Mè đen: Tại sao là “thần dược” cho sức khỏe?
Mè có 2 loại là mè trắng và mè đen, trong đó mè đen nổi tiếng với nhiều dược tính, tính bình, vị ngọt nên thường được xem là món ăn bổ, vị thuốc quý.
Mè đen là loại hạt rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực của người Việt, thường được sử dụng trong chế biến và chữa bệnh. Với hàm lượng dinh dưỡng dồi dào cùng nhiều vitamin, khoáng chất, các hợp chất chống oxy hóa…, mè đen có thể mang đến cho cơ thể vô vàn những lợi ích cả về sức khỏe lẫn làm đẹp. Dành ngay vài phút xem ngay những chia sẻ dưới đây của LEEP.APP để hiểu hơn về công dụng của mè đen bạn nhé.
Tổng quan về hạt mè đen
Hạt mè (vừng) là loại hạt nhỏ, phẳng, có dầu, được trồng và sử dụng trong ẩm thực Việt từ bao đời nay. Hạt vừng có nhiều loại, gồm vừng đen, nâu, nâu vàng, xám, vàng và trắng.
Mè đen được sản xuất chủ yếu ở châu Á và ngày càng trở nên phổ biến ở khắp nơi thế giới. Rất nhiều người cho rằng mè đen có hàm lượng dưỡng chất cao nên tốt cho sức khỏe hơn so với những loại mè khác.
Giá trị dinh dưỡng trong 100g mè đen
Thực tế, vừng đen rất giàu khoáng chất vi lượng – đặc biệt là sắt, đồng và mangan – có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh sự trao đổi chất, hoạt động của tế bào và hệ miễn dịch, cũng như tăng lưu lượng oxy đi khắp cơ thể. Đặc biệt, mè đen còn là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa tốt cho sức khỏe, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim:
- Năng lượng – 714kcal
- Protein – 22,86g
- Chất béo – 64,29g
- Carbohydrate – 28,57g
- Chất xơ – 14,3g
- Đường – 0g
- Canxi – 1286mg
- Sắt – 19,29mg
- Magie – 457mg
- Phốt pho – 786mg
- Kali – 607mg
- Natri – 0mg
- Kẽm – 9,64mg
- Đồng – 5,286mg
- Mangan – 3mg
- Vitamin C – 0mg
- Thiamin (vitamin B1)- 1mg
- Riboflavin (vitamin B2) – 0,243mg
- Niacin (vitamin B3) – 5,714mg
- Folate (vitamin B9)- 114µg
- Axit béo không bão hòa đơn – 24,29g
- Axit béo không bão hòa đa – 28,57g
- Axit béo trans – 0g
- Cholesterol – 0mg
Hạt mè thông thường và hạt mè đen
Nhiều người cho rằng hạt mè đen hoặc các hạt mè khác là loại mè nguyên hạt, trong khi mè trắng là loại mè đã được bóc vỏ. Điều này không có gì là sai nhưng không phải luôn đúng trong mọi trường hợp. Bởi một số hạt vừng chưa bóc vỏ vẫn có màu trắng tinh hoặc trắng nhạt nên khó phân biệt với hạt vừng đã tách vỏ. Tốt nhất bạn nên kiểm tra bao bì để xác định xem hạt mè đó là còn nguyên vỏ hay chưa bóc vỏ.
Nhiều nghiên cứu mới đây còn cho thấy hạt mè trắng và mè đen khác nhau về hàm lượng các hợp chất thực vật có lợi, protein, axit amin và chất chống oxy hóa. Cụ thể, hạt vừng đen dường như chứa nhiều lignans và một số axit béo không bão hòa có lợi hơn. Ngoài ra, hạt mè đen cũng có hương vị đậm đà và giòn hơn so với hạt mè trắng đã tách vỏ.
Mè đen và mè trắng là 2 loại mè được sử dụng phổ biến nhất
Lợi ích sức khỏe của hạt vừng đen
Hạt mè đen rất giàu dưỡng chất tốt cho cơ thể. Lợi ích của hạt mè đen mang lại đó là tác dụng giảm stress oxy hóa, đặc biệt là với những người mắc bệnh mãn tính.
