Nguy cơ bạn có thể gặp phải khi nhai thức ăn không kỹ

Nguy cơ bạn có thể gặp phải khi nhai thức ăn không kỹ

Nhai thức ăn không kỹ có thể bắt nguồn từ thói quen hoặc do tính chất cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên dù là bất cứ lý do gì thì việc không nhai kỹ thức ăn cũng mang đến một số tác hại nhất định và theo thời gian không chỉ riêng hệ tiêu hóa là cơ quan duy nhất bị ảnh hưởng. 

Nhai không kỹ khiến bạn không cảm thấy vị ngon của món ăn, đồng thời cũng ít nhiều ảnh hưởng đến lượng dưỡng chất mà bạn hấp thụ vào cơ thể. Thói quen ăn uống không tốt này có thể mang đến những nguy cơ mà bạn không ngờ đến.

7 tác hại khi nhai thức ăn không kỹ

Ảnh hưởng vấn đề tiêu hóa khi nhai thức ăn không kỹ

Không nhai thức ăn đúng cách có thể dẫn đến nhiều vấn đề tiêu hóa, đặc biệt là đối với thức ăn giàu lượng carbohydrate. Quá trình tiêu hóa bắt đầu từ khi bạn đưa thức ăn vào trong miệng. Khi nhai kỹ các tuyến nước bọt tiết ra một loại enzyme có tính kiềm được gọi là ptyalin. Loại enzyme này sẽ phân hủy thức ăn thành đường đơn và giúp tiêu hóa thức ăn tốt hơn. Thế nên khi không nhai kỹ, thức ăn sẽ khó được phân giải, điều này có thể khiến bạn bị khó tiêu,  ợ chua, táo bón và trào ngược axit.

Ảnh hưởng vấn đề tiêu hóa

Hệ tiêu hóa là cơ quan đầu tiên bị ảnh hưởng khi bạn nhai không kỹ

Cơ thể khó hấp thu dưỡng chất

Nếu thức ăn chưa được nhai kỹ mà đưa đến hệ tiêu hóa, lúc này cơ quan tiêu hóa sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nghĩa là cơ thể bạn không nạp được chất dinh dưỡng cần thiết mặc dù bạn đã ăn đầy đủ thực phẩm tốt cho sức khỏe. Đây thật sự là một điều lãng phí.

Gia tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Có thể bạn không tin nhưng ngộ độc thực phẩm là một trong những nguy cơ mà bạn có thể gặp phải khi không nhai kỹ. Nhai đúng cách khoang miệng chúng ta sẽ tiết ra một loại enzyme tên là lysozyme. Loại enzyme này sẽ tiêu diệt các mầm bệnh truyền qua thực phẩm. Nhai thức ăn nhiều lần sẽ đảm bảo lượng enzyme được tiết ra đủ để tiêu diệt hết các vi khuẩn còn sót lại trong thực phẩm.

Khiến tâm trạng tệ hơn

Nhai không kỹ thức ăn cũng có thể khiến bạn có tâm trạng tồi tệ. Khi quá trình tiêu hóa thức ăn không được hoàn thành, có thể dẫn đến tình trạng đầy hơi trong dạ dày và điều này có thể khiến bạn khó chịu. Bụng dạ khó chịu chắc chắn tâm trạng bạn không thể nào vui vẻ được.

Tăng cân không kiểm soát do nhai thức ăn không kỹ

Nhai nhanh sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn bình thường và nhai không kỹ cũng có thể khiến bạn dễ hấp thụ lượng lớn calorie khó kiểm soát. Đây chính là nguyên nhân khiến bạn dễ tăng cân.

Tăng cân không kiểm soát

Nguy cơ tăng cân cao hơn khi bạn nhai không đúng cách

Gia tăng vi khuẩn trong đường ruột

Việc nghiền nhỏ thức ăn không đúng cách có thể khiến các mảnh thức ăn lớn khó tiêu hóa. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng vi khuẩn ở ruột kết. Đây là nguyên nhân gây ra đau bụng, chuột rút, táo bón và các vấn đề về dạ dày khác.

Tổn thương niêm mạc họng và thực quản

Nhai quá nhanh và nuốt thức ăn ở dạng mảnh lớn có thể gây tổn thương niêm mạc họng và thực quản. Điều này cũng có thể dẫn đến trào ngược dạ dày, ợ chua, đầy hơi, co thắt bụng, hội chứng ruột kích thích và táo bón. Hãy nhớ rằng quá trình tiêu hóa thức ăn bắt đầu từ miệng và dạ dày không thể thực hiện chức năng xé nhỏ thức ăn.

Lý giải cho việc “nhai kỹ no lâu”

Khi đã biết tác hại của việc nhai không kỹ chắc chắn bạn đang băn khoăn nhai bao nhiêu lần là đủ hay là phải nhai như thế nào mới đúng cách. Nội dung tiếp theo sẽ là câu trả lời dành cho bạn.

Nhai bao nhiêu lần là đủ?

