Bạn sẽ làm gì khi có 6 dấu hiệu đang kiệt sức?
Tình trạng kiệt sức không xảy ra một cách đột ngột mà xuất hiện chậm rãi theo thời gian. Tuy nhiên, đôi khi bạn đang bị kiệt sức nhưng lại không nhận ra. LEEP.APP sẽ giúp bạn nhận ra những dấu hiệu kiệt sức để tìm giải pháp cho mình.
Kiệt sức là tình trạng kiệt quệ về tình cảm, thể chất và tinh thần do căng thẳng quá mức và kéo dài. Nó xảy ra khi bạn cảm thấy quá tải, cạn kiệt cảm xúc và không thể đáp ứng các nhu cầu liên tục. Khi căng thẳng tiếp tục, bạn bắt đầu mất hứng thú và động lực. Kiệt sức còn làm giảm năng suất và tiêu hao năng lượng của bạn, khiến bạn ngày càng cảm thấy bất lực, tuyệt vọng, hoài nghi và bực bội. Cuối cùng, bạn có thể cảm thấy mình không còn gì.
Bên cạnh đó, tình trạng kiệt sức có thể gây ra những thay đổi lâu dài cho cơ thể khiến bạn dễ mắc các bệnh như cảm lạnh và cúm. Do có quá nhiều tác động tiêu cực, bạn cần phải tìm cách để giải quyết tình trạng kiệt sức càng sớm càng tốt. Dưới đây là 6 dấu hiệu phổ biến nhất báo hiệu bạn đang kiệt sức và những cách giúp bạn đối phó với chúng. Đừng bỏ lỡ nhé!
1. Bạn cảm thấy choáng ngợp với các hoạt động hằng ngày
Một trong những lý do khiến bạn có thể gặp căng thẳng là do bạn làm quá nhiều việc cùng một lúc. Vì vậy, nếu một buổi sáng thức dậy và cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi vì danh sách những việc cần làm trong ngày, rất có thể bạn đang có dấu hiệu kiệt sức.
Đa năng trong công việc nghe có vẻ hiệu quả về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, thực tế lại có thể làm giảm năng suất làm việc. Nguyên nhân là do bạn sẽ mất thời gian chuyển đổi giữa các công việc.
Giải pháp:
Hãy thử thực hiện từng việc một. Hay kẹp những công việc “khó nhằn” đó với những công việc tiêu tốn ít năng lượng hơn. Bạn có thể tham khảo các quy tắc để quản lý công việc giảm bớt áp lực.
>>> Xem thêm: Nên tập luyện thế nào khi mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính?
Nếu bạn cần nghỉ giải lao, hãy đứng dậy và vận động, trò chuyện với đồng nghiệp một chút
2. Bạn bắt đầu bực bội và cảm thấy mất kết nối với những người khác
Nếu cảm thấy một chút sợ hãi len lỏi khi nói đến những người bạn thân thiết hoặc những thứ bạn thường quan tâm, đó là dấu hiệu chính của sự kiệt sức.
Với nhiều người, dấu hiệu này có vẻ khác đi một chút. Chẳng hạn, một số người có vẻ như tránh tiếp xúc với bạn bè và gia đình hoặc các tình huống xã hội nhất định. Một vài người khác cũng có thể cảm thấy bực bội nếu dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội.
Đột nhiên giữ khoảng cách với bạn bè, người thân có thể là một trong những dấu hiệu kiệt sức
Giải pháp:
Mặc dù rất nhiều người đã trải qua tình trạng kiệt sức, nhưng bạn rất dễ cảm thấy như chỉ có một mình. Điều này có thể khiến bạn cố gắng cô lập bản thân hơn nữa.
Hãy thử tìm ít nhất một người để kết nối an toàn về các triệu chứng bạn đang cảm thấy. Điều đó có thể tạo ra sự khác biệt về cách bạn tương tác với những người trong cuộc sống của mình.
3. Bạn thấy mình dễ cáu gắt với mọi người
Bạn đã bao giờ trải qua một ngày mà chỉ một điều nhỏ nhặt không vừa ý cũng có thể khiến bạn “phát hoả”?
