Cách ngăn chặn những chấn thương bóng đá phổ biến nhất
Chấn thương bóng đá là một trong những nỗi ám ảnh thường trực với các cầu thủ. Tin vui là rất nhiều tình huống chấn thương có thể được ngăn chặn nếu bạn hiểu rõ nguyên nhân và cơ chế xuất hiện của chúng.
Bóng đá là môn thể thao đối kháng trong thời gian kéo dài. Cường độ hoạt động của các cơ bắp vì thế là rất lớn. Bạn phải liên tục điều khiển bóng, tranh bóng hay tăng tốc, đổi hướng đột ngột.
Nó khiến các cơ khớp ở phần nửa dưới cơ thể phải làm việc nhiều và chịu áp lực lớn. Từ đó dẫn tới nguy cơ các cầu thủ dính phải các chấn thương.
Chấn thương trong bóng đá rất phổ biến
Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu những kiểu chấn thương bóng đá phổ biến nhất. Bạn sẽ biết được nguyên nhân dẫn tới các vấn đề cơ bắp phổ biến mình có thể gặp phải. Nhờ đó bạn sẽ có cách phòng tránh chúng và bảo vệ mình tốt hơn.
Phân loại chấn thương bóng đá
Chấn thương bóng đá được chia làm hai dạng chính. Một là các dạng chấn thương cấp tính và 2 là chấn thương tích lũy.
Chấn thương bóng đá cấp tính
Là loại chấn thương xảy ra một cách bất ngờ trong quá trình thi đấu. Nó có thể đến từ một tình huống va chạm mạnh trên sân với đối thủ.
Cũng có thể do bạn tiếp đất hoặc đổi hướng di chuyển không đúng tư thế. Dạng chấn thương này khá phổ biến ở những người mới chơi bóng đá. Họ không biết cách tự bảo vệ mình cũng như không hiểu cách chơi bóng an toàn.
Chấn thương tích lũy
Đây là dạng chấn thương bóng đá thứ 2. Nó xảy ra khi cơ thể của cầu thủ bị rơi vào trạng thái quá tải liên tục. Các mô và cơ, gân, khớp của bạn làm việc quá sức tạo ra những tổn thương nhỏ.
Chúng không khiến bạn ngã quỵ xuống ngay nhưng lại bào mòn dần cơ thể bạn. Về lâu dài, chúng sẽ khiến các cơn đau ngày càng trầm trọng hơn và dẫn tới chấn thương nặng. Đây là trường hợp thường gặp ở những người chơi bóng lâu năm hay các cầu thủ chuyên nghiệp.
Chấn thương tích lũy thường xảy ra với các cầu thủ chuyên nghiệp
Chấn thương bóng đá phổ biến nhất
Trong bóng đá, đầu gối là khu vực dễ bị dính chấn thương nhiều nhất. Đó là bởi khu vực đầu gối của bạn sẽ chịu áp lực lớn nhất khi chơi bóng.
Khi bạn chạy, nhảy, tranh bóng hay đổi hướng đột ngột, tất cả đều cần sử dụng đầu gối. Khi đó phần cơ bắp, khớp và các dây chằng đầu gối sẽ phải hoạt động rất mạnh. Và nếu không được bảo vệ, chúng rất dễ bị tổn thương. Phổ biến nhất là tình trạng bong gân hoặc rách dây chằng.
Đầu gối là khu vực thường bị chấn thương nhất trong bóng đá
Bạn cần biết rằng có đến 4 dây chằng giúp ổn định khớp gối gồm:
- Dây chằng chéo trước (ACL) nằm ở trước đầu gối.
- Dây chằng chéo sau (PCL). Nó nằm ở phía mặt sau của đầu gối.
- Dây chằng đảm bảo trung tâm (MCL) nằm trong đầu gối.
- Và cuối cùng là dây chằng bên cạnh (LCL) nằm ở bên ngoài đầu gối.
Các chấn thương dây chằng chéo (ACL) là phổ biến nhất trong bóng đá. Khác với gân và cơ, dây chằng chéo có độ co giãn thấp hơn và dễ bị tổn thương hơn.
Các cấp độ chấn thương gối
Có 3 mức độ chấn thương liên quan đến phần đầu gối của bạn. Nhẹ và thường gặp nhất là bong gân. Nặng hơn là rách một phần dây chằng. Và cấp độ thứ 3 là rách hoàn toàn dây chằng.
Chấn thương dây chằng đầu gối không phải lúc nào cũng khiến bạn đau đớn nặng nề. Tuy nhiên nó có đặc điểm dễ nhận biết là tiếng rách “bốp” khá lớn khi xảy ra.
