Bột nghệ chỉ là gia vị nấu ăn hay còn có tác dụng gì khác?
Nghệ là một thành viên thân thiết của gia đình gừng. Bột nghệ thường được dùng như gia vị, nhưng nó cũng được biết đến với lợi ích về y học.
Bột nghệ, loại bột được làm từ thân và rễ của một loại thảo mộc Đông Ấn, là gia vị không thể thiếu giúp tạo nên màu vàng, hương vị đặc biệt cho món cà ri. Đồng thời, bột nghệ cũng được sử dụng trong y học cổ truyền hàng ngàn năm nhờ vào ảnh hưởng của nó tới sức khỏe. Nhiều nghiên cứu khoa học đã được tiến hành, nhằm chứng minh khả năng điều trị và ngăn ngừa nhiều loại bệnh khác nhau của bột nghệ. Thông qua bài viết này, bạn sẽ biết được nguồn gốc và lợi ích của chúng đối với sức khỏe!
Tìm hiểu thêm về bột nghệ
Bột nghệ là loại nguyên liệu được chế biến tự nhiên, nổi tiếng nhờ bản tính đa di năng, vừa phòng – chữa bệnh vừa giúp làm đẹp. Cây nghệ có nguồn gốc từ Ấn Độ và Nam Á, thuộc gia đình họ gừng. Rễ nghệ được thu hái và sử dụng trong nấu ăn, hoặc đun sôi trong nước và phơi khô. Sau đó, chúng được nghiền thành bột nghệ, có mùi thơm phức và vị hơi đắng. Nghệ là một loại gia vị ẩm thực quen thuộc và được sử dụng nhiều trong ẩm thực Ấn Độ, mệnh danh “ngôi sao” chính trong các món cà ri. Bên cạnh đó, chúng có thể được phục vụ trong trà ở Nhật Bản. Tại Mỹ, bột nghệ được tìm thấy trong mù tạt, pho mát và các loại thực phẩm khác – thậm chí cả latte.
Nghệ cũng là nguồn polyphenol curcumin dồi dào, hợp chất có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ.
Sử dụng bột nghệ qua con đường ẩm thực là cách phổ biến nhất để tận dụng những lợi ích sức khỏe mà nó mang lại
Hàm lượng dinh dưỡng có trong bột nghệ
Theo USDA, với một muỗng canh bột nghệ, bạn sẽ nhận được:
- 29 calorie
- 0,91g protein
- 0,31g chất béo
- 6,31g carbohydrate
- 2,1g chất xơ
- 0,3g đường
- 26% RDI mangan
- 16% RDI sắt
- 5% RDI kali
- 3% RDI vitamin C
*RDI: Reference Daily Intake – Hàm lượng hấp thu khuyến nghị hằng ngày
>>> Xem thêm: Nghệ đen – cái tên khá xa lạ nhưng nhiều công dụng bất ngờ
Lợi ích sức khỏe đến từ bột nghệ
Cải thiện hệ tiêu hóa
Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland, bột nghệ có thể cải thiện hệ tiêu hóa bằng cách kích thích tiết mật và giảm tình trạng chướng bụng, đầy hơi. Bột nghệ cũng làm tăng hoạt động của các enzym tiêu hóa, chẳng hạn như lipase (có tác dụng tiêu hóa chất béo), chymotrypsin (tiêu hóa protein) và amylase (tiêu hóa carbohydrate). Theo các chuyên gia, sự kết hợp của nghệ, ớt đỏ, tiêu đen, thìa là và hành tây đã làm tăng gần gấp đôi việc tiết mật và tăng hoạt động lipase lên 40% và hoạt tính chymotrypsin lên 77%.
Phòng chống ung thư
Theo Viện Linus Pauling, curcumin có trong bột nghệ có thể giúp bảo vệ chống lại một số dạng ung thư, đặc biệt là ung thư ruột kết và các bệnh ung thư đường tiêu hóa khác. Các nghiên cứu cho thấy curcumin có khả năng ức chế tế bào ung thư thực quản và tế bào gốc ung thư – những tế bào sẽ làm phát sinh khối u mới. Curcumin cũng cho thấy tiềm năng đáng kể trong việc điều trị ung thư phổi bằng cách tiêu diệt tế bào ung thư phổi.
