6 nguy cơ sức khỏe khi bạn quá gầy và cách tăng cân hiệu quả

6 nguy cơ sức khỏe khi bạn quá gầy và cách tăng cân hiệu quả

Thừa hay thiếu cân đều không tốt. Nhưng thiếu cân có những nguy cơ sức khỏe mà chúng ta không ngờ đến.

Giới y khoa tập trung nghiên cứu rất nhiều về ảnh hưởng sức khỏe của việc thừa cân, nhưng còn tình trạng thiếu cân thì sao? Bài viết này sẽ điểm qua 6 nguy cơ sức khỏe lớn nhất liên quan đến việc thiếu cân hoặc dinh dưỡng kém.

Làm thế nào để biết bạn có thiếu cân không?

Chỉ số khối cơ thể (BMI) có thể giúp bạn và bác sĩ xác định xem bạn có bị thiếu cân hay không. BMI là con số ước tính lượng mỡ cơ thể dựa trên chiều cao và cân nặng của bạn.

BMI và tình trạng cân nặng:

Dưới 18,5: thiếu cân

18,5 – 24,9: bình thường

25 – 29,9: thừa cân

30 trở lên: béo phì

1. Suy dinh dưỡng

Nếu thiếu cân, có thể bạn không ăn đủ thực phẩm lành mạnh với các chất dinh dưỡng quan trọng để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Điều đó có thể gây ra suy dinh dưỡng. Theo thời gian, suy dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc cạn kiệt năng lượng
  • Bị bệnh thường xuyên hoặc gặp khó khăn trong việc chống lại bệnh tật
  • Kinh nguyệt không đều ở phụ nữ
  • Bị mỏng hoặc rụng tóc, da khô hoặc bị những vấn đề về răng miệng

Một nghiên cứu từ Nhật Bản đã so sánh thói quen ăn kiêng của hai nhóm phụ nữ thiếu cân. Họ phát hiện ra rằng, những phụ nữ thiếu cân với mong muốn được gầy có thói quen ăn uống kém lành mạnh hơn những phụ nữ thiếu cân không có ham muốn này.

Nếu bạn thiếu cân, bạn cũng có khả năng bị suy dinh dưỡng nếu chỉ số BMI thấp của bạn là do chế độ ăn uống không cân bằng hoặc do một căn bệnh tiềm ẩn ảnh hưởng đến sự hấp thu chất dinh dưỡng. Suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến thiếu máu hoặc thiếu vitamin thiết yếu.

Suy dinh dưỡng

2. Giảm chức năng miễn dịch

Các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa gia tăng nhiễm trùng và tình trạng thiếu cân. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng họ chưa thể xác định xem đây có phải là kết quả trực tiếp của việc thiếu cân hoặc của những nguyên nhân cơ bản dẫn đến thiếu cân. Ví dụ, suy dinh dưỡng có thể dẫn đến giảm chức năng miễn dịch và cũng khiến mọi người bị thiếu cân. Cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ mối liên hệ giữa cân nặng và chức năng miễn dịch.

Mời bạn xem thêm bài 8 món vặt tăng miễn dịch bạn có thể làm ngay tại nhà

3. Tăng nguy cơ sức khỏe gặp biến chứng sau phẫu thuật

Một nghiên cứu đã tìm ra bằng chứng cho thấy, những người thiếu cân khi được phẫu thuật thay khớp gối toàn bộ có nhiều khả năng bị nhiễm trùng sau phẫu thuật hơn những người không bị thiếu cân. Mặc dù họ không thể xác định lý do cho điều đó, nhưng họ tin rằng những người thiếu cân không có khả năng lành vết thương như những người có chỉ số BMI bình thường. Họ cũng phát hiện ra rằng, nhóm thiếu cân có lượng huyết sắc tố trước phẫu thuật thấp.

Một nghiên cứu khác cho thấy, những người thiếu cân dễ bị các biến chứng khi phẫu thuật thay khớp háng toàn phần hơn so với những người có cân nặng bình thường. Biến chứng sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và ghép phổi dường như cũng cao hơn đối với những người thiếu cân. Các nhà nghiên cứu cũng đã liên kết chỉ số BMI thấp với sự gia tăng tỷ lệ tử vong trong năm đầu tiên sau phẫu thuật bắc cầu chi dưới.

4. Nguy cơ sức khỏe khi bị loãng xương

Trọng lượng cơ thể thấp có thể làm tăng nguy cơ mật độ xương thấp và loãng xương. Một nghiên cứu cho biết 24% phụ nữ tiền mãn kinh có BMI từ 18,5 trở xuống có mật độ xương thấp thấp.

5. Vô sinh

Phụ nữ có BMI thấp có nguy cơ bị vô kinh, đó là sự vắng mặt của kinh nguyệt và các rối loạn chức năng chu kỳ kinh nguyệt khác. Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc bị mất có thể là một dấu hiệu của tình trạng không rụng trứng mãn tính, có thể gây vô sinh.

Nếu bạn đang cố gắng thụ thai mà bị thiếu cân, hãy trao đổi với bác sĩ. Họ có thể làm xét nghiệm máu đơn giản để xem bạn có thường xuyên rụng trứng hay không. Họ cũng có thể kiểm tra các dấu hiệu vô sinh khác.

Bác sĩ có thể khuyên bạn nên tăng cân một cách lành mạnh trước khi mang thai. Thiếu cân trong khi mang thai có thể gây ra nhiều rủi ro cho em bé. Duy trì trọng lượng khỏe mạnh trong thai kỳ là điều rất quan trọng.

