Hồ Minh Ngọc: “Kendo là môn võ rèn luyện cho tôi nhân cách”

Author picture

Hồ Minh Ngọc: “Kendo là môn võ rèn luyện cho tôi nhân cách”

Nhà sử học, nhà văn người Đức Theodor Mommsen đã từng nói: “Không có đam mê, không có thiên tài”. Như trước đây nếu Thomas Edison không trải qua hơn 10.000 lần thất bại để theo đuổi đam mê thì có lẽ không có chiếc bóng đèn sợi đốt của ngày nay. Còn với Hồ Minh Ngọc, Giám đốc Marketing của SAN Group, không đến mức trở thành một thiên tài, nhưng anh đã theo đuổi đam mê của mình là cây kiếm một cách không ngừng nghỉ và từ đó đã đến với bộ môn kiếm đạo Nhật Bản Kendo. Hãy xem những chia sẻ của anh nhé.  

Chúng tôi gặp Hồ Minh Ngọc khi anh vừa thực hiện xong buổi Triển lãm Nghệ thuật chế tác kiếm cổ Nhật Bản tại Hà Nội được vài ngày. Anh vui lắm khi chia sẻ với chúng tôi về những gì đã làm được ở buổi triển lãm, về tình yêu với kiếm đạo và duyên anh đến với Kendo và Iaido.

Mất hơn một năm để hoàn thiện cây kiếm đầu tiên cho mình

Hồ Minh Ngọc đam mê kiếm từ bé qua phim ảnh lẫn truyện tranh. Hồi nhỏ anh rất hay tự chế những cây kiếm nhỏ để chơi. Lớn lên, có điều kiện hơn, anh tự mua, tự sưu tầm chúng.

Đến khi làm đồ án năm thứ 2 đại học và làm một đĩa CD tương tác nghiên cứu về các loại vũ khí cổ truyền của Nhật, những điều thú vị mới mẻ này khiến anh bị lôi cuốn mãnh liệt. Anh đã dành thời gian hơn một năm, chỉ để tìm hiểu, đi khắp các làng nghề của Hà Nội để đặt làm một cây kiếm cổ truyền. 

Hồ Minh Ngọc chay xe mô tô

Đi từ Hà Nội ra Hà Đông, mất nửa năm chỉ để rèn cho đúng lưỡi kiếm. Sau đó, anh qua làng chuyên điêu khắc, người ta làm cho anh những mẫu bằng thạch cao, chi tiết phụ kiện để mang đến làng đúc đồng Ngũ Xã. Phải đợi khoảng hai tháng mới xong vì thợ đúc chờ đủ một mẻ đồng lớn mới làm. Còn dư họ mới đúc những cái nhỏ cho anh.

Tiếp theo, Ngọc lại tìm tới những xưởng mộc để đặt những chi tiết bằng gỗ cho phần vỏ bao và cán, xong đến sơn mài, da, các loại dây, cuốn và hoàn thiện nó. Vì vậy, khi hoàn thành cây kiếm cũng hơn một năm. 

Câu chuyện cây kiếm không chỉ dừng ở đó

Hồ Minh Ngọc múa nhị đao kiếm

Càng ngày anh càng đam mê kiếm hơn. Càng nghiên cứu anh càng nhận ra đó là một thế giới rất rộng lớn. Mọi thứ văn hóa Nhật đều có thể thể hiện trên một cây kiếm. Nếu là một chuyên gia, nhìn vào cây kiếm, theo độ cong, đặc điểm của mũi kiếm, của đường vân sóng… bạn sẽ biết được gu thẩm mĩ của nghệ nhân, cây kiếm được làm từ thời nào, người rèn nó là ai… Mỗi thời đặc điểm riêng của thanh kiếm sẽ khác nhau.

Mọi thứ văn hóa Nhật đều có thể thể hiện trên một cây kiếm.

Mỗi cây kiếm đều có giấy tờ chứng minh nguồn gốc của nó

Tình cờ trong một dịp đi thi kiếm, Minh Ngọc gặp một nghệ nhân, làm quen và xin ông dạy cho mình nhưng ông không đồng ý. Ngọc không dễ dàng từ bỏ, anh vẫn làm, chụp hình gửi cho người nghệ nhân này. Không đáp lại Ngọc,  ông luôn im lặng. 

Hồ Minh Ngọc và kiếm

Cho đến một ngày, ông bực mình phải lên tiếng: Anh làm xấu quá, mọi thứ đều sai hết rồi. Và từ đó, ông mới bắt đầu dạy cho Ngọc. Ban đầu, ông chỉ dạy những bước nhỏ, nhưng thấy được niềm đam mê từ Ngọc, chịu khó làm, nghe, sửa nên càng ngày ông càng hướng dẫn chuyên sâu hơn. 