Ngăn cản bệnh Alzheimer
Alzheimer đến nay vẫn còn là một ẩn số, tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng nguyên nhân do sự tích tụ của một loại protein ở trong não dẫn đến chết dần các tế bào não. Bột nghệ có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành các loại protein này. Một số khía cạnh cấu trúc của curcumin cho phép nó có các đặc tính cần thiết để ngăn chặn sự kết hợp của các protein tạo thành khối tích tụ gây nên bệnh Alzheimer. Ngoài ra, curcumin còn có khả năng thúc đẩy tăng cường các yếu tố ảnh hưởng tế bào thần kinh bắt nguồn từ não (BDNF), loại hormone chịu trách nhiệm phát triển và duy trì các tế bào thần kinh.
>>> Xem thêm: 7 yếu tố “trụ cột” làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Tinh bột nghệ là thực phẩm tự nhiên vừa tốt cho sức khỏe vừa có tác dụng làm đẹp
Chống trầm cảm
Với khả năng tăng sinh tế bào thần kinh bắt nguồn từ não (BDNF), bột nghệ sẽ giúp cải thiện tâm trạng và thúc đẩy quá trình sản xuất các loại hormone “hạnh phúc” với hai chất dẫn truyền thần kinh là serotonin và dopamine. Hàng loạt các nghiên cứu được thực hiện và kết luận rằng những bệnh nhân mắc căn bệnh trầm trạng sẽ cảm thấy tốt hơn khi uống tinh bột nghệ thường xuyên.
Nâng cao sức khỏe thận
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Journal of Nutritional Biochemistry” vào năm 2012, một số biến chứng về thận có thể được ngăn ngừa hoặc giảm bớt nhờ bột nghệ. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc bổ sung 100mg curcumin cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, liên tục trong 8 tuần đã ngăn ngừa sự tích tụ chất béo, tránh suy giảm chức năng thận. Curcumin cũng kích thích hoạt động của một hợp chất giúp thúc đẩy quá trình lọc chất độc hại ra khỏi thận.
Bảo vệ sức khỏe tim mạch
Nếu bạn muốn cải thiện sức khỏe tim mạch, bạn sẽ cần đến kali, vitamin C, cùng với curcumin. Quá trình trao đổi chất bình thường sẽ tạo ra gốc tự do, và nếu gốc tự do được sinh ra quá nhiều, chúng sẽ tấn công các tế bào khỏe mạnh, dẫn đến hệ miễn dịch yếu, ta dễ bị bệnh tim mạch và một số loại ung thư hơn. Các chất chống oxy hóa như vitamin C, kali và curcumin sẽ giúp bảo vệ các tế bào khỏe mạnh khỏi bị tổn thương do các gốc tự do gây ra. Ngoài ra, bột nghệ còn có thể cải thiện chức năng của tế bào nội mô, giúp kiểm soát huyết áp và chứng rối loạn đông máu.
Mang lại làn da trắng sáng, mịn màng
Bột nghệ nổi tiếng là nhờ vào chất curcumin, một hợp chất hóa học có khả năng chống viêm và chống oxy hóa. Curcumin có khả năng làm giảm tác hại của tia UV và khả năng kháng khuẩn, thích hợp để điều trị mụn. Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng bột nghệ có thể làm giảm sự phân hủy collagen và giữ cho làn da của bạn sáng và trẻ trung. Ngoài ra, nghệ có thể ngăn ngừa tình trạng da mẩn đỏ và kích ứng
Công thức chế biến cực kỳ đơn giản và hiệu quả
Mật ong nghệ
Nguyên liệu
- 2 muỗng cà phê tinh bột nghệ
- 1 muỗng cà phê mật ong nguyên chất
- 200ml nước ấm
Cách thực hiện
- Pha nước ấm với bột nghệ và mật ong
- Khuấy đều và uống 2 – 3 lần một ngày
Thói quen uống tinh bột nghệ với mật ong sẽ giúp bạn ngăn ngừa ung thư, tăng cường hệ miễn dịch
Sữa pha nghệ
Nguyên liệu
- 2 muỗng cà phê tinh bột nghệ
- 200ml sữa tươi ấm
Cách thực hiện
- Pha sữa tươi với bột nghệ
- Khuấy đều và uống 2 – 3 lần một ngày
Nguồn tham khảo
What is Turmeric powder? https://www.medindia.net/alternativemedicine/turmeric-powder.asp Ngày truy cập: 07/12/2020
Everything you need to know about turmeric https://www.medicalnewstoday.com/articles/306981 Ngày truy cập: 07/12/2020