6. Chậm phát triển

Tình trạng chậm phát triển có thể xảy ra với trẻ thiếu cân, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, độ tuổi não phát triển nhanh. Não cần chất dinh dưỡng để phát triển. Trẻ thiếu cân có thể bị thiếu dinh dưỡng do suy dinh dưỡng và kém hấp thu. Điều đó có thể tác động đến sự phát triển của não bộ và dẫn đến sự chậm trễ trong các mốc phát triển.

Bác sĩ Nhi khoa sẽ lập biểu đồ tăng trưởng của con bạn trong các cuộc hẹn. Họ sẽ sử dụng các phép đo này để xem con bạn so sánh với mức tăng trưởng trung bình của những đứa trẻ khác như thế nào và tỷ lệ phần trăm con của bạn thay đổi theo thời gian. Nếu tỷ lệ phần trăm tăng trưởng của con bạn giảm, đó có thể là một dấu hiệu cảnh báo rằng trẻ chậm tăng cân. Ví dụ, nếu con bạn ở phần trăm thứ 45 lúc 12 tháng và phần trăm thứ 35 lúc 15 tháng, bác có thể sẽ đưa ra lời khuyên cho trẻ tăng cân.

Bác sĩ Nhi khoa cũng sẽ hỏi về các mốc phát triển trong các lần khám định kỳ. Hãy nhớ rằng không phải tất cả trẻ em đều đạt được các mốc quan trọng cùng một lúc. Thay vào đó, các bác sĩ tìm hiểu xem con bạn có đạt được trong một khoảng thời gian nhất định không. Chẳng hạn, không phải tất cả các trẻ đều bước những bước đầu tiên khi một tuổi. Bạn cần xem xét tổng thể tất cả các mốc phát triển quan trọng để đưa ra kết luận.

Tìm sự giúp đỡ của chuyên gia

Tìm sự giúp đỡ của chuyên gia

Nếu bạn nghi ngờ mình thiếu cân, hãy đặt lịch hẹn với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Bác sĩ có thể kiểm tra và giúp xác định vấn đề nào dẫn đến dinh dưỡng kém hoặc giảm cân.

Trước cuộc hẹn bác sĩ, bạn nên tự hỏi:

  • Gần đây tôi có cảm thấy mình không khỏe hay không?
  • Tôi có những triệu chứng nào khác?
  • Tôi có bỏ qua bất kỳ bữa ăn hoặc ăn chủ yếu là đồ ăn nhẹ?
  • Có phải tôi bị căng thẳng hay trầm cảm, khiến tôi mất cảm giác ngon miệng?
  • Tôi có đang cố gắng giảm cân?
  • Nhịn ăn có giúp cho tâm trạng của tôi tốt hơn không?

Hãy chia sẻ câu trả lời với bác sĩ. Nếu bác sĩ đã loại trừ các vấn đề y khoa tiềm ẩn, thì bạn có thể đặt mục tiêu tăng cân. Từ đó, bạn đưa ra một kế hoạch giúp mình đạt được cân nặng đó thông qua việc ăn uống lành mạnh và các phương pháp điều trị thích hợp khác.

Với sự giúp đỡ từ bác sĩ, bạn có thể đạt được chỉ số BMI bình thường thông qua thay đổi lối sống và ăn uống lành mạnh. Bác sĩ cũng có thể giúp bạn điều hướng các giải pháp để hạn chế tiếp cận với thực phẩm dinh dưỡng, các vấn đề tâm lý, tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, tác dụng phụ của thuốc và các tình huống khác góp phần dẫn đến thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng.

Bí quyết tăng cân hiệu quả

bí quyết tăng cân hiệu quả

Sau đây là một số cách giúp tăng cân lành mạnh.

  • Hãy thử ăn các bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn, và thêm các bữa ăn nhẹ vào thời gian biểu của bạn.
  • Hãy gắn bó với thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như ngũ cốc, trái cây, rau, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt và protein nạc.
  • Hãy chú ý nhiều hơn đến đồ uống. Sinh tố là lựa chọn tốt hơn so với nước ép, cà phê, nước ngọt. Bạn có thể làm đa dạng món sinh tố bằng trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa.
  • Nếu đồ uống làm giảm sự thèm ăn, hãy uống 30 phút sau bữa ăn. Hãy thêm calorie trong bữa ăn bằng cách thêm phô mai, các loại đậu và hạt vào các món ăn chính.
  • Hãy tập thể dục. Bạn có thể tăng cân bằng cách tăng cơ. Tập luyện cũng sẽ kích thích sự thèm ăn của bạn.

Thiếu cân có thể dẫn đến nhiều nguy cơ cho sức khỏe, nhưng không khó để khắc phục. Với sự trợ giúp của chuyên gia, bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống, bạn có thể tăng cân khỏe mạnh và tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của việc thiếu cân.

Để duy trì sức khỏe và hình thể khỏe mạnh, ngoài việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể bạn nên xây dựng chế độ luyện tập thể dục thể thao khoa học. Hãy tải ứng dụng LEEP.APP để đặt lịch tập với những huấn luyện viên chuyên nghiệp, check in tại hơn 100 câu lạc bộ/phòng gym hoặc tham gia hàng nghìn lớp học chỉ với 1 chạm. Hãy thử và trải nghiệm điều tuyệt vời mà LEEP.APP mang đến cho bạn.

Nguồn tham khảo

6 Health Risks of Being Underweight https://www.healthline.com/health/underweight-health-risks#next-steps Ngày truy cập: 1/6/2020