Theo các chuyên gia khuyến nghị bạn nên nhai 32 lần trước khi nuốt. Với thức ăn mềm và chứa nhiều nước số lần nhai có thể ít hơn. Mục đích của việc nhai kỹ là nghiền nhỏ thức ăn giúp thực phẩm dễ tiêu hóa hơn khi tiến vào dạ dày. 32 lần dường như là một con số trung bình áp dụng cho hầu hết các lần ăn. Đối với các loại thực phẩm khô và dai, chẳng hạn như bít tết và các loại hạt, có thể cần đến 40 lần nhai. Với một số món mềm và mọng nước như dưa hấu số lần nhai có thể ít hơn, chỉ từ 10 đến 15 lần.

Lợi ích của việc nhai chậm

Như đã đề cập phía trên, nhai là bước đầu tiên của quá trình tiêu hóa. Việc nhai và tiết nước bọt sẽ giúp phân giải và trộn thức ăn, sau đó thức ăn sẽ được đẩy vào thực quản khi bạn nuốt. Thực quản đẩy thức ăn vào dạ dày. Trong dạ dày thức ăn sẽ được trộn với các enzyme và tiếp tục phân giải để chuyển hóa thành năng lượng. Khi thức ăn được tiêu hóa đủ trong dạ dày, nó sẽ di chuyển vào ruột non, nơi nó kết hợp với nhiều enzyme hơn để tiếp tục phân giải. Các chất dinh dưỡng từ thức ăn được hấp thụ ở ruột non, trong khi chất thải được gửi đến ruột già. Sau đó các chất thải còn sót lại được đào thải ra ngoài qua trực tràng và hậu môn.

Nhai không chỉ là một phần quan trọng của quá trình tiêu hóa mà còn có lợi cho sức khỏe tổng thể. Các chuyên gia nói rằng bạn ăn càng nhanh, bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn. Ngược lại nhai thức ăn nhiều lần với tốc độ chậm có thể làm giảm lượng thức ăn tổng thể. Trong một nghiên cứu, 30 phụ nữ khỏe mạnh đã tiêu thụ các bữa ăn ở các nhịp độ khác nhau. Những phụ nữ ăn chậm tiêu thụ thức ăn ít hơn đáng kể nhưng vẫn cảm thấy no hơn so với những người ăn nhanh hơn. Ngoài ra, ở một nghiên cứu khác, nhai nhiều hơn trong khi ăn được cho rằng có thể làm giảm việc ăn vặt với kẹo sau đó trong ngày.

Bên cạnh việc kiểm soát cân nặng, các chuyên gia cho rằng nhai thức ăn đúng cách cũng có thể giúp tăng lượng chất dinh dưỡng từ thức ăn. Trong một nghiên cứu, kết quả cho thấy nhai hạnh nhân từ 25 đến 40 lần không chỉ ngăn chặn cơn đói mà còn tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ hạnh nhân.

Lợi ích của việc nhai chậm

Nhai kỹ thức ăn sẽ gúp bạn ăn ngon miệng và kiểm soát tốt cân nặng

Làm thế nào để nhai đúng cách?

Dưới đây là một số mẹo để bạn nhai đúng cách được khuyên bởi các chuyên gia dinh dưỡng:

  • Lấy lượng thức ăn vừa đủ trên muỗng hoặc nĩa ăn. Thức ăn nên nằm trong lòng muỗng, nĩa và không bị thừa ra ngoài.
  • Cho thức ăn vào miệng, ngậm môi lại và bắt đầu nhai, dùng lưỡi để di chuyển thức ăn từ bên này sang bên kia và xoay nhẹ hàm.
  • Nhai từ từ, đếm đến 32 với mỗi muỗng thức ăn. Bạn có thể cần nhiều hơn hoặc ít thời gian hơn tùy thuộc vào loại thực phẩm.
  • Chỉ nên nuốt khi bạn cảm thấy thức ăn đã thực sự nhuyễn mịn.

Nếu bạn có vấn đề về tiêu hóa, uống nước trong khi ăn không phải là biện pháp tốt. Uống nước có thể làm chậm quá trình tiêu hóa bằng cách pha loãng các enzym trong cơ thể để phân giải thức ăn. Vấn đề này càng nên được lưu ý nếu bạn bị rối loạn tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản.

Nhai không kỹ khi ăn có lẽ là thói quen của không ít người, tuy nhiên bạn nên nhanh chóng khắc phục vấn đề này để không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Ngoài ra để tăng cường sức khỏe bạn nên thiết lập chế độ tập luyện phù hợp với thể trạng nữa nhé.

Nguồn tham khảo

7 dangers of not chewing your food properly https://www.elcrema.com/7-dangers-of-not-chewing-your-food-properly/ Ngày truy cập 20/05/2021

Chewing Your Food: Is 32 Really the Magic Number? https://www.healthline.com/health/how-many-times-should-you-chew-your-food Ngày truy cập 20/05/2021