Bệnh thường gặp mùa mưa bão và cách phòng tránh

Bệnh thường gặp mùa mưa bão và cách phòng tránh

Mùa mưa không chỉ gây cảm cúm và còn làm tăng nguy cơ mắc rất nhiều vấn đề sức khỏe khác, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm. Sau đây, LEEP.APP sẽ liệt kê các bệnh thường gặp mùa mưa bão, cách phòng bệnh và duy trì sức khỏe tốt nhất để bạn vượt qua thời tiết khắc nghiệt này.

Khí hậu thay đổi cùng chế độ ăn kém lành mạnh có thể làm hệ miễn dịch suy giảm. Đặc biệt là vào mùa mưa, khả năng lây lan các vi khuẩn, virus gây hại tăng cao hơn khiến chúng ta dễ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm và bệnh ngoài da khác.

Ngoài việc tập trung cải thiện chế độ dinh dưỡng và miễn dịch, bạn nên lưu ý cách phòng các bệnh thường gặp vào mùa mưa sau đây để bản thân và gia đình luôn khỏe mạnh.

Bệnh thường gặp vào mùa mưa và cách phòng ngừa

1. Bệnh thương hàn

Thương hàn, hay sốt thương hàn là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ sản sinh liên tục và lây lan trong máu. Sốt thương hàn có thể đe dọa đến tính mạnh nếu không được chữa trị kịp thời.

Triệu chứng: Sốt kéo dài, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, đau bụng và táo bón hoặc tiêu chảy.

Đường lây truyền: Vi khuẩn có thể lây lan khi thức ăn, nước uống có nhiễm mầm bệnh từ những bệnh nhân khác. Đặc biệt là khi có bão lũ, điều kiện vệ sinh trở nên kém hơn sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh thương hàn.

Cách phòng bệnh:

  • Uống nước sạch, ăn thực phẩm chín
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường sống và chế biến thức ăn
  • Hạn chế ăn uống bên ngoài
  • Rửa tay thường xuyên

2. Bệnh tả

Bệnh tả là một chứng tiêu chảy truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Vibrio cholerae gây ra.

Triệu chứng: Tiêu chảy nhiều nước, có thể gây mất nước và dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Đường lây truyền: Bệnh tả lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm vi khuẩn này. Việc thiếu nước sạch và ảnh hưởng từ các công trình vệ sinh thường xảy ra trong các trận lũ lụt có thể làm tăng khả năng lây truyền bệnh.

Cách phòng bệnh:

  • Ăn chín, uống sôi
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Vệ sinh cá nhân và bề mặt tiếp xúc thường xuyên

rửa tay với xà phòng

Rửa tay sạch sẽ thường xuyên giúp loại bỏ các vi khuẩn gây bệnh mùa mưa

3. Viêm gan A

Viêm gan A là một bệnh nhiễm trùng gan rất dễ lây lan do Hepatovirus A (HAV) gây ra.

Triệu chứng: Mệt mỏi, sốt, chán ăn, khó chịu bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nước tiểu sẫm màu, da và tròng mắt chuyển vàng.

Đường lây truyền: Siêu vi khuẩn này lây truyền khi bạn uống nước hoặc ăn thức ăn bị nhiễm mầm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.

Cách phòng bệnh:

  • Cải thiện vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Tiêm phòng viêm gan A
  • Vệ sinh cá nhân thường xuyên: Rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh…

4. Sốt rét

Sốt rét là một bệnh truyền nhiễm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Dịch sốt rét là tình trạng phổ biến nhất thường xảy ra sau mùa lũ.

Triệu chứng: Sốt, mệt mỏi, nôn mửa và đau đầu. Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh có thể gây vàng da, co giật, hôn mê hoặc tử vong.

Đường lây truyền: Bị cắn bởi muỗi Anopheles cái nhiễm bệnh.

