản sinh trong cơ thể đảm bảo cho trẻ nhỏ và trẻ trong giai đoạn dậy thì tăng trưởng toàn diện, giúp người lớn duy trì cấu trúc và sự trao đổi chất trong cơ thể.
HGH không những ảnh hưởng đến sức khỏe, chức năng các cơ quan trong cơ thể, còn tác động rất nhiều đến cảm xúc, tâm trạng của con người. Hãy cùng LEEP.APP tìm hiểu về hormone tăng trưởng này nhé!
HGH là gì?
Hormone tăng trưởng ở người (HGH) là một loại hormone tự nhiên được sản xuất bởi tuyến yên. HGH hoạt động bằng cách kích thích quá trình trao đổi chất trong tế bào, kích thích gan tạo ra một loại protein giống insulin để tạo ra các tế bào sụn. Nhờ đó, đóng góp vào sự tăng trưởng, trao đổi chất, khối lượng cơ, phát triển của xương, các cơ quan, cũng như tổng hợp protein cơ bắp và tái tạo tế bào của chúng ta.
HGH còn được gọi là somatotropin hoặc nội tiết tố tăng trưởng hoăc hormone tăng trưởng (GH). Hormone này đóng một vai trò quan trọng trong cấu tạo cơ thể giúp cơ thể đáp ứng với căng thẳng, tập thể dục, dinh dưỡng, giấc ngủ, cải thiện khả năng học tập, trí nhớ, sức khỏe xương và chữa lành vết thương.
Các triệu chứng biểu hiện thiếu hụt hormone tăng trưởng
Việc thiếu hụt hormone tăng trường sẽ làm chậm tốc độ phát triển xương và chiều cao ở trẻ đang lớn
HGH tự nhiên rất quan trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên đang lớn. Việc sản xuất không đủ HGH có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng (GHD) ảnh hưởng chậm làm tốc độ tăng trưởng và giảm sự phát triển của xương ảnh hưởng đến chiều cao ở trẻ.
Người trưởng thành cũng có thể thiếu hụt hormone tăng trưởng nhưng tình trạng bệnh GHD thường ít xảy ra hơn. Khi ở độ tuổi trưởng thành, việc đảm bảo đủ lượng hormone tăng trưởng sẽ giúp duy trì cấu trúc và sự trao đổi chất trong cơ thể. Người lớn mắc chứng GHD thường có lượng mỡ trong máu cao, cholesterol cao, có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim cao hơn.
Các triệu chứng của thiếu hụt hormone tăng trưởng có thể được dễ dàng được nhìn thấy:
- Đối với trẻ em, chúng sẽ có một hoặc nhiều biểu hiện như sau: trẻ sẽ trông nhỏ hơn, thấp hơn so với những đứa trẻ khác cùng tuổi và có khuôn mặt tròn, trẻ hơn, thân hình mũm mĩm, tóc phát triển chậm. Thiếu hụt hormone tăng trưởng sẽ làm trẻ dậy thì muộn và tốc độ trưởng thành chậm. Trong một số trường hợp, sự phát triển giới tính có thể bị dừng lại như các bé gái có thể không phát triển ngực và giọng nói của các bé trai có thể không thay đổi như các bạn cùng lứa tuổi.
- Đối với người lớn, thiếu HGH có thể gây ra một số vấn đề khác nhau như: lo lắng, trầm cảm, tăng mỡ quanh eo, tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ, suy yếu tim, cơ và xương yếu, mệt mỏi, thiếu sức chịu đựng, giảm khả năng suy nghĩ, thiếu tập trung, trí nhớ kém, nhạy cảm với nhiệt độ nóng hoặc lạnh,… Cơ và xương yếu có thể dẫn đến gãy xương thường xuyên hơn, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
Các nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng HGH
Đối với người lớn, thiếu HGH có thể gây ra một số vấn đề khác nhau như: lo lắng, trầm cảm,…
Sự thiếu hụt hormone tăng trưởng ở người có thể là do:
- Yếu tố di truyền: Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu hormone tăng trưởng ở trẻ ngay từ khi mới sinh ra. Thậm chí, một số trẻ không thể sản xuất hormone tăng trưởng khi chúng được sinh ra và luôn ở mức thấp trong suốt cuộc đời. Thiếu hụt HGH khi sinh có thể do một khối u nằm ở vị trí của tuyến yên hoặc vùng dưới đồi gần đó của não gây ra hoặc đối với trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch thường có tuyến yên kém phát triển.