Hồ Minh Ngọc ngồi quấn kiếm tại buổi triển lãm

Ngọc ngồi quấn cán kiếm tại Triển lãm Nghệ thuật chế tác kiếm cổ Nhật Bản

Minh Ngọc hồ hởi chia sẻ thêm: “Mình thành người trực truyền, thầy dạy mình cách xử lý da cá, cách nhuộm như thế nào, hay nấu cây keo quết lên dây. Tỷ lệ thành phần trong mỗi cây keo khác nhau. Thậm chí, mình làm đúng theo tỷ lệ của thầy nhưng khi làm ở Việt Nam lại không thành công vì khí hậu, thời tiết nhiệt độ khác, làm cho cây keo không sử dụng được. Nhựa thông nhiều hơn một chút thì cây keo giòn, dầu lanh nhiều hơn thì bị chảy nhớt. Riêng chuyện làm cây keo, mình cũng mất một năm”. 

Ngọc rút kiếm ra

Kiếm là vũ khí tướt đoạt sinh mạng. Vì vậy, khi đã rút nó ra, bạn phải có trách nhiệm với nó. Khi có nhiệm vụ, bạn phải thực hiện đường kiếm thẳng thớm, cơ thể và tinh thần cũng vậy.

Từ duyên với cây kiếm Hồ Minh Ngọc đến với Kendo

Hỏi về mục đích tập Kendo, Ngọc chia sẻ là do mình thích. Từ việc yêu cây kiếm, Ngọc muốn biết cách sử dụng kiếm như thế nào. Mặt khác, Kendo có tính đối kháng và Ngọc thích thể thao đối kháng. 

Ngoài ra, Kendo còn là bộ môn giúp anh xả stress, lại tốt cho sức khỏe, mang đến sự bình yên. Khi cuộc sống o ép, mệt mỏi, khó chịu, cầm cây kiếm lên, anh có cảm giác như được xả hết nỗi niềm và tinh thần trở lại vui vẻ, thảnh thơi.

ầm cây kiếm lên, anh có cảm giác như được xả hết nỗi niềm

Ngọc vui vẻ kể: “Những người tập kiếm đều trẻ hơn tuổi. Thầy mình 86 tuổi mà nhìn cứ tưởng ngoài 70. Còn anh lớp trưởng 50 tuổi nhưng người khác lại nghĩ là ngoài 40. Tập luyện giúp người ta trẻ đẹp hơn”.  

Hồ Minh Ngọc đã lên được 3 đẳng trong Kendo

Để đạt được 3 đẳng, phải nói là một câu chuyện dài. Nếu là người mới tập, bạn sẽ bắt đầu qua 10 Kyu , sau đó lên 1 đẳng. Ít nhất một năm sau, bạn mới thi lên 2 đẳng. Hai năm sau mới thi 3 đẳng.

Trước đây, khi thi lên đẳng, Ngọc phải qua Nhật, nhưng giờ Việt Nam đã có liên đoàn thì có thể thi tại Việt Nam hoặc bạn có thể đến những nước gần hơn để thi như Thái Lan, Singapore…

Khi đi thi, có 3 trọng tài trong sân và một bàn 5 giám khảo. Mỗi người sẽ chấm về một vấn đề, ví dụ như quần áo thí sinh mặc có chỉnh tề không, nút thắt dây có đúng không, phẳng phiu không, thí sinh có giẫm vạch không, ngồi xuống thế nào, rút kiếm ra làm sao. 

Thông thường, có 4 vòng thi, mỗi vòng khác nhau. Nếu trượt vòng nào thí sinh sẽ đi về luôn ngay tại vòng đó.

  • Vòng 1, ở cấp thấp, bạn chỉ đánh bài cơ bản, đánh với nhau giao đãi lại thôi. 

Ngọc là người đang trong tư thế tấn công đối thủ 

Ngọc là người đang trong tư thế tấn công đối thủ 

  • Vòng 2, kata thi bài quyền theo quy định thể hiện độ tinh tế của mình qua đường cắt, đường chém thẳng thớm, tư thế tinh thần có tốt không. Kiểm tra xem thí sinh hiểu những bài về kiếm như thế nào.
  • Vòng 3, vòng đấu theo bảng A, B, C, D, một người sẽ đánh 2 trận. A đánh với B hay A đánh với D. Nếu thua hết thì đi về. 
  • Vòng 4 thi viết, bạn sẽ tháo giáp ra và quỳ ngay trong sân thi để làm bài. 

trường thi viết

Ngọc bật mí, khi đánh phải quan sát toàn bộ đối thủ, dùng tiếng la và động tác kỹ thuật của mình để chèn ép tinh thần đối thủ. Bị sợ hãi đối thủ sẽ chậm hơn mình lúc ấy tấn công sẽ hiệu quả hơn. 

