Chim bồ câu có lợi gì cho sức khỏe mà nhiều người mê?
Chim bồ câu từ xưa đã được biết đến như một món ăn bổ dưỡng dành cho phụ nữ mang thai hoặc bồi bổ sức khoẻ cho người vừa khỏi bệnh. Thậm chí, trong đông y, bồ câu còn được xem như một vị thuốc.
Cùng tìm hiểu những lợi ích sức khoẻ mà thịt chim bồ câu mang lại cũng như cách chế biến bồ câu thành các món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng, bạn nhé!
Giá trị dinh dưỡng của chim bồ câu
Loài chim này có lòng trung thành và sự cống hiến vinh quang vì từ 1500 năm trước, loài chim này đã được quân đội sử dụng để đưa thư. Không chỉ nổi tiếng bởi sự thông minh, bồ câu cũng được yêu thích vì những món ngon bổ dưỡng.
Trung bình 100g thịt bồ câu có thể cung cấp khoảng 142 calorie và 7,5g chất béo, bao gồm 2g chất béo bão hoà và một số chất dinh dưỡng như:
- Cholesterol 90mg 30%
- Natri 51mg 2%
- Tổng Carbohydrate 0g 0%
- Chất xơ 0g 0%
- Chất đạm 18g 36%
- Vitamin D mcg N / A
- Canxi 13,00mg 1%
- Sắt 4,51mg 25%
- Kali 237mg 5%
* Giá trị% hàng ngày (DV) cho bạn biết lượng chất dinh dưỡng trong một khẩu phần thực phẩm đóng góp vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Bồ câu tuy nhỏ nhưng giá trị dinh dưỡng mang lại rất phong phú
Lợi ích sức khỏe khi ăn bồ câu
Với hàm lượng dinh dưỡng phong phú, chim bồ câu mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ. Điển hình như:
1. Bổ sung nguồn protein
Lượng protein trong 100g thịt bồ câu cung cấp tương đương với lượng protein bạn nhận được khi ăn 100g thịt bò. Với những vận động viên đang muốn tăng cơ hoặc xây dựng cơ bắp, bổ sung bồ câu trong thực đơn hàng ngày là một lựa chọn tối ưu.
Giàu protein nên thịt bồ câu cũng giúp hỗ trợ quá trình trao đổi chất cho cơ thể, tăng cường chức năng miễn dịch và sản sinh enzym trong cơ thể.
2. Ngăn ngừa tình trạng thiếu máu
Lượng sắt mà 100g thịt bồ câu cung cấp có thể đáp ứng tới 25% nhu cầu sắt mỗi ngày của cơ thể. Hơn nữa, so với lượng sắt từ thực vật, sắt từ thịt động vật sẽ dễ được cơ thể hấp thu hơn. Với những người bị thiếu máu hoặc vừa trải qua phẫu thuật có thể bổ sung thịt bồ câu để cơ thể phục hồi nhanh hơn.
Những người bị thiếu máu nên thường xuyên ăn bồ câu
3. Làm ấm cơ thể
Theo đông y, thịt bồ câu tính ấm nên rất thích hợp dùng trong mùa lạnh hoặc cho những người đang bị lạnh ăn để giữ ấm cơ thể. Đó chính là lý do vào mùa đông ở những đất nước Bắc Âu lạnh lẽo, chim bồ câu là món ăn cực kỳ được ưa thích.
4. Làm đẹp da
Có chất lượng ngang ngửa nhung hươu, chất sụn trong thịt chim bồ câu có thể giúp tăng độ đàn hồi cho da và cải thiện khả năng lưu thông máu. Trong thời tiết lạnh lẽo, da khô ráp sần sùi thì thịt chim bồ câu là một lựa chọn hoàn hảo, vừa giữ ấm cho thể, vừa giúp bạn có làn da mịn màng. Lợi đôi đường nhỉ!
5. Ngăn rụng tóc
Những người thường xuyên bị rụng tóc có thể cân nhắc thêm bồ câu vào thực đơn hàng ngày của mình. Bởi trong thịt loài chim này có chất axít pantothenic, dưỡng chất giúp cải thiện chứng rụng tóc, tóc bạc sớm.
