Nhận diện 10 “kẻ cắp động lực” và cách lấy lại năng lượng tươi mới
Động lực có thể khiến bạn dời núi, lấp biển. Nhưng có rất nhiều kẻ rình rập khiến bạn mất động lực. Điểm mặt chúng ngay nhé.
Động lực là trung tâm của sự sáng tạo, năng suất và hạnh phúc, là nguyên nhân khiến chúng ta hành động; và khi chúng ta hành động, chúng ta phát triển và thay đổi, chúng ta cảm thấy sự thành công, cảm thấy mạnh mẽ thông qua việc góp phần thay đổi thế giới xung quanh mình. Những điều đó mang lại mục đích và hạnh phúc cho cuộc sống của chúng ta.
Trong tiếng Eskimo có rất nhiều từ chỉ tuyết vì tuyết quá quen thuộc với họ, họ có thể nhận thấy sự khác biệt tinh tế giữa các loại tuyết khác nhau. Điều này cho phép họ phản ứng khác nhau với các loại tuyết khác nhau, tùy thuộc vào thách thức và cơ hội mà từng loại tuyết cụ thể mang lại.
Hầu hết chúng ta chỉ có một quan niệm về động lực, có nghĩa là bất cứ khi nào bạn không có động lực, bạn cho rằng mình đang vật lộn với cùng một vấn đề. Tuy nhiên, mất động lực là một phạm trù rộng, với nhiều biến thể. Khi bạn chỉ có một khái niệm, bạn sẽ áp dụng cùng một chiến lược. Đối với nhiều người, các chiến lược đó như sau: đặt mục tiêu, nỗ lực hơn, tạo ra trách nhiệm để ràng buộc bản thân và vận hành cuộc sống của bạn bằng cách sử dụng danh sách những việc cần làm. Những chiến lược này không luôn mang lại hiệu quả khi mất động lực và chúng thậm chí có thể khiến tình hình tệ hơn.
Về bản chất, có nhiều lý do khiến bạn rơi vào tình thế mất động lực. Xác định được lý do sẽ giúp bạn có thể chọn các công cụ và chiến lược phù hợp để giúp bạn lấy lại động lực.
Dưới đây là 10 “kẻ đánh cắp động lực” và các chiến lược giúp bạn tìm lại ngọn lửa của mình:
1. Nỗi sợ hãi khiến bạn mất động lực
Khi bạn sợ hãi, ngay cả khi bạn đang đi theo hướng mục tiêu dẫn đường, một phần trong bạn vẫn dùng dằng, níu kéo bạn. Khi nỗi sợ hãi làm bạn do dự, điều này có thể có lợi cho bạn, nhưng đôi khi nỗi sợ hãi dựa trên trí tưởng tượng của bạn chứ không phải dựa trên đánh giá chính xác về những rủi ro trong thực tế. Nếu nỗi sợ hãi của bạn đủ lớn, một nửa trong bạn hào hứng muốn tiến về phía trước, một nửa muốn giữ an toàn cho bạn. Kết quả là bạn không thể dung hòa cả hai.
Cách đối phó: Để có động lực, bạn cần đối mặt với những nỗi sợ hãi của mình, bắt đầu bằng cách gọi tên chúng. Hãy cảm ơn chúng – rốt cuộc thì chúng cũng đang cố gắng bảo vệ bạn. Sau đó, hãy đặt câu hỏi: “Tại sao tôi lại sợ điều đó xảy ra?” “Khả năng điều đó xảy ra là bao nhiêu?” Một số nỗi sợ hãi của bạn sẽ tan biến.
Hãy nhìn vào những nỗi sợ còn lại. Chúng có thể dạy cho bạn về điều gì cần thực hiện, khoảng trống nào cần lấp đầy và các chiến lược quản lý rủi ro nào cần đưa ra? Hãy dùng những câu trả lời để xây dựng kế hoạch, hãy cân nhắc chia thành các bước nhỏ hơn và chỉ tập trung vào từng bước – điều này sẽ làm dịu nỗi sợ hãi của bạn.
