Làm thế nào để ăn sứa biển an toàn?

Làm thế nào để ăn sứa biển an toàn?

Sứa là động vật biển hình chuông thường có nhiều màu sặc sỡ được tìm thấy ở khắp các đại dương trên thế giới. Các món ăn từ sứa biển khá phổ biến ở các nước Đông Nam Á, chẳng hạn món bún sứa, gỏi sứa của Việt Nam. Tuy nhiên, một số loài sứa có chứa độc tố gây hại nếu bạn không biết rất dễ bị nhầm lẫn với những loài sứa lành tính có thể ăn được. 

Bài viết này sẽ giúp bạn đánh giá khi nào sứa an toàn để ăn, cũng như những lợi ích và rủi ro có thể gặp phải khi ăn các món chế biến từ loại hải sản này.

Nguồn dinh dưỡng từ sứa biển

Một số loài sứa biển an toàn để ăn. Mặc dù chúng có thể khác nhau về hàm lượng dinh dưỡng, nhưng nhìn chung sứa chứa ít calorie trong khi vẫn đóng vai trò là nguồn cung cấp protein, chất chống oxy hóa và một số khoáng chất quan trọng.

Trong 58g  sứa khô cung cấp khoảng:

  • Lượng calorie: 21
  • Protein: 3g
  • Chất béo: 1g
  • Selenium: 45% giá trị hàng ngày (DV)
  • Choline: 10% DV
  • Sắt: 7% DV

Ngoài ra, sứa cũng chứa một lượng nhỏ canxi, magie và phốt pho.

Mặc dù ít chất béo nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khoảng một nửa chất béo trong sứa biển là từ các axit béo không bão hòa đa, bao gồm cả axit béo omega-3 và omega-6, đây là những chất cần thiết trong chế độ ăn uống lành mạnh.

Cuối cùng, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số loài sứa ăn được có chứa hàm lượng polyphenol cao, đây là những hợp chất tự nhiên đã được chứng minh là có tác dụng chống oxy hóa mạnh. Thường xuyên tiêu thụ thực phẩm giàu polyphenol sẽ thúc đẩy chức năng não và bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh mãn tính, bao gồm bệnh tim, tiểu đường tuýp 2 và ung thư.

Nguồn dinh dưỡng từ sứa biển

Bún sứa – một trong những món ăn được yêu thích tại Việt Nam

Tác dụng của sứa biển đối với sức khỏe

Ở một số quốc gia châu Á, người ta chuộng ăn sứa vì món ăn này mang đến nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm giúp điều trị huyết áp cao, viêm khớp, đau xương, loét và các vấn đề tiêu hóa. Mặc dù hầu hết những tuyên bố này chưa được hỗ trợ bởi nghiên cứu, nhưng có một số lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của việc ăn sứa như sau:

Nguồn cung cấp selen tuyệt vời

Sứa là một nguồn cung cấp selen tuyệt vời. Selen là một khoáng chất thiết yếu đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể chúng ta. Khoáng chất này đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa, bảo vệ tế bào của bạn khỏi mất cân bằng oxy hóa.

Do đó, khi cơ thể được cung cấp lượng selen đầy đủ có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm bệnh tim, một số dạng ung thư và bệnh Alzheimer. Ngoài ra, selen rất quan trọng đối với sự trao đổi chất và chức năng tuyến giáp.

Choline dồi dào

Choline là một chất dinh dưỡng thiết yếu, bạn có thể tìm thấy 10% choline cần thiết mỗi ngày trong 58g sứa khô. Choline có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, bao gồm tổng hợp DNA, hỗ trợ hệ thần kinh, sản xuất chất béo cho màng tế bào, vận chuyển và chuyển hóa chất béo.

Ngoài ra, choline cũng giúp cải thiện trong hoạt động của não, tăng cường trí nhớ và khả năng xử lý tốt hơn. Dưỡng chất này thậm chí có thể giúp giảm các triệu chứng lo lắng.

Nguồn collagen tự nhiên

Collagen là một loại protein đóng vai trò thiết yếu trong cấu trúc của các mô, bao gồm gân, da và xương. Bên cạnh đó, collagen cũng có liên quan đến các lợi ích sức khỏe tiềm năng khác nhau, bao gồm cải thiện độ đàn hồi của da và giảm đau khớp. Cụ thể, collagen từ sứa đã được phân tích về vai trò tiềm năng trong việc giảm huyết áp.