Tức giận là một phần bình thường của cuộc sống, nhưng kiệt sức có thể khiến bạn cảm thấy cáu kỉnh với những người xung quanh thường xuyên hơn bình thường.
Giải pháp:
Cách đầu tiên để vượt qua cảm giác này là thừa nhận nó. Khi bạn thừa nhận cảm nhận của mình, hãy thử xác định bức tranh toàn cảnh hơn về những gì bạn đang làm.
Nâng cao tinh thần của bạn bằng cách tham gia một bài tập về lòng biết ơn để nhắc nhở bản thân về những điều nhỏ nhặt khiến bạn cảm thấy vui vẻ.
4. Lúc nào bạn cũng cảm thấy vô cùng mệt mỏi vì thiếu ngủ
Nghiên cứu cho thấy rằng ngủ không đủ giấc là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng kiệt sức. Vì vậy, thực hiện các bước để đảm bảo bạn có được một giấc ngủ thực sự sẽ giúp bạn hạn chế căng thẳng.
Một giấc ngủ ngon là cách giải quyết căng thẳng, mệt mỏi
Giải pháp:
Một điều bạn có thể làm trước khi gặp khó khăn là tạo ra một không gian lành mạnh để thư giãn. Hãy để căn phòng của bạn thành nơi “chỉ dành cho giấc ngủ” với một số loại chăn êm ái và tinh dầu. Đừng bao giờ làm việc trên giường.
Bạn cũng có thể lặp lại một số thói quen trước khi đi ngủ để giúp não hiểu khi nào là thời điểm nên bắt đầu giấc ngủ. Hãy thử nghe một câu chuyện yêu thích để ru bạn vào giấc ngủ hoặc thực hiện động tác vươn vai nhanh chóng để thư giãn tâm trí và cơ thể trước khi nằm vào giường.
5. Bạn cảm thấy mất niềm vui và động lực
Bạn không chắc chắn về tương lai hoặc đơn giản mở mắt và cảm thấy không muốn đến nơi làm? Kiệt sức có xu hướng “đánh cắp” những năng lượng tích cực cũng như bất kỳ động lực nào mà bạn có thể có.
Một bữa sáng yêu thích có thể giúp tăng tần suất niềm vui mỗi ngày
Giải pháp:
Để chống lại điều này, trước tiên hãy bắt đầu bằng cách cố gắng làm mọi việc mà không kỳ vọng rằng bạn sẽ giỏi hay dở. Tập luyện thể dục thường xuyên để làm mọi việc với tinh thần tỉnh táo và nỗ lực để làm những việc từng khiến bạn hạnh phúc.
Những việc nhỏ như đi đôi tất yêu thích hoặc ăn bữa sáng yêu thích của bạn có thể làm tăng “tần suất niềm vui”. Từ đó, mang lại một chút động lực trong cuộc sống của bạn.
>>> Xem thêm: Thực phẩm cần thiết cho cơ thể khi bị kiệt sức
6. Bạn đang gặp các triệu chứng về thể chất
Có một số triệu chứng liên quan đến chứng kiệt sức mà nhiều người thường lơ là như chán ăn, đau đầu hoặc buồn nôn. Những dấu hiệu này có thể dễ bị nhầm lẫn với những bệnh thông thường, nhưng cách khắc phục những dấu hiệu này đều nằm trong các cách giải quyết trên đây, đặc biệt là giấc ngủ.
Giải pháp:
Dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể tái tạo năng lượng và giúp cơ thể “chữa lành” những tác động của kiệt sức. Nếu có thể, bạn cũng nên tham khảo thêm ý kiến chuyên gia như bác sĩ đa khoa hoặc nhà trị liệu để được hỗ trợ nhiều hơn trong việc đối phó với các triệu chứng kiệt sức.
Bạn có thể thử những cách trên để giải quyết các dấu hiệu kiệt sức nếu có. Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên cũng là cách giúp cải thiện sức khỏe tinh thần cũng như tăng cường thể lực.
Nguồn tham khảo
6 Signs of Burnout—and How You Can Take Action https://advice.theshineapp.com/articles/6-signs-of-burnout-and-how-you-can-take-action/ Ngày truy cập: 08/10/2020