2. Mục tiêu sai
Chúng ta có hai phần: bản ngã cơ bản và bản thân xã hội. Bản ngã cơ bản là phần tự phát, sáng tạo và vui tươi, phần biết điều gì là quan trọng nhất. Bản ngã xã hội là phần bạn đã phát triển kể từ ngày bạn sinh ra, bắt bạn làm việc chăm chỉ để được an toàn bằng cách tuân theo các quy tắc.
Tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi rất nhiều thông điệp ăn nhập vào bản ngã xã hội, vì chúng ta muốn gây ấn tượng với người khác. Bạn mất động lực vì bạn đang đặt mục tiêu hoàn toàn dựa trên những gì bản ngã xã hội của bạn mong muốn và điều này đang kéo bạn ra khỏi định hướng bản ngã cơ bản muốn bạn thực hiện.
Cách đối phó: Hãy dành thời gian để xem xét lại mục tiêu của bạn. Vì bản ngã cơ bản không biết nói, bạn có thể “lắng nghe“ thông qua cơ thể của mình, lưu ý cách cơ thể phản ứng khi bạn nghĩ đến từng mục tiêu mà bạn đang cố gắng thực hiện.
Khi cơ thể của bạn (và đặc biệt là hơi thở) có dấu hiệu căng và co thắt, điều đó cho biết bạn đang cố gắng thực hiện các mục tiêu độc hại. Hãy loại bỏ nó và đặt câu hỏi về những gì bạn nên làm với cuộc sống của mình. Nếu điều gì khiến bạn tự nhiên mỉm cười, hứng khởi, hãy đặt mục tiêu liên quan đến điều đó.
3. Sự thiếu rõ ràng
Khi bạn không rõ ràng và ý thức những gì bạn muốn, bức tranh về tương lai của bạn sẽ rất mơ hồ. Chúng ta thích những gì quen thuộc, vì vậy chúng ta chống lại những gì lạ lẫm và mơ hồ, đồng thời tái tạo những gì quen thuộc. Nếu bạn không rõ ràng về mục tiêu, bạn sẽ thiếu động lực vì bạn muốn ở lại với thực tế quen thuộc hiện tại của mình.
Cách đối phó: Nếu bạn muốn tạo ra điều gì đó khác biệt, bạn cần biết những gì bạn muốn và có một tầm nhìn rõ ràng và cụ thể về những gì bạn sẽ làm.
4. Mâu thuẫn giá trị
Giá trị là những gì quan trọng trong cuộc sống bạn. Mâu thuẫn về giá trị xảy ra khi bạn có hai hoặc nhiều giá trị nhưng bạn không thể đáp ứng tất cả các giá trị đó trong một tình huống cụ thể. Mâu thuẫn này kéo bạn theo nhiều hướng khác nhau. Bạn có thể có động lực ngắn ngủi để làm việc gì đó và sau đó mất động lực và bắt đầu làm việc khác, hoặc động lực của bạn có thể cạn kiệt hoàn toàn vì bạn tiêu hao năng lượng để giải quyết mâu thuẫn.
Cách đối phó: Bạn cần giải nén xung đột. Bạn phải hòa giải những phần của bạn đang ủng hộ các giá trị khác nhau về cùng một đội, bắt đầu với việc thừa nhận xung đột nội bộ.
- Lấy một mảnh giấy và vẽ một đường thẳng, chia làm hai cột. Viết về mỗi giá trị mà bạn cảm thấy bị thu hút trong mỗi cột.
- Trong mỗi cột hãy trả lời câu hỏi: “Tại sao phần này trong tôi lại muốn như vậy? Nó hy vọng nhận được gì?”
- Giờ bạn đã biết mình thực sự muốn gì, bạn có thể đánh giá các chiến lược mà từng phần ủng hộ và quyết định chiến lược nào là tốt nhất.
