10 dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều trà
Trà được coi là một thần dược với vô số lợi ích sức khỏe, giúp cải thiện nhiều triệu chứng bệnh một cách hiệu quả. Tuy vậy, tiêu thụ nhiều trà hơn mức cần thiết lại dễ gây ra nhiều vấn đề về cả thể chất lẫn tinh thần. Để đảm bảo nhận được lợi ích từ loại thức uống này, bạn hãy kiểm tra ngay những dấu hiệu sau để biết mình có đang uống quá nhiều trà hay không và tìm hiểu hàm lượng trà phù hợp nhất.
Dấu hiệu cho thấy bạn đang uống quá nhiều trà
1. Bạn hay cảm thấy căng thẳng, bồn chồn
Bạn có thể uống trà để tập trung tinh thần, giảm stress hay lo lắng, nhưng nếu bạn uống quá nhiều trà, những triệu chứng này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn.
Mặc dù một số loại trà có thể tốt cho giấc ngủ so với cà phê vì chúng chỉ chứa một lượng nhỏ caffeine nhưng nếu tiêu thụ nhiều, caffeine có thể gây ra những tác động khác lên tinh thần của bạn.
2. Chất lượng giấc ngủ của bạn bị giảm sút
Như đã nói, một sốt loại trà được pha chế để điều trị chứng mất ngủ, giúp bạn cảm thấy thư thái và dễ ngủ hơn nhưng một số loại trà đặc khác như trà đen thường chứa rất nhiều caffeine.
Các nghiên cứu cho thấy, uống nhiều hơn 200mg caffeine trước khi đi ngủ ít nhất 6 tiếng có thể tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ vì caffeine làm ức chế melatonin – loại hormone gây ngủ.
Nguyên nhân mất ngủ còn phụ thuộc vào cảo thể chất, khả năng trao đổi chất của cơ thể và tổng lượng caffeine tiêu thụ mỗi ngày, không chỉ vì bạn uống trà. Nhưng uống quá nhiều trà sẽ làm tăng tổng lượng caffeine tiêu thụ trong cả ngày.
Uống nhiều trà có thể khiến bạn mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc
3. Bạn thường xuyên bị ợ chua
Nếu bạn hay bị ợ chua sau khi uống trà, có lẽ nguyên nhân là do trà kích thích quá trình trào ngược axit dạ dày. Kể cả khi bạn không bị trào ngược thực quản, caffeine có trong trà cũng sẽ tạo ra các triệu chứng ợ chua bằng cách làm giãn cơ vòng thực quản đang chặn axit từ dạ dày.
Vì vậy, uống nhiều trà có thể làm axit trào ngược lên, gây ra chứng ợ nóng cùng cảm giác nóng trong họng và vị chua khó chịu trong miệng. Nếu bạn cảm thấy mình uống trà và bị ợ nóng nhiều hơn, hãy giảm lượng trà tiêu thụ.
4. Bạn thường thấy đau bụng
Nhiều loại trà có thể cải thiện tình trạng đau bụng, tuy nhiên công dụng của nó phần lớn phụ thuộc vào các loại thảo dược đi kèm. Còn uống quá nhiều trà lại có thể gây đau bụng và buồn nôn nhiều hơn.
Lá trà có chứa tannin, một hợp chất có vị đắng và đặc, có thể gây hại cho hệ tiêu hóa khi hấp thụ một lượng lớn. Vì vậy bạn nên kết hợp với thực phẩm giàu carb và protein để hạn chế triệu chứng này.
>>> Xem thêm: Đau bụng về đêm: Nguyên nhân do đâu?
5. Bạn dễ bị chóng mặt hơn
Nếu không uống nhiều caffeine, phần lớn các trường hợp bạn sẽ không bị chóng mặt nếu chỉ uống 1 hoặc 2 tách trà. Thông thường, chóng mặt là triệu chứng thường chỉ xảy ra sau khi bạn uống hơn 6 tách trà.
Tiêu thụ một lượng lớn caffeine, dù là trà hay cà phê đều sẽ gây cảm giác chóng mặt, nhức đầu đi kèm với các triệu chứng căng thẳng.
6. Cơn đau đầu xuất hiện thường xuyên
Tương tự các triệu chúng khác, caffeine có thể có lợi và cũng có thể gây hại nếu sử dụng hàm lượng lớn. Uống quá nhiều trà không chỉ gây tổn hại về tinh thần mà còn khiến bạn cảm thấy nhức đầu hơn.
