Nguyên nhân gây đau bụng trên bên trái bạn cần lưu ý
Đau bụng trên bên trái có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh từ nhẹ đến phức tạp. Vì vậy, khi có dấu hiệu này, bạn kiểm tra xem có những biểu hiện đi kèm nào khác không để biết mình có nên đến bác sĩ khám.
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau bụng và mỗi vị trí khác nhau sẽ cho bạn biết tình trạng sức khoẻ. Đau bụng bên trái thường xuất phát từ một số cơ quan quan trọng như tim, lá lách, thận tuyến tụy, đại tràng và phổi. Một số nguyên nhân có thể điều trị tại nhà nhưng cũng có trường hợp có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, nếu gặp phải triệu chứng này mà không rõ nguyên nhân hoặc các cơn đau dai dẳng, nghiêm trọng, bạn cần đi khám ngay.
Dưới đây là những nguyên nhân gây đau bụng trên bên trái thường gặp, bạn hãy cùng LEEP.APP xem qua để biết cách xử lý kịp thời nhé.
Nguyên nhân đe dọa tính mạng
Đau tim
Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của đau tim là các cơn co thắt, đau bụng trên bên trái dưới xương sườn, áp lực ở phần ngực hoặc cánh tay, thậm chí, có lan đến hàm, lưng hoặc cổ. Ngoài những triệu chứng này, bạn còn có thể bị:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt đột ngột
- Buồn nôn, khó tiêu, ợ nóng hoặc đau bụng
- Đổ mồ hôi lạnh
Nếu bạn gặp phải một hoặc hai trong số các triệu chứng này, hãy đi khám ngay lập tức. Người bị đau tim cần được điều trị tại bệnh viện. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật:
- Thuốc làm loãng máu, aspirin, thuốc giảm đau, nitroglycerin, thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc chẹn beta
- Phẫu thuật đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)
Đau thắt ngực
Đau thắt ngực là tình trạng có liên quan đến tim, nguyên nhân là do máu đến tim không chứa đủ oxy. Triệu chứng thường gặp của tình trạng này là đau ở ngực, hàm, lưng, vai và cánh tay. Ngoài ra, bạn còn có thể bị:
- Hụt hơi
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Đổ mồ hôi
Biện pháp điều trị đau thắt ngực sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nhưng thường là:
- Thay đổi lối sống lành mạnh
- Sử dụng thuốc như thuốc làm loãng máu, thuốc chẹn beta
- Phẫu thuật đặt stent hoặc bắc cầu động mạch vành
Viêm màng ngoài tim
Viêm màng ngoài tim là một nguyên nhân gây đau ngực trên bên trái thường gặp mà bạn cần lưu ý
Viêm màng ngoài tim là tình trạng màng ngoài tim bị viêm, sưng và có thể tràn dịch. Đây cũng là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau ngực trên bên trái mà bạn cần lưu ý.
- Đau nhói ở giữa hoặc bên trái ngực, nặng hơn khi bạn hít vào
- Mệt mỏi
- Ho
- Sưng bất thường ở bụng hoặc chân
- Khó thở khi nằm
- Tim đập nhanh
- Sốt nhẹ
Phác đồ điều trị bệnh sẽ tùy thuộc nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng nhưng thường là:
- Sử dụng thuốc như aspirin, corticosteroid, colchicine và thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân là do nhiễm trùng
- Chọc dịch màng tim
- Phẫu thuật cắt màng ngoài tim.
Nguyên nhân do tiêu hóa
Táo bón
Táo bón là tình trạng đi ngoài ít hơn ba lần mỗi tuần và mỗi lần đi thì vô cùng “vất vả”. Đây là “thủ phạm” gây đau bụng trên bên trái rất thường gặp, đặc biệt là ở trẻ em. Để điều trị táo bón, bạn cần:
- Duy trì lối sống lành mạnh với việc tập thể dục thường xuyên
- Tránh nhịn đi ngoài
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
- Dùng thuốc nhuận tràng theo chỉ định
- Phẫu thuật nếu bị táo bón mãn tính.