Sau 24 giờ, vị trí bị thương sẽ dần sưng to và gây đau hơn. Sau đó bạn sẽ mất khả năng cử động phần đầu gối. Những cơn đau cũng dần xuất hiện dọc theo khớp gối phần bị chấn thương.
Các chấn thương bóng đá thường gặp khác
Các cầu thủ bóng đá sẽ sử dụng phần chi dưới của mình rất nhiều. Vì thế đa phần các chấn thương thường xuất hiện ở nửa dưới cơ thể. Chúng gồm các chấn thương phổ biến biến sau:
- Bong gân mắt cá chân: tương tự như đầu gối, cổ chân cũng có nhiều dây chằng. Chúng cũng có thể bị thương khi bạn vận động quá sức hoặc sai tư thế. Bong gân, giãn hoặc rách là 3 dạng chấn thương từ nhẹ đến nặng ở khu vực này.
- Viêm gân gót chân: đây là một dạng chấn thương tích lũy. Nó gây đau nhức với mức độ ngày một tăng ở vùng mặt sau của gót chân cầu thủ.
- Đứt gân Achilles: đây là tổn thương ở phần gân nối giữa gót chân và bắp chân. Nó thường bị đứt một phần hoặc toàn bộ kèm theo một tiếng “bốp” tương tự dứt dây chằng chéo.
- Chấn động não: xuất hiện khi bạn bị bóng đập trúng mặt hoặc đụng đầu với đối thủ. Nó là một dạng chấn thương sọ não nhẹ có thể gây choáng hoặc tệ hơn là ngất.
- Căng cơ háng: là một dạng căng cơ xuất hiện khi cơ đùi trong bị kéo căng quá mức.
- Chấn thương gân kheo: Đây là cơn đau liên quan tới nhóm 3 cơ sau của đùi. Chúng có thể bị căng nhẹ hoặc đứt toàn bộ.
- Gãy chân: là tình trạng chấn thương nghiêm trọng bậc nhất với cầu thủ. Nó thường xuất phát từ các tình huống va chạm cực mạnh của cầu thủ trên sân. Việc thi đấu với cường độ quá cao mà không được nghỉ ngơi cũng có thể dẫn đến gãy chân.
Cách giảm thiểu chấn thương trong bóng đá
Có 3 nguyên nhân chính dẫn tới các chấn thương phổ biến kể trên. Thứ nhất là do cầu thủ thiếu kinh nghiệm chơi bóng an toàn.
Thứ hai là do cơ thể cầu thủ bị vận động tới mức quá tải mà không được nghỉ ngơi. Và cuối cùng là các cầu thủ không được khởi động đúng cách. Vì vậy để giảm thiểu các chấn thương, bạn cần tránh rơi vào các trường hợp nói trên. Cụ thể như sau:
- Hãy khởi động cơ thể khoảng 30 phút trước khi tập luyện hoặc thi đấu. Bạn cần tập trung khởi động kỹ cơ háng, hông, gân kheo, gân Achilles và đầu gối.
- Không cố gắng thi đấu vượt quá giới hạn chịu đựng của cơ thể. Hãy nghĩ ngơi khi có dấu hiệu bị đau. Nếu cơn đau không tiến triển tốt, hãy đến gặp các bác sĩ để được khám và điều trị.
- Tránh thi đấu trong các điều kiện thời tiết quá khắc nghiệt. Đặc biệt nên cẩn trọng khi chơi bóng dưới trời mưa và các mặt sân trơn trượt.
- Không nên lạm dụng thuốc giảm đau để rút ngắn thời gian nghỉ ngơi. Khi gặp chấn thương về cơ, gân, dây chằng hay xương khớp, hãy nghỉ ngơi đến khi hồi phục hoàn toàn.
- Bạn cũng nên sử dụng các trang bị bảo vệ phù hợp trước khi ra sân. Đó bao gồm giày đá bóng, vớ dài đến đầu gối và miếng đệm bảo vệ ống chân.
Khởi động kỹ càng sẽ giúp bạn hạn chế các chấn thương tốt hơn
Trên đây là các chấn thương thường gặp nhất với những người chơi bóng đá. Nắm rõ nguyên nhân và cơ chế gây chấn thương sẽ giúp bạn phòng tránh chúng tốt hơn. Nhờ đó quá trình luyện tập và thi đấu bóng đá của bạn cũng sẽ hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo
Most Common Soccer Injuries https://www.verywellfit.com/common-soccer-injuries-3120651 Ngày truy cập: 18/8/2020