Dấu hiệu cảnh báo bạn đang nghiện rượu
Nghiện rượu có xu hướng tồi tệ theo thời gian. Vì vậy, việc phát hiện sớm các dấu hiệu rất quan trọng đối với việc điều trị. Nếu thấy một trong những dấu hiệu sau, bạn nên cẩn thận!
Nghiện rượu là một căn bệnh ảnh hưởng đến mọi người ở mọi tầng lớp trong xã hội. Các chuyên gia đã cố gắng xác định các yếu tố như di truyền, giới tính, chủng tộc hoặc kinh tế xã hội có thể khiến ai đó nghiện rượu, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính thức. Các yếu tố tâm lý, di truyền và hành vi đều có thể góp phần gây ra bệnh.
Điều quan trọng cần lưu ý là nghiện rượu là một căn bệnh thực sự. Nó có thể gây ra những thay đổi đối với não và thần kinh. Một người nghiện rượu có thể không kiểm soát được hành động của mình.
Nghiện rượu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến não và thần kinh của bạn
Nghiện rượu có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của bệnh, tần suất uống rượu của một người nào đó và lượng rượu họ tiêu thụ khác nhau ở mỗi người. Một số người uống rượu nặng cả ngày, trong khi những người khác uống say và sau đó tỉnh táo trong một thời gian.
Bất kể tình trạng nghiện như thế nào, một người thường bị nghiện rượu nếu họ phụ thuộc nhiều vào việc uống rượu và không thể tỉnh táo trong một thời gian dài.
Triệu chứng nghiện rượu
Nghiện rượu có thể khó nhận ra. Không giống như cocaine hoặc heroin, rượu được phổ biến rộng rãi và được chấp nhận ở nhiều nền văn hóa. Nó thường là trung tâm của các tình huống xã hội và liên kết chặt chẽ với các lễ kỷ niệm, các cuộc vui.
Uống rượu là một phần của cuộc sống đối với nhiều người. Vì vậy, rất khó để phân biệt giữa người thích uống một vài ly rượu và người có vấn đề thực sự.
Một số triệu chứng bạn có thể lưu ý:
- Tăng số lượng hoặc tần suất sử dụng rượu
- Khả năng chịu đựng cao đối với rượu hoặc không có các triệu chứng “nôn nao” khi uống rượu
- Uống vào những thời điểm không thích hợp như buổi sáng sớm khi vừa thức giấc hoặc ở những nơi như nhà thờ, nơi làm việc…
- Muốn ở nơi có rượu và tránh những tình huống không có rượu
- Những thay đổi trong quan hệ bạn bè. Một người nghiện rượu có thể chọn những người bạn cũng uống nhiều rượu
- Tránh tiếp xúc với những người thân yêu
- Giấu rượu hoặc trốn trong khi uống
- Phụ thuộc vào rượu để hoạt động trong cuộc sống hàng ngày
- Tăng trạng thái thờ ơ, trầm cảm hoặc các vấn đề cảm xúc khác
- Gặp các vấn đề pháp lý hoặc nghề nghiệp như bị bắt hoặc mất việc làm
Vì tình trạng nghiện có xu hướng trở nên tồi tệ hơn theo thời gian nên việc phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm rất quan trọng. Nếu được xác định và điều trị sớm, người nghiện rượu có thể tránh được những hậu quả lớn do bệnh gây ra.
Nếu lo lắng rằng người thân, bạn bè bị nghiện rượu, tốt nhất là bạn nên tiếp cận họ theo cách hỗ trợ. Tránh làm họ xấu hổ hoặc khiến họ cảm thấy tội lỗi. Điều này có thể đẩy họ ra xa và khiến họ phản kháng lại sự giúp đỡ của bạn.
Rất khó để phân biệt những triệu chứng nghiện rượu, nhưng bạn nên lưu ý nếu tần suất uống rượu của mình tăng nhiều hơn
Những biến chứng sức khỏe liên quan đến nghiện rượu
Nghiện rượu có thể dẫn đến bệnh tim và bệnh gan. Cả hai đều có thể gây tử vong. Nghiện rượu cũng có thể gây ra các vấn đề khác như:
- Hình thành các vết thương hở, vết loét trên cơ thể
- Biến chứng đái tháo đường
- Suy giảm chức năng sinh lý
- Tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh thai nhi
- Vấn đề về thị lực
- Tăng nguy cơ ung thư
- Chức năng miễn dịch bị ức chế
Một người nghiện rượu cũng có thể khiến người khác gặp rủi ro như lái xe trong tình trạng say rượu. Uống rượu cũng có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ tự tử và giết người.
Gần như tất cả các rủi ro liên quan đến nghiện rượu đều có thể tránh hoặc có thể điều trị được với khả năng hồi phục lâu dài thành công. Vì vậy, điều trị nghiện rượu sớm rất quan trọng.
Điều trị chứng nghiện rượu
Điều trị chứng nghiện rượu có thể phức tạp và đầy thử thách. Để việc điều trị có kết quả, người nghiện rượu phải muốn tỉnh táo. Bạn không thể ép họ ngừng uống nếu họ chưa sẵn sàng. Thành công phụ thuộc vào mong muốn trở nên tốt hơn của người đó.
Quá trình phục hồi chứng nghiện rượu là một cam kết suốt đời. Không có cách sửa chữa nhanh chóng và nó liên quan đến việc chăm sóc hàng ngày. Vì lý do này, nhiều người nói rằng nghiện rượu không bao giờ “chữa khỏi”.
Nói chuyện với các chuyên gia, bác sĩ sẽ giúp bạn nhanh chóng biết được phương pháp điều trị phù hợp
Một lựa chọn điều trị ban đầu phổ biến cho người nghiện rượu là một chương trình phục hồi chức năng cho bệnh nhân ngoại trú hoặc nội trú. Chương trình điều trị nội trú có thể kéo dài từ 30 ngày đến một năm. Nó có thể giúp người nghiện rượu xử lý các triệu chứng cai nghiện và những thách thức về cảm xúc. Điều trị ngoại trú cung cấp hỗ trợ hàng ngày trong khi cho phép người bệnh sống tại nhà.
Người nghiện rượu cũng có thể được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị khác bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc
- Tư vấn
- Thay đổi dinh dưỡng
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giúp đỡ một số điều kiện. Ví dụ, thuốc chống trầm cảm, nếu người nghiện rượu tự mua thuốc để điều trị chứng trầm cảm của họ. Hoặc bác sĩ có thể kê đơn thuốc để hỗ trợ các cảm xúc khác thường gặp trong quá trình hồi phục.
Liệu pháp hữu ích để giúp dạy cho ai đó cách quản lý căng thẳng trong quá trình hồi phục và các kỹ năng cần thiết để ngăn ngừa tái phát. Ngoài ra, một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp loại bỏ tác hại của rượu có thể gây ra đối với sức khỏe của người đó, chẳng hạn như tăng hoặc giảm cân.
Nghiện rượu có thể liên quan đến một số phương pháp điều trị khác nhau. Điều quan trọng là mỗi người phải tham gia vào một chương trình phục hồi sẽ hỗ trợ sự tỉnh táo lâu dài. Điều này có thể có nghĩa là nhấn mạnh vào liệu pháp cho một người bị trầm cảm hoặc điều trị nội trú cho một người có các triệu chứng cai nghiện nghiêm trọng.
Tại Việt Nam, bạn có thể đến thăm khám và điều trị chứng nghiện rượu tại Trung tâm Chống Độc, Bệnh viện Bạch Mai (78 Đường Giải Phóng, Quận Đống Đa, Hà Nội) hoặc Bệnh viện Tâm thần (766 Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, TP. HCM). Bạn cũng có thể đến các phòng khám hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia để tìm hiểu cách thức điều trị phù hợp cho mình.
Nguồn tham khảo
Alcohol Addiction https://www.healthline.com/health/addiction/alcohol Ngày truy cập: 21/09/2020