Khám phá hương vị độc đáo và tác dụng khỏe người, đẹp dáng của rau tần ô

Khám phá hương vị độc đáo và tác dụng khỏe người, đẹp dáng của rau tần ô

Tần ô là loại rau không thể vắng mặt trong chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng. Mời bạn cùng LEEP.APP khám phá giá trị của loại rau họ cúc này!

Tần ô cung cấp cho bạn rất nhiều dưỡng chất quan trọng cho sức khỏe tổng thể, nhất là kali. Rau có vị thơm ngon và dễ chế biến. Hãy thêm những lá cải cúc xinh xắn vào cuộc sống lành mạnh của bạn nhé!

Tổng quan về rau tần ô

Tổng quan về rau tần ô

Tần ô (tên khoa học: Teebionis coronaria), được gọi là crown daisy – cúc vương miện, là một loài thực vật có hoa thuộc họ cúc, xuất xứ ở vùng Địa Trung Hải. Tần ô được du nhập và trồng ở Đông Á, rải rác tại Bắc Mỹ. Các tên thông dụng khác bao gồm:

  • Tiếng Việt: Cải cúc, rau cúc, cúc tần ô, đồng cao, xuân cúc
  • Tiếng Anh: Chrysanthemum greens, edible chrysanthemum, chop suey greens, crown daisy (cúc vương miện),
  • Japanese greens (cúc xanh Nhật Bản); tong-ho (choy)
  • Tiếng Hoa: 茼蒿 – tong ho
  • Tiếng Nhật: 春菊 – shungiku, kikuna
  • Tiếng Hàn: 쑥갓 – ssukgat

Tần ô là loại cây hàng năm có thân không lông, mọc thẳng và hình thành nhiều nhánh kép. Hoa tần ô phần lớn có màu vàng, được nhóm lại thành những chùm nhỏ. Lá có mùi thơm và vị hơi đắng rất đặc trưng.

Lá và thân cải cúc có hương vị rõ ràng và khá nồng. Lá non có vị tương đối nhẹ, có thể dùng ăn sống trong món salad.

Hương vị độc đáo giúp rau tần ô được ưa chuộng trong các món lẩu và món canh của người châu Á.

Hai loại tần ô chính

• Lá nhỏ: Đây là loại thường gặp nhất. Giống này đặc biệt phổ biến ở Nhật Bản. Các lá có răng cưa, khía sâu và hơi giống cây dương xỉ. Lá thường xanh đậm, dày và mọng nước.

• Loại lớn hoặc lá tròn: Giống này phổ biến ở Trung Quốc. Lá rộng hơn và không có khía sâu, màu sáng hơn một chút so với loại lá nhỏ.

>>> Xem thêm: Tần dày lá – gia vị phổ biến với những lợi ích sức khỏe không ngờ

Thành phần dinh dưỡng của rau cải cúc

Thành phần dinh dưỡng của rau cải cúc

Cải cúc có hàm lượng cao axít chlorogenic, flavonoid, carotene, kali, khoáng chất và vitamin cùng với chất chống oxy hóa có lợi lâu dài cho sức khỏe con người. Lá tần ô giúp giảm cân, giảm nguy cơ ung thư, chống oxy hóa, ngăn ngừa sỏi thận, các vấn đề tim mạch, mất xương và đầy hơi.

Một cup (100g) lá rau tần ô xanh chứa:

  • Nước: 91,4g
  • Calorie: 24 calorie (1% lượng khuyến nghị hằng ngày)
  • Carbohydrate: 3,02g (1%)
  • Protein: 3,4g (7%)
  • Chất béo: 0,56g (1%)
  • Cholesterol: 0mg (0%)
  • Chất xơ: 3g (11%)

Vitamin

  • Folate: 117 microgam
  • Niacin: 0,531mg
  • Axít Pantothenic: 0,221mg
  • Riboflavin: 0,114 mg
  • Thiamin: 0,13mg
  • Vitamin A: 2.320 IU
  • Vitamin C: 1,4mg
  • Vitamin K: 350 microgam

Các chất khác

  • Sắt: 2,29mg (18%)
  • Kali: 567mg (16%)
  • Natri: 118mg
  • Canxi: 117mg
  • Phốt pho: 54mg
  • Đồng: 0,137mg