Hồ Minh Ngọc nhận Huy chương Bạc đồng đội tại Giải Viet Nam mở rộng

Hồ Minh Ngọc nhận Huy chương Bạc đồng đội tại Giải Việt Nam mở rộng

Một đòn đánh trong Kendo được tính điểm thứ nhất là đúng kỹ thuật, thứ hai là đủ lực, thứ ba là Zanshin (toàn tâm toàn ý vào đòn đó, làm cho đối phương không thể chống lại được, ra đòn tuyệt đối khiến đối phương quy thuận mới được tính điểm).  

Đánh trúng mà bị đối thủ gạt ra được, hay giữ mình lại mà mình không xử lý được thì đòn đó xem như không tính.

   Hồ Minh Ngọc Thi đấu kendo

Có hai cách thi đấu: 

Cách 1: Thi đấu theo điểm, có 3 điểm. Thí sinh nào ghi 2 điểm trước sẽ thắng trận đó. Cứ một lần ra ngoài vòng là tính phạm luật, bị trừ 0,5 điểm.

Cách 2: là Ippon, giống như một trận đấu bằng kiếm thật. Thí sinh chỉ có 1 mạng, 1 cơ hội, mất 1 điểm là bị loại luôn.

Ngọc nói thêm: “Mình từng tham dự một giải Ippon. Cảm giác khá nặng nề, căng thẳng, vì không ai muốn “chết” nên cứ giằng co, không còn cơ hội để gỡ lại chỉ cần dính đòn là thua luôn”.

Hiện tại, Ngọc đã được 3 đẳng và anh vẫn còn muốn tiến xa nữa trong Kendo. Tập kiếm đạo xác định là đi cả đời chứ không phải chỉ là sở thích, tập ngày một ngày hai.

Ngoài Kendo, Hồ Minh Ngọc còn tập Iaido và đã đạt được 2 đẳng

Thật ra, trước khi đến với Kendo, Ngọc tập Iaido (tập với kiếm sắt) và nhờ sự khuyến khích của thầy anh tập thêm Kendo. Iaido thuộc về âm, còn Kendo là dương, cả hai bổ sung cho nhau. Iaido bổ sung về tinh thần, Kendo bổ sung về thể lực. Tập hai môn này song song, cơ thể sẽ toàn diện hơn.

Người chỉ tập Kendo không tập Iaido sẽ khó hiểu hết cái mình đang cầm trong tay là thanh kiếm

Người chỉ tập Kendo không tập Iaido sẽ khó hiểu hết cái mình đang cầm trong tay là thanh kiếm, mà chỉ xem nó như một cây gậy. Cách cư xử với cây kiếm không giống với tinh thần kiếm đạo. Còn người chỉ tập Iaido không tập Kendo thì không đủ thể lực để có những đòn cắt tốt hoặc không có được tốc độ nhanh. 

Thanh kiếm trong 2 bộ môn Kendo và Iaido

Kiếm đạo chia làm 2 loại: kiếm đạo và kiếm thuật (kenjutsu). Tập kiếm đạo để học cách sử dụng thanh kiếm, tôn trọng thanh kiếm, hiểu bản thân mình, đề cao sự sống nhiều hơn. Còn kiếm thuật là sử dụng kiếm để tấn công tiêu diệt vào những yếu huyệt trên cơ thể. 

Iaido – kiếm sắt

Trong Iaido, kiếm sắt không có bén và làm bằng hợp kim nhôm không phải hợp kim thép, nên nhẹ. Từng động tác, kỹ thuật cắt mô phỏng lại hoàn toàn nghi lễ, bài quyền phải giống như hồi xưa. Iaido hoàn toàn không có đối kháng, chỉ tập những bài quyền vì dù không bén nhưng vẫn nguy hiểm.

kiếm sắt

Kendo – kiếm tre, kiếm gỗ

Trong Kendo sử dụng kiếm tre (shinai), kiếm gỗ (bokken). Shinai đánh khi mình mặc giáp đối kháng với nhau đánh tấn công vào những điểm trên cơ thể để ghi điểm. Còn bokken, tập những bài kata, bài quyền có sẵn những đường cắt, tinh thần của mình. Nếu hai người cùng dùng kiếm đi bài quyền thì không được đánh chạm vào đối phương. 

kiếm tre

Chuẩn bị gì khi đến phòng tập?

Nếu là người mới, bạn có thể mang theo chai nước. Ngọc chia sẻ lúc mới tập anh mang theo chai 1,5 lít mà uống không đủ vì rất mệt. Sau một thời gian tập quen, anh điều tiết lại cầm chai nước nhỏ cũng không uống hết.