Giàu chất chống oxy hóa
Mè đen được loại mè chứa nhiều và đa dạng chất chống oxy hóa. Chất chống oxy hóa đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào bằng cách bảo vệ tế bào khỏi stress oxy hóa – thủ phạm gây ra nhiều bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh tim và ung thư.
Ổn định huyết áp
Một nghiên cứu nhỏ của National Library of Medicine được thực hiện trên 30 người trưởng thành cho thấy sử dụng 2,5g bột hạt mè đen mỗi ngày trong 4 tuần sẽ làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu. Những người bị cao huyết áp có thể thêm vừng đen vào chế độ ăn nhưng cần tuân thủ liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả tốt nhất.
Đặc tính chống ung thư
Vừng đen có chứa sesamol và sesamin, đây là hai hợp chất được đánh giá là có khả năng chống ung thư cao. Trong đó, sesamin có khả năng thúc đẩy quá trình tiêu diệt các tế bào ung thư thông qua quá trình apoptosis (chết tế bào theo chương trình) và autophagy (loại bỏ các tế bào bị hư hỏng).
Tốt cho sức khỏe của da và tóc
Vừng đen có chứa nhiều sắt, kẽm, chất chống oxy hóa, omega 3, omega 6…, những dưỡng chấ rất có lợi cho sức khỏe của tóc và da. Do đó, đây là thành phần quen thuộc có nhiều trong các sản phẩm như xà phòng, dầu gội đầu và kem dưỡng ẩm.
Không những vậy, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2011 còn cho thấy, vừng đen có thể ngăn chặn tới 30% tia cực tím (UV) có hại. Tia UV không chỉ khiến làn da bị cháy nắng mà còn khiến da bị lão hóa sớm và thậm chí là ung thư.
Lưu ý khi sử dụng hạt mè đen
Mặc dù mè đen có thể mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhưng khi sử dụng, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Do mè đen có tác dụng nhuận tràng nên nếu bạn bị tiêu chảy hoặc bụng yếu thì nên tránh
- Trong vừng đen có chứa magie, một chất gây hạ huyết áp. Do đó, người bị huyết áp thấp dùng mè đen nhiều có thể bị chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi… Nếu bị huyết áp thấp, bạn nên dùng mè đen theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Mè đen cũng có thể gây dị ứng với các triệu chứng như nổi mẩn, ngứa, đau đầu… Nếu gặp phải tình trạng này, bạn cần dừng sử dụng và đi khám ngay.
Hướng dẫn lựa chọn, sử dụng và bảo quản hạt mè đen
Vừng đen là món ăn quen thuộc trong nhiều nền ẩm thực phương Đông
Bạn có thể mua vừng đen tại siêu thị hoặc mua trực tuyến. Tuy nhiên, cần chọn mua ở những địa chỉ uy tín, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và thành phần dinh dưỡng.
Hạt mè đen được sử dụng rất linh hoạt trong ẩm thực. Bạn có thể rắc vừng đen lên các món salad, bún và cơm để tăng hương vị. Hoặc bạn cũng có thể thêm vào món nướng, chế biến thành sữa mè đen.
Chiết xuất hạt mè đen cũng có thể sử dụng dưới dạng dầu hoặc chất bổ sung ở dạng viên nang. Hiện không có khuyến nghị nào về việc uống chiết xuất hạt mè đen, vì vậy tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Vừng đen là loại hạt rất giàu chất dinh dưỡng và vô cùng quen thuộc đối với người Việt. Loại hạt này có thể mang đến vô vàn những lợi ích cho sức khỏe, từ việc ổn định huyến áp cho đến ngăn ngừa ung thư. Đặc biệt, vừng đen an toàn với hầu hết mọi người và là thực phẩm giúp tăng hướng vị tuyệt vời cho nhiều bữa ăn. Ngoài vừng đen, bạn cũng có thể thêm vào thực đơn mỗi ngày các loại hạt khác như hạt điều, hạt hạnh nhân… để có những bữa ăn giàu dinh dưỡng và ngon miệng.
Nguồn tham khảo
Black Sesame Seeds: Nutrition, Benefits, and More https://www.healthline.com/nutrition/black-sesame-seeds-benefits#_noHeaderPrefixedContent Ngày truy cập: 21/12/2020