Gợi ý những món ngon bổ dưỡng từ thịt bồ câu
1. Bồ câu hầm hạt sen
Nguyên liệu
- 2 con chim bồ câu
- 1-2 lạng hạt sen
- Nấm hương
- Gia vị bao gồm dầu ăn, nước mắm, tiêu, mì chính, muối, hành tím, ớt
Cách làm:
- Bồ câu mua về sau khi làm sạch nội tạng nên rửa nhiều lần với nước để khử mùi. Bạn có thể để nguyên con hoặc cắt thành từng miếng để thịt nhanh thấm gia vị hơn. Ướp thịt bồ câu với hành tím băm, tiêu, ớt, muối, bột nêm, nước mắm và để khoảng 15-20 phút.
- Cho dầu vào chảo, chờ chảo nóng phi thơm hành tím.
- Cho bồ câu đã ướp vào chảo xào cho săn lại rồi thêm nước.
- Hạt sen mua về rửa sạch, ngâm trong nước lạnh trước 5-6 tiếng. Sau đó cho vào đun với bồ câu và nấm hương, nêm nếm gia vị vừa ăn.
- Tiếp tục đun sôi đến khi nước cạn còn hơi sền sệt thì tắt bếp.
Món bồ câu hầm hạt sen là một trong những món ăn hàng đầu trong việc bồ bổ sức khoẻ, rất thích hợp cho bà bầu hoặc người vừa mới khỏi bệnh
2. Cháo bồ câu
Ngoài bồ câu hầm thì cháo bồ câu cũng là món ngon bổ dưỡng quen thuộc với nhiều gia đình.
Nguyên liệu
- 1 con chim bồ câu
- 3 lạng thịt băm
- 180g gạo
- Hành tím, gừng
- 1 lạng hạt sen
- 1 lạng đậu xanh
- Rượu trắng
- Hành lá, ngò
- Gia vị
Cách làm
- Bồ câu sau khi mua về, làm sạch lông, bỏ nội tạng và rửa lại với nước nhiều lần. Để khử mùi tanh, bạn có thể dùng rượu pha với gừng để chà xát lên thịt. Sau đó, rửa thịt lại một lần nữa với nước sạch và để ráo nước.
- Ướp bồ câu và thịt băm với gia vị và để trong 15 phút cho ngấm. Bạn nên ướp riêng thịt và bồ câu để gia vị thấm đều hơn.
- Bắt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào. Chờ dầu nóng thêm hành tím vào phi cho thơm, sau đó cho chim bồ câu vào xào lửa lớn cho chín rồi thêm thịt băm vào xào qua.
- Vo gạo, thêm 1 muỗng dầu ăn để gạo nở hơn. Cho đậu xanh rửa sạch và 1,3 lít nước vào gạo nấu sôi. Khi nước sôi, thêm hạt sen vào nấu cho đến khi hạt sen mềm, gạo nở đều.
- Tiếp theo, cho bồ câu và thịt băm vào đun lửa nhỏ, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn. Nấu thêm khoảng 5 phút thì tắt bếp, thêm hành lá, rau ngò, tiêu vào.
Tác dụng phụ của thịt chim bồ câu
Trên thực tế, tất cả thực phẩm dinh dưỡng có thể không tốt nếu bạn tiêu thụ chúng mà không chú ý đến tình trạng bệnh. Ăn quá nhiều thịt chim bồ câu cũng sẽ mang lại những tác hại xấu cho cơ thể. Hàm lượng chất béo trong thịt của chim bồ câu, đặc biệt là da của nó khá cao. Vì vậy, sẽ không tốt nếu chúng ta tiêu thụ với số lượng lớn và không cân đối với thực phẩm dinh dưỡng khác.
Sau khi đọc thêm về những giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khoẻ mà chim bồ câu mang lại, bạn có cân nhắc thêm loại thịt này vào khẩu phần ăn của mình không? Một điều quan trọng bạn cần lưu ý là dù dinh dưỡng quan trọng, nhưng việc thực hiện các bài tập thể dục thường xuyên và duy trì lối sống lành mạnh cũng rất cần thiết.
Nguồn tham khảo
29 Surprising Health Benefits of Eating Pigeon Meats https://drhealthbenefits.com/food-bevarages/meats/health-benefits-of-eating-pigeon Ngày truy cập 25/02/2021
Squab, raw, meat only, (pigeon) https://www.nutritionvalue.org/Ngày truy cập 25/02/2021