Cách phòng bệnh:

  • Ngăn ngừa muỗi đốt: Mắc màn khi ngủ, dùng thuốc xịt côn trùng, đèn chống muỗi…
  • Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tránh để ẩm thấp hay đọng nước

5. Sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng do virus Dengue gây ra, có thể dẫn đến tình trạng tương tự như cúm và gây biến chứng nghiêm trọng dẫn đến tử vong nếu bệnh nhân bị sốt xuất huyết nặng.

Tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết đang dần tăng cao trên toàn cầu và tăng nhanh hơn vào mùa mưa bão. Đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật nghiêm trọng và tử vong ở cả trẻ em và người lớn.

Triệu chứng: Sốt kèm buồn nôn, phát ban, đau nhức ở mắt và cơ xương khớp.

Đường lây truyền: Virus có thể lây truyền qua vết đốt của muỗi Aedes aegypti.

Cách phòng bệnh:

  • Phát quang xung quanh nhà. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không đọng nước để tránh lăng quăng sản sinh
  • Ngăn ngừa muỗi cắn: Dùng thuốc chống côn trùng, nhang đèn đuổi muỗi, mắc màn khi ngủ…

sản phẩm chống muỗi

Bạn có thể dùng các sản phẩm chống muỗi như đèn xông tinh dầu, thuốc xịt muỗi, kem chống côn trùng…

6. Hạ thân nhiệt

Hạ thân nhiệt là tình trạng sức khỏe cần được cấp cứu khi cơ thể mất nhiệt nhanh hơn mức sinh nhiệt, khiến nhiệt độ cơ thể thấp nguy hiểm (dưới 35oC). Trẻ em và người già có nhiều nguy cơ bị hạ thân nhiệt hơn trong mùa lũ lụt.

Triệu chứng: Phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng hạ thân nhiệt.

  • Ở mức độ nhẹ: Bệnh nhân có thể cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, rùng mình.
  • Ở mức độ trung bình: Bệnh nhân sẽ nói lắp, tăng nguy cơ lú lẫn và giảm phản xạ.
  • Ở mức nghiêm trọng: Có thể xảy ra hiện tượng da bị viêm lạnh, xuất hiện ảo giác, giảm phản xạ, đồng tử giãn cố định, huyết áp thấp…

Cách phòng bệnh:

  • Vận động nhẹ nhàng
  • Ăn uống phù hợp để duy trì thân nhiệt
  • Mặc quần áo khô và ấm

7. Bệnh về da

Việc phải tiếp xúc với nước mưa, nước bẩn thường xuyên và đôi khi phải ngâm nước lâu do di chuyển trên đường phố sẽ khiến bạn dễ mắc nhiều bệnh về da như:

  • Bệnh chàm: Vì tiếp xúc với độ ẩm cao trong mùa mưa, da có xu hướng mất khả năng giữ ẩm và chuyển màu xanh. Da dễ bị khô, ngứa, ửng đỏ và phòng rộp. Lúc này, bạn nên bôi muối hoặc dầu dừa để làm dịu da, ưu tiên mặc quần áo từ cotton để giúp da thông thoáng và giảm kích ứng.
  • Ghẻ: Tiếp xúc với nước bị ô nhiễm làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ghẻ, một bệnh lây truyền do bọ ve ký sinh gây ra. Bạn sẽ cảm thấy khó chịu vì cơn ngứa và phát ban trên da. Tốt nhất, bạn nên đi khám da liễu để được điều trị đúng đắn, tránh làm bệnh nghiêm trọng hay lây sang những người xung quanh.
  • Nấm kẽ chân: Tình trạng ngứa ở bàn chân, móng chân bị nứt hay đổi màu là các triệu chứng phổ biến của bệnh nhiễm trùng do nấm khi bạn thường tiếp xúc với nước mưa, lũ. Tuy không quá nghiêm trọng nhưng bệnh nấm kẽ chân dễ lây lan. Do đó, bạn nên hạn chế dùng chung quần áo, giày dép và nên vệ sinh thường xuyên, giữ chân khô ráo và sạch sẽ.
  • Nấm hắc lào: Khi khí hậu ẩm ướt, nhiều mưa, da dễ xuất hiện các mảng đỏ hình tròn ở vùng cổ, nách hoặc lòng bàn chân. Đó là triệu chứng của hắc lào. Bệnh này dễ lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể qua tiếp xúc. Vì vậy, bạn nên giữ da sạch sẽ và không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.