Ợ nóng
Ợ nóng có thể gây ra các cơn đau ngực từ nhẹ đến nặng và thường xảy ra sau khi ăn. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do axít đi ngược từ dạ dày vào thực quản, dẫn đến cảm giác nóng rát và khó chịu trong ngực. Tình trạng này còn có thể gây nóng rát quanh cổ họng, phía sau xương ức hoặc đau bụng trên bên trái. Để kiểm soát chứng ợ nóng, bạn cần:
- Giảm cân
- Bỏ hút thuốc
- Ăn ít thức ăn béo
- Tránh thức ăn cay hoặc axít
- Với những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc kháng axít.
Tình trạng ợ nóng kéo dài và khó kiểm soát có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp phải chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng bạn bị ợ nóng hơn hai lần mỗi tuần. Các triệu chứng thường gặp là:
- Khàn tiếng
- Đau ngực
- Đau họng
- Ho
- Hôi miệng
- Khó nuốt
Phương pháp điều trị tình trạng này sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nhưng thường là sẽ cần có sự phối hợp của việc thay đổi lối sống và việc sử dụng thuốc:
- Thay đổi lối sống: giảm cân, bỏ hút thuốc, hạn chế uống rượu, kê cao đầu khi ngủ, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ, không nằm trong vòng 3 giờ sau khi ăn
- Sử dụng các loại thuốc như thuốc kháng axít, thuốc chẹn thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI), prokinetic
Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật.
Đau bụng trên bên trái còn có thể là do những nguyên nhân về đường tiêu hóa
Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là tình trạng mãn tính với các triệu chứng đường ruột thường xảy ra cùng nhau. Các triệu chứng thường gặp là:
- Đau bụng trên bên trái, thường đi kèm tiêu chảy hoặc táo bón
- Phân có chất nhầy màu trắng
- Đầy hơi, chướng bụng
Hiện không có cách điều trị hội chứng ruột kích thích. Hầu hết các biện pháp được áp dụng chủ yếu là để giảm triệu chứng. Bạn cần:
- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ
- Ngủ đủ giấc
- Tập thể dục thường xuyên
- Giảm căng thẳng
- Uống thuốc hoặc chế phẩm sinh học
- Tập luyện các bài tập thư giãn như tập yoga, thiền.
Bệnh viêm ruột (IBD)
Viêm ruột (IBD) là tình trạng viêm ở đường tiêu hóa, trong đó phổ biến nhất là tình trạng viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Khi bị viêm ruột, bạn có thể bị:
- Kiệt sức hoặc mệt mỏi
- Sốt
- Đau bụng
- Bệnh tiêu chảy
- Phân có lẫn máu
- Giảm cân ngoài ý muốn
- Chán ăn
Để điều trị viêm ruột, bạn cần kết hợp thay đổi lối sống, chẳng hạn như thay đổi chế độ ăn, duy trì tập thể dục thường xuyên, tránh căng thẳng… với việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc cầm tiêu chảy, thuốc giảm đau. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định phẫu thuật khi cần thiết hoặc sử dụng các phương pháp điều trị thay thế như châm cứu.
Sỏi thận
Uống nhiều nước là cách phòng và điều trị sỏi thận vừa đơn giản vừa hiệu quả
Sỏi thận là tình trạng chất thải tích tụ trong thận và dính lại với nhau. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do cơ thể bị thiếu nước. Các triệu chứng thường gặp là:
- Đau nhói ở bụng trên bên trái và lưng
- Đau khi đi tiểu
- Nôn
- Buồn nôn
- Nước tiểu có lẫn máu
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và kích thước của sỏi thận nhưng thường là:
- Uống thuốc giảm đau
- Uống nhiều nước
- Thực hiện phẫu thuật như phẫu thuật nội soi bằng sóng xung kích, nội soi niệu quản hoặc cắt thận nội soi.
Viêm tụy
Tuyến tụy bị viêm có thể gây ra tình trạng đau bụng trên bên trái. Có hai loại viêm tụy: cấp tính và mãn tính. Khi bị viêm tụy, bạn sẽ:
- Đau bụng lan xuống lưng
- Đau bụng dữ dội sau khi ăn
- Đau dạ dày
- Sốt
- Nôn và buồn nôn
- Tăng nhịp tim
- Giảm cân bất thường
Để điều trị viêm tụy, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp như:
- Bổ sung men tụy
- Sử dụng thuốc giảm đau
- Truyền dịch đường tiêm
- Thực hiện phẫu thuật cắt bỏ túi mật, dẫn lưu dịch từ tuyến tụy hoặc loại bỏ các vật cản trong ống mật.