Nếu bạn đang gặp triệu chứng này, cách tốt nhất là giới hạn mức caffeine tiêu thụ trong trà ở mức 100mg vì nếu uống nhiều và thường xuyên hơn sẽ khiến chứng đau đầu tái phát.
7. Bạn có thể trở nên nghiện caffeine
Tiêu thụ caffeine quá mức có thể gây nghiện
Caffeine là một chất kích thích có khả năng gây nghiện. Vì vậy, không có gì khó hiểu nếu bạn bắt đầu nghiện và phụ thuộc vào loại chất này khi uống quá nhiều trà và quá thường xuyên.
Caffeine chỉ có ích trong thời gian ngắn với một số lợi ích nhất định khi sử dụng ở liều thấp. Dùng nhiều caffeine trong thời gian dài sẽ làm tăng triệu chứng cai nghiện, gây mệt mỏi về cả tinh thần lẫn thể chất.
Do đó, giảm hàm lượng trà và chia nhỏ khẩu phần trong mỗi lần uống để cải thiện mức độ phụ thuộc và vô cùng quan trọng, nếu không các triệu chứng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.
8. Cơ thể không nhận đủ nhu cầu sắt
Lượng tannin có trong lá trà liên kết với carb, protein và cả sắt. Tình trạng này sẽ trở nên nguy hiểm hơn nếu bạn cũng đang bị thiếu sắt.
Khi tannin liên kết với sắt, chúng sẽ ngăn chất sắt đi đến đường tiêu hóa, do đó bạn không thể hấp thụ dưỡng chất này và bắt đầu thiếu nhiều sắt hơn.
Theo nhiều nghiên cứu, tannin có khả năng kết hợp với sắt thực vật cao hơn, nếu bạn là người ăn chay, nguy cơ thiếu hụt sắt sẽ rất cao, đặc biệt là khi bạn uống quá nhiều trà.
9. Bạn đi vệ sinh nhiều hơn
Tất nhiên, uống bất kỳ loại đồ uống nào cũng khiến hệ bài tiết hoạt động, thể nhưng trà và cà phê đều là những chất lợi tiểu, khiến bạn phải đi vệ sinh nhiều hơn nữa.
Nếu phải đi tiểu đêm hay số lần đi vệ sinh trong ngày tăng cao hơn thông thường, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang uống nhiều trà hơn cần thiết. Hãy kiểm soát số lượng tiêu thụ để tránh ảnh hưởng bài tiết và cả chất lượng giấc ngủ.
10. Uống quá nhiều trà có thể gây mất nước
Dù uống thêm chất lỏng nhưng việc đi tiểu nhiều lần có thể khiến cơ thể bị mất nước nhiều hơn so với lượng tiêu thụ. Nguyên nhân là do caffeine làm tăng lưu lượng máu đến thận, gửi tín hiệu để thận thải nhiều nước hơn.
Triệu chứng này còn tùy thuộc vào loại trà bạn đang uống. Trà càng nhiều caffeine và tiêu thụ hơn 500mg trà mới thường gây ra tình trạng mất nước.
Nên uống bao nhiêu trà là đủ?
Trà gừng có thể giúp bạn giảm đau bụng và buồn nôn
Giới hạn mỗi ngày 200mg caffeine từ trà, tương đương với 3 tách trà là con số tối ưu nhất để bạn nhận được những lợi ích sức khỏe mà không gây phản tác dụng. Tất nhiên nếu không nghiện trà hay phụ thuộc vào caffeine, bạn có thể hạ thấp con số này thêm nữa.
Ngoài ra, bạn nên tránh uống quá nhiều trà đặc hay chứa hàm lượng caffeine cao. Hãy chọn trà theo từng mục đích, ví dụ như:
- Trà gừng giúp trị chứng đau bụng và buồn nôn
- Trà hoa cúc cải thiện chứng mất ngủ
- Trà bạc hà làm giảm cơn đau đầu và đau nửa đầu
- Trà mật ong giảm đau họng
- Trà thảo mộc giúp thanh nhiệt và không gây mất nước
Như vậy, uống trà ở mức vừa phải sẽ tốt cho cơ thể và không gây ra nhiều triệu chứng như khi bạn uống quá nhiều trà. Hãy cố gắng kiểm soát hàm lượng trà tiêu thụ để luôn đảm bảo an toàn cho sức khỏe nhé!
>>> Xem thêm: Bạn có đang uống quá nhiều sữa hơn mức cần thiết?
Nguồn tham khảo
10 Signs You’re Drinking Too Much Tea. https://www.eatthis.com/signs-drinking-too-much-tea/. Ngày truy cập: 14/09/2020