8. Bệnh đường hô hấp

Các bệnh thông thường như viêm họng, viêm đường hô hấp, cảm cúm sẽ dễ xảy ra hơn vào mùa mưa khi độ ẩm tăng cao, nhiệt độ và khả năng miễn dịch của cơ thể giảm sút. Chưa kể đến ở thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 đang hoành hành và dễ lây lan hơn bao giờ hết.

khẩu trang nước rửa tay covid-19

Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên để hạn chế lây bệnh đường hô hấp

Cách phòng bệnh:

  • Giữ ấm và duy trì thân nhiệt cho cơ thể
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
  • Đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên
  • Hạn chế tiếp xúc với người có dấu hiệu bệnh hô hấp
  • Đi khám khi có dấu hiệu để được điều trị kịp thời

9. Bệnh về mắt

Ô nhiễm nguồn nước, tăng tiếp xúc với bụi và nước bẩn có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt. Do đó, trong mùa mưa, mắt thường dễ bị viêm tuyến lệ, đau mắt đỏ, viêm bờ mi…

Cách phòng bệnh:

  • Dùng nước sạch để vệ sinh mắt và cơ thể
  • Rửa tay thường xuyên, tránh chạm tay lên mắt
  • Không dùng chung khăn mặt với người khác
  • Nhỏ thuốc nhỏ mắt theo chỉ định

Ngoài những bệnh thường gặp trong mùa mưa kể trên, việc khả năng miễn dịch giảm sút là một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến bạn gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt bao gồm cả các bệnh về tiêu hóa. Vì vậy, bạn nên lưu ý cách phòng ngừa bệnh và áp dụng thêm các bí quyết duy trì sức khỏe mùa mưa dưới đây.

Cách duy trì sức khỏe trong mùa mưa bão

1. Hạn chế tiếp xúc với nước ô nhiễm

Mùa mưa đã bắt đầu, bạn nên chuẩn bị đầy đủ dù hoặc áo mưa, ủng đi mưa tùy theo phương tiện di chuyển để giữ cho cơ thể khô ráo, hạn chế tiếp xúc hay ngấm nước mưa, nước bẩn quá lâu.

Bảo vệ cơ thể theo cách này không chỉ giúp bạn hạn chế bị cảm cúm mà còn ngăn ngừa các bệnh về da cũng như bệnh lây truyền qua đường nước.

đồ đi mưa

Chuẩn bị ô, áo mưa hay ủng đi mưa trước khi di chuyển trong mùa mưa bão

2. Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường

Chúng ta luôn phải giữ vệ sinh cá nhân, nhưng trong mùa mưa bạn cần nên chú ý vấn đề vệ sinh nhiều hơn nữa. Hãy cố gắng rửa tay thường xuyên để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn có hại, ngăn ngừa hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.

Sử dụng các vật dụng cá nhân cho riêng mình, không dùng chung hay mượn/cho mượn để tránh lây bệnh. Bạn cũng nên đeo khẩu trang và ít tiếp xúc với người có dấu hiệu mắc bệnh mùa lũ.

Ngoài ra, giữ môi trường sống sạch sẽ cũng là yếu tố cần được quan tâm để hạn chế vi khuẩn và muỗi lây bệnh sinh sôi. Hãy dọn dẹp xung quang nhà, hạn chế nước đọng và duy trì không gian sạch, thoáng đãng.

3. Tăng cường khả năng miễn dịch

Mùa mưa là thời điểm hoàn hảo để virus, vi khuẩn phát triển và độ ẩm cao, khiến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tăng cao hơn. Để duy trì sức khỏe, bạn cần cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể để hạn chế mắc bệnh.