Phì đại lá lách
Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây phì đại lá lách. Ngoài nguyên nhân này, còn có thể là do các vấn đề về gan như xơ gan và xơ nang. Khi bị phì đại lá lách, bạn có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Cảm thấy no dù chỉ ăn rất ít
- Đau lưng bên trái
- Đau lưng lan đến vai của bạn
- Nhiễm trùng thường xuyên tái phát
- Mệt mỏi
Phác đồ điều trị phì đại lá lách sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh nhưng thường là sẽ dùng kháng sinh, phẫu thuật và nghỉ ngơi.
Nguyên nhân khác
Viêm phổi
Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng xảy ra ở một hoặc cả hai lá phổi. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân như nấm, vi khuẩn và virus với các triệu chứng phổ biến là:
- Ớn lạnh
- Sốt
- Ho có dịch nhầy
- Đau đầu
- Đau ngực dữ dội khi ho hoặc thở sâu
- Cực kỳ mệt mỏi
Viêm phổi có thể được điều trị tại nhà dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ. Để điều trị, bạn cần:
- Nghỉ ngơi thường xuyên
- Uống nhiều nước
- Uống thuốc kháng sinh, thuốc hạ sốt theo chỉ định.
Đến bác sĩ khám khi có các triệu chứng trên để được điều trị đúng
Viêm màng phổi
Viêm màng phổi là tình trạng màng quanh phổi bên trong thành ngực bị viêm. Các triệu chứng thường gặp chủ yếu là:
- Đau ngực khi ho, hắt hơi hoặc thở
- Ho
- Sốt
Các biện pháp điều trị viêm màng phổi thường được áp dụng là dùng kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu, thuốc phá vỡ cục máu đông, thuốc giãn phế quản.
Tràn khí màng phổi
Tràn khí màng phổi là tình trạng không khí lọt vào khoảng trống giữa phổi và thành ngực. Các triệu chứng thường gặp của tình trạng này thường là:
- Đau ngực
- Da xanh xao
- Tim đập nhanh
- Mệt mỏi
- Tăng nhịp thở nông
- Ho
Để điều trị tràn khí màng phổi, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật, liệu pháp oxy và đặt ống dẫn lưu lấy không khí thừa.
Gãy xương sườn
Gãy xương sườn có thể là do bạn gặp phải một chấn thương nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bị loãng xương hoặc một vấn đề sức khỏe khác ảnh hưởng đến xương, bạn có thể bị gãy xương sườn do một va chạm nhẹ. Khi bị gãy xương sườn, bạn có thể bị:
- Đau ngực dữ dội
- Đau nặng hơn khi thở
- Khó thở
- Cơn đau kéo dài khoảng vài tuần
Bác sĩ có thể cho bạn sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm hoặc chỉ định phẫu thuật nếu cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng có thể tập các bài tập thở sâu để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Tập các bài hít thở sâu có thể đẩy nhanh quá trình hồi phục gãy xương sườn
Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm. Mặc dù ruột thừa không nằm ở vùng bụng trên bên trái nhưng trong một số ít trường hợp bạn có thể bị đau ở vùng này. Các triệu chứng phổ biến thường là:
- Đau bụng ở góc phần tư phía dưới bên phải
- Bụng mềm khi chạm vào
- Đau bụng ở phần trên bên trái
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để điều trị viêm ruột thừa.
Đau bụng trên bên trái có thể do rất nhiều nguyên nhân, từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, nếu cơn đau dai dẳng và nghiêm trọng, bạn nên đi khám. Để tránh gặp phải các tình trạng trên, hãy cố gắng duy trì lối sống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Nếu bạn đang mong muốn tập luyện nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, hãy tìm kiếm các huấn luyện viên công nghệ của LEEP.APP. Các huấn luyện viên sẽ kiểm tra thể lực của bạn và giúp bạn vạch ra kế hoạch tập luyện cũng như theo dõi dinh dưỡng để đưa ra tư vấn hợp lý. Tải ngay LEEP.APP để thực hiện điều đó.
Nguồn tham khảo
What’s Causing Pain Under My Ribs in the Upper Left Abdomen? https://www.healthline.com/health/upper-left-abdominal-pain-under-ribs Ngày truy cập: 19/7/2020