Khi hiểu rõ mình thực sự muốn gì, bạn sẽ phát hiện ra các chiến lược mới để đạt được điều đó mà trước đây bạn chưa nhận thấy. Đôi khi bằng cách thực hiện bài tập này, bạn sẽ tìm ra cách để đáp ứng tất cả các giá trị của mình, nhưng điều đó rất khó. Nếu bạn dành thời gian suy nghĩ về các giá trị của mình và bạn ưu tiên một giá trị cụ thể trong thời điểm này, bạn sẽ giảm bớt xung đột nội bộ và động lực sẽ quay trở lại.
5. Sự thiếu tự chủ
Chúng ta có một trung tâm ra quyết định trong não và phần này của chúng ta cần được luyện tập. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trung tâm ra quyết định trong não này kém phát triển ở những người bị trầm cảm và nếu bạn thực hành sử dụng phần này của não và đưa ra quyết định, thì có thể tránh trầm cảm.
Quyền tự chủ để quyết định những gì chúng ta làm, khi nào, cách thức làm và làm với ai là điều cốt lõi khơi dậy và duy trì động lực, sự sáng tạo và năng suất.
Cách đối phó: Hãy xem xét mức độ tự chủ của bạn liên quan đến các mục tiêu mà bạn đang cố gắng theo đuổi. Có những khu vực mà bạn cảm thấy bị hạn chế và kiểm soát không? Một ví dụ: Hãy xem xét cách bạn có thể tự chủ hơn trong nhiệm vụ, thời gian, kỹ thuật của mình. Sau đó, hãy thảo luận với người quản lý và yêu cầu quyền tự chủ nhiều hơn trong một số lĩnh vực cụ thể của công việc.
6. Sự thiếu thử thách
Thử thách là một thành phần quan trọng để tạo động lực. Chúng ta cần đối mặt với những thách thức vừa sức liên tục để thành thạo các kỹ năng mới. Thử thách quá lớn và nỗi sợ hãi trở nên quá lớn làm mất đi động lực (xem điểm 1), và nếu thách thức quá nhỏ, chúng ta sẽ nhanh chóng chán nản.
Cách đối phó: Xem lại các mục tiêu và các dự án bạn đang thực hiện. Chúng có thử thách bạn đủ không? Hãy thử điều chỉnh các mục tiêu của bạn để khiến chúng trở nên thử thách hơn một chút, hãy thực hiện các dự án yêu cầu bạn phát triển và tìm một hoặc hai điều mới để học hỏi, kích thích bản thân.
7. Nỗi buồn
Khi bắt đầu bất kỳ thay đổi nào, chúng ta trải qua giai đoạn tự hỏi liệu chúng ta có nên hoặc có thể tiếp tục mọi thứ như cũ hay không và buồn bã về những gì chúng ta sẽ mất nếu chúng ta thực hiện những thay đổi quan trọng. Lúng túng, thiếu tự tin, không tin tưởng vào thế giới xung quanh và cảm thấy lạc lõng là những triệu chứng phổ biến, và sự thay đổi càng lớn thì những triệu chứng này càng mạnh. Với nỗi buồn, lo sợ và cảm giác mất mát diễn ra trong giai đoạn này, động lực của bạn cạn kiệt là điều bình thường.
Cách đối phó: Nếu bạn đang trải qua một sự thay đổi lớn và nhận thấy rằng có những ngày bạn bị ảnh hưởng nặng nề, đừng quá cố gắng tìm lại động lực. Bạn không thể vội vàng xóa bỏ cuộc sống và lối suy nghĩ cũ của mình, và bạn không thể đốt cháy giai đoạn “Chết và Tái sinh” và đi thẳng vào Mơ ước và Lập kế hoạch.
Bạn cần cho mình nhiều không gian để suy ngẫm, chăm sóc cơ thể bằng thức ăn, nghỉ ngơi và tập thể dục tốt. Hãy bày tỏ sự đau buồn, bối rối và sợ hãi của bạn với những người có thể lắng nghe một cách yêu thương, dành thời gian trong thiên nhiên và với những người bình tĩnh, chấp nhận mọi cảm giác và suy nghĩ mà bạn có – tất cả chúng đều bình thường.