Giải thích điều này, anh nói khi mới tập chưa quen mình sẽ có quá nhiều động tác thừa, cơ thể đốt calorie, thở quá gấp quá nhanh khiến mình mất nước và bị mệt, uống nước để dập cảm giác đó đi. Tuy nhiên, việc làm này sẽ làm loãng điện giải khiến bạn mệt nhiều hơn và khó hồi phục. Khi biết cách điều tiết, bạn uống nước chỉ để thấm họng thôi.

Bên cạnh đó, bạn cần chú ý trang phục khi đi tập Kendo. Nếu là người mới, bạn có thể mặc đồ thể dục hoặc đồ tập võ nếu có, miễn là quần dài và tránh mặc quần đùi, áo ba lỗ. Do tập môn võ truyền thống của nước Nhật bạn nên tôn trọng văn hóa của họ. Dù thanh kiếm có hình dạng nào cũng là linh hồn người võ sĩ. Trước, sau buổi tập đều có hành động là cúi chào thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Áo quần đều phải kéo cho phẳng phiu. Nút kéo cho đều với nhau, không được lệch lạc, đan xéo hoặc vẹo. Dây kéo qua phải phẳng không được xoắn.

Một buổi tập diễn ra như thế nào?

Bước vào sân, bạn phải cúi chào, đặt giày dép đúng thứ tự và đúng hướng mới vào sân thay đồ tập. Mọi người đứng thành một vòng tròn để tập những bài khởi động. Sau đó, tập những bài kỹ thuật, những bài riêng mà thầy chia sẻ. Mọi người sẽ thực hành những bài mà thầy đã đưa cho nhuần nhuyễn. 

Xếp khăn đội đầu

Ngọc đang xếp chiếc khăn đội đầu trước khi mặc giáp lên. Điều này giúp giảm chấn thương khi đánh vào đầu.

Tiếp theo là những bài keiko, mọi người sẽ xếp đối diện nhau và từng cặp sẽ đấu với nhau khoảng 3 phút sau đó đổi vòng. Tất cả mọi người đều được đấu với nhau đầy đủ. 

Từng cặp đứng đối diện nhau

Sau đó mọi người sẽ tách ra, thầy sẽ đứng ra làm trọng tài chỉ định những bạn nào đấu với nhau. Người cũ sẽ hướng dẫn người mới. Thầy sẽ chỉ định để những bạn mới có thể cọ sát áp dụng những bài mới mà thầy đã đưa, những bạn cũ thì mài dũa với nhau. Tất cả mọi người cùng tiến bộ. 

từng cặp đấu với nhau

Một buổi tập có thể từ 20 – 40 người, trẻ em có thể tập riêng. Bạn nào có thể lực yếu tập giới hạn hơn. Có thể chia khu ra là khu mới tập, các bạn cũ sẽ thay phiên nhau vào để hướng dẫn. 

Cuối buổi mọi người ở trong tư thế quỳ, nhắm mắt, hít thở để điều tiết lại nhịp tim vì trước đó, khi đấu với nhau nhịp tim rất cao nhưng khi nhắm mắt, hít thở trong vòng 30 giây nhịp tim sẽ trở lại bình thường. 

ngồi quỳ và thiền

Sau đó, mọi người cúi chào nhau lần cuối và đi thu dọn đồ đạc ra về.

So sánh kiếm đạo và kiếm liễu

Thời gian gần đây, LEEP nhận được một số câu hỏi về lớp dạy fencing (kiếm liễu), có lẽ vì bộ môn này có trong nội dung thi SEA Games 31 và có nhiều vận động viên đạt được thành tích tốt nên được nhiều người quan tâm hơn. 

Đấu kiếm

Chúng tôi hỏi thêm Ngọc khi biết anh cũng từng thử sức với bộ môn này. Anh cho biết tập kiếm đạo khó hơn fencing, kiếm đạo giúp tăng thể lực và tốc độ, áp đảo người khác không chỉ tinh thần mà còn là khí tỏa ra nữa.

Hiện Ngọc là Giám đốc Marketing tại SAN Group, một tập đoàn bất động sản. Bên cạnh đó, anh còn là Owner and Founder của hai công ty Sugito workshopVietnam Tsukamaki. Anh còn tham gia một số dự án phim ảnh nữa, nhưng anh vẫn luôn duy trì việc tập Kendo.

“Quan trọng là làm mọi việc với lòng đam mê, điều đó tô điểm vô cùng cho cuộc sống” và Hồ Minh Ngọc đã làm được. Chúc anh có thật nhiều sức khỏe để có những bước tiến xa hơn nữa trong kiếm đạo cũng như với bộ môn Kendo nhé. 

Ảnh do nhân vật cung cấp