Tất tần tật về các loại thực phẩm bổ sung kẽm trên thị trường

Author picture

Tất tần tật về các loại thực phẩm bổ sung kẽm trên thị trường

Kẽm là một khoáng chất quan trọng mà cơ thể bạn sử dụng theo vô số cách khác nhau. Trên thực tế, kẽm là loại khoáng chất vi lượng dồi dào thứ hai trong cơ thể bạn – sau sắt, xuất hiện trong hầu hết mọi tế bào trong cơ thể. Để biết các thông tin về dạng kẽm khác nhau và cách sử dụng các thực phẩm bổ sung kẽm, bạn hãy tham khảo bài viết sau nhé. 

Kẽm cần thiết cho hoạt động của hơn 300 enzyme để hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, chức năng thần kinh và nhiều quá trình khác. Ngoài ra, chất này cũng rất quan trọng với sự phát triển và chức năng của các tế bào miễn dịch. Kẽm cũng là nền tảng cho sức khỏe của da, tổng hợp DNA và sản xuất protein.

Thêm vào đó, sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể phụ thuộc vào kẽm. Chất này rất cần thiết trong việc tạo ra vị giác và khứu giác. Nhiều enzyme quan trọng trong việc kích thích ăn ngon cũng phụ thuộc vào chất dinh dưỡng này. Nếu thiếu kẽm, bạn có thể giảm khả năng nếm hoặc ngửi.

Cơ thể bạn không thể tự sản xuất ra kẽm. Tuy nhiên, bạn có biết nguyên tố này có mặt trong rất nhiều phản ứng bên trong cơ thể. Vì thế, bạn cần phải cung cấp đủ chất dinh dưỡng quan trọng này thông qua chế độ ăn uống hàng ngày hoặc các loại thực phẩm bổ sung kẽm.

Những dạng thực phẩm bổ sung kẽm tồn tại trên thị trường

Thực phẩm bổ sung kẽm xuất hiện trên thị trường với nhiều hình thức khác nhau và ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Dưới đây là một số dạng kẽm bạn có thể tìm thấy trên thị trường:

  • Kẽm gluconate: Là một trong những dạng kẽm phổ biến nhất. Loại kẽm này thường được sử dụng trong các thuốc ngừa cảm lạnh, được chế biến dưới dạng viên ngậm hay thuốc xịt mũi.
  • Kẽm acetate: Loại kẽm này thường được bổ sung vào viên ngậm trị cảm lạnh để giảm triệu chứng và tăng tốc độ phục hồi.
  • Kẽm sulfat: Ngoài việc giúp ngăn ngừa thiếu kẽm, kẽm sulfat đã được chứng minh là làm giảm mức độ nghiêm trọng của mụn trứng cá.
  • Kẽm picolinate: Cơ thể bạn có thể hấp thụ dạng này tốt hơn các loại kẽm khác như kẽm gluconate và kẽm citrate.
  • Kẽm orotate: Loại kẽm này liên kết với axit orotic và là một trong những loại bổ sung kẽm phổ biến trên thị trường.
  • Kẽm citrate: Loại bổ sung kẽm này được hấp thụ tốt như kẽm gluconate nhưng dễ uống hơn.

Các lợi ích từ kẽm cho sức khỏe

Cải thiện chức năng miễn dịch

Kẽm hoạt động như một chất chống oxy hóa, giúp giảm viêm và hỗ trợ phòng chống các bệnh mãn tính như bệnh tim, ung thư và tiểu đường.

Một nghiên cứu từ Cơ quan dinh dưỡng Thuỵ Sỹ ở 50 người lớn tuổi phát hiện ra rằng dùng 30mg kẽm gluconate trong một năm đã làm giảm một số dấu hiệu viêm và giảm tần suất nhiễm trùng.

Do đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, kẽm cũng được thêm vào một số thuốc xịt mũi, viên ngậm và các phương pháp điều trị cảm lạnh tự nhiên khác.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Một điều ít ai biết là kẽm có thể hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu và bài tiết insulin (hormone chịu trách nhiệm vận chuyển đường từ máu đến các mô trong cơ thể).

Các nghiên cứu cho thấy kẽm có thể giúp giữ lượng đường trong máu ổn định và cải thiện độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Hơn nữa, kẽm có thể giúp giảm tình trạng kháng insulin, giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin hiệu quả của cơ thể, để duy trì lượng đường trong máu bình thường.

Giúp trị mụn trứng cá

Bổ sung kẽm thường được sử dụng để chăm sóc da và điều trị các tình trạng da phổ biến như mụn trứng cá. Kẽm sulfat đã được chứng minh là đặc biệt hữu ích để giảm các triệu chứng của mụn trứng cá nghiêm trọng.

 

Kẽm giúp giảm các triệu chứng của mụn trứng cá

Kẽm giúp giảm các triệu chứng của mụn trứng cá

Cải thiện sức khỏe tim mạch

Các hội chứng về tim luôn là vấn đề nghiêm trọng, chiếm khoảng 33% số ca tử vong trên toàn thế giới. Một số nghiên cứu cho thấy bổ sung kẽm có thể cải thiện một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, thậm chí là làm giảm mức chất béo và cholesterol trong máu.

Sử dụng thực phẩm bổ sung kẽm như thế nào?

Do kẽm tồn tại ở nhiều dạng khác nhau chứa nồng độ khác nhau nên tùy mục đích sử dụng của bạn mà chọn sản phẩm để tối ưu hoá lợi ích từ kẽm. Theo nghiên cứu từ Cơ quan Dinh dưỡng Thuỵ Sỹ, liều lượng khuyến cáo dành cho người lớn để bổ sung kẽm hàng ngày là 15 – 30mg.

Khi được sử dụng theo chỉ dẫn, bổ sung kẽm có thể là một cách an toàn và hiệu quả để tăng lượng kẽm của bạn và cải thiện một số khía cạnh của sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý khi sử dụng chúng quá liều sẽ dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. 

 

Bổ sung kẽm quá nhiều có thể gây nhức đầu

Bổ sung kẽm quá nhiều có thể gây nhức đầu, sốt, buồn nôn…

Nếu dùng vượt quá ngưỡng 40mg mỗi ngày, bạn có thể gặp các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như sốt, ho, đau đầu và mệt mỏi. Hơn nữa, bổ sung kẽm đã được chứng minh là có ảnh hưởng với việc hấp thụ một số loại kháng sinh nhất định dẫn đến việc giảm tác dụng của thuốc. 

Để giảm nguy cơ mắc các tác dụng phụ, bạn nên tuân thủ liều lượng khuyến cáo trên nhãn và tránh vượt quá giới hạn cho phép là 40mg kẽm mỗi ngày, trừ khi có sự chỉ định của chuyên gia hoặc bác sĩ.   

Nguồn tham khảo

What Are Zinc Supplements Good For? Benefits and More https://www.healthline.com/nutrition/zinc-supplements#dosage Ngày truy cập 23/3/2020