Nỗi buồn sẽ sớm kết thúc nếu bạn thư giãn và bày tỏ nỗi buồn của mình.
Xem thêm Làm thế nào để tăng động lực tập luyện khi bạn nản lòng?
8. Cô đơn
Đây là một điều đặc biệt quan trọng đối với những người làm việc ở nhà một mình. Bạn có những ngày cảm thấy chán nản, không muốn làm việc và muốn ra ngoài với một người bạn? Chúng ta được sinh ra để trở thành những sinh vật xã hội, khao khát kết nối với những người khác. Bản ngã cơ bản cần của bạn chiếm lấy động lực làm việc của bạn để bạn có thể tạm dừng và dành thời gian cho những người khác.
Cách đối phó: Hãy nghỉ ngơi và dành thời gian cho người thân yêu. Điều này sẽ mang lại tác dụng kinh ngạc: bạn sẽ sáng suốt, hiệu quả hơn nhiều khi quay trở lại công việc.
9. Sự kiệt sức
Đôi khi chúng ta muốn hoàn thành nhiều việc hơn vượt quá giới hạn của bản thân. Nếu bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, thì bạn đã mất năng lượng để giao tiếp xã hội vì bạn đã tự ép mình quá lâu dẫn đến kiệt sức.
Bản ngã cơ bản của bạn sẽ luôn thúc đẩy bạn tiến tới những gì bạn cần nhất. Vì vậy, nếu bạn kiệt sức và cần ngủ, nó thậm chí có thể làm cạn kiệt động lực chỉ để giúp bạn đáp ứng lại nhu cầu cốt lõi của mình.
Cách đối phó: Ngủ. Và sau đó khi bạn đã ngủ xong và chất lượng suy nghĩ của bạn đã được khôi phục, hãy kiểm tra lại điều gì quan trọng nhất đối với bạn.
10. Sự mơ hồ về bước kế tiếp
Mục tiêu cuối cùng của bạn có thể tốt đẹp và rõ ràng, nhưng nếu bạn không dành thời gian để chia nó thành những mục tiêu nhỏ hơn, bạn sẽ gặp khó khăn, bối rối và không có động lực hành động. Nếu bạn thường lo lắng rằng mình không biết phải làm gì tiếp theo và không có kế hoạch rõ ràng, thì đây có thể là thủ phạm đánh cắp động lực.
Cách đối phó: Nếu bạn muốn duy trì động lực của mình qua tất cả các giai đoạn của dự án, hãy dành thời gian để tạo ra các kế hoạch rõ ràng và sắp xếp các kế hoạch vào lịch của bạn.
- Sử dụng nỗi sợ hãi của bạn để chỉ cho bạn những rủi ro tiềm ẩn mà bạn cần quản lý.
- Viết ra tất cả các mối lo và biến chúng thành các câu hỏi nghiên cứu. Phần đầu tiên của bất kỳ giai đoạn lập kế hoạch nào là nghiên cứu và bạn sẽ tìm thấy các câu hỏi nghiên cứu mới trong quá trình thực hiện, vì vậy hãy ý thức rằng việc tiến hành nghiên cứu phải là một phần của kế hoạch hành động ở mọi giai đoạn của dự án.
- Tự hỏi bản thân xem bạn cần đạt được những mục tiêu nhỏ nào hơn để đạt được mục tiêu cuối cùng và đưa ra thời hạn cho bản thân.
Tóm lại, không có chiến lược hữu ích nào để áp dụng cho mọi trường hợp bị mất động lực. Vì vậy, để đối phó hiệu quả, bạn cần với nhận diện được gốc rễ của vấn đề. Chúc bạn luôn giữ vững động lực, tìm lại chúng nếu lỡ đánh mất và thành công trong mọi lĩnh vực.
Nguồn tham khảo
10 Things That Steal Our Motivation—and How to Get It Back https://advice.shinetext.com/articles/10-things-that-steal-our-motivation-and-how-to-get-it-back/ Ngày truy cập: 8/1/2021