Lợi ích sức khỏe của rau tần ô

Hỗ trợ giảm cân

Tần ô chứa axít chlorogenic, vốn thường thấy trong hạt cà phê. Axít chlorogenic giúp làm chậm quá trình giải phóng glucose vào máu sau bữa ăn. Điều này khiến cải cúc trở thành một lựa chọn lý tưởng để giảm cân. Hơn nữa, lá rau có hàm lượng calorie thấp (chỉ 24 calorie trên 100g), hàm lượng chất xơ cao và ít chất béo, lý tưởng để giảm cân.

Hoạt động chống oxy hóa

Ngoài tác dụng giảm cân, tần ô có các hợp chất chống oxy hóa như vitamin, flavonoid và carotenoid. Chất chống oxy hóa mang lại hiệu quả có lợi cho sức khỏe con người vì nó loại bỏ các gốc tự do và các phân tử phá hủy có liên quan đến bệnh tim, nếp nhăn da, lão hóa sớm và ung thư. Để giữ được tác dụng chống oxy hóa có trong lá tần ô, bạn đừng nấu quá chín.

Lợi ích cho sức khỏe tổng quát

Chế độ ăn có hàm lượng kali cao ngăn ngừa đột quỵ, tăng huyết áp, sẩn da, đầy hơi, sỏi thận và mất xương.

Vitamin A bảo vệ sức khỏe và đặc biệt chống lại ung thư phổi

Vitamin A là một loại vitamin hòa tan trong chất béo và hấp thụ thông qua quá trình tiêu hóa. Sau đó, vitamin này có thể được sử dụng cho các chức năng của cơ thể hoặc được gửi để lưu trữ trong gan và các tế bào mỡ. Tần ô chứa 2.320 IU vitamin A trên mỗi 100g, chiếm 77% tổng lượng vitamin A được khuyến nghị hằng ngày.

Một nghiên cứu lớn đã chứng minh mối liên hệ giữa chế độ ăn nhiều rau cung cấp vitamin A (dưới dạng caroten) và nguy cơ ung thư phổi của những người tham gia. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng, ăn nhiều rau quả giàu vitamin A có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư phổi.

Lá tần ô, cùng với khoai lang, đặc biệt hiệu quả trong việc giảm nguy cơ ung thư phổi ở những người tham gia nghiên cứu.

Lợi ích cho người tập gym

Lợi ích sức khỏe của rau tần ô

Lượng protein trong 100g tần ô là 3,4g, khá cao so với các loại rau xanh khác. Tần ô cũng cung cấp một lượng khổng lồ kali. Khi ăn rau cải cúc, bạn sẽ nhận được nhiều kali hơn, gần 30% so với một khẩu phần chuối tương tự. Đây là một điều thú vị vì chuối từ lâu được xem là tiêu chuẩn vàng về kali – là thực phẩm không thể thiếu cho người tập gym.

Kali là một khoáng chất quan trọng mà nếu không có nó, các xung thần kinh sẽ không thể di chuyển và cơ bắp không thể co lại. Do đó, tần ô đặc biệt tốt cho người tập thể dục.

Tác dụng phụ và phản ứng có hại

Một số người có thể gặp các tác dụng phụ, chẳng hạn như đau bụng nhẹ, khi dùng tần ô. Cũng có những người bị dị ứng với lá hoặc hoa.

Phụ nữ có thai và cho con bú nên hạn chế dùng tần ô vì chưa rõ thông tin an toàn cụ thể.

Cách chọn và bảo quản rau

Hãy chọn những chiếc lá trông tươi tắn, sáng màu, không bị dập hoặc héo úa. Tránh mua nhầm rau có lá viền vàng vì có thể bị đắng. Rau có lá và thân nhỏ sẽ mềm hơn.

  • Bảo quản ngắn hạn: Trữ trong ngăn mát tủ lạnh. Không cần rửa, giữ được 3 – 7 ngày trong túi thoáng khí.
  • Dài hạn: Chần qua nước sôi 2 phút, để ráo và rửa lại bằng nước lạnh, sau đó cho vào ngăn đông.