Một nghiên cứu trong ống nghiệm về collagen từ sứa ruy băng cho thấy rằng các peptide collagen của nó có tác dụng chống oxy hóa và giảm huyết áp đáng kể. Tương tự, một nghiên cứu kéo dài 1 tháng khác trên chuột bị huyết áp cao đã quan sát thấy rằng việc tiêu thụ collagen sứa hàng ngày làm giảm đáng kể mức huyết áp. Mặc dù đầy hứa hẹn, nhưng những tác dụng này vẫn chưa được nghiên cứu ở người.

Ngoài ra, các nghiên cứu bổ sung trên động vật đã ghi nhận rằng collagen của sứa bảo vệ tế bào da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời, cải thiện quá trình chữa lành vết thương và giúp điều trị viêm khớp. Tuy nhiên, những hiệu ứng này vẫn chưa được nghiên cứu ở người.

Tác dụng của sứa biển đối với sức khỏe

Sứa biển mang đến nhiều giá trị dinh dưỡng

Rủi ro sức khỏe tiềm ẩn với món sứa biển

Chỉ một số loài sứa được xác định là an toàn cho con người. Tuy nhiên, mặc dù an toàn cho hầu hết mọi người, nhưng một số người đã được chẩn đoán là bị dị ứng với sinh vật biển này sau khi gặp phản ứng phản vệ sau khi ăn các món chế biến từ sứa. Ngoài ra, việc làm sạch và chế biến thích hợp rất quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm do vi khuẩn hoặc các mầm bệnh nguy hiểm tiềm ẩn khác.

Đồng thời, có những lo ngại cho rằng phương pháp bảo quản sứa có thể dẫn đến việc tiếp xúc với hàm lượng nhôm cao. Vì một trong những cách chế biến sứa truyền thống là sử dụng dung dịch ngâm nước muối có chứa phèn chua. Phèn chua là một hợp chất hóa học, còn được gọi là kali nhôm sunfat, đôi khi được sử dụng làm chất phụ gia để bảo quản thực phẩm.

Mặc dù Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) đã chứng nhận nó là chất được công nhận là an toàn, nhưng có những lo ngại về lượng nhôm được giữ lại trong các sản phẩm sứa do sử dụng phèn.

Hàm lượng nhôm cao trong chế độ ăn được cho là có vai trò trong sự phát triển của bệnh Alzheimer và bệnh viêm ruột (IBD). Tuy nhiên, trong trường hợp này vẫn chưa chắc chắn nhôm có bao nhiêu ảnh hưởng.

Rủi ro sức khỏe tiềm ẩn với món ăn này

Để đảm bảo an toàn sức khỏe, bạn nên tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi ăn

Làm sao để ăn sứa biển an toàn?

Trước khi ăn sứa biển điều quan trọng là phải biết cách ăn sao cho an toàn. Có ít nhất 11 loài sứa đã được xác định là có thể ăn được để làm thức ăn cho người, bao gồm Rhopilema esculentum, một trong những loài sứa phổ biến ở Đông Nam Á.

Vì sứa có thể hỏng nhanh ở nhiệt độ phòng, nên cần phải làm sạch và chế biến sứa ngay sau khi được đánh bắt. Thông thường, sứa được bảo quản bằng cách sử dụng hỗn hợp muối phèn để khử nước trong thịt, làm giảm độ pH trong khi vẫn duy trì được độ săn chắc. Do đó, điều quan trọng là bạn chỉ nên tiêu thụ các sản phẩm sứa đã được làm sạch kỹ lưỡng và chế biến thích hợp.

Một yếu tố quan trọng khác để đảm bảo an toàn là màu sắc của sản phẩm. Sứa mới được chế biến thường có màu trắng kem và từ từ chuyển sang màu vàng sau một thời gian, lúc này sứa vẫn an toàn để ăn. Tuy nhiên một khi sản phẩm đã chuyển sang màu nâu sẽ được coi là hư và chắc chắn bạn không nên ăn để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Làm sao để ăn an toàn?

Hãy cẩn thận với những loài sứa bạn bắt gặp ngoài biển bởi không phải sứa biển nào cũng ăn được

Mặc dù sứa biển mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cao, tuy nhiên bạn vẫn nên tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm và cách chế biến để đảm bảo an toàn cho sức khỏe bản thân và các thành viên trong gia đình. Để tăng cường sức khỏe, ngoài dinh dưỡng bạn cũng cần chú trọng đến việc rèn luyện thân thể nữa nhé. 

Nguồn tham khảo

Can You Eat Jellyfish? https://www.healthline.com/nutrition/can-you-eat-jellyfish Ngày truy cập 15/04/2021