- Tổn thương tuyến yên: Một số tuyến trong cơ thể sản xuất hormone, nhưng các chuyên gia y tế coi tuyến yên là tuyến kiểm soát chính. Nó không chỉ kiểm soát các tuyến khác mà còn tạo ra hormone kích thích sự phát triển. Tổn thương tuyến yên là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thiếu hormone tăng trưởng ở cả người lớn và trẻ em hoặc không thể sản xuất hormone tăng trưởng. Tuyến yên có thể bị tổn thương do khối u và các điều trị như phẫu thuật và xạ trị.
- Ngoài ra, chấn thương đầu, nhiễm trùng như viêm màng não, bệnh thận mãn tính, trẻ sinh ra nhẹ cân, bệnh suy mòn cơ và các hội chứng bệnh cũng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hormone tăng trưởng. Cụ thể: hội chứng Turner ảnh hưởng đến các đặc điểm sinh dục của nữ kém phát triển, hội chứng Noonan làm rối loạn di truyền cản trở sự phát triển thích hợp của các bộ phận khác nhau trong cơ thể, hội chứng Prader – Willi làm rối loạn di truyền gây ra yếu cơ, khó bú, tăng trưởng kém và chậm phát triển.
Làm sao để chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng?
Nhận biết thiếu HGH bằng các xét nghiệm máu, thận, tuyến giáp hoặc chụp X- quang bàn tay,…
Khi nhận thấy con bạn có các dấu hiệu bệnh thiếu hormone tăng trưởng (GHD) như: trẻ không đạt được các mốc chiều cao và cân nặng theo tiêu chuẩn hoặc khi so sánh với tốc độ phát triển của trẻ với những đứa trẻ cùng lứa, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và điều trị. Bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sau để xác định tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng:
- Xét nghiệm máu có thể đo lượng hormone tăng trưởng trong cơ thể của chúng ta. Tuy nhiên, mức độ hormone tăng trưởng thường dao động trong một ngày. Do đó, xét nghiệm máu với kết quả thấp hơn bình thường tuy chưa đủ bằng chứng để chẩn đoán nhưng sẽ đóng góp và quyết định của bác sĩ về việc bổ sung HGH. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp bác sĩ trong giai đoạn điều trị thiếu hụt đưa ra quyết định tăng hoặc giảm lượng bổ sung hormone tăng trưởng hoặc ngừng các phương pháp điều trị hay không.
- Chụp X – quang bàn tay có thể cho biết mức độ phát triển và mật độ của xương. Các đĩa tăng trưởng là mô đang phát triển ở mỗi đầu của xương cánh tay và xương chân của bạn. Các tấm tăng trưởng này sẽ hợp nhất với nhau khi cơ thể đã phát triển xong.
- Xét nghiệm chức năng thận và tuyến giáp có thể xác định cách cơ thể sản xuất và sử dụng hormone tăng trưởng như thế nào. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn có khối u hoặc có tổn thương tuyến yên thì chụp hình MRI có thể cung cấp cái nhìn chi tiết bên trong não. Xét nghiệm có thể xác định xem tình trạng tổn thương tuyến yên đã có từ lúc mới sinh hay do chấn thương hoặc khối u gây ra.
Điều trị thiếu hormone tăng trưởng HGH như thế nào?
Các hormone tăng trưởng tổng hợp đã được sử dụng rất thành công để điều trị cho trẻ em và người lớn bệnh GHD. Hormone tăng trưởng tổng hợp bắt chước hoạt động của hormone tăng trưởng tự nhiên trong cơ thể và được đưa vào bằng cách tiêm vào các mô mỡ của cơ thể, chẳng hạn như mặt sau của cánh tay, đùi hoặc mông. Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Bác sĩ sẽ kê đơn tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân như: tuổi tác, sức khỏe tổng thể, lịch sử y tế, mức độ và tình trạng bệnh, kỳ vọng điều trị, sự lựa chọn của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị thường trong vài năm, bác sĩ sẽ theo dõi liên tục hàng tháng để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của phương pháp tiêm hormone.
Phương pháp điều trị tăng lượng hormone tăng trưởng giúp người lớn và trẻ em phục hồi năng lượng, trao đổi chất và tăng cường hình dáng và sự phát triển của cơ thể, giúp giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể, đặc biệt là giảm mỡ xung quanh bụng. Tiêm HGH cũng có thể giúp cải thiện sức mạnh, khả năng chịu đựng, giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở những người thiếu hormone tăng trưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nghiên cứu cho thấy, trẻ em thiếu hormone tăng trưởng được điều trị càng sớm thì càng có cơ hội phát triển chiều cao gần như bình thường khi trưởng thành. Trẻ em có thể tăng hơn 10 cm trong 3 năm đầu điều trị và tăng thêm đến 8 cm hoặc nhiều hơn nữa trong vòng 2 năm tới.