Hãy cố gắng chọn đúng các loại thực phẩm phù hợp trong mùa mưa bão, đảm bảo bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, uống nước thường xuyên và tập thể dục đều đặn cũng sẽ giúp cơ thể duy trì trạng thái khỏe mạnh hơn. Đừng quên lưu ý ăn chín uống sôi và giữ vệ sinh an toàn thực phẩm trong mùa bão lũ, phòng ngừa nhiều bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu hóa.

4. Ưu tiên bổ sung chất chống oxy hóa

Để ngăn ngừa cảm lạnh, cúm và các bệnh viêm nhiễm, bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa là một trong những biện pháp tự nhiên vô cùng hiệu quả.

Bạn nên chọn thực phẩm có chứa vitamin C, vitamin E cùng các chất chống oxy hóa khác cho thực đơn hàng ngày. Ví dụ như đối với vitamin C, các loại trái cây họ cam chanh, dâu tây, cải bó xôi, cải xoăn và bông cải xanh… sẽ giúp cơ thể tăng đề kháng, chống viêm và phục hồi nhanh hơn.

5. Giữ ấm cho bản thân

Trong mùa mưa bão, việc mắc mưa một vài lần là không thể tránh khỏi. Nếu không muốn bị bệnh, sau khi mắc mưa, bạn nên thay đồ, tắm nước ấm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ để loại bỏ bụi bẩn và vi khuẩn gây bệnh.

Dùng thức uống nóng có cho thêm thảo mộc như gừng, nghệ, bạc hà… hoặc ăn súp nóng có thể bảo vệ và giúp cơ thể ấm lên.

uống nước ấm

Mặc quần áo phù hợp và uống thức uống nóng để cơ thể không mắc bệnh

Ngoài ra, bên cạnh việc mang đồ bảo hộ như áo mưa để tránh bị ướt, trong những trường hợp khác, bạn nên chọn trang phục có chất liệu thoáng, mềm như cotton hoặc chọn quần áo khô, mềm và đủ giữ ấm cho cơ thể.

Làm gì để phục hồi sau mùa mưa bão?

Một khi nhà bị ngập, tiếp xúc nhiều với mưa và nước lũ, bạn nên lưu ý vệ sinh để có môi trường sống an toàn và bảo vệ sức khỏe sau khi mưa bão qua đi.

  • Mang quần áo bảo hộ kín trong quá trình dọn dẹp
  • Bắt đầu dọn từng chỗ, tránh đi lại nhiều nếu còn ngập nước
  • Rửa sạch, sát trùng và băng bó ngay nếu có vết thương
  • Thường xuyên rửa tay: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay tiếp xúc với nước bẩn
  • Đề phòng ruồi, muỗi, rắn: Sử dụng màn, thuốc chống côn trùng, dọn dẹp các vũng nước và lắp rào chắn nếu ở nơi có nhiều rắn
  • Chuẩn bị nước sạch để sinh hoạt, đun sôi hoặc khử trùng nước và cất trữ nơi sạch sẽ để sử dụng
  • Vệ sinh tường, sàn và cách dụng cụ bếp với nước sôi hoặc ngâm dung dịch nước tẩy clo pha loãng
  • Giặt sạch quần áo với nước ấm trở lên và phơi khô
  • Vứt bỏ các thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ

Trong mùa mưa bão, mức độ ảnh hưởng và thiệt hại vô cùng khó kiểm soát. Do đó, chuẩn bị sẵn biện pháp phòng ngừa và ứng phó với thời tiết như LEEP.APP đã chia sẻ sẽ giúp bạn duy trì sức khỏe, hạn chế mắc bệnh và vượt qua mùa bão một cách an toàn.

>>> Xem thêm: Mùa mưa bão nên ăn gì để tốt cho sức khỏe?

Nguồn tham khảo

Flooding and communicable diseases fact sheet. https://www.who.int/disease-flood . Ngày truy cập: 20/10/2020

Common Monsoon Diseases Prevention Tips. https://www.indushealthplus.com/common-monsoon-diseases-prevention-tips.html. Ngày truy cập: 20/10/2020

5 Tips to Stay Healthy During Rainy Season. https://herbana.id/news/5-tips-to-stay-healthy-during-rainy-season. Ngày truy cập: 20/10/2020