Chế biến rau tần ô sao cho ngon miệng?

Chế biến rau tần ô sao cho ngon miệng?

Tần ô là loại rau dễ chế biến. Bạn chỉ cần nhặt bỏ bớt phần thân già trước khi nấu. Lá có thể để nguyên hoặc thái nhỏ, tùy theo yêu cầu của món ăn.

Tần ô có thể ăn chín hoặc sống, mặc dù nấu chín phổ biến hơn.

Để dùng rau tần ô nấu canh hay nhúng lẩu, bạn chọn lá và thân non; nấu nhanh để rau còn tươi giòn, ngon miệng. Tránh nấu lâu, rau sẽ bị nhũn, mềm rục, mất ngon và cũng mất chất.

Cải cúc không linh hoạt như một số loại rau khác, ví dụ như cải ngọt, chủ yếu vì hương vị của nó mạnh hơn và đặc biệt hơn. Tuy nhiên, khả năng thêm hương vị cho món ăn khiến rau tần ô trở thành bạn đồng hành tuyệt vời với đậu phụ và các loại rau vị nhẹ khác.

Tần ô cũng kết hợp tốt với nấm và các loại củ. Nhiều loại thịt có thể “sánh đôi” với tần ô trong các món canh, súp hoặc lẩu. Ngoài những món phổ biến này, người ta có thể kết hợp rau theo cách sáng tạo, lạ miệng hơn. Ví dụ, các chợ đêm ở Đài Loan nổi tiếng với món trứng tráng hàu với lá tần ô.

Thắc mắc về rau cải cúc

Tôi có thể ăn cả hoa không?

Có! Toàn bộ phần trên mặt đất của cây đều ăn được. Hoa tần ô không phổ biến tại các chợ rau, vì được thu hoạch trước khi trổ bông. Bạn chỉ có thể bắt gặp những bông hoa nhỏ, chưa nở trên thân cây non.

Tần ô có phiên bản organic không?

Tần ô trồng thông thường phổ biến hơn nhiều so với trồng hữu cơ. Rau rất dễ trồng và thường không cần thuốc trừ sâu. Tình trạng tương đối “sạch” của loại rau này có thể là một lý do khiến nó không thu hút nhiều sự chú ý từ những người trồng hữu cơ. Nếu bạn muốn có rau organic, tự trồng là lựa chọn tốt nhất.

Tần ô có thể biến đổi gien (GMO) không?

Hiện tại, không có sản phẩm tần ô biến đổi gien nào ở bất kỳ cấp độ thương mại nào tại bất kỳ quốc gia nào.
Các cây họ cúc là một trong những loài hoa cảnh quan trọng về mặt thương mại trên trái đất, và có những giống biến đổi gien chủ yếu nhằm mục đích thay đổi màu sắc hoa hoặc tạo khả năng kháng bệnh để sử dụng trong các môi trường nghiên cứu. Một số loại có thể sẽ được phân phối thương mại trong ngành công nghiệp hoa ở tương lai.

Tuy nhiên, bất kỳ loài thực vật nào cần biến đổi gien đều phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt được quy định để ngăn ngừa sự thụ phấn chéo hoặc gây ô nhiễm với các loài hoang dã hay những loài được sử dụng làm thực phẩm.

Nguồn tham khảo

Chrysanthemum, Garland, Raw https://fdc.nal.usda.gov/fdc-app.html#/food-details/169995/nutrients Ngày truy cập: 12/12/2020

Chrysanthemum, Garland, Raw https://www.nutritionvalue.org/Chrysanthemum%2C_raw%2C_garland_nutritional_value.html Ngày truy cập: 12/12/2020

Garland Chrysanthemum Leaves: Nutrition and Health Benefits https://www.healwithfood.org/health-benefits/garland-chrysanthemum-leaves.php Ngày truy cập: 12/12/2020

Garland Chrysanthemum https://www.diversivore.com/ingredient-pages/garland-chrysanthemum/ Ngày truy cập: 12/12/2020

Garland Chrysanthemum Nutrition Facts http://www.freefoodfacts.com/garland-chrysanthemum/ Ngày truy cập: 12/12/2020