Các tác dụng phụ của hormone tăng trưởng HGH
Sau khi tiêm HGH sẽ gây ra các tác dụng phụ như: vết tiêm đỏ, đau đầu, đau hông, cong vẹo cột sống, vùng da tiêm có thể bị ảnh hưởng và có thể trở nên dày, thô và nhiều lông.
Việc tiêm hormone tăng trưởng có thể ảnh hưởng đến phản ứng của cơ thể với insulin là chất kiểm soát lượng đường trong máu. Sử dụng trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường, đặc biệt là ở bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh. Tuy nhiên, trường hợp này ít khi xảy ra.
Sử dụng HGH lâu dài dẫn đến tình trạng dư thừa có thể gây ra rất nhiều triệu chứng cho cơ thể chúng ta như:
- Nó gây ra bệnh to các viễn cực, xương phát triển quá mức với các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến thường thấy là bàn tay và bàn chân lớn.
- Ngoài ra, HGH còn gây ra hội chứng ống cổ tay gây đau, tê bì tay và cánh tay ở một hay cả hai bên.
- Nam giới bị nữ hóa tuyến vú. Bệnh làm tăng sản lành tính của mô tuyến vú ở nam giới, làm tăng kích thước của tuyến vú.
- Việc sử dụng hormone tăng trưởng HGH lâu dài khiến cơ thể không dung nạp glucose làm lượng đường trong máu giảm thấp, gây ra bệnh tiểu đường loại 2.
- Đau dây thần kinh, đau và sưng cơ hoặc khớp, viêm khớp.
- Mức cholesterol cao, tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao là vấn đề đáng lo ngại cho chúng ta.
- Làm phát triển của các khối u tăng khả năng mắc bệnh ung thư.
- Tâm trạng không ổn định, dễ mệt mỏi, kiệt sức, tổn thương, sức chịu đựng kém.
- Ngoài ra, bạn có thể mắc chứng ngưng thở lúc ngủ, rất nguy hiểm và tăng nguy cơ tử vong.
- Giảm sức khỏe tim mạch và gây tổn thương gan.
- Sưng tay và chân do giữ nước làm cơ thể phù nề.
- Cảm giác da tê và ngứa ran.
Các lưu ý khi dùng hormone tăng trưởng
Hormone tăng trưởng HGH nên được sử dụng cẩn thận và cân nhắc. Khi tiêm HGH, có thể dẫn đến nguy cơ đông máu, sai liều và phản ứng dị ứng tại chỗ tiêm. Do đó, bạn chỉ nên sử dụng HGH khi được bác sĩ chỉ định, giám sát khi tiêm và cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên với bác sĩ trong quá trình điều trị để đảm bảo an toàn và sức khỏe. Ngoài ra, lưu ý các biểu hiện cơ thể phản ứng với phương pháp tiêm HGH và phải liên hệ bác sĩ ngay nếu bạn gặp bất kỳ phản ứng bất lợi nào.
Trường hợp, bạn muốn tăng cường cơ thể và cải thiện sức khỏe nhưng không được bác sĩ xác định nguyên nhân tình trạng cơ thể là do thiếu hụt hormone tăng trưởng, thì bạn nên chọn các cách khác trước khi quyết định sử dụng hormone tăng trưởng tổng hợp. Cụ thể, bạn có thể thực hiện một chế độ ăn uống dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên kết hợp với chế độ sinh hoạt hợp lý, tham gia vào các thói quen lành mạnh để tăng lượng hormone tăng trưởng HGH một cách tự nhiên, cải thiện sức khỏe tổng thể và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Phương pháp tiêm HGH không được khuyến khích dùng cho những người có khối u, bệnh nhân ung thư, người đang ốm nặng, đang gặp phải vấn đề hô hấp nghiêm trọng, bị đa chấn thương, biến chứng từ phẫu thuật tim hoặc bụng hở.
Qua bài viết này, LEEP.APP đã chia sẻ tới bạn những thông tin hữu ích về hormone tăng trưởng HGH và tầm quan trọng của HGH đối với cơ thể. Tuy nhiên, kết hợp ăn uống với luyện tập vẫn là biện pháp phát triển cơ thể hữu hiệu hơn cả nhé.
Nguồn tham khảo
Growth Hormone Deficiency: Causes, Symptoms & Diagnosis https://www.healthline.com/health/growth-hormone-deficiency/ Ngày truy cập: 09/03/2021
HGH: Side Effects in Men and Women https://www.healthline.com/health/hgh-side-effects/ Ngày truy cập: 09/03/2021