Mùa mưa bão nên ăn gì để tốt cho sức khỏe?
Mùa mưa bão không chỉ gây ngập lụt mà còn ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sinh hoạt, cần lưu ý nhất là chế độ dinh dưỡng. Làm sao đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ăn uống đúng cách để bạn luôn khỏe mạnh vượt qua mùa mưa bão? Hãy áp dụng những mẹo sau đây.
Những cơn mưa có thể làm dịu cái nóng nhưng cũng đem đến nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là khi tình trạng bão, lũ diễn ra thì việc duy trì cơ thể khỏe mạnh cũng như an toàn thực phẩm và ăn uống lành mạnh là vô cùng khó khăn. Để đảm bảo bạn ăn đúng cách và ăn đủ chất cần thiết cho mùa mưa bão, hãy cùng LEEP.APP điểm qua những thực phẩm nên hoặc không nên ăn cùng các quy tắc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình.
Những thực phẩm KHÔNG nên ăn vào mùa mưa
1. Đồ chiên, thức ăn nhanh
Mặc dù thỉnh thoảng ăn một ít món ăn chiên dầu có thể thỏa mãn cơn thèm ăn của bạn nhưng ăn quá nhiều dầu mỡ, đặc biệt là vào mùa mưa có thể gây ra tình trạng đầy bụng, tiêu chảy và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
2. Rau sống
Các loại rau xanh thường chứa nhiều nấm và vi khuẩn. Trong mùa mưa bão, môi trường phát triển của vi khuẩn lại tăng nhiều hơn nữa. Vì vậy, ăn các loại rau không được vệ sinh kỹ hay rau sống không nấu chín sẽ khiến bạn dễ gặp nhiều hại khuẩn.
3. Ăn uống bên ngoài
Dù bạn chọn bất cứ loại thực phẩm nào, việc ăn ở hàng quán bên ngoài trong mùa mưa đều gây ra nhiều vấn đề tiêu cực đối với sức khỏe.
Nhiệt độ và độ ẩm khiến nấm và vi khuẩn phát triển dễ dàng hơn. Do đó, nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường nước cũng tăng cao. Tốt nhất, bạn nên hạn chế ăn ở bên ngoài trong thời tiết này, đặc biệt là các loại thức ăn đường phố.
4. Món ăn mặn, nhiều gia vị
Những món ăn kết cấu đặc và mặn không chỉ ảnh hưởng tiêu hóa, mà cơ thể bạn cũng dễ cảm thấy nặng nề và mệt mỏi hơn. Món mặn sẽ gây đầy hơi và tích nước trong cơ thể.
Tương tự, các thực phẩm chua cay như me, tương ớt, dưa muối… cũng gây tích nước, kết hợp với đồ ăn nhiều dầu mỡ sẽ gây ợ chua và khó chịu trong dạ dày.
Bạn nên ăn uống gì trong mùa mưa bão?
Sau đây là một số lưu ý để bạn có thể bổ sung dưỡng chất an toàn và đảm bảo sức khỏe một cách tốt nhất trong mùa mưa bão.
1. Nước
Tập trung uống nhiều nước, ưu tiên nước lọc đun sôi để nguội và lọc khuẩn vì cơ thể bạn dễ mất nước hơn trong mùa mưa.
Ngoài nước lọc, các loại trà ấm mới pha, nước dùng và súp cũng là những lựa chọn tốt để bạn bổ sung nước, hỗ trợ miễn dịch và duy trì nhiệt độ ổn định cho cơ thể khi gặp bão.
Bạn có thể uống sữa ấm nhưng nên hạn chế tiêu thụ các sản phẩm từ sữa vì đây là thời điểm dễ phát sinh vi khuẩn nhất.
Trà ấm pha với bạc hà hoặc gừng là thức uống tốt cho sức khỏe
2. Trái cây
Bạn nên ăn đa dạng các loại trái cây khác nhau, có thể chọn trái cây theo mùa và bổ sung nhiều hơn để nhận được lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất cùng chất chống oxy hóa thiết yếu, tăng miễn dịch cho cơ thể một cách hiệu quả.
3. Rau củ
Rau củ cũng giúp bạn bổ sung các dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe tổng quát. Bạn có thể thêm rau củ vào thực đơn hàng ngày, lưu ý ưu tiên chọn rau tươi, rửa thật sạch trước khi sử dụng, đặc biệt là các loại rau nhiều lá và bông cải.
4. Thảo mộc
Các loại thảo mộc có chứa nhiều chất chống oxy hóa cùng đặc tính khử trùng, chống viêm và tăng cường miễn dịch. Do đó nấu những món đơn giản kết hợp thêm thảo mộc là lựa chọn tốt nhất trong mùa mưa bão.
Bạn có thể dùng thức uống ấm như sữa hoặc trà có bổ sung bạc hà, gừng, mật ong… Ngoài ra, sử dụng thêm tỏi, tiêu, gừng, nghệ, rau mùi… khi chế biến thức ăn hàng ngày để cải thiện tiêu hóa và miễn dịch.
5. Ngũ cốc
Lưu ý đầu tiên đối với chế độ dinh dưỡng mùa bão là sử dụng lượng thức ăn vừa phải vì cơ thể thường khó tiêu hóa thức ăn hơn.
Ngoài kiểm soát khẩu phần, bạn nên ưu tiên chọn các loại ngũ cốc khô tự nhiên như ngô, đậu, lúa mì hay yến mạch. Chúng giúp duy trì năng lượng, đường huyết và giữ no lâu hơn.
Cách giữ vệ sinh an toàn thực phẩm mùa mưa bão
1. Giữ thực phẩm an toàn sau khi nhà bị ngập
- Không ăn bất kỳ thực phẩm nào có thể đã tiếp xúc với nước.
- Loại bỏ các thực phẩm và đồ uống không được bảo quản trong hộp chống thấm và có khả năng đã tiếp xúc với nước.
- Thực phẩm an toàn là thực phẩm đựng trong hộp nhựa hoặc kim loại, túi zip có nắp vặn, nắp gấp mép… đảm bảo kín và không thấm nước.
Hộp đựng thực phẩm an toàn nên chống thấm và có nắp đậy kín
- Bạn nên loại bỏ thực phẩm đựng trong hộp đã bị hỏng như phồng, thủng, rò rỉ, sét hay móp méo nghiêm trọng. Nếu tình trạng hộp không quá nghiêm trọng, bạn có thể vệ sinh lại và sử dụng.
- Rửa kỹ chảo kim loại, bát đĩa sứ và đồ dùng nhà bếp bằng xà phòng và nước, nếu có thể hãy sử dụng nước nóng để làm sạch ở bước cuối cùng. Bạn có thể đun sôi vật dụng trong nồi nước sạch hoặc ngâm khoảng 15 phút với dung dịch thuốc tẩy clo không mùi (tỷ lệ 1 thìa súp pha với 4 lít nước) hoặc loại nước rửa mà bạn có sẵn.
- Vệ sinh sàn bếp, kệ tủ và mặt bàn ở phòng bếp, sử dụng nước nóng hoặc dung dịch tẩy tương tự như trên và để khô ráo tất cả đồ dùng bếp, phòng bếp trước khi sử dụng lại.
2. Giữ nước sạch để sử dụng
Trong trường hợp mưa bão thường xuyên, bạn nên lưu ý bảo vệ nguồn nước để uống và sử dụng mỗi ngày để hạn chế các bệnh thường gặp do nước bẩn gây ra. Bạn nên:
- Chỉ sử dụng nước từ nguồn an toàn để uống và rửa hoặc chế biến thực phẩm.
- Sử dụng nước đóng chai chưa tiếp xúc với nước lũ, nếu có.
- Đun sôi hoặc khử trùng nước trước khi sử dụng.
- Nếu gia đình sử dụng nước giếng, bạn nên kiểm tra độ sạch của nước và khử trùng trước khi dùng. Nếu nước giếng bị ô nhiễm nghiêm trọng, hãy liên hệ với Sở Y tế hoặc các cơ quan liên quan để được tư vấn và hỗ trợ xử lý.
Bạn nên lọc nước trong mùa mưa lũ để có nước sạch sử dụng
Cách đun sôi hoặc khử trùng nước trước khi dùng:
Nếu nước bị vẩn đục, trước tiên bạn dùng vải sạch lọc nước hoặc để nước lắng cặn rồi chắt lấy phần nước trong để tiến hành đun sôi hoặc khử trùng.
Đun sôi:
- Nước đun sôi sẽ tiêu diệt hầu hết các sinh vật gây bệnh có thể có trong nước.
- Bạn đun sôi và giữ nước sôi trong khoảng 1 phút, để nguội rồi cho nước vào thùng chứa sạch có nắp đậy kín.
Khử trùng:
- Thuốc tẩy có thể giết chết một phần các sinh vật gây bệnh có trong nước. Bạn có thể áp dụng phương pháp này nếu thiếu hụt nước sạch sinh hoạt.
- Khử trùng bằng cách pha 1/8 thìa cà phê thuốc tẩy clo không mùi, dạng lỏng vào mỗi 4 lít nước. Khuấy đều và để yên ít nhất 30 phút trước khi sử dụng. Bảo quản nước trong thùng chứa sạch có nắp đậy.
3. Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm vào mùa mưa
Với những vùng ít bị ảnh hưởng do bão lũ, mưa nhiều vẫn có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe cũng như an toàn thực phẩm. Bạn nên:
- Giữ bếp khô ráo, vệ sinh và lau chùi thường xuyên mặt bếp, dụng cụ làm bếp và cả các loại khăn lau.
- Cất trữ thực phẩm trong hộp kín. Chọn các loại hộp không thấm nước và đảm bảo nắp đậy kín, bảo quản tốt thực phẩm. Để thực phẩm ở nơi cao, thoáng mát.
- Luôn ăn chín, uống sôi. Ưu tiên chọn thực phẩm tươi, rửa sạch và sử dụng ngay. Thức ăn cần được nấu chín ở nhiệt độ cao, uống nước đun sôi để nguội.
- Hạn chế dùng ngay thực phẩm đã bảo quản lâu ngày trong tủ lạnh. Nếu bạn muốn ăn thực phẩm đã nấu chín và cất tủ lạnh trước đó, hãy đun nóng dần cho đến khi sôi trở lại rồi mới sử dụng.
Tình hình thời tiết luôn diễn ra bất ngờ, dù được dự báo trước nhưng chúng ta thường ít lường được mức độ nghiêm trọng và những thiệt hại thực tế ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần và sức khỏe của mỗi người.
Vì vậy, có sự chuẩn bị kỹ càng để chế độ dinh dưỡng và an toàn thực phẩm mỗi ngày được đảm bảo là một trong những cách tốt nhất giúp bạn bảo vệ sức khỏe cho mình và cả gia đình trong mùa mưa bão.
Nguồn tham khảo
Food and Water Safety During and After a Flood. https://sonomacounty.ca.gov/Food-and-Water-Safety-During-and-After-a-Flood/. Ngày truy cập: 20/10/2020
Top 6 Healthy Food Snacks Diet Regime for Rainy Season. https://www.adityabirlacapital.com/healthy-food-snack-diet-regime-for-rainy-season/. Ngày